12.000 tỷ, các tiến sỹ đóng góp gì cho giáo dục?

Thứ tư - 06/12/2017 08:33

12.000 tỷ, các tiến sỹ đóng góp gì cho giáo dục?

Tôi đọc trên mạng một tin khó tin: chi ngân sách 12.000 tỉ đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ. Ta đã có 24.300 tiến sĩ. Việt Nam ngày nay cần học cao hiểu rộng hơn. Công tác ở phường cũng cần tiến sĩ để rồi khó “đuổi” việc.

Tôi đọc trên mạng một tin khó tin: chi ngân sách 12.000 tỉ đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ. Ta đã có 24.300 tiến sĩ. Việt Nam ngày nay cần học cao hiểu rộng hơn. Công tác ở phường cũng cần tiến sĩ để rồi khó “đuổi” việc. Thế giới, chọn học tiến sĩ thường là khi muốn làm thầy và nghiên cứu sâu...

Tôi đã khuyên (thành công) 3 bạn trẻ rất giỏi, là nếu mục tiêu các bạn là XYZ, thì đừng học tiến sĩ. Tôi cũng đã chứng kiến hai vị tiến sĩ, giờ đang làm to lắm, đi học tiến sĩ bằng tiền nhà nước (lúc ấy tôi đi nghiên cứu cùng trường, chỉ 3 tháng) và thuê “lính” dịch giùm luận văn, nên mỗi lần đọc thấy học vị TS ghi trước tên họ, lại thấy buồn cười.

12.000 tỷ, các tiến sỹ đóng góp gì cho giáo dục? - 1

Ảnh minh họa.

Thú thật mấy hôm nay nghe đầu tư khủng vậy cho giáo dục nâng cao, tôi lại cứ nghĩ tới chuyện đầu tư cho bậc thấp lè tè. Và tôi rùng mình nghĩ tới những cái cầu tiêu đáng kinh hoàng của bọn trẻ.

Ở một trường tiểu học Cà Mau, khi đi cùng đoàn doanh nghiệp “đưa hàng Việt về nông thôn”, tôi phải vào nhà vệ sinh một trường tiểu học. Một gian không có cửa. Một gian thì cửa xiêu, đầy mối và bị lủng tấm ván đúng cái chỗ cần che, còn mùi xú uế cùng cái lỗ cầu thì… tôi phải nhắm mắt và nín thở, thật nhanh. Ý nghĩ ập đến, thế này mà không xảy ra hiếp dâm con nít nữ làm sao được?

Một lần khác, ở Sóc Trăng, ngủ ở phòng học cũng một trường tiểu học, tôi ra WC giữa đêm. Mở cánh cửa, đàn nhặng bay vù lên, nhắm thẳng tôi, chui vào mắt, ụp muốn kín mặt luôn. Trấn tỉnh, tôi tìm cách xua, không được, đành xông vô và thật nhanh, thoát thân. Trời ơi, bao nhiêu tiền để sửa các trường dột nát xiêu vẹo vùng cao, xây những cái cầu tiêu đàng hoàng cho bọn trẻ vùng sâu? Làm gì tới 1.000 tỉ, huống hồ 12.000 tỉ?

Vậy đó, tôi định viết lại thôi, vì thấy nó buồn quá. Nay vừa đọc bài phân tích của nhà toán học Ngô Bảo Châu mà tôi đồng ý hoàn toàn…

Ý kiến nhà toán học Ngô Bảo Châu

Cách đây gần chục năm, Việt Nam đưa ra mục tiêu 20.000 tiến sĩ cho năm 2020. Nhiều người cười và cho rằng “mục tiêu viển vông”. Tôi không có số liệu chính xác trong tay nhưng tôi tin rằng nếu có thống kê đầy đủ thì con số này đã đạt được rồi.

Nhiều người phán một cách khá vội vàng rằng tiến sĩ đào tạo gần đây toàn là tiến sĩ giấy. Đúng là chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước còn rất thấp, nhiều cơ sở đào tạo theo nhu cầu chuẩn hoá bằng cấp, coi nhẹ mọi chuẩn mực hàn lâm. Mặt khác, tôi nghĩ rằng đa số trong số khá đông tiến sĩ đào tạo ở các nước phương tây trong những năm gần đây có trình độ khoa học tốt, ít nhất không kém hơn những người được đào tạo ở Liên Xô, hay các nước xã hội chủ nghĩa trong những thập kỷ trước.

Tôi đã tiếp xúc, và nghiên cứu hồ sơ một số không nhỏ trong số xấp xỉ một trăm tiến sĩ toán xuất thân từ chương trình thạc sĩ quốc tế liên kết giữa Viện toán học, Sư phạm Hà Nội và một số trường đại học ở Pháp và Đức, chương trình này bắt đầu từ 2005. Tuyệt đại đa số họ đều có những công trình khoa học nghiêm túc, được công bố ở những tạp chí đàng hoàng. Tôi tin rằng tình hình ở các ngành khoa học khác cũng vậy, tuy rằng cần có một thống kê đầy đủ và chính xác hơn.

Như vậy, các chương trình 322, 911... dùng tiền ngân sách đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài có hiệu quả không. Tôi tin là có.

Giảng viên ở các trường đại học có cần có bằng tiến sĩ hay không. Tôi tin là có, vì đó là chuẩn mực quốc tế. Nếu chẻ chữ University ra thì ta thấy nó xuất phát từ chữ Universal. Làm University theo kiểu đặc thù là cách tự mâu thuẫn ngay trong phát biểu. 

Nhưng câu hỏi đặt ra là có nên tiếp tục sử dụng ngân sách để đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài hay không, thì tôi tin là không. Ít nhất không phải ở quy mô như đang nghe nói.

Điều bất hợp lý lớn nhất là Nhà nước có thể bỏ ra 2.000 USD/tháng cho một người đi học tiến sĩ ở nước ngoài, nhưng khi họ đã tốt nghiệp và đi dạy ở đại học VN thì mức lương khởi điểm của họ sẽ nhỏ hơn 150 USD/tháng.

Nếu thu nhập khởi điểm của giáo viên đại học đạt ở mức tương đương, hoặc chỉ bằng 70% thu nhập ở các ngành khác trong xã hội với yêu cầu trình độ tương đương, thì có lẽ không cần nhà nước phải hỗ trợ, các bạn trẻ sẽ tự tìm cách mà đi làm tiến sĩ ở nước ngoài.

Vấn đề là đại học lấy đâu ra tiền để trả lương xứng đáng cho giảng viên. Hiển nhiên là các trường có định hướng ở phân khúc cao phải tính đủ học phí, có nghĩa là tăng học phí so với hiện nay. Các trường ở phân khúc thấp vẫn có thể duy trì mức độ học phí thấp và trả lương thấp cho giảng viên của mình.

Vậy thì vai trò của nhà nước nằm ở đâu? Vai trò của nhà nước là hỗ trợ cho các em sinh viên có điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng đủ trình độ học ở các trường ở phân khúc cao, vẫn có thể đi học ở đó với chính sách học bổng hợp lý. Thay vì việc cấp kinh phí trực tiếp cho các trường đại học như hiện nay theo đầu sinh viên, bất kể sinh viên nhà nghèo hay nhà giàu.

Quay lại câu chuyện dùng ngân sách để gửi 9.000 sinh viên đi làm tiến sĩ ở nước ngoài. Tôi tin rằng ngân sách này sẽ được sử dụng hiệu quả hơn vào hai việc như sau:

Thứ nhất, làm startup grant để các trường đại học có thể tuyển những người đã có bằng tiến sĩ và có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc;

Thứ hai, đào tạo tiến sĩ trong nước với chất lượng tốt, theo chuẩn mực quốc tế. Việc này có thể làm được nếu có funding thông qua các application call minh bạch, dựa trên các tiêu chí khoa học, để thành lập các chương trình đào tạo tiến sĩ trong nước có chất lượng.

Đa số các nước tôi biết đầu tư ngân sách để đào tạo nghiên cứu sinh ở nước mình, chứ không phải gửi đi học ở các nước khác.

Một điểm nữa cần lưu ý, việc tìm được học bổng nước ngoài đi làm nghiên cứu sinh không phải là chuyện dễ, nhưng cũng không khó như người ta tưởng. Tất nhiên, bạn phải vượt qua một số kỳ thi sát hạch, tối thiểu và có thư giới thiệu của thầy giáo để đảm bảo khả năng tư duy và thái độ làm việc.

Nếu không vượt qua các kỳ thi sát hạch tối thiểu, tôi nghĩ bạn cũng không nên mơ mộng đi làm tiến sĩ làm gì. Phần còn lại do các hội đồng khoa lựa chọn, có thể năm ăn năm thua. Nhưng thế giới thì rộng, cơ hội thì nhiều nếu bạn chịu khó đi tìm.

 

 

Tác giả bài viết: Vũ Kim Hạnh - Ngô Bảo Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập148
  • Hôm nay15,767
  • Tháng hiện tại236,995
  • Tổng lượt truy cập35,503,276
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây