Một thoáng Saigon

Thứ năm - 20/07/2017 06:05

Một thoáng Saigon

Tôi như nhiều người không sinh ra tại Sài Gòn nhưng suốt học trình từ tiểu học lên đại học được sống với thủ đô của miền Nam, mà qua tên gọi mỹ miều là “Hòn Ngọc viễn Đông”. Tôi suy tư về nguồn gốc các danh từ Sài Gòn và Hòn Ngọc viễn Đông.

 

     https://www.youtube.com/ watch?v=KXsyO34r7DI
 
www.youtube.com
Sáng tác: Nguyễn Đình Toàn. Khánh Ly hát trong Asia video "Tình ca 75-95" (1995)
 
 
 
Theo sự truy nguyên, Sài Gòn thuở ban đầu là đất của người Khờ-me, là một làng đánh cá, có tên đầu tiên là Prey Nokor mà Prey là thánh thần (dieu, god) và Nokor là thành phồ hay đô thị (la ville; town, city), mang ý nghĩa là “thành phố thánh thần”.
Năm 1862, Việt Nam là thuộc địa của Pháp, người Pháp đặt tên chính thức là Saigon. Lấy theo cách giải thích vì sao người Pháp gọi là “Saigon” do theo âm ngữ của người Tàu (Thầy Ngòn, Xi Coón) hay Miên ngữ “Prey Nokor”. Từ đó Saigon được Việt hóa là Sài Gòn.
Vì là thuộc địa của Pháp, thành phố được Pháp xây dựng rất tối tân, mới lạ, được xem là bậc nhất của vùng Đông Nam Á vào thời bấy giờ. Nên Pháp xem đó là Hòn Ngọc Viễn Đông (la Perle de l’Extrême-Orient, the Pearl of the Far East) hay theo sự ví von của người Pháp là Paris Phương Đông (Paris de l’Orient, Paris in the Orient) để ám chỉ là một thành phố giàu sang, lịch lãm của Pháp ở vùng Đông Nam Á.
 
 
 
Chùa Mariamman (Chùa Ấn)Đền Bà Ấn - Ảnh: wikipedia
 
Giả thuyết khác như theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776, năm 1674 Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ “Lũy Sài Gòn” (theo Hán Nho viết là “Sài Côn”). Đây là lần đầu tiên chữ “Sài Gòn” xuất hiện trong tài liệu Việt Nam. Vì thiếu chữ viết nên chữ Hán – “Côn” – được dùng thế cho “Gòn”. Như vậy, ngay từ năm 1674 đã có địa danh Sài Gòn, không phải đợi đến năm 1778 khi người Tàu ở Cù Lao Phố bị quân Tây Sơn tiêu diệt rồi chạy xuống lập nên Thầy Ngòn tức Đề Ngạn, hay Xi Coón tức Tây Cống.
 
 
Dù sao thì Sài Gòn và Hòn Ngọc viễn Đông vẫn là một nơi quyến rũ, ấp ủ con tim bao thế hệ dù là gốc Âu hay Á. Trước khi tôi rời Sài Gòn vì biến cố chính trị 1975, những kỷ niệm lưu luyến với Sài Gòn hay Hòn Ngọc viễn Đông có nhiều lắm. Thời sinh viên thuở ấy sao mà đẹp đẽ trong ngắn ngủi, thời gian trôi qua như cái chớp mắt mà nay đã gần 4 thập niên ly hương, nhìn lại thấy mình không còn trẻ của lứa tuổi hai mươi của Sài Gòn mộng mơ, không còn nữa kỷ niệm đêm đêm tản bộ hóng mát dọc theo bờ sông Sài Gòn, hướng mắt về mái nhà lồng bên kia là Thủ Thiêm từ bến đò, bến bắc, gió thổi mát rượi từ mé sông, không còn nữa kỷ niệm Sài Gòn mưa lãng mạn ta phải luồn lách những vũng nước không tên, trong cái giá lạnh khi lượn xe gắn máy chạy trong cơn mưa rào xối xả từ trời cao mà nước mưa bắn văng tung tóe, Sài Gòn cũng đã chìm khuất vào dĩ vãng xa xôi, rồi khi kỷ niệm trở về chỉ còn lại những nỗi nhớ đáng yêu bằng nước mắt ấm đầy ắp những lưu luyến yêu thương trong tâm tưởng, đôi lúc âm thầm trở về, cơ hồ như Sài Gòn đã sống dậy mãnh liệt trong tiềm thức cũ, mãi mãi theo ta những nhờ nhung không nguôi như bài ca:
“Sài gòn bây giờ trời mưa hay nắng?
Tà áo em bay theo giọt nắng vàng
Con đường ta đi giòng sông kỷ niệm
Nỗi nhớ trong em nỗi nhớ dịu dàng
 
Sài gòn bây giờ mưa giăng ngập lối
Hai đứa bên nhau âu yếm không rời
Đôi mắt yêu thương làn môi chờ đợi
Từng đợt mưa rơi.. bối rối bồi hồi
 
 
Sài gòn bây giờ lòng ai vương vấn
Mai anh đi rồi còn nhớ em không?
Đôi mắt nai tơ buồn xa vời vợi
Cơn gió vô tình đuổi lá vàng rơi
 
 
Sài gòn bây giờ có buồn không em?
Mưa vẫn rơi rơi.. từng giọt êm êm
Suối tóc thơm bay hương tình dịu nhẹ
Ngây ngất dạt dào con phố về đêm”
(Sài Gòn Niềm Thương Nỗi Nhớ
Tác Giả: Võ Tá Hân, Trần Ngọc)
 
Sài Gòn gắn bó với tôi bắt đầu bằng những ngày thơ ngây thành phố như một chốn phồn hoa đô hội, người ta có thể bị choáng ngợp với một đô thị mang dáng vẻ tây phương như người con gái kiều diễm, kiêu sa, đài các, rồi cũng ở một góc nào đó Sài Gòn ủ dột của phốđêm, lầy lội của xóm nghèo, trong nét bình dân của tiếng rao hàng, những con kinh nước đen,…
 
Tuyệt tác: 10 bùng binh sống động nhất Sài Gòn về đêm!
 
Nhiều người sống với Sài Gòn, dù mưa hay nắng, ban ngày hay ban đêm, bận rộn tất bật hay nhàn rỗi rong ruổi với phố xá của nó. Thưởng thức những món ngon mà cả nhóm bạn tôi khoái khẩu nào là Mì Cây Nhãn, Mì Chú Hỏa, mì La Cay Nguyễn Tri Phương, hủ tiếu gà cá chợ cũ, hủ tiếu saté Lệ Thanh Chợ Lớn. Lề đường Sàigòn xưa có hàng me Nguyễn Du, có hàng sao cao vút khúc Võ Trường Toản, Trưng Vương. 
 
 
 
Tôi nhớ rõ có những hàng phượng vĩ và hoàng điệp trong sân trường
 Petrus Ký, Sài Gòn có trường Gia Long với món bò bía, xe đậu xanh đậu đỏ; có trường Luật Khoa trên đường Duy Tân với xe nước dừa uống môi em ngọt; có trường Dược khoa, Văn khoa trên đường Cường Để chạy thẳng xuống bờ sông Sài Gòn có Bến Bạch Đằng,… Sài Gòn có những quán kem, quán cà-fé, quán ăn vỉa hè,… 


Nữ sinh trường Gia Long năm 1969 với chiếc áo dài thướt tha.
 
Những sinh hoạt bình dị có quán cơm Bà Cả Đọi, quán Bắc Bà Ba Bủn; để thưởng thức những món Sài Gòn sự khoái khẩu với hệ quả Pavlov cồn cào dạ dầy sau những buổi tan học ngày cũ bạn bè rủ nhau đi ăn hàng Sài Gòn. Tôi nhớ con hẽm kín đáo Casino Sài Gòn nào những bún chả, bánh cuốn Thanh Trì, bánh tôm Cổ Ngư; những gánh hàng rong, những xe bán thức ăn của khu Bàn Cờ, khu Nguyễn Thiện Thuật, Chợ Vườn Chuối, Chùa Kỳ Viên, Chợ Đũi,… xen kẻ trong trí nhớ có nhiều lưu niệm trong ký ức xưa, có những nhà hàng, những điểm hẹn hò như: Passage Eden, Casino Sài Gòn, Mini Rex, La Pagode, Pôle Nord, Givral, Brodard, khu thương xá Tax,… Nhắc đến Sài Gòn có những nơi như Continental, Caravelle, Majestic,… Lề đường Saigòn còn có những gánh hàng rong. Thương nhớ làm sao kỷ niệm Sài Gòn có nước mía Viễn Đông có thịt phá lấu, có gỏi đu đủ gan cháy khô bò, có bánh bột chiên, có món bánh cay gần khu Chùa Chà Và mà nhà văn Thinh Quang nhắc tôi hôm nọ. Những thực khách của những nhà hàng sang trọng theo cung cách kiểu tây phương của Sài Gòn, nhưng rồi chính họ cũng là những giới hâm mộ thường trực tại các quán cóc trên vỉa hè Sài Gòn. Đó là những nét đặt thù của Sài Gòn, của người Sài Gòn, hay thuật ngữ phương tây “Saigonais”,  hoặc “Saigonese”.
 
 
Nhớ Sài Gòn, làm sao quên nỗi những góc phố, những con đường của nơi ấy nhỉ? Năm 1865, Phó đô đốc Pierre Paul Marie de la Grandière (1807 – 1876) đại diện cho chính quyền Pháp tiến hành việc đặt tên cho 26 con đường trên địa bàn của thành phố Sài Gòn mà trước đó chỉ được đánh số thứ tự. Trải qua hơn 300 năm xây dựng và phát triển, Sài Gòn đã có hơn 1.500 con đường lớn, nhỏ và từ lâu các tên đường thay đổi do yếu tố chính trị. Thời Pháp thuộc thì đường Tự Do  xưa của ta là đường Catinat; rồi Pháp đặt C-harnerta cho tên đường Nguyễn Huệ, Pháp đặt tên đường Mac Mahon ta là Công Lý; và đường Bonard là Lê Lợi; đường Mossard là đường Nguyễn Du; đường mang tên Phó đô đốc HQ Pháp De La Grandlière ta thay bằng tên vua ta đường Gia Long; đường Paul Blanchy tên ta là Hai Bà Trưng), đường Mayer là tên vua ta đường Hiền Vương; và đại lộ Boulevard de la Somme phe ta đặt tên vua, đại lộ Hàm Nghi, nhà tôi ở đường mang tên tây D’Espagne tên ta là vua Lê Thánh Tôn,…
…………….
 
 
La Pagode
 
Những khách sạn thời Pháp thuộc tọa lạc ngay trung tâm Sài Gòn đã  là nhân chứng cho bao năm binh biến, vật đổi sao dời. Khách sạn Continental được các kiến trúc sư nổi tiếng của Pháp thiết kế và xây dựng vào năm 1880 và nay là khách sạn lâu đời nhất Việt Nam. Continental từng đón tiếp nhiều nhân vật nổi tiếng như nhà thơ Nobel của Ấn Độ là Rabindranath Tagore; văn hào Pháp André Malreaux là tác giả của La condition humaine (Thân phận con người 1933), sau làm Bộ trưởng Văn hóa Pháp (1959-1969); văn hào Anh Graham Greene (tác giả của sách bestseller “The Quiet American” – Người Mỹ Trầm Lặng); cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac, và nữ tài tử điện ảnh Catherine Deneuve (thủ diễn trong các phim đoạt giải điện ảnh Indochine, Le Dernier Métro, Belle de Jour),…

Quán Givral, nhà sách Xuân Thu… phố xưa như nỗi nhớ
của người Sài Gòn, hồn của người Sài Gòn.
 
Chủ nhân đầu tiên của Continental là Pierre Cazeau, nhà sản xuất vật liệu xây dựng, sau bán lại cho Công tước De Montpensier. Chủ sau là Mathieu Francini. Ngoài ra, Continental còn có tên là “Radio Catinat”, nơi mà giới báo chí truyền thông tụ hội, trao dổi, thu nhặt tin tức thời sự “nóng” nhất, sai có, đúng có.
 
 
Nhà hàng kỳ cựu sau Continental là Majestic, thành lập năm 1925, nằm ở góc đường Catinat và Luro (sau là Cường Để) nhìn ra bờ sông Sài Gòn, do một thương nhân người Tàu giàu có và nổi tiếng nhất nhì Sài Gòn thời bấy giờ là Hui Bon Hoa (tức chú Hỏa) xây dựng theo đồ án thiết kế của một kiến trúc sư người Pháp.
 
Suốt gần 90 năm tuổi của mình, Majestic đã đón tiếp nhiều nhân vật quốc tế, hay chính khách: Tổng thống Pháp Mitterrand, Thái tử Nhật Akishino, Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore, Thái tử Đan Mạch Henrick, Thái tử Anh Andrew, công chúa Thái Lan Maha Chakri Sring Dhorn,…
 
 
Các quán cà phê như La Pagode là nơi hội tụ của giới thơ văn, báo chí Sài Gòn một thuở như tụ quán Caffe Trieste nằm trên Vallejo Street (góc đường Grant) hướng bắc của phố San Francisco, chủ nhân là một người Ý di cư, nhưng quán cà phê nảy là nơi mà giới tao nhân mặc khách, những nghệ sĩ lui tới gặp gỡ nhau, nò là phòng hội của những nhà văn Lawrence Ferlinghetti, Alan Watts, Jack Kerouac, Allen Ginsberg, Ric-hard Brautigan, Bob Kaufman, Gregory Corso, Michael McClure, Kenneth Rexroth, Neeli Cherkovski,… nhà thơ  nổi tiếng Jack Hirschman, nghệ sĩ Peter Le Blanc, Don Moses và nhiếp ảnh gia giải Pulitzer là Joe Rosenthal, rồi những Jimo Perini, Bill Cosby, Paul Kantner, Liam Mayclem, Joey Reynolds và Mal Sharpe,… Trieste còn là nơi thi sĩ gốc Nga giải Nobel văn chương Joseph Brodsky lui tới trau chuốt thơ của mình. Còn nữa. Rồi ở góc phòng còn phảng phất bóng dáng của nhà đạo diễn nổi danh Francis Ford Coppola ngồi đọc và đánh bóng kịch bản phim “The Godfather” những năm 70.
 
nga5chuongcho copy-985cb
Ngã năm Chuồng Chó trước đây - 
 
Paris có Café de Flore, ở ngay ngã Tư của Boulevard Saint-Germain và đường St. Benoit, nơi gặp gỡ ngày xưa của văn và triết gia như André Breton, Françoise Sagan, André Malraux, Francois Mauriac, Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Albert Camus,…
 
Cái chung của La Pagode của Sài Gòn, Caffe Trieste của San Francisco hay hay Café de Flore của Paris là những địa điểm tụ họp của giới văn hoá nghệ thuật, những nơi có lịch sử của chính nó.
 
 
“Nắng SàiGòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng…”
 
Sàigòn có thơ Nguyên Sa, có nhạc Ngô Thụy Miên, hỡi những ai đã từng đi dưới cơn nắng của Sài Gòn, bạn còn nhớ chứ?
 
Nhà thơ Vũ Uyên Giang cho bài thơ nhớ Sài Gòn xưa, Sài Gòn nhớ nắng, nhớ mưa:
 
“Nhớ quá Sàigòn của thuở xưa
Ta từ Bưu Điện bước ngang qua
Nhà thờ Đức Mẹ nằm im lặng
Con phố Hàn Thuyên nắng nhạt nhòa
 
Nhớ đến Sàigon một thuở xưa
Buổi chiều nhạt nắng lại rơi mưa
Gọi thầm khe khẽ tên ai đó
Đất khách trong lòng đang đổ mưa.”
 

Vũ Uyên Giang

Sài Gòn qua nỗi nhung nhớ của nhà văn Trần Mộng Tú:
 
“Âm thanh của những tiếng động hàng ngày, như tiếng chuông nhà thờ buổi sáng, tiếng xe rồ của một chiếc xích lô máy, tiếng rao của người bán hàng rong, tiếng chuông leng keng của người bán cà rem, tiếng gọi nhau ơi ới trong những con hẻm, tiếng mua bán xôn xao khi đi qua cửa chợ, vẻ im ắng thơ mộng của một con đường vắng sau cơn mưa… Làm lên một Sài Gòn bềnh bồng trong nỗi nhớ.
 
Sài Gòn mỗi tháng, mỗi năm, dần dần đổi khác. Chúng tôi lớn lên, đi qua thời kỳ tiểu học, vào trung học thì chiến tranh bắt đầu thấp thoáng sau cánh cửa nhà trường. Đã có những bạn trai thi rớt Tú Tài phải nhập ngũ. Những giọt nước mắt đã rơi xuống sân trường. Sau đó, với ngày biểu tình, với đêm giới nghiêm, với vòng kẽm gai,với hỏa châu vụt bay lên, vụt rơi xuống, tắt nhanh, như tương lai của cả một thế hệ lớn lên giữa chiến tranh.
 
Sài Gòn như một người tình đầu đời, để cho ta bất cứ ở tuổi nào, bất cứ đi về đâu, khi ngồi nhớ lại, vẫn hiện ra như một vệt son còn chói đỏ. Sài Gòn như một mảnh trầm còn nguyên vẹn hương thơm, như một vết thương trên ngực chưa lành, đang chờ một nụ hôn dịu dàng đặt xuống.
 
 
 
 
 
ngay-mai-thuong-xa-tax-sai-gon-bi-dap-1
Thương xá Tax
Thi sĩ Phạm Sĩ Trung nhớ Sài Gòn:
 
“Sài Gòn ơi Sài Gòn
Những con đường thân quen
Hàng cây cao bóng mát
Tình yêu thật êm đềm
 
Sài Gòn ơi Sài Gòn
Nơi tôi đã lớn lên
Nhớ thương buồn vời vợi
Suốt đời chẳng sao quên”
 
 
 

Nguồn tin: Lê Sáng chuyển bài

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập347
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại278,780
  • Tổng lượt truy cập36,333,335
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây