Một ách nô lệ trên truyền hình? Bài viết hay nên suy nghĩ

Thứ tư - 05/11/2014 03:53

Một ách nô lệ trên truyền hình? Bài viết hay nên suy nghĩ

Sáng 10/10, tôi tình cờ bắt gặp phim hoạt hình "Người con của rồng" trên màn ảnh ảnh nhỏ. Siêu phẩm 3D mừng Đại Lễ được phát sóng không lâu sau buổi tường thuật trực tiếp cuộc diễu binh. Lại thêm một bộ phim đáng thất vọng.

Người ta có dụng ý gì khi làm phim hoạt hình này? Họ muốn nó truyền tải ý nghĩa gì? Hoặc, nói cho chính xác, họ muốn dùng nó để nhồi cái gì vào đầu các em thiếu nhi?

Mọi khán giả trưởng thành, dù ở những trình độ văn hoá và cảm thụ điện ảnh khác nhau, đều có thể đồng tình trên một nhận xét. Đó là "Người con của rồng" chỉ chăm chăm quảng bá một tư tưởng duy nhất: tính "thiên mệnh" của quân quyền. Hầu hết thời lượng của bộ phim là những mẩu chuyện mê tín, tạo thành một luân khúc tẻ nhạt khẳng định lặp đi lặp lại rằng "Trời đã cho Lí Công Uẩn ngôi vua". Ngoài ra, nó không còn nội dung nào khác.

Xin lấy một vài ví dụ từ cốt truyện:

- Lúc chú tiểu Lí lau dọn đồ thờ, các bức tượng tỉnh dậy và tiếp chuyện chú. Tượng Ông Thiện và Ông Ác, mỗi bức đều cao gần chạm trần nhà, chợt xoen xoét gọi cậu bé con là Thiên Tử. Và khi "Thiên Tử" thắc mắc, cậu được Ông Thiện trả lời ngọt xớt bằng một chất giọng... công công:

"Chúng thần cứ gọi dần đi là vừa ạạạạạạ..."

- Một lần khác, thấy tiểu Lí bị thầy phạt vì tội nói dối, Ông Thiện và Ông Ác bụm miệng cười. Hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ" để "xuyên tạc, nói xấu" của hai ông thần làm "Thiên Tử" cáu lên. Những biện pháp trả thù, trù dập tức thì được hoạch định. Và thằng nhóc loắt choắt leo tót lên 2 bức tượng thần thánh khổng lồ, viết lệnh "đày đi xa 3000 dặm" vào đằng sau lựng. Đêm hôm đó, sư Vạn Hạnh thấy hai "dân oan" ủ rũ đến chào cáo từ. Họ mếu máo kêu là bị "Thiên Tử" phạt!

- Khi đến chơi đền Gióng, tiểu Lí thắp hương, cúi lạy, cầu xin Thánh Gióng phù hộ để mình được... làm vua. Thế là Thánh Gióng hiện, ban một bài thơ sấm tiếng Tàu, dự báo tiểu Lí sẽ được làm vua! Lí do: (1) "có chí lớn" (chỉ giản dị là muốn được làm vua chăng?), và (2) biết đường "sùng kính ta"!?

Thật y như chuyện tâm linh của Bộ Chính trị!

- Khi biết trời đang cơn hạn hán, tiểu Lí trèo lên lầu cao trong chùa, đánh chuông ầm ĩ và lầm rầm cầu kinh. Rồng Vàng lập tức xuất hiện và phun mưa rào, nhanh nhẹn và tận tình như cô tiếp viên hàng không nghe chuông gọi của thượng đế.

Nhưng muôn dân đói khổ đã khóc thét rầm trời cả năm, sao không có ông thánh nào nghe? A, hoá ra quyền lực khắp đất trời đều tập trung trong tay Thiên Tử!

Và tất nhiên, còn phải kể tới cái tên "Người con của rồng", cùng những tình tiết mê tín liên quan. Não trạng "thiên mệnh" được phô bày ngay trong tựa đề bộ phim, trước cả khi nó đặc sệt trong cốt truyện.

* * *

Với một nội dung như thế, phim hoạt hình này có giá trị gì?

Các tác phẩm của những xưởng hoạt hình nổi tiếng, như Disney và Ghibli, vẫn thường được khán giả và nhà phê bình ngợi ca vì bổ ích. Chúng khéo léo truyền đạt những bài học về tình người, danh dự, sự dũng cảm, sự bình đẳng, sự phấn đấu, hoà bình, môi trường trong sạch... Nhưng những điều đó hoàn toàn vắng mặt trong "Người con của rồng". Như đã nói, tính thiên mệnh của quân quyền là bài học duy nhất mà thiếu nhi có thể đúc rút sau khi xem phim. Mà "bài học" này, vì phủ nhận sạch trơn sự bình đẳng và giá trị của sự cố gắng vươn lên, không thể coi là bổ ích.

Vậy "Người con của rồng" sẽ giúp thiếu nhi ghi nhớ kiến thức lịch sử, như lời tuyên bố của nhóm làm phim? Cá nhân tôi rất nghi ngờ điều đó. Tôi đã thử ghi những kiến thức lịch sử mà bộ phim truyền đạt lên một tờ giấy, và thấy mình chỉ rặn được 5 dòng rưỡi lên trang vở ô li. Hơn nữa, đó đều là những kiến thức rất cơ bản, giản đơn, đã được trường học giảng dạy lặp đi lặp lại.

Và để công bằng với "Lí Công Uẩn: đường tới thành Thăng Long", xin lưu ý rằng "Người con của rồng" cũng lai căng không kém. Sự lai căng trong phim mừng Đại Lễ cho con trẻ còn đậm màu châm biếm hơn. Em bé nào để ý sẽ thấy vua Lí Thái Tổ nước mình đánh bài quyền của Thiếu Lâm Tự, và bắn Giáng Long Thập Bát Chưởng của bọn ăn mày Cái Bang bên Tàu. Quả là sự tương đồng lí thú!

vietnam democracy 1.jpg

Biếm hoạ mừng Đại Lễ trên internet: “Giá của vô giá trị

Và bộ phim cũng không được việc lắm trong công dụng giải trí. Nó không có nét vẽ đẹp, tình tiết hấp dẫn, nhạc nền hay. Nói tóm lại, nó chẳng có điểm tốt nào.

Nhưng nó lại là một bộ phim rất độc hại.

"Người con của rồng", với việc nhồi não trạng "Thiên mệnh" vào đầu con trẻ, sẽ để lại hậu quả gì cho nước ta? Chuyện này không khó đoán. "Thiên mệnh" là nền tảng tư tưởng của các chế độ phong kiến theo khuôn mẫu Khổng Giáo, cũng như chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng của các chế độ cộng sản. Chúng có chức năng duy trì ngôi vị của kẻ cầm quyền. Một hoàng tộc chỉ cai trị chính đáng chừng nào dân chúng vẫn tin dòng vua ấy là thánh thần, cũng như một Đảng Cộng Sản chỉ ngự trị chính đáng khi dân chúng còn tin tưởng vào sự tất yếu của thế giới đại đồng trong tương lai. Nếu một người công kích tính đúng đắn của não trạng "Thiên mệnh" (hoặc chủ nghĩa Mác - Lênin), anh ta đã làm triều vua (hoặc chế độ cộng sản) lung lay tận gốc rễ.

(Đó là lí do khiến "truyền đơn" của nghĩa quân Lam Sơn chỉ có câu "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần", thay vì những dòng lên án quân xâm lược và kêu gọi nổi dậy. Đó cũng là lí do khiến Thiên Chúa Giáo, sau một thời gian ngắn được truyền bá tự do, đã bị đàn áp dã man ở cả Nhật Bản, Việt Nam và Trung Quốc. Những ông vua phong kiến Khổng giáo không đàn áp vì thiển cận và cổ hủ. Mà bởi họ hiểu rằng Thiên Chúa Giáo là một tôn giáo "phản động", phủ nhận việc đánh đồng Trời với Vua. Lí tưởng bình đẳng, bác ái của Thiên Chúa Giáo làm cho trật tự nô lệ Khổng Giáo, nền tảng của quân quyền Á Đông, trở nên lố bịch.)

Trong các chế độ phong kiến theo khuôn mẫu Khổng giáo, đất nước là tài sản của vua, thần dân là nô lệ của vua. Một mô hình phản dân chủ như thế chắc chắn lung lay nếu người dân không cam chịu ách nô lệ. Như vậy, nền tảng tư tưởng của các chế độ phong kiến phải là một công cụ nô dịch trí óc nhân dân. "Thiên mệnh" rõ ràng không vô hại.

Não trạng "Thiên mệnh" trong chính trị không phải một khái niệm trừu tượng và mơ hồ. Nó là một niềm tin, rằng Ông Trời đã giao phó toàn bộ việc chính trị trên thế gian cho chỉ một huyết thống. Vua, tức những người thuộc huyết thống này, phải được nắm quyền lực tuyệt đối của thánh thần. Lệnh của vua là số trời, dân chúng chỉ có thể tuân theo. Nên các ông vua có thể xưng là Thiên Tử một cách hống hách.

Như vậy, não trạng "Thiên mệnh" là một niềm tin vào thần quyền trong chính trị. Nó hoàn toàn xung khắc với niềm tin Nhân Quyền. Sao con người có thể có những quyền bẩm sinh mà ngay cả thần thánh cũng bất khả xâm phạm? Những cái đầu chứa chấp não trạng "Thiên mệnh" sẽ rất lạ lẫm với tư tưởng dân chủ phương Tây. Họ không hiểu rằng mình cần được giải phóng, bởi họ nghĩ số kiếp nô lệ là chính đáng và đương nhiên. Họ không muốn đấu tranh để được sống như con người đích thực.

Não trạng "Thiên mệnh" còn có một công dụng tuyệt vời khác: kéo chính trị ra ngoài tầm với của nhân dân. Những người dân mang nó trong đầu tin rằng phải phó mặc cho Trời quyết định việc triều chính. Ví dụ, khi đất nước suy yếu, họ không tìm căn nguyên ở bản thân mình hay ở các lực lượng chính trị trên mặt đất. Họ than vãn: "Vận nước lâm nguy!". Nếu do Ông Trời gây ra, thì người chịu trách nhiệm cũng chỉ có Ông Trời. Người dân, dù là nạn nhân trực tiếp của cơn nguy, lại hoàn toàn thờ ơ và thụ động.

Ngay cả tầng lớp trí tuệ tinh hoa của dân tộc cũng không chủ động trong công việc quốc gia. Họ chỉ chờ Trời giáng xuống một minh quân lo việc nước. Trách nhiệm của kẻ sĩ và quần chúng dừng lại ở chỗ tìm kiếm và phục tùng minh quân, tức kẻ cầm quyền. Ngoài ra, đừng dây vào, và đừng bận tâm tới chính trị. (1)

Mặt khác, chính trị, vì thuộc toàn quyền quyết định của các bậc thần thánh, đã bị thổi phồng thành một chuyện to tát, cao siêu. Chính trị được cho là ngoài tầm hiểu biết, tưởng tượng và mơ ước của những người bình thường. Kết quả là nhân dân vừa kinh sợ chính trị, vừa thờ ơ với chính trị.

Não trạng "Thiên mệnh" còn đem lại sự chính đáng cho bạo quyền. Nó khiến bạo quyền được nhìn nhận như một số phận bắt buộc, một sự trừng phạt Trời ban, thay vì như một tội ác mà con người gây ra cho đồng loại. Trong chế độ phong kiến, một dân thường bị xử chém oan chỉ có thể than vãn về số phận hẩm hiu của mình, hoặc tự hỏi mình đã phạm tội gì ở kiếp trước. Kẻ cầm quyền, vì đã được thần thánh hoá, sẽ không phải chịu trách nhiệm nào, và cũng không bao giờ sai. Nhân dân chỉ biết cam chịu bạo quyền. Và dần dần, họ còn tôn vinh sự cúi đầu hổ nhục này như một phương châm sống đúng đắn.

Tóm lại, chừng nào một dân tộc còn nặng não trạng "Thiên mệnh", nó sẽ ngoan ngoãn nằm im dưới móng vuốt của ách cai trị độc tài. Vậy thì cái "long thể" Đảng trị mũm mĩm đang làm mưa làm gió, khi cố rặn ra "Người con của rồng", liệu có nghĩ đến điều này không?

Nội dung của bộ phim không thể không gây lo ngại. Nó hệt như hoá thạch sống gớm ghiếc của một mô hình chính trị đã theo gót khủng long. Trong phim, việc chính trị chỉ do trời quyết định, ý chí nhân dân không được nhắc đến dù chỉ một lần. Đến cả 2 thần Thiện - Ác còn không có... các quyền con người cơ bản, và còn phải cam chịu bạo quyền của một thiên tử trẻ con. Mà kẻ cầm quyền thì hoàn toàn được thánh hoá!

Họ rốt cuộc muốn gì? Khi ca ngợi tất cả những điều bậy bạ ấy như một dĩ vãng... đáng tự hào của nước Việt Nam? Và khi chọn đối tượng khán giả trẻ em - một thế hệ tương lai đang học hỏi bằng cách bắt chước?

* * *

Chế độ phong kiến không còn nữa. Ngày nay, phải vào trại tâm thần mới được gặp những đấng tự xưng là con ông trời. Đảng đã thế chân Vua. Nhưng "Đứa con của rồng" chắc chắn vẫn nguy hại.

Não trạng "Thiên mệnh" chưa hoàn toàn biến mất. Những tàn dư của nó vẫn phủ bóng đen lên nền chính trị Việt Nam. Chúng ta chưa thể tiến đến Tự Do vì còn kẹt chân trong tâm lí nô lệ.

Bạn cho rằng người Việt Nam không còn thờ Thiên Tử? Vậy tại sao hầu hết đồng bào vẫn tôn sùng Hồ Chí Minh như thần thánh? Tại sao khi thấy thực trạng đất nước ngày càng bi đát, nhiều người có học thức vẫn gạt phăng trách nhiệm của các lực lượng chính trị, để qui tất cả vào... phong thủy của cái lăng "vua"?

Nhận thức của chúng ta về nhân quyền vẫn chưa được cải thiện. Tuyệt đại đa số người Việt chưa từng nghĩ đến những phúc lợi to lớn của tự do. Họ dè bỉu: tôi không cần mấy thứ tự do, dân chủ, nhân quyền. Họ lo lắng là "tự do quá trớn" thì loạn, và đặt niềm tin vào quyền lực tập trung. Trong khi thế giới tiến bộ tin rằng con người hiển nhiên phải được tự do, chúng ta tin rằng con người hiển nhiên phải bị xích.

Và thái độ với chính trị thì sao? Trừ những lúc ngồi trước màn hình máy tính và đứng trước gương soi ra, tôi chưa bao giờ gặp một người Việt Nam quan tâm tới chính trị. Ngược lại, khi được hỏi, ai cũng hồn nhiên trả lời rằng "tôi không quan tâm tới chính trị, vì nó là chuyện... bao đồng, chẳng ảnh hưởng tới cuộc sống của tôi". Thật không? Vậy mà họ rất hay than phiền về giá cả tăng vọt, giao thông kinh hoàng, an ninh tồi tệ, môi trường ô nhiễm..., toàn là những VẤN ĐỀ CHUNG, và vì thế chỉ có thể được giải quyết bằng chính trị. Một vị còn ngược đời tới nỗi dõng dạc tuyên bố rằng "Ai lại quan tâm tới mấy thứ vớ vẩn ấy (chính trị), thời buổi này người ta phải kiếm tiền!", ngay trong lúc việc kiếm tiền của ông đang hết sức chật vật vì luật pháp ăn cướp và chính sách kinh tế ngu xuẩn của ĐCSVN. Chính trị trong mắt chúng ta vẫn là một chuyện dưng, một chuyện "đã có nhà nước lo", một chuyện mà người dân không cần và không nên nghĩ.

Và cứ mỗi lần lỡ để người khác biết rằng chuyện chính trị vương vấn trong óc tôi, tôi lại có thêm một trải nghiệm chán ngán. Người ta sẽ dè bỉu: anh tưởng anh là bộ trưởng/thủ tướng/chủ tịch nước à, anh lấy tư cách gì để quan tâm? Tôi, chỉ vì tưởng rằng nước Việt Nam không phải vật sở hữu riêng của kẻ cầm quyền, sẽ có vinh hạnh được gọi là thằng dở hơi, tưởng mình là... vĩ nhân, đi lo những chuyện to tát. Tiện hơn hết là lập luận rằng một sinh viên 18 tuổi nên lo học hành cho tốt thì hơn. Rằng giỏi như ông Định, hoặc già như cụ Chính mà vẫn "chưa đủ tuổi để quan tâm". Chính trị, trong mắt chúng ta, vẫn là chuyện rất to, tới nỗi nhuốm màu thần thánh.

Đó là sự thực. Vì nước Mĩ có những thanh niên tuổi đôi mươi ra ứng cử làm ông nghị. Nước Đức có những câu lạc bộ chính trị mà chỉ trẻ em từ 11 đến 16 tuổi mới được tham gia. À, họ là những "vĩ nhân" rất xứng đáng trong mắt người Việt, phải không? 86 triệu người Việt trẻ con hơn họ, phải không? Tại chính trị lớn lao, hay tại chúng ta đang quì xuống?

Điều rõ ràng nhất là chúng ta vẫn phó mặc chuyện chính trị trần thế cho ông trời. Chúng ta chưa đủ tự tin để quả quyết rằng chính mình đang cầm nắm vận mệnh của bản thân và đất nước. Chúng ta nhìn nhận tham nhũng, lạm phát, bạo quyền, nền giáo dục và y tế tệ dở... như những thực trạng hiển nhiên mà mình buộc phải chấp nhận, như một số phận định sẵn cho mỗi chúng ta. Rồi chúng ta hối lộ khi gặp tham nhũng, đổi tiền khi gặp lạm phát, cúi đầu khi thấy bạo quyền, quay cóp để khỏi phải học những môn vô bổ... Chúng ta luồn lách, cố thích ứng với "số phận" cá nhân bằng những giải pháp cá nhân. Nhưng chúng không phải là những số phận cá nhân không thể lay chuyển. Chúng là những VẤN ĐỀ CHUNG, nên chỉ có thể lay chuyển bằng GIẢI PHÁP CHUNG. Cái chúng ta thực sự cần là một GIẢI PHÁP TẬP THỂ. Nghĩa là giải pháp chính trị.

Nhưng những người dân chủ - những người chỉ ra giải pháp tập thể, và vận động tập thể cùng thực hiện nó - đã hoàn toàn thoát khỏi não trạng "Thiên mệnh" hay chưa? Có lẽ chưa. Họ dù sao vẫn là người Việt.

Cụ Bùi Tín từng đánh giá tiềm năng anh Lê Công Định bằng cách... xem tướng. Và một chuyện tương tự được ông Nguyễn Gia Kiểng kể lại trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn:

"Tôi cũng biết hai người khoa bảng khác được đào tạo tại phương Tây. Không những chỉ có bằng cấp lớn mà họ còn thực sự có khả năng và bản lãnh lớn, tôi rất ngưỡng mộ họ. Câu chuyện của họ lại có liên quan tới chính tôi. Chúng tôi đã sát cánh cùng nhau tranh đấu cho dân chủ trong một thời gian. Có cố gắng dài hơi nào mà không có lúc đem tới sự mệt mỏi và nghi hoặc? Một hôm tôi được họ mời đi ăn tối cùng với một người lạ mặt mà sau này tôi được biết là một nhà tướng số nổi tiếng. Chúng tôi nói chuyện vui vẻ, nhà tướng số kia đặt nhiều câu hỏi về tôi. Ít lâu sau cả hai bạn tôi tuyên bố ngừng hoạt động. Mãi về sau tôi mới hiểu là do bữa cơm tối đó. Họ đã nhờ nhà tướng số kia cho biết về tôi và kết luận của vị này là tôi không có tướng của một minh chủ."

Nhưng "minh chủ" nào trong thời đại này, trong một cuộc cách mạng dân chủ, và trong một chính đảng dân chủ có bầu chọn tự do?

Trần Huỳnh Duy Thức mới thật độc đáo. Anh nghiên cứu sấm Trạng Trình để dự đoán các biến cố và chọn thời điểm đấu tranh. Cả cái nick "Trần Đông Chấn" lẫn bài thơ "Chấn Lạc Hồng" của anh đều được viết bằng ngôn từ của Kinh Dịch. Và chiến lược đấu tranh của anh, được đặt tên là "Đoài đánh Đoài", cũng thế.

Cuối cùng, anh đã lãng phí tài năng và tâm huyết của mình vì dự đoán sai và chọn đường lối sai. Vậy mà vẫn có vô số người ngưỡng mộ việc dùng kinh dịch và những lời tiên tri làm công cụ dân chủ hóa.

Còn các ông lớn của chính quyền đảng trị thì khỏi phải bàn. Họ là những kẻ mê tín nhất nước ta. Việc xây chùa, khấn lạy và đốt nhang có trong nghị trình của họ.

* * *

Những tàn dư của não trạng "Thiên mệnh" đang dung dưỡng độc tài và nhảm nhí hóa sinh hoạt chính trị. Vậy phải chăng "Người con của rồng", từ khi được thai nghén, đã nhằm mục đích nô dịch trí óc nhân dân?

Vẫn còn quá sớm để đi đến kết luận. Một chính sách văn hóa ngu dân chỉ có thể là sản phẩm của những người cầm quyền hiểu biết về văn hóa. Trong khi đó, cơ quan tuyên giáo của Đảng chỉ có các ngu quan. Họ giống nạn nhân hơn là thủ phạm.

Hơn nữa, nếu đa số người Việt nhiễm nặng não trạng "Thiên mệnh", thì những nhà điện ảnh Việt Nam hẳn phải nằm trong số các con bệnh nặng nhất. Ở mọi quốc gia, những người làm văn hóa - nghệ thuật luôn là những công dân mang đậm hồn tính dân tộc hơn cả. Sản phẩm của họ có lẽ chỉ thể hiện một tâm lí chung của người Việt, mà cụ Tín, anh Thức, bộ chính trị, và chính chúng ta cũng đang mang. Và dù sao, một bộ phim đơn lẻ chưa thể xem như một chính sách.

Nhưng chúng ta vẫn cần hiểu rõ tính nguy hại của hiện tượng. Để kịp thời bảo vệ trẻ nhỏ, để có ý thức tự sửa mình. Và cũng để cảnh báo nhau về một "ách nô lệ TV" thực sự, mà ngay lúc này chúng ta đang bị vạ lây:

Phim Trung Quốc.

Đã có không ít bài viết cảnh báo nguy cơ "người Việt thuộc sử Tàu hơn sử Việt" do xem phim dã sử Trung Quốc quá nhiều. Nhưng nguy cơ từ phim Trung Quốc thực ra không chỉ có vậy. Điểm bất hợp lí nhất, mà ít người nhận ra, là phim cổ trang chiếm tối thiểu 70% tổng số phim Trung Quốc. Những phim điện ảnh kinh phí cao của Trung Quốc trong mấy năm gần đây cũng toàn là phim cổ trang. Trung Quốc có lẽ là nước sản xuất nhiều phim về thời phong kiến nhất địa cầu. Nhưng vì sao, trong khi thế giới hôm nay đang sống trong một hiện thực khác hẳn?

Chắc chắn không phải để nâng niu kiến thức lịch sử Trung Quốc. Chẳng có chính sách giáo dục lịch sử nào, dù cuồng tín đến mấy, lại ngốn hết những 70% tổng số các bộ phim. Hơn nữa, phim dã sử Trung Quốc rất phản giáo dục. Chúng luôn có khuynh hướng xuyên tạc lịch sử để tô hồng những triều đại phong kiến, vốn phản động gấp nhiều lần so với chế độ độc tài. Nếu coi học Sử là việc tìm tòi quá khứ để rút ra những bài học cho tương lai, thay vì việc học vẹt những sự kiện và mốc ngày giờ, thì phải dặn học sinh tránh xa phim dã sử Trung Quốc.

Vậy là Đảng Cộng Sản Trung Hoa, một cách rất nhiệt thành, đang làm tuyên truyền viên không lương cho mô hình chính trị tiền nhiệm. Để làm gì, ngoài nhồi não trạng "Thiên mệnh" vào đầu nhân dân?

Trong lúc tôi viết dở bài này, một ông tướng trong phim Tàu vừa uống thuốc độc tự tử. Ông dùng cái chết thảm của mình để chứng minh lòng trung quân. Hành vi nô lệ ấy được bộ phim ngợi ca hết lời. Nhà làm phim cho nó là hay, và muốn khán giả học tập.

Những chi tiết độc hại như thế xuất hiện trong hàng nghìn, hàng vạn phim cổ trang, mà người dân Trung Quốc và Việt Nam tiếp nhận từ hồi tấm bé. Chưa có tư duy phê phán và sự ngờ vực, những khán giả nhỏ tuổi chỉ có thể bắt chước theo. Trong khi đó, có bộ phim Tàu nào xiển dương tự do, dân chủ, nhân quyền hay không? Phim dã sử Trung Quốc tô vẽ và đánh bóng trật tự nô lệ phong kiến trong mắt nhân dân, sau khi nhân dân đã hoàn toàn bị cách li với thông tin về đời sống dân chủ. Nó khiến chúng ta nhìn bầu trời tự do khi bị nhốt dưới đáy một cái giếng màu hồng. Những nạn nhân không nhận ra mình ở thấp hơn, và bị tù túng hơn nhân loại tiến bộ.

Xin chia sẻ một kinh nghiệm của bản thân. Hồi nhỏ, tôi tin chắc như đinh đóng cột rằng "Bác Hồ" là... vua nước Việt. Dù bà nội đã nhiều lần đính chính, tôi vẫn kiên định tư tưởng suốt vài năm. Mấy bộ phim Tàu mà hồi đó tối thích mê tơi xem ra hiệu nghiệm hơn hẳn mọi bài giảng nhạt toẹt của Ban Tuyên Giáo.

Ngày hôm nay, đa số thanh niên Việt Nam vẫn thờ Hồ Chí Minh như một ông thiên tử. Và vì thế, triều đình mà "Bác Hồ" để lại được gán cho sự chính đáng hiển nhiên. Liệu phim Tàu có góp phần đem đến thắng lợi này?

Tôi tin là có.

* * *

"Người con của rồng" là một phim thiếu nhi độc hại. Phim dã sử Tàu - một âm mưu đồng hóa và một công cụ nô dịch tư tưởng - sẽ gây cho nước Việt Nam những hậu quả đã nhãn tiền. Chúng ta cần cảnh giác số phim phản động này và tìm cách hạn chế những hệ lụy của chúng, trong chừng mực vẫn tuân thủ nguyên tắc tự do tư tưởng và tự do thông tin. Nhưng kết luận của bài này không dừng lại ở đó.

Quan trọng hơn, tôi hi vọng bạn đọc, nhất là những bạn đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, cùng chia sẻ thật dứt khoát ba điều tâm niệm sau đây:

- Thứ nhất, mọi người có cùng "Thiên mệnh". Mỗi chúng ta đều có một và chỉ một số mệnh chính trị bẩm sinh. Ấy là số mệnh làm người (2). Ai cũng xứng đáng làm chủ đời mình, làm chủ quốc gia, và làm đối tượng phục vụ tối cao của mọi chính sách.

Đất nước này là của chúng ta - những người dân tự do. Đó là chủ quyền hiển nhiên mà không loại giặc nào được phép tước đoạt.

- Thứ hai, chính trị không phải chuyện xa vời, thần thánh, to tát và cao siêu. Chính trị bình dân và gần gũi. Khi nhắc đến chính trị, đừng liên tưởng đến những quan lớn hợm hĩnh và xa lạ, những mĩ từ đao to búa lớn, những vĩ nhân "gánh vác việc nước", những thiên tử "chăm lo muôn dân". Cái chúng ta cần liên tưởng ngay là 90 triệu dân thường kiên quyết bảo vệ quyền làm chủ của chính mình bằng báo chí, hội đoàn, lá phiếu và ghế nghị viên - tức những vũ khí của hòa bình, thỏa hiệp và đoàn kết.

Chính quyết định chính trị của các công dân, chứ không phải "tài đức" tùy tiện của kẻ cầm quyền, đang lèo lái nước Việt Nam. Vì chúng ta quyết định thờ ơ với chuyện nước non, đất nước trở nên thua kém một cách đáng hổ nhục. Vì chúng ta quyết định buông vũ khí, băng đảng tài phiệt đỏ thỏa sức đè đầu cưỡi cổ chúng ta. Vì chúng ta lánh xa chính trị, bọn tham nhũng được dịp chuyên quyền. Mọi việc đã khác nếu chúng ta hiểu rằng quan tâm đến chính trị là một thái độ đúng, bình thường và rất hiển nhiên. Lánh xa chính trị mới là dị thường và ngu xuẩn.

Lập luận cần có rất dễ hiểu. Suy cho cùng, chính trị không hề cao siêu ghê gớm. Nó chỉ giản dị quá trình tìm kiếm những giải pháp chung cho những vấn đề chung. Vậy thì làm gì có chuyện "tôi không cần quan tâm đến chính trị, vì chính trị không ảnh hưởng đến tôi"? Đến bò rừng châu Phi còn hiểu rằng nếu không hợp thành đàn, chúng sẽ không thể đương đầu với thú dữ.

Người Việt Nam, dù đang đối mặt với nhiều "thú dữ" hơn hẳn mức chung bình, vẫn chưa chịu hợp thành cái đàn bắt buộc phải có. Chúng ta thiếu ý thức đoàn kết một cách trầm trọng. Chúng ta nhìn nhận những vấn đề chung của dân tộc như những vấn đề cá nhân. Vì thế, thay vì tìm kiếm giải pháp chính trị, tức giải pháp chung, chúng ta chỉ tìm lối thoát cá nhân với trò luồn lách xé lẻ. Không đáng ngạc nhiên khi tham nhũng, nghèo đói, ô nhiễm, bạo quyền, giáo dục và y tế tồi dở... đang nuốt chửng mỗi chúng ta.

Phải xử sự khác đi. Như đã làm trong vụ Bô-xít Tây Nguyên. Rồi chúng ta sẽ thấy mình tiếp tục chiến thắng.

- Thứ ba, nếu không có dân chủ đa nguyên, nền văn nghệ nước nhà sẽ vĩnh viễn tụt hậu. Ai có thể sáng tạo sau khi bị tha hóa bởi một nền giáo dục bỏ tù con tim và khối óc? Ai có thể suy nghỉ lành mạnh nếu phải thích nghi với một xã hội bệnh hoạn, đảo điên? Ai có thể cất tiếng nói tiến bộ, nhân văn nếu phải câm điếc trước tiếng gọi của thời đại và tiếng kêu cứu của đồng bào? Ai có thể xiển dương cái đẹp, cái hay nếu phải ngợi ca một chế độ vừa tồi, vừa xấu?

Một chế độ bị dân chúng căm ghét chắc chắn không dung dưỡng nghệ thuật và nhân văn. Chúng một mất một còn. Hiện trạng nền văn nghệ nước nhà hôm nay, mà đại diện lố bịch nhất là những công trình mừng "đại lễ" trong thời gian qua, chính là minh chứng hoàn toàn thuyết phục.

Lối thoát nào cho văn nghệ Việt Nam?

Nghệ thuật chỉ đâm chồi nếu sự sáng tạo được khuyến khích, nếu người nghệ sĩ được mở miệng, nếu phẩm giá con người được toàn xã hội tôn vinh. Nói cách khác, nếu có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, và sự tôn trọng tuyệt đối nhân quyền.

Muốn cứu nền văn nghệ Việt Nam, phải giải phóng con người Việt Nam. Việc cần làm là một giải pháp chính trị, một giải pháp chung:

Dân chủ hóa.

 

Tác giả bài viết: Lê Anh Tuấn (Hà Nội)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập990
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm988
  • Hôm nay14,103
  • Tháng hiện tại284,000
  • Tổng lượt truy cập36,338,555
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây