Người Việt tị nạn từng là ‘nạn nhân’ của chính sách ‘chống di dân’

Thứ năm - 09/02/2017 04:56

Người Việt tị nạn từng là ‘nạn nhân’ của chính sách ‘chống di dân’

Mặc dầu hiện nay hầu hết dư luận trong và ngoài nước Mỹ bất bình với sắc lệnh ngăn chặn di dân do Tổng Thống Donald Trump vừa ban hành. Nhưng nhìn lại lịch sử nước Mỹ trải qua nhiều giai đoạn thì chính sách ấy không có gì lạ lùng.
Hà Tường Cát/Người Việt
February 6, 2017
 
 
Không phải tất cả mọi người dân Mỹ, các di dân cũ, ở mọi thời kỳ đều mang tâm lý nhân ái khoan dung sẵn sàng tiếp nhận những nhóm người mới đến, và hiểu giá trị đóng góp quan trọng của họ cho sự giàu mạnh chung của quốc gia này.
Một trường hợp gần đây nhất là năm 1975, với những phản ứng về dân tị nạn đến từ Việt Nam. Lúc ấy, các chính trị gia cấp tiến của đảng Dân Chủ, chứ không phải giới Cộng Hòa bảo thủ, lại chính là những người mạnh mẽ chống di dân, không muốn cho họ được hưởng quy chế tạm dung và định cư trên đất Mỹ.
Ðương kim Thống Ðốc California Jerry Brown (thống đốc thứ 39 từ 2011) vào thời kỳ ấy là thống đốc thứ 34 (1975-1983), được coi như người dẫn đầu chủ trương chống di dân Việt Nam. Cùng quan điểm với ông là các chính trị gia cấp tiến nổi danh khác ở đảng Dân Chủ như Thượng Nghị Sĩ Joe Biden tiểu bang Delaware, cựu ứng cử viên tổng thống George McGovern, bà Dan Elizabeth Holtzman tiểu bang New York,…
Qua nhiều năm sau khi dân tị nạn Việt Nam đã thành công trong sự tái định cư và hội nhập vào xã hội Mỹ, những nhân vật nói trên bây giờ hoàn toàn thay đổi cái nhìn và thái độ đối xử như chúng ta đều rõ.
Nhưng vào giữa thập niên 1970, cũng như nhiều người dân Mỹ khác, Việt Nam chỉ thường chỉ được hiểu đơn giản là một cuộc chiến tranh bế tắc, rất ít ai nhận định được tính cách bi thảm của đất nước cùng những giá trị của dân tộc ấy trong cuộc đấu tranh đi đến kết cục đáng buồn như thế.
Larry Engelmaan trong cuốn “Nước mắt trước cơn mưa…” dẫn lời Julia Taft, trưởng toán đặc nhiệm về công tác tái định cư dân tị nạn Ðông Dương: “Tân Thống Ðốc Jerry Brown, rất quan tâm với việc định cư 50,000 dân tị nạn tại California.” Theo bà Taft thì những chính trị gia cấp tiến thời đó cho rằng tiểu bang đã có quá nhiều dân Hispanic hưởng trợ cấp xã hội, không nên thêm nữa.
Năm 1975, tờ Los Angeles Times cho biết Thống Ðốc Brown từng có ý định ngăn cản các máy bay chở dân tị nạn Việt Nam đáp xuống căn cứ Không Quân Travis AFB gần San Francisco. Mặc dầu sự phản đối của phe Dân Chủ cấp tiến, trong vòng gần hai năm, mỗi ngày khoảng 500 người được dưa đến đây bằng máy bay vận tải quân sự và máy bay dân sự thuê bao.
Tương tự như lập luận của Tổng Thống Trump bây giờ, Thống Ðốc Brown có chủ trương rút về cô lập với quan niệm là: “Tại sao chúng ta lại lo lắng cho những người từ xa 5,000 dặm và bỏ bê dân chúng sống ở Mỹ này?”
Ngược lại, người đã có công tích cực hoạt động để đưa dân tị nạn Ðông Dương định cư ở Mỹ là Tổng Thống Cộng Hòa Gerald Ford. Ông kêu gọi Quốc Hội nhanh chóng thông qua đạo luật trợ giúp Di Dân và Người Tị Nạn (IMRA) ngày 23 Tháng Năm năm 1975 tổ chức tái định cư và cung cấp phúc lợi cho 130,000 dân tị nạn đầu tiên đến Mỹ từ năm 1975 đến 1977 và hàng trăm ngàn người những năm sau đó.
Thượng Nghị Sĩ Joe Biden tìm cách trì hoãn dự luật IMRA ở Thượng Viện với lý do chưa có đầy đủ nghiên cứu về các vấn đề phức tạp trong việc tiếp nhận một số dân tị nạn lớn như thế. Nỗ lực ấy không thành công.
Niên giám CQ Almanac của nhà xuất bản SAGE Publishing ở Thousand Oaks, California, ghi lại việc vận động của bà Elizabeth Holtzmann, dân biểu cấp tiến New York. Theo lời bà: “Cử tri đơn vị tôi phàn nàn rằng người già, thất nghiệp và nghèo khó ở đất nước chúng ta không được hưởng những trợ giúp như thế.”
Dân Biểu Donald Riegle tiểu bang Michigan đề nghị tu chính án “ngăn cấm trợ cấp đặc biệt cho dân tị nạn trừ khi người dân Mỹ cũng được hưởng trợ cấp ấy.” Hạ Viện bác bỏ tu chính án bằng biểu quyết 346/71.
Thượng nghị sĩ Dân Chủ tiểu bang South Dakota, ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ phe bồ câu đã thất bại nặng trước Ric-hard Nixon trong kỳ bầu cử năm 1972, nói: “Theo tôi 90% dân Việt Nam đến đây nên trở về quê hương họ.” Dự luật trợ cấp cho những dân tị nạn chịu trở về Việt Nam của ông không được đa số ở Quốc Hội tán đồng, Cộng Hòa cũng như Dân Chủ. Ông qua đời năm 2012.
Qua hơn 30 năm, dân Việt Nam tị nạn dần dần chứng tỏ được giá trị và vai trò của họ trong xã hội Mỹ. Nhiều trong số những người đến đầu tiên phải làm các công việc nặng nhọc ở nông trại, công trường xây dựng, nhưng dần dần từ bỏ vì kém sức khỏe không hữu hiệu bằng di dân Hispanic.
Sau đó dân Việt tị nạn bằng khả năng khéo léo và sự cần cù, có thể thích ứng trong nhiều lãnh vực hoạt động kinh tế từ ngư nghiệp đến công nghiệp điện tử ở thung lũng Silicone hay thương mại và các dịch vụ khác. Những thành công ấy khiến dân Việt tị nạn không còn là một gánh nặng cho xã hội hay xâm phạm lợi ích của những di dân ở tất cả các cộng đồng đã sống tại Mỹ từ hàng trăm năm trước nữa.
Do đó mọi chính sách và thái độ của nước Mỹ đối với di dân cũng hoàn toàn biến đổi theo thời gian.
Về mặt chính trị, cho tới cuối thế kỷ trước, những người Việt tị nạn có khuynh hướng ủng hộ đảng Cộng Hòa là điều tự nhiên dễ hiểu qua một số sự kiện đã nói ở trên. Chiều hướng ấy dần dân thay đổi, và thành phần di dân nói chung, Việt hay dân tộc khác, hiện nay đa số thiên về đảng Dân Chủ.
Tình hình đó là do đã có thay đổi trong cái nhìn những người Dân Chủ về di dân, ở đây chưa bàn đến nhu cầu tranh thủ lá phiếu cử tri giữa hai đảng. Những chính quyền Dân Chủ sau chính quyền Cộng Hòa Gerald Ford, từ Jimmy Carter đến Bill Clinton và Barack Obama đều theo đường lối bênh vực di dân. Sự chuyển đổi lập trường như vây chẳng qua là diễn tiến chính trị tự nhiên bình thường, thích ứng với hoàn cảnh trong từng giai đoạn thời gian.
Nhưng một yếu tố không thể bỏ qua là thế giới ngày nay khác hẳn 40 năm hay 60, 70 năm trước. Nếu nước Mỹ đã hùng mạnh bằng nông nghiệp phong phú và phát triển kỹ nghệ trong thế kỷ trước, thì bây giờ ở thời đại kỹ thuật thông tin và toàn cầu hóa, không thể trông vào lực lượng lao động kiểu cũ như thế nữa. Vì thế di dân có một vai trò đáng phải nghiên cứu cân nhắc thận trọng hơn trên mọi bình diện, không thể chỉ căn cứ trên những vấn đề kinh tế xã hội riêng tại nước Mỹ.
Chưa thể biết chủ trương của chính quyền Donald Trump về di dân sẽ được thực hiện thế nào và đem đến kết quả gì trong tương lai. Không ai có thể khẳng quyết về sự thành công hay thất bại của một chính sách. Sẽ chỉ thời gian mới có thể đem đến câu trả lời.

Tác giả bài viết: Hà Tường Cát

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập166
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm165
  • Hôm nay12,434
  • Tháng hiện tại428,477
  • Tổng lượt truy cập32,412,200
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây