Cô Lành về Quảng Nam…

Thứ ba - 13/01/2015 18:40

Cô Lành về Quảng Nam…

Cô Lành ở Mỹ về Việt Nam tìm thăm bạn cũ. Xuống máy bay ở Sài Gòn, cô đón xe ra Ðà Nẵng, mấy hôm sau, cô đi Vĩnh Ðiện, một thị trấn nhỏ, cách Ðà Nẵng vài chục cây số.

 


Thực ra, trước đó vài ngày, cô có vô Vĩnh Ðiện, hỏi han vài người ở bến xe điều gì đó rồi cô lại về Ðà Nẵng. Lần nầy, cô đi Vĩnh Ðiện sớm. Trời còn lất phất mưa nên cô Lành phải mặc áo đi mưa trước khi xuống xe. Khi xe vừa ngừng thì những người chạy xe ôm vây quanh mời mọc. Họ nhao nhao lên với cô: “Ði mô cô? Tui đưa cô về nghe! Mời lên xe”. Cô Lành nói: “Tôi là khách quen của anh Hai Tí. Thấy ảnh đâu không?” Mọi người dãn ra: “Phải Tí Kế Xuyên không? Hắn ngồi quán đằng kia kìa”
Chữ “Kế Xuyên” dùng để chỉ những người nhà quê, bảo thủ, nhất là có giọng nói rặc Quảng Nam, giống như ta dùng chữ “Sịa” để chỉ dân Huế nhà quê. Tuy là Việt kiều nhưng cô Lành trông rất xập xụi. Cô mặc một bộ bà ba cũ, ngoài khoác áo đi mưa, mang đôi dép lẹp xẹp, tay cầm giỏ lác nhẹ tênh, giống các bà nội trợ, đi chợ buổi sáng về nấu ăn cho gia đình. Cô Lành theo hướng người xe thồ chỉ, đến một cái quán nhỏ, giống bất cứ quán nào ở bến xe thị trấn nghèo và vắng vẻ. Trước hiên quán là một chiếc bàn cũ với hai chiếc ghế dài. Một bình tích với bốn cái ly thủy tinh không được sạch lắm. Ngay bên trong là một cái kệ bày mấy thứ kẹo, bánh, chuối, ổi… Một người đàn ông, ngồi dựa lưng vào vách, tay cầm chiếc bánh ú, miệng nhóp nhép nhai, mắt nhìn tận đâu như đang suy nghĩ điều gì nên không thấy cô Lành bước vào.
Anh ta khoảng trên 40, người cao, ốm nhưng rắn chắc, da đen thùi, xương gò má nhô cao, hai mắt sáng trưng thụt vào hốc mắt như mắt con khỉ. Anh mặc bộ đồ nhà binh của lính Cộng Hòa cũ, đã phai thành màu xám mốc. Một chiếc xe đạp thồ tựa vào vách quán. Cô Lành hỏi: “Anh chạy xe thồ phải không?” “Dạ. Cô đi mô?” “Tôi đi nhiều chỗ lắm. Anh biết Thanh Quít không?” “Nhà tui ở đó. Răng không biết?” “Thanh Quít, nhưng vô tuốt trong xa. Anh đi nổi không?” “Ăn thua chi! Lên Di Xiên tui cũng đi tới. Cô chờ cho chút nghe. Tui en xong cái bánh ni là đi liền”
Anh xe thồ nhét phần còn lại của chiếc bánh ú vào mồm, trẹo trạo nhai rồi trợn mắt nuốt. Anh lấy cái bình tích rót một thứ nước vàng vàng vào ly, bưng uống cạn rồi lấy tay quẹt ngang miệng, coi như làm vệ sinh sau bữa ăn. Anh nói vọng vào trong quán: “Chập nữa quay lại tính tiền luôn nghe, chị Tư”
Anh đẩy xe ra, lấy chiếc áo đi mưa gài ở yên sau mặc vào. Áo đi mưa màu xám tro, dày súc, giống như áo của lính cứu hỏa. Anh mặc ngược để tránh gió lùa vào áo. Anh lấy miếng giẻ nhét dưới yên xe lau cái yên sau cho hết nước mưa. Yên sau là một miếng gỗ lớn, có bọc nệm, làm thủ công nên trông thô kịch nhưng chắc chắn. “Mời cô lên xe. Chừ đi mô đây?” Cô Lành ngồi lên yên sau: “Anh cho tôi vô chợ Vĩnh Ðiện, mua ít quà cho người quen”. “Cô ngồi rứa không được mô. Phải bỏ hai chưn hai bên, ôm tui cho chẹt. Ðường đất khó chạy lắm, ngồi rứa té bể đầu, tui mang họa”. “Ôm anh, vợ anh có ghen không?” “Vợ con chi tui. Mà có vợ, hén cũng không ghen được, chiện lồm en. Ghen tương, đúa trơ mỏ”
Anh xe thồ đạp ra đường cái một đoạn rồi rẽ xuống đường làng. Ðường tráng xi măng nhưng hẹp lại có người đi nên xe phải lách qua, lách lại như làm xiếc. Cô Lành thò tay vào trong áo mưa, vòng ra trước ôm bụng anh xe thồ. Chiếc xe đạp, vì bơm bánh cứng ngắt nên cứ nẩy lên từng lúc. Thỉnh thoảng xe thắng thình lình khiến ngực cô Lành ép sát vào lưng anh xe thồ. Ngực cô căng cứng. Anh xe thồ phải chạy chậm lại.
Xe ngừng ở đầu chợ. Cô Lành bước xuống: “Anh chờ tôi ít phút. Anh biết chỗ nào bán cam, sữa hộp không?” Vì bị cô Lành ép ngực vào lưng mình nên anh xe thồ cố ý nhìn mặt cô Lành, nhưng cô trùm mũ áo mưa sùm sụp, chỉ thấy được hai con mắt ướt rượt, đuôi mắt kéo dài ra, rõ ràng cô đang cười bằng mắt với anh ta. “Trong ni không có cam, quít chi mô. Sữa bò hợp ở quán tê tề”
***
Chợ Vĩnh Ðiện, gần Tết nên rộn rịp người mua, kẻ bán. Nông sản từ các làng lân cận đem đến. Khoai củ, gà vịt, rau quả. Ðặc biệt là rau và hoa, thứ hoa bình dân như vạn thọ, mào gà, phượng ta, cúc… khiến cho chợ rực rỡ, tươi mát, thơm tho. Có cả những cành mai của những nông dân đứng lóng ngóng đầu chợ, gặp ai cũng mời mua. Gà vịt cũng nhiều. Mấy chị đàn bà ngồi chò hỏ với mấy con gà, con vịt bị trói chân, nằm ngóc mỏ nhìn thiên hạ, vừa an phận vừa tuyệt vọng. Ai cũng đem hàng ra chợ để có chút tiền sắm Tết. Ðông khách nhất là mấy sạp vải, áo quần. Các bà, các cô lựa chọn, trả giá những mảnh vải nhiều màu sắc, những áo quần trẻ con đủ kiểu, lòe loẹt với hình những con thú, hoa lá… Cô Lành vào một tiệm tạp hóa mua mấy hộp sữa đặc. Cô tìm hàng cam, nho nhưng không thấy. Chợ nhà quê không có những hàng xa xỉ đó. Một lúc sau, cô Lành đi ra. Anh xe thồ đã trở đầu xe. Cô ngồi lên. “Chừ đi mô đây?” “Xong rồi. Anh đưa giùm tôi qua Thanh Quít.”
Ðạp một lúc, anh xe thồ ngừng lại: “Hết mưa rồi. Ðể tui cởi áo mưa. Ðộp một chập nóng thố mồ hôi, hôi rình, cô chịu chi thấu”. “Anh chở bồ, đổ mồ hôi, cô bồ có than hôi rình không?” “Bồ bịch chi mô. Chỉ có khách chịu trận thôi. Họ không núa nhưng tui biết”. “Bộ thời đi học anh không chở bồ đi chơi sao? Ði ăn quà rong, đi về nhà hái ổi, hái me…” “Chiện xưa rồi cô ơi, nhớ lồm chi cho mệt óc”. “Nhưng cô bồ của anh đâu có than hôi. Cô đó còn khen thơm nữa. Cô ta ngồi sau, hít hít cái lưng rồi khen, Thơm quá! Ðúng không?” “Cô tưởng tượng nghe cũng hay, giống tiểu thiết boa xu. Thôi, đi cho mau. Cô chỉ đường cho tôi”. “Thì anh cứ chạy dọc bờ sông…” “Rồi tới mô?” “Gần hai chục năm, tôi cũng không nhớ rõ, nhưng trước nhà có cái máy bơm nước vô ruộng, có cái máng nước băng qua đường”. “Năm bảy cái máy bơm nước, biết cái mô? Hễ thấy nhà, cô núa tui ngừng lại nghe! Cô đi thăm ai? Cô núa tên là tui biết liền. Tui sống ở đó từ nhỏ tới lớn. Ai tui không biết!” “Nói ra, sợ vừa đến là anh kêu rầm lên, Có khách đến thăm! thì đổ bể hết. Tôi muốn cho những người đó bất ngờ… cho vui.”
Xe băng qua đường cái, đổ dốc, vào đường làng. Ðường đã được tráng xi măng. Một bên là sông, với hàng tre giữ bờ, một bên là đồng ruộng, đôi chỗ cất nhà, có cả nhà ngói, có quán bán lặt vặt, vừa là tiệm tạp hóa vừa làm quán ăn. Người đi đường cũng nhiều, không giống như trước đây, chỉ thấy ruộng và cây cối hoang tàn, nhà cửa xụp xệ. Chiến tranh đã chấm dứt, người dân không còn sợ bom đạn tàn phá nên đã chú tâm vào việc dựng lại nhà cửa cho khang trang. Anh Tí chăm chỉ đạp một lúc, không biết cô Lành muốn đến đâu nên nghi ngờ: “Không chỉ chỗ mô, tui đạp miết, cô phải trỏa nhiều tiền, thiệt hại cô thôi”. “Ôm anh kiểu nầy, anh không thấy thích sao? Nghề của anh, khi chở các cô, coi bộ anh khoái lắm. Phải không?” “Tội nghiệp tui, cô ơi! Ðộp mệt thấy mẹ, sướng ích chi? Kiếm mấy đồng sống qua ngày”. “Anh sống với ai?” “Có bòa mẹ. Mà nuôi không nổi. Bữa cơm, bữa chố!” “Anh cứ đạp từ từ. Tôi không gấp. Khi chở khách, anh có nói chuyện với khách không?” “Ðộp gần thì cũng núa mấy câu. Ði xa, thở bèng mũi, bèng miệng. Khi lên dốc phải nín thở mà độp, thố mồ hôi hột. Về nhòa chưn tay rõa rời. Có chi vui mô mà chiện trò!” “Bây giờ anh cứ tưởng tượng đang chở cô bồ sau lưng, thong thả đưa người đẹp ngắm cảnh, ăn quà rong… Anh sẽ không thấy mệt.”
Anh xe thồ bỗng ngưng xe bên vệ đường, giọng nghiêm trang: “Tui chạy xe thồ kiếm mấy đồng chớ không chở bồ bịch chi hết. Chở bồ thì không lấy tiền công. Mà tui với cô có quen biết chi mô? Cô muốn bồ cô chở khỏi trả tiền thì mời cô xuống đây. Tui ăn cục núa hòn. Thà mất lòng trước được lòng sau. Ði mô cô không núa, lại ôm tui cứng ngắt, còn núa chiện bồ bịch. Lồm như tui ở không chở cô đi chơi…”
Cô Lành không giận còn đập tay lên lưng anh xe thồ một cách thân mật, cô cười mà nước mắt ứa ra, từ từ chảy xuống má. Cô móc khăn ra chùi nước mắt, khịt mũi và nói: “Tôi thuê anh từ giờ nầy đến 4 giờ chiều, anh đưa tôi ra lại bến xe về Ðà Nẵng. Anh tính bao nhiêu, tôi trả tiền trước. Anh yên tâm chưa?” Anh xe thồ dịu giọng: “Cô núa nhòa ai, tui đưa cô tới. Xin lỗi cô. Tính tui không thích núa chiện trai gái. Tui… bậy quá. Núa chộm tự ái cô.”
Cô Lành ngồi im, không trả lời. Cô liếc nhìn anh xe thồ rồi ôm mặt khóc. Cô khóc ngon lành như cô bé bị mẹ mắng oan. Anh xe thồ bối rối. Anh không biết phải làm gì, đành vịn chặt chiếc xe cho cô ngồi khóc thoải mái. Cô khóc một lúc thì chùi nước mắt, giọng tỉnh rụi: “Hễ đạp gần đến nhà nào phía trước đường có cái máy bơm nước, dưới đường có máng dẫn nước vô ruộng thì anh nói tên người chủ nhà đó. Bây giờ cảnh vật thay đổi hết rồi. Ruộng nương đã thành nhà cửa… Xin lỗi anh, tôi khóc không phải vì bị anh rầy la mà tôi thương những người thân yêu của tôi quá!”
Anh xe thồ quay nhìn trộm cô Lành. Anh nhíu mày suy nghĩ rồi quả quyết: “Chừ ri. Tui chở cô đi dọc bờ sông. Ðến cuối đường, là chỗ con đường ni quẹo vô xóm trong, cua như hết con đường bờ sông, mà cô không tìm ra nhòa người thân của cô thì tui chở cô về lại bến xe để cô về Ðòa Nẻn. Tiền công thì tui tính như với người khoác. Chẻn thiệt hại tui mà cũng chẻn thiệt hại cô. Cô ngồi vịn cho chẹt nghe!” “Dọc đường anh biết được nhà ai thì nói tên chủ nhà đó. Như vậy tôi sẽ nhớ ra. Biết đâu cái máy bơm nước dời chỗ khác hoặc nhà tôi muốn tìm đã sửa sang, xây cất lại… Anh cứ đạp từ từ.”
Anh xe thồ bắt đầu nói tên những nhà nào mà anh biết. Ðộ nửa giờ, khi qua một cái máy bơm nước, anh làm như không biết tên chủ nhà, đạp qua luôn. Nhưng cô Lành đã đập tay lên lưng anh xe thồ: “Anh dừng lại để tôi hỏi thăm. Nhà nầy coi bộ đúng rồi.” Cô xuống xe, xăm xăm đi đến một ngôi nhà lợp tôn coi bộ nghèo khổ hơn các nhà khác. Anh xe thồ vội đạp xe chạy ngược lại, dùng chiếc xe làm rào cản, không cho cô Lành bước vào. “Cô biết nhòa ai đây mà cô dốm bước vô? Nhòa công oan. Họ bắt nhốt cô bây chừ!”
Cô Lành nhìn anh xe thồ cười: “Anh dấu em đâu có được. Em thấy là nhận ra ngay. Bộ anh không muốn em đến thăm bác sao?” Vừa lúc một người đàn bà từ trong nhà đi ra, tay cầm cái chổi, có lẽ để quét sân. Bà ta khoảng trên 60 tuổi. Cô Lành đẩy chiếc xe đạp của anh xe thồ qua một bên, bước vào sân và kêu lên: “Thưa bác. Bác còn nhớ con không?” Cô Lành kéo mũ áo đi mưa đang trùm đầu xuống, hai tay vịn lên vai người đàn bà, nhìn bà, miệng cười vui mừng và chờ đợi. Người đàn bà nhìn chăm chăm cô Lành: “Ai ri hè? Cua quen quen”. “Con là con Lành đây nè. Bác nhớ ra chưa. Lâu quá! Mấy chục năm rồi…” Người đàn bà sững sờ, miệng mấp máy: “Trời đất! Lành đây hả con? Răng cua khoác quá! Nhưng boác cũng nhớ được. Con vô nhòa!” Bà ta mừng đến độ lúng túng, lập cập: “Vô nhòa, con. Trời đất ơi! Mấy chục năm mới gặp lại con. Răng, hai đứa gặp nhau ở mô mà chở nhau về đây? Ngồi đây con. Ở lại chơi, chiều về, nghe con. Hiện nay con ở mô? Chồng con ra răng? Lồm en có khá không? Núa cho boác mừng.”
Người đàn bà kéo cô Lành ngồi xuống bộ phản cũ sì, sứt mẻ, trầy trụa. Bà nói một hơi rồi nhìn cô Lành: “Choa mi! Gần hai chục năm chớ ít ỏi chi. Con ở mô mà boác bét anh Tí con roa Ðòa Nẻn tìm không thấy!” Cô Lành cúi mặt xuống, giọng giận lẫy: “Ðể đó mà ảnh tìm. Lúc nãy, gặp con ở bến xe, ảnh không thèm nhìn con. Con phải làm bộ thuê ảnh chở đi tìm người quen. Ði ngang qua nhà bác, ảnh chạy luôn. Bác nghĩ, có đáng giận ảnh không? Bác còn nhớ, lúc ảnh bị thương, nằm ở bịnh viện Duy Tân, con vô thăm ảnh, săn sóc ảnh. Vậy mà khi xuất viện về, con về đây thăm ảnh, ảnh nói đừng đến thăm nữa. Tôi sắp cưới vợ rồi. Từ đó con từ ảnh luôn, không đến đây nữa. Bác nghĩ coi. Tình nghĩa chi!”
Người đàn bà gọi “Tí! Dô biểu cua”. Anh xe thồ, tên Tí, nãy giờ đứng lóng ngóng trước sân, bèn bước vô, ngồi xuống ghế, không nhìn cô Lành. “Răng con núa có vợ cho em con không đến đây nữa?” Anh Tí ngập ngừng: “Thương phế binh, nuôi cái miệng không đủ, đèo bồng vợ con cho khổ lây. Con núa rứa cho cổ không tới nữa. Mà chắc chi gioa đình cổ chấp nhận thèng thương phế binh. Phải biết thân phận mình chớ.”
Cô Lành thút thít khóc: “Ảnh bỏ con đành đoạn. Trước đó ảnh viết thư nói thương con. Ảnh còn hỏi ý kiến con, bảo con thưa với ba má con, ảnh xin về phép, đưa bác ra Ðà Nẵng thăm gia đình con rồi xin làm đám hỏi, đám cưới, con có chịu không? Vậy mà chỉ mấy tháng sau, sau khi bị thương, ảnh bỏ con. Chắc có bồ rồi phản bội con. Bỏ mồi bắt bóng. Rồi bị cô bồ đá cho. Ðáng kiếp!” “Thiệt. Cái thèng! Mà xưa nay hén có bồ bịch, vợ con chi mô? Thôi bỏ qua chiện đó đi. Chừ con ở lại en cơm với gioa đình boác. Tí, ngồi núa chiện với em. Mẹ ra sau bứt mớ rau nấu miếng canh, en cho moát rụt”. “Khỏi nấu nướng chi cho tốn công, bác. Lúc nãy ngang qua đằng kia, con thấy có gánh mì Quảng, nhờ anh Tí đạp xe đi mua cho tiện. Con về đây thèm mì Quảng.”
Người đàn bà móc túi đưa cho anh Tí mấy tờ bạc: “Con mua boa tô, mượn luôn tô, chập nữa đem trỏa.”
Cô Lành lấy mấy hộp sữa đặt trên bàn rồi đưa cái bị cói cho anh Tí đi mua mì. Mẹ anh Tí ngồi nói chuyện với cô Lành một lát thì xuống bếp nấu nước pha trà. Cô Lành ngồi ở nhà trên, vén áo mở cái túi nhỏ đeo trước bụng lấy ra một phong bì, trong đó có một xấp tiền và một lá thư. Cô đọc lá thư, ngẫm nghĩ một lúc, gạch xóa, viết thêm mấy dòng, bỏ lại vào phong bì, cô le lưỡi liếm mép phong bì, dán lại rồi đem xuống bếp, đưa cho mẹ anh Tí: “Ðây là lá thư con gửi anh Tí, khi nào con về rồi bác mới đưa cho ảnh”
Cô ôm mẹ anh Tí và khóc: “Con thấy ảnh khổ con đứt ruột. Lúc nãy ảnh chở con, con ngồi sau, ôm ảnh, thấy xương với da, lại nghe ảnh vừa đạp xe vừa thở dốc, con khóc một trận. Con biểu ảnh đạp chậm chậm, coi như chở bồ đi chơi, cho đỡ mệt, vậy mà ảnh cự con, ảnh nói chở bồ không lấy tiền công. Ảnh chạy xe thồ, chở đi thì phải trả tiền công. Không biết ảnh có nhận ra con không mà không nghe ảnh nói với con được một tiếng dịu dàng. Chắc ảnh không còn thương con, không nhìn mặt con nữa. Phải không bác?”
Mẹ anh Tí vuốt tóc cô Lành, thở dài: “Hén không thương con thì thương ai? Hén thấy mình nghèo khổ quá nên gặp boạn bè, hén cũng giỏa lơ. Con về ghé thăm gioa đình boác rứa là quí rồi. Chừ thì đường ai nấy đi. Con cũng phải lo cho gioa đình con. Con thương hén, nhưng con phải giữ cái đức hạnh của người đàn bòa, phải bổ vệ hạnh phúc gioa đình con…” “Con đâu có chồng con chi. Ðời con, chỉ thương có mình anh Tí. Nay con về tìm thăm ảnh, tưởng ảnh đã lập gia đình rồi, không ngờ ảnh chưa có chi hết, con mừng lắm. Giả dụ như ảnh không còn thương con nữa, con cũng quyết không để ảnh với bác phải khổ đâu. Con nói điều nầy, bác khoan nói cho anh Tí biết, là con hiện ở bên Mỹ, con còn độc thân, con đi làm, không gọi rằng giàu nhưng lương khá lắm. Nếu ảnh tự ái không nhận sự giúp đỡ của con thì con gửi tiền giúp bác. Trường hợp ảnh còn thương con thì nhờ bác nói giùm con với ảnh. Con không lấy chồng vì thương ảnh, nếu ảnh không chịu cưới con thì con nhất định làm gái già chứ không lập gia đình với ai hết. Nhờ bác nói giùm con nghe bác. Hay là bác nói, ảnh không thương con cũng được nhưng phải cưới con để con về phụ với ảnh săn sóc bác, bác đã lớn tuổi rồi, bác cần một người đàn bà săn sóc khi bác ốm đau, bịnh hoạn. Thỉnh thoảng bác nói một câu, lâu ngày ảnh sẽ nghĩ lại.”
Mẹ anh Tí đẩy cô Lành ra, nhìn cô và trầm trồ: “Chu choa, con là Việt kiều hả? Reng en mẹc nghèo khổ rứa? Boác cũng không ngờ. Con lồm rứa là con biết ý thèng Tí. Con mà xưng Việt kiều, hén không tiếp con mô”. “Bởi vậy con mới ăn mặc như thế nầy. Bác cất lá thư đi, khi con về rồi thì đưa cho ảnh nghe bác. Thấy bác còn mạnh khỏe, con mừng lắm”. “Hai boác, anh chị em con, còn ai ở đây không? Hai boác có mạnh khỏe không?” “Dạ, qua hết bên Mỹ rồi. Cám ơn bác, ba mẹ con vẫn khỏe. Ba mẹ con cứ thắc mắc, tại sao, hai đứa con, con với anh Tí, tự nhiên chia tay? Con không biết trả lời sao! Bác dọ ý ảnh, khi nào ảnh xiêu lòng thì bác nói ảnh chuẩn bị cho con một số giấy tờ. Khai sinh, bản sao hộ khẩu, chứng minh nhân dân của ảnh và của bác. Qua Mỹ, con làm giấy tờ gửi về ảnh, biểu ảnh ra dịch vụ cho họ làm giấy tờ hôn thú. Bác cứ nói đại khái. Lần sau con về sẽ lo tiếp”. “Nhưng con phải núa trực tiếp với hén…” “Dạ, lát nữa ảnh về con sẽ nói với ảnh.”
Hai người đàn bà tâm sự với nhau một lúc thì anh Tí đem mì Quảng về. Ăn uống xong, mẹ anh Tí giành phần dọn dẹp, ra sau bếp rửa chén bát, còn lại cô Lành và anh Tí ngồi ở nhà trên. Anh Tí rót nước trà mời cô Lành: “Mời cô!” Cô Lành chống cằm nhìn anh Tí: “Anh không kêu em được hay sao? Có gì mà coi bộ anh giận em dữ lắm?” Anh Tí ngồi nhìn ra đường: “Lâu quá không gặp, thấy lọa, nên ngại, chứ chẳng có chi giận hờn”. “Sao lúc chở em, anh nạt nộ em, làm em sợ anh”. “Ðâu biết. Tưởng người lọa. Ðời mô tui nhìn đàn bòa, con gái.”
Cô Lành mở to mắt, nhìn sát mặt anh, thì thầm hỏi: “Có phải anh bị thương rồi có chuyện gì xảy ra cho thân thể anh không mà anh không thèm nhìn đàn bà, con gái?” Anh Tí bưng ly nước uống: “Chỉ bị thương cánh tay, bất khiển dụng ở tay, chớ có chi thay đổi mô! Ai cũng thay đổi hết, chỉ mình tui. Ðời ni là rứa đó!” “Vậy là em biết tại sao anh giận em rồi. Anh tưởng em thay lòng đổi dạ. Ðã có chồng hay ít ra cũng bồ bịch tùm lum. Phải không?” “Tui đâu dốm. Ai muốn nghĩ răng thì nghĩ. Có tật giựt mình.”
Cô Lành thò tay qua, đt bàn tay mình lên cánh tay anh Tí, vừa dịu dàng vừa bạo dạn: “Em Lành của anh vẫn lành lặn như xưa. Em sẽ chứng minh cho anh thấy. Em để dành cho riêng anh thôi. Lúc nào anh muốn cũng được.”
Anh Tí quay nhìn cô Lành mắt trợn lên kinh ngạc nhưng coi bộ hết giận: “En núa kiểu chi? Học mô roa?” “Bây giờ anh nói thật cho em rõ. Trước đây, vì sao anh nói anh sẽ có vợ, đừng đến nữa? Anh có biết, anh nói câu đó mà em bịnh một tháng, khóc hết nước mắt…?” “Thân trai trỏa xong nợ nước, tàn phế, nuôi thân không xong, lấy chi nuôi vợ con? Cũng may cho cô. Cô lấy tui, sau bảy lăm, làm răng nuôi chồng trong tù, nuôi con, nuôi mẹ? Ngay bây chừ, cô nhìn nhòa tui đây, trống trước, trống sau, gộ không đủ nấu. Cô ở được mấy bữa?”
Cô Lành bóp chặt cánh tay anh Tí: “Chuyện đó để em lo. Em chỉ hỏi anh. Anh còn thương em không? Mà không còn thương em, em cũng chấp nhận nữa. Miễn là anh cho em được thương anh, để em được gần anh, gần mẹ, săn sóc cho mẹ. Khi anh đi lính, em thường đến thăm mẹ. Mẹ coi em như con nên em cũng coi như mẹ ruột. Sau nầy, mẹ sẽ già yếu, anh là con trai, làm sao săn sóc cho mẹ được?”
Anh Tí yên lặng, rót nước uống rồi nói: “Thôi được! Nhưng cô chờ cho tuần sau, khi tui xây lại nhòa ni thành nhòa lầu, sắm một cái TV màu, một chiếc Hon đoa mới tinh… rồi tui roa Ðòa Nẻn đón cô về”. “Bộ anh hóa phép màu hay sao?” “Phép tét chi! Tui trúng độc đét, chi không có! Tuần ni không trúng thì tuần sau, tuần sau nữa. Cô cứ chờ, chớ tui đâu có phụ rảy chi cô. Chờ tới khi tui già, cô già, rồi chết là xong.
Cô núa chiện trên trời! Trừ khi cô là triệu phú thì họa may. Nhưng cô giàu có, thì tui thòa chết còn hơn là nhờ cô”. “Anh cũng bị tù cải tạo sao không đi diện HO?” “Tui đi tù. Bịnh sắp chết, h cho khiêng về chôn. Không biết răng, tự nhiên hết bịnh. Chưa đủ boa năm”. “Bây giờ em lo được giấy tờ để anh và mẹ qua Mỹ. Anh nên vì em, vì mẹ mà đi Mỹ. Nghe anh!” “Lồm giấy tờ giỏa mộ chỉ có đi tù chớ đi Mỹ chi!” “Nhưng em làm giấy tờ hợp pháp, anh có đi không?” “Dại chi không đi."
Nhưng tiền bọac, chi phí tính răng?” “Qua Mỹ, anh làm có tiền, trả lại em”. “Nhưng có chiện chi, tui không đi tù lần nữa đâu. Tui ngán đi tù rồi”. “Bảo đảm với anh không sao đâu. Miễn anh ừ một tiếng thì em lo xong ngay. Ừ đi anh!” “Tui biết cô chẻn lồm được chi mô, nhưng tui cũng ừ cho cô vui lòng”. “Nhớ nghe! Hứa là phải giữ lời. Anh nhớ lúc còn đi học, mỗi khi anh và em hứa với nhau điều gì, mình thường ngoéo tay nhau. Bây giờ mình cũng ngoéo tay đi anh”. “Thôi thôi, giòa đầu rồi, đừng lồm trò trẻ!”
Anh Tí lại làm nghiêm, cô Lành thì tìm cách sao cho anh ta cười. Cô biết tính anh Tí, nên không lấy đó làm buồn. Cô chợt hỏi: “Con Hạnh còn ở bên nhà không?” “Hén có đi mô! Giờ ni chéc hén về rồi. Hén lồm bánh bông loan bỏ mối ngoài chợ Vĩnh Ðiện và mấy tiệm en, quán nước. Ðể tui qua cua thử.”
Khi anh Tí qua nhà cô Hạnh thì cô Lành lại kéo áo mở cái túi đeo trước bụng, móc ra một tờ trăm đô, xếp nhỏ lại bỏ vào túi. Ðây là quà cô dành cho cô bạn tên Hạnh, cũng là hàng xóm của anh Tí. Chỉ 5 phút sau, cô Hạnh theo anh Tí đi vào. Anh Tí hỏi: “Mi biết ai đây không?” Cô Hạnh nhìn cô Lành, tần ngần một lúc rồi nói: “Ai ri hè? Coi giống con Lành! Phải mi là con Lành không mi?” Cô Lành đứng lên cười cười: “Cho nói lại lần nữa. Cố nhớ coi!” Cô Hạnh la to lên: “Tổ cha mi! Mi là con Lành chớ ai vô đây?” Hai cô nhào vô, ôm nhau. Cô Hạnh ứa nước mắt: “Mấy chục năm ni mi đi mô? Tao bắt ông Tí đi tìm mi mà không biết mi đi mô?!” Rồi cô Hạnh cười: “Tính tao hay khóc. Gặp mi tao mừng quá!” “Bộ mi khóc mừng gặp lại tao không đáng mấy giọt nước mắt sao mi tiếc. Ðừng làm như ông Tí. Gặp tao không thèm nhìn, còn nạt nộ tao nữa”. “Ông đó tàng tàng. Ðừng thèm để ý. Chừ mi qua nhà tao chơi. Ở lại với tao, mai về được không? Hay là sợ heo kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem mà đòi về sớm?” “Chồng con chi tao! Cầu cho có người đòi tòm tem mà người ta không thèm.”
Cô Lành nói với anh Tí: “Anh Tí chờ em qua nhà Hạnh rồi về ngay nghe. Em cần nói với anh chuyện nầy.”
Cô Lành qua nhà cô Hạnh. Nhà vắng người. Hai cô ngồi trên giường. Cô Hạnh thò tay bóp bóp đùi cô Lành rồi dòm quanh người cô Lành: “Coi bộ còn năng gớm. Ngực cũng ngon, đùi, mông tròn vo. Mi chưa chồng con là đúng. Mi coi tao, chỗ nào cũng nhão nhẹt!” “Bộ không có ai ở nhà sao mi ăn nói tự do quá vậy?” “Ông xã tao đi làm, hai đứa con đi học. Khỏi lo! Cứ nói cho sướng miệng. Nhớ hồi còn đi học không? Mấy đứa con gái tụi mình, tụm năm, tụm ba ở nhà tao, ăn me, ăn ổi rồi nói tầm bậy tầm bạ… Sướng thiệt! Chừ khổ quá. Bao lâu nay, gặp được mi tao mới có dịp nói bậy”. ” Bộ có chồng, mi không nói bậy với chồng được hay sao?” “Có nói chớ, nhưng nói chuyện khác. Chờ ổng nói trước, mình nói theo. Mi lấy chồng thì biết liền. Ủa, trước giờ mi đi đâu mà chưa chồng con chi cả? Mi lấy ông Tí đi, ổng cũng còn độc thân. Ngó rứa chớ ổng còn thương mi lắm. Mà mi chịu ổng không? Già rồi mi ơi. Tối ngủ ôm cái gối, sướng ích chi!” “Năm bảy tư, gia đình tao từ Vĩnh Ðiện dời ra Ðà Nẵng, năm bảy lăm, bỏ Ðà Nẵng đi luôn. Tao cũng thương ảnh lắm chớ! Nhưng không biết ảnh nghĩ sao? Ảnh lầm lì với tao từ sáng tới giờ”. “Mi biết tính ổng rồi. Ổng cố chấp lắm. Giọng Kế Xuyên quê đặc mà ổng đâu chịu sửa.
Ổng muốn làm mặt lạ vì ổng mặc cảm mình đạp xe thồ, mặc cảm nhà nghèo. Mi thấy đó, Tết nhứt đến nơi mà nhà ổng có sắm sửa, chuẩn bị chi đâu! Ổng nghĩ như thời xưa, lấy vợ là phải nuôi vợ con, ổng sợ thêm miệng ăn nữa thì chết! Hơn nữa tao nghĩ, có lẽø ổng nghi mi đã lấy chồng hay bồ bịch gì đó, ổng tức mà không biết nói răng. Nhưng tao biết, ổng thương mi lắm. Mi còn nhớ, khi ổng bị thương về nhà, mi ghé thăm, không biết mi với ổng có chuyện chi mà ổng qua nhà tao ngồi khóc ngon lành. Ổng nói mi bỏ ổng rồi. Coi bộ cứng rắn, lạnh lùng chớ ổng cũng mít ướt như tụi mình chớ chẳng hơn chi”. “Mi cố nói giùm tao, sao cho ảnh chịu lấy tao, thì mi có cái đầu heo”. “Mi yên tâm, để tao lo chuyện đó, ổng là của mi, chắc ăn như lấy đồ trong túi. Ngó rứa chớ tao nói là ổng nghe lời liền. Ổng coi tao như bạn thân, có gì cũng kể cho tao nghe”. “Có khi nào ảnh nhắc đến tao không?” “Tao có hỏi còn nhớ Lành không? Ổng nói. Không nhớ Lành thì nhớ ai? Có lẽ bây chừ Lành đã có chồng, có con rồi!”
Cô Lành móc túi lấy tờ bạc đã xếp nhỏ, bỏ vào túi cô Hạnh: “Tao gửi mấy đồng cho hai cháu. Bây giờ tao phải về”. Cô Hạnh nghĩ rằng bạn cho mình tờ một tờ bạc Việt Nam nên chỉ nói cám ơn mà không quan tâm”. “Ủa. Mi nói sẽ ở lại với tao mà? Ở lại, tối nay nằm nói chuyện với nhau cho đã”. “Rồi chồng mi nằm đâu?” “Ðừng lo chuyện đó. Tao tống ổng ra ngoài phản. Hay là mi qua nằm với ông Tí, tâm sự trắng đêm, cho đã thèm bấy lâu nay”. “Ðồ quỉ sứ, nói chuyện bậy bạ. Ðể tao về. Ở lại đây, đêm hôm, giấy tờ, trình thưa, tao không muốn phiền mi”
Hai người qua nhà anh Tí. Cô Lành xuống bếp ôm mẹ anh Tí, thì thầm: “Bác nói giùm con, nghe bác. Tuần sau con về lại đây. Bác nhớ lo cho ảnh ăn uống, ảnh ốm quá, con thương ảnh quá!” “Choa mi! Tao cũng đưa xương mà mi chỉ nghĩ đến hén, bét tao lo cho hén.”
Cô Lành cười chống chế: “Thì bác cũng thương ảnh, thương con. Bác muốn con với ảnh yên tâm thì bác cũng phải ăn uống cho đầy đủ. Thôi, con về nghe bác.”
Cô tựa đầu vào vai bà như cô bé làm nũng với mẹ: “Con muốn kêu bác bằng mẹ mà sợ anh Tí rầy con”. “Hén quyền chi mà rầy con?”
***
Anh Tí đã đưa xe đạp ra sân, ý muốn cô Lành về sớm. Cô Lành qua chào từ giã cô Hạnh rồi bước ra, ngồi sau xe, vòng tay ôm bụng anh Tí và nói với cô Hạnh: “Mi thấy, ai đi xe thồ cũng ôm eo ảnh. Tao ôm thì ảnh cự, nói sao ôm cứng ngắc”. “Ổng cự mặc kệ ổng. Cứ ôm chặt cho tao. Ôm ngày ôm đêm, ổng cự riết rồi khoái chí, bắt mi ôm nữa”. “Con quỉ nói trây! Tao về nghe!” Cô Hạnh vui vẻ la to lên: “Không về thì đứng xuống, khó chi! Ê! Có phải hai anh chị hẹn hò, đưa nhau vô phòng ngủ không?” Hai cô lại cười như bị thọt lét. Cô Lành ngoái cổ lại nói “Mi thành nái xề rồi mi ơi! Nói trây không biết mắc cỡ!”
Anh Tí làm thinh, đạp xe ra đường. Cô Lành ngồi sau, ôm eo, tựa đầu vào lưng anh ta. Anh Tí bực mình: “Ðừng lồm rứa, người ta thấy tề!” “Thời đi học, anh chở em đi chơi, em cũng ôm như thế nầy, sao anh không la em?” “Ði học khoác, đi xe thồ khoác.
Cô Lành không ôm anh Tí nữa, sụt sùi khóc: “Sao anh khó với em vậy?” Anh Tí yên lặng một lúc rồi thở dài: “Xin lỗi. Tui buồn quá! Buồn suốt đời. Biết ngày nồ mới vui được? Tôi chỉ sống qua ngày để nuôi mẹ giòa, sướng ích chi mà nghĩ đến vợ con.
Cô Lành lại vòng hai tay, ôm bụng anh Tí: “Bây giờ có em, em phụ với anh nuôi mẹ. Anh hãy nghĩ đến em. Anh có suy nghĩ, buồn phiền bao nhiêu cũng không làm được gì. Bây giờ em về đây tìm anh. Anh và em, trước đây, có biết bao kỷ niệm. Anh có biết khi anh bảo em về, đừng đến anh nữa vì anh sắp lấy vợ, em khóc hết nước mắt. Em giận anh nhưng quyết làm gái già chứ không thèm để mắt đến ai cả. Anh có thương em không?”
Anh Tí yên lặng, đặt bàn tay trái, bàn tay bất khiển dụng của anh lên hai tay cô Lành đang ôm bụng anh. Anh bóp tay cô Lành, nhưng bàn tay thương tật nên chỉ mấy ngón tay là cử động nhẹ. Cô Lành ép hai bàn tay mình lên bàn tay anh Tí, dụi đầu vào lưng anh Tí: “Bây giờ còn sớm, mình dừng ở quán nước đằng kia. Em nói chuyện nầy anh nghe”.

Tác giả bài viết: Phạm Thành Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập994
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm992
  • Hôm nay14,082
  • Tháng hiện tại283,979
  • Tổng lượt truy cập36,338,534
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây