“Người Việt làm việc vào giờ nào vậy?”

Thứ tư - 30/03/2016 09:34

“Người Việt làm việc vào giờ nào vậy?”

Trở về nước sau 10 năm học và sống ở Anh, chỉ vài ngày ở Sài Gòn, anh bạn tôi đã phải thốt lên: “Toàn người ăn, người chơi thế này thì lấy ai xây dựng đất nước?”
Qua khu Miếu Nổi, dọc bờ kênh Nhiêu Lộc, quận Bình Thạnh, anh choáng ngợp bởi hình ảnh ở các quán cà phê: tiếng nhạc mở ầm ĩ, người ngồi kín mít vào lúc 8 - 9 giờ sáng, cao điểm nhất của giờ làm việc.
Nam thanh nữ tú ngồi la liệt, quần áo lượt là bàn năm bàn bảy ngồi lướt điện thoại. Người gác chân thủng thẳng, người thẩn thơ gạt tàn thuốc, nhâm nhi ly cà phê. Có những nhóm sát phạt nhau bằng bài bạc.
Đến chiều, cũng vào giờ hành chính, các quán cà phê vẫn cứ tấp nập người. Bắt đầu từ 4 - 5 giờ chiều thì các quán nhậu từ mặt tiền đến mọi ngõ ngách, từ quán sang đến bình dân rủ nhau vào cuộc, quán nào quán nấy đông nghẹt.
Anh bạn tôi cứ thắc mắc: “Người Việt làm việc vào giờ nào vậy?”.
6 giờ chiều, đi chạy thể dục ngoài bờ kênh, anh lại than chỉ toàn gặp các cụ cao tuổi, chẳng thấy người trẻ. Dọc bờ kênh, thành phố đã lắp đặt rất nhiều dụng cụ tập thể dục thể thao mà lãng phí quá, có mấy ai dùng.
Anh bạn tôi làm việc cho một ngân hàng ở Anh, về nước trong kỳ nghỉ nhưng hàng ngày vẫn check mail trao đổi công việc, chiều chạy thể dục và tối đọc sách. Còn cô em gái, đang là sinh viên Luật cũng chỉ khi về Việt Nam mới tranh thủ đi xem phim chứ ở bên kia thời gian kín mít với việc học, đi làm thêm và tham gia các hoạt động xã hội.
Mức độ rảnh rỗi và ham chơi của người Việt thể hiện rõ nhất ở tốc độ “lấn chiếm” của các quán ăn, quán nhậu ở khắp mọi con đường, mọi địa điểm. Như đại lộ Phạm Văn Đồng kể cả khi chưa kịp khai thông thì hàng trăm quán nhậu, quán nước đã “đóng chỗ” tấp nập đến xuyên đêm.
Mặt tiền đường Phan Xích Long cách đây vài năm được coi là “đô thị” để các công ty thuê văn phòng rồi khi kinh tế khó khăn, các công ty phải rút vào địa điểm rẻ tiền hơn, “nhường” chỗ cho hàng quán. Chỉ quán ăn là trụ nổi tiền mặt bằng đắt đỏ vì có lúc nào thiếu khách hàng.
Khu cà phê bệt giữa trung tâm thành phố lúc nào cũng như có lễ hội, đông vui khôn tả. Có những nhóm bạn trẻ ngồi tám, lê lết giết thời gian từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều rồi chiều đến đêm lại tìm chỗ mới vui chơi.
Dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mật độ quán ăn nhậu vui chơi dày đặc. Cứ vài bước chân lại nghe tiếng hò dô cụng ly lại là tiếng nhạc nổ tung trời.
Khách hàng trẻ Việt trở thành “cỗ máy in tiền” cho các quán cà phê, đồ ăn nhanh, rạp chiếu phim nhập ngoại. Thậm chí những thường hiệu gà rán, đồ ăn nhanh mà anh bạn tôi nói rằng ở “bển” ế ẩm lắm thì vào Việt Nam lại trở thành hàng “hot”. Người trẻ kéo nhau vào giết thời gian đồng thời thể hiện độ thức thời, sành điệu.
Bộ phận rất đông người Việt lười lao động, làm việc qua loa, bớt xén giờ làm, công chức “cắp ô” rồi lười tư duy, suy nghĩ cho đến lười vận động. Như lời một chuyên gia nhân sự ở TPHCM, khi cùng làm việc với người lao động nước ngoài thì lao động Việt “ăn đứt” khoản chăm nhìn đồng hồ, chưa hết giờ đã vươn vai ưỡn lưng. Làm việc ngoài trời mà mưa hay nắng thì lao động Việt… chạy tìm chỗ trú đầu tiên mặc công việc, đồ đạc đang la liệt.
Tuổi trẻ thất nghiệp thì nhiều trong khi các doanh nghiệp vẫn không tuyển được người. Nhiều người không đáp ứng được yêu cầu nhưng cũng không ít người… chẳng có nhu cầu đi làm. Có người thì bất mãn đổ lỗi thời thế, hoàn cảnh cùng một bộ phận đang được cha mẹ bù đắp bằng vật chất nên ra sức hưởng thụ.
Chúng ta luôn thường tự ca ngợi mình chăm chỉ, chịu thương chịu khó nhưng bộ phận lười biếng nhiều vô cùng. Không chỉ là chuyện lười lao động mà còn là lười động não, lười tư duy và thích “ăn sẵn”.

Hình ảnh nội tuyến 1

Các bạn trẻ ngày càng xa lạ với các hoạt động văn hóa ý nghĩa (Trong ảnh: Lớp học tìm hiểu về Văn hóa Việt)
Trong lần giao lưu với sinh viên TPHCM, trước câu hỏi của các bạn trẻ làm sao để trở nên giàu, chủ tịch một tập đoàn đa quốc gia chua chát trả lời rằng trước khi bàn đến những việc to tát, các bạn hãy dốc sức vào công việc nhỏ, hãy bớt thời gian cà phê cà pháo, ăn nhậu, thời gian lên mạng vô bổ…
Lười mà thích chơi sang. Sự lãng phí không chỉ chuyện những chai bia, những món ăn điện thoại xịn, xe chảnh mà rất nhiều người Việt, trẻ có lớn có đang rất phung phí những thứ quý giá nhất của đời người là thời gian, sức khỏe và trí tuệ.

(Hoainam@dantri.com.vn)
 
 
 

Tác giả bài viết: Hoài Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập67
  • Hôm nay14,491
  • Tháng hiện tại269,352
  • Tổng lượt truy cập35,915,697
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây