Chúng ta đã trân trọng sự trong sáng của tiếng Việt?

Thứ tư - 06/12/2017 08:31

Chúng ta đã trân trọng sự trong sáng của tiếng Việt?

Dư luận lên tiếng chê bai PGS.TS. Bùi Hiền nhưng thử nhìn lại mình, liệu chúng ta đã trân trọng sự trong sáng của tiếng Việt? Bởi không ít người trong chúng ta đang góp phần làm tiếng Việt trở nên mất chuẩn, xấu xí...

Là thế hệ 8X, tôi cảm thấy rất buồn khi không ít bạn trẻ hiện nay sử dụng ngôn ngữ tương đối dễ dãi. Sự dễ dãi ấy thể hiện ngay trong gia đình, trong lớp học, cho đến mạng xã hội.

 

Tiếng Việt mất chuẩn, vì đâu?

Thực tế, trong cuộc sống hàng ngày, để ý sẽ thấy việc sử dụng tùy tiện tiếng Việt diễn ra nhan nhản. Ban đầu là ấn sai phím hoặc nói lệch từ theo trào lưu, rồi những lỗi sai đó sẽ thành thói quen khó bỏ. Đó là cách “bóp méo” tiếng Việt một cách nhanh nhất và tôi cứ thắc mắc chúng ta được gì khi “nói khác đi”?

Từ ngôn ngữ thường ngày cho đến các dòng trạng thái trên mạng xã hội, không ít bạn trẻ biến hóa ngôn từ một cách phũ phàng, thậm chí rối rắm khiến tiếng Việt không ra tiếng Việt, tiếng Anh không ra tiếng Anh, thiếu dấu, thiếu chữ... như chuyện thường ở huyện!

Chúng ta đã trân trọng sự trong sáng của tiếng Việt? - 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Nhiều người đổ lỗi cho việc sử dụng lệch chuẩn tiếng Việt do thói quen, do bạn bè đều nói vậy, chạy theo số đông, theo trào lưu, biến hóa tiếng Việt “dở ta dở tây” không khác gì tra tấn người nghe. Nhưng có khi nào chúng ta tự hỏi tiếng Việt sẽ ra sao khi bị “nêm” mắm muối?

Từ quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, sử dụng không chuẩn dễ dẫn đến việc làm “ô nhiễm” tiếng Việt mà chúng ta không hề hay biết. Ban đầu chỉ là sự cẩu thả hoặc vô ý sai lỗi chính tả trong những đoạn tin nhắn, đoạn chát, những dòng trạng thái, bình luận hoặc những lời nói thường ngày. Lâu dần sẽ thành thói quen khiến cho chúng ta bị lệch lạc trong nhận thức và ngôn ngữ trò chuyện rất nhanh.

Nhiều người cho rằng, những tin nhắn sai lỗi chính tả là chuyện bình thường, không có gì to tát. Tuy nhiên, trên thực tế, từ thói quen nhỏ đi đến những thói quen lớn rất gần, nếu không sớm ngộ ra, chúng ta đã và đang góp phần làm cho tiếng Việt đánh mất mình từng ngày, từng ngày một.

Có lẽ bài toán gìn giữ tiếng Việt, tôn trọng sự trong sáng của tiếng Việt không dễ gì giải được trong ngày một ngày hai. Khi mà đâu đó vẫn còn những từ ngữ được biến tấu linh hoạt, cẩu thả, thì con đường gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt còn dài và cam go lắm.

Trong khi đó, thay vì dạy trẻ học tiếng Việt từ bé thì nhiều bậc cha mẹ lại chú trọng cho con đi học thêm tiếng Anh, tiếng Nhật hay tiếng Trung. Khi tiếng Việt bị hững hờ, lạnh nhạt, thậm chí bị bỏ rơi, bị xem nhẹ trong suy nghĩ của các bậc làm cha làm mẹ, vậy làm sao để đứa trẻ lớn lên biết trân trọng tiếng mẹ đẻ?

 

Vậy ai sẽ là người "giải cứu" tiếng Việt?

Tôi cho rằng, ngay từ nhỏ, trẻ phải được uốn nắn và nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Việt chuẩn qua sự giáo dục của gia đình. Muốn làm được như vậy, cha mẹ phải là những người thầy “không cầm phấn” để định hướng cho con.

Chúng ta đã trân trọng sự trong sáng của tiếng Việt? - 2

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Cùng với đó, bên cạnh việc học các thứ tiếng khác, tiếng Việt phải được đề cao và có vị trí nhất định. Thiết nghĩ, học và sử dụng tiếng Việt chuẩn cũng là cách thể hiện văn hóa nguồn cội, truyền thống gia đình. Trước khi học những thứ tiếng khác, chúng ta phải dạy trẻ thông thạo tiếng Việt, bởi đó là cách tốt nhất giúp trẻ nhận ra mình là ai, biết trân trọng cội nguồn của mình. Gốc của văn hóa cũng bắt nguồn từ tiếng mẹ đẻ, vì vậy, mỗi cá nhân, mỗi gia đình cũng phải có trách nhiệm cùng nhau gìn giữ tiếng Việt sao cho trong sáng. Đừng để cách xưng hô, những lời nói vô thưởng vô phạt hàng ngày trở thành những hạt sạn, vô tình làm xấu xí đi tiếng Việt của chúng ta.

Đặc biệt, giáo viên phải nghiêm túc trong việc truyền dạy tiếng Việt chuẩn cho trẻ ngay từ mẫu giáo. Nhất là hiện nay trên thị trường có nhiều loại truyện dành cho thiếu nhi có ngôn từ thiếu chuẩn mực. Vì vậy, không còn cách nào khác, chúng ta phải tự cứu con em mình bằng cách sàng lọc sách, truyện, tài liệu cho con.

Chúng ta đừng nghĩ lỗi ngôn ngữ chỉ là “lời nói gió bay”, bởi khi nhiều người cùng nói sai sẽ thành “lỗi hệ thống”. Làm sao để tình yêu tiếng Việt không bị ăn mòn, suy giảm và xuống cấp khi những ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật đang từng ngày… lên ngôi?

Chúng ta đã trân trọng sự trong sáng của tiếng Việt? - 3

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Tôi cho rằng, khi mình sử dụng ngôn ngữ đúng mực không chỉ là cách để giữ gìn tiếng Việt mà còn là cách tôn trọng người nghe và tôn trọng chính mình. Khi biến tấu tùy tiện tiếng Việt, có khi nào, chúng ta đang hạ thấp nhân cách và phông văn hóa của chính mình?

Ngôn ngữ là công cụ để giao tiếp nên việc cần hoàn thiện theo thời gian là điều tự nhiên. Thay vì ném đá người đề xuất thay đổi, hãy gìn giữ sự trong sáng, nét đẹp của tiếng Việt ngay trong cuộc sống hàng ngày của chính mỗi chúng ta...

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hải Phinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập61
  • Hôm nay14,290
  • Tháng hiện tại431,746
  • Tổng lượt truy cập32,415,469
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây