1. Đau khổ giúp bạn hiểu rõ giá trị của hạnh phúc
Bạn có biết nơi nào được cho là sự viên mãn và hạnh phúc trú ngụ không? Chính là thế giới mà chúng ta đang sống. Đó là vì những lúc khó khăn sẽ khiến chúng ta đánh giá cao hơn những khoảng thời gian tốt đẹp. Khi bạn nhìn nhận các giai đoạn khó khăn nằm trong bối cảnh thăng trầm tự nhiên của cuộc sống, bạn sẽ đạt được sự viên mãn sâu sắc hơn, vượt trên niềm vui đơn thuần.
2. Coi đau khổ là cơ hội để phát triển
Khi cuộc sống dễ dàng, chúng ta sẽ không buộc phải thực hành những kỹ năng như sự khôn ngoan, kiên nhẫn và lòng từ bi. Rất dễ để trở nên khôn ngoan và kiên nhẫn khi mọi thứ đang dễ dàng. Nhưng khi những điều tồi tệ xảy ra, bạn sẽ bị đặt vào thế thử thách tất cả những phẩm chất tích cực mà bạn đã cố gắng có được.
Khi bạn đang đau khổ, hãy tận dụng cơ hội để thực hành những kỹ năng như sự tử tế, hào phóng, trầm tĩnh hoặc bất cứ phẩm chất tích cực nào mà bạn muốn xây dựng cho bản thân mình.
3. Hãy để những đau khổ mở cửa trái tim bạn
Đau khổ sẽ dạy chúng ta cảm nhận lòng từ bi và thấu cảm với những người cũng đang đau khổ, khiến chúng ta gắn kết hơn với những người xung quanh và với toàn thế giới. Đau khổ là một việc bình thường. Tất cả chúng ta đều mất người thân, kết thúc các mối quan hệ, gặp căng thẳng về tài chính và cảm thấy tự nghi ngờ bản thân. Và đây chỉ là một vài nỗi khổ phổ biến trong cuộc sống.
Khi có việc không hay xảy ra, hãy tự hỏi bản thân mình xem liệu việc này có thể khiến mình trở nên từ bi và yêu thương người khác không?
4. Học hỏi điều gì đó về chính bản thân bạn
“Ai cũng là Đức Phật của bạn”. Điều đó có nghĩa là mọi người - nhất là những người có tính cách khó gần - có thể dạy bạn điều gì đó quan trọng về bản thân bạn.
Nếu chúng ta luôn chán nản và thất vọng về những người khác, có nghĩa là chúng ta đang có vấn đề gì đó trong việc tương tác với thế giới. Thay vì đổ lỗi cho bên ngoài, chúng ta có thể học cách nhìn vào bên trong để tìm ra giải pháp cho các vấn đề trong các mối quan hệ của chúng ta. Bạn có nhanh nổi nóng? Bạn có quá nhạy cảm khi bị chỉ trích không? Hãy cố loại bỏ những kỳ vọng của bạn về cách người khác phải xử sự, thay vào đó hãy xem xét lại các phản ứng của bản thân.
5. Thực hành thiền chánh niệm để tìm sự yên bình
Một nghiên cứu cho thấy, khi thực hành thiền, những bệnh nhân bị đau cơ và các rối loạn gây đau đớn khác cảm thấy cơn đau ít gây phiền toái cho họ hơn. Thiền không làm dứt cơn đau nhưng lại tác động đến cách não bộ xử lý và phản ứng với nó. Tương tự như vậy, thiền có thể giúp bạn tìm thấy sự yên bình và điềm tĩnh ngay cả khi những hoàn cảnh bên ngoài gây khó khăn về mặt cảm xúc.
6. Củng cố mối quan hệ với những người xung quanh
Những lúc khó khăn, bạn dễ có mong muốn thu mình lại và cách biệt với mọi người để tránh cảm giác xấu hổ hay sợ hãi, nhưng những người thân có mặt là để giúp bạn. Sự đau khổ có thể giúp củng cố những mối quan hệ đáng quý nhất của bạn bằng cách buộc bạn phải tìm đến họ và nhờ giúp đỡ.
Sự yếu đuối của chúng ta giúp chúng ta kết nối với những người khác ở mức độ sâu và có ý nghĩa hơn. Vì vậy, đừng ngại chia sẻ những khó khăn của mình với những người có thể trợ giúp được nhiều nhất để họ giúp bạn giảm nhẹ gánh nặng.
7. Tự chấm dứt sự đau khổ
Theo triết học phương Đông, có một sự khác biệt giữa đau đớn và đau khổ. Nỗi đau đớn là một phần quan trọng của cuộc sống và đau khổ là cách chúng ta phản ứng với nỗi đau đớn đó. Tất cả những khó khăn mà chúng ta thêm vào nỗi đau đớn của mình thuộc trách nhiệm của chúng ta.
Ví dụ, tan vỡ một mối quan hệ là một nỗi đau đớn, nhưng chán nản và tự nói với bản thân mình rằng bạn sẽ không hẹn hò với bất cứ ai nữa là sự đau khổ.
Nói cách khác, nỗi đau đớn là những gì bạn cần chấp nhận, còn nỗi đau khổ là những gì bạn cần thay đổi. Bạn không thể loại trừ đau đớn nhưng có thể làm gì đó để chấm dứt sự đau khổ.