Ưu việt của giáo dục miền Nam

Thứ sáu - 30/05/2014 11:03

Ưu việt của giáo dục miền Nam

Xin được chân thành cảm tạ những nhà giáo dục miền Nam, những thầy cô đã dìu dắt tôi trở thành một người hữu ích phục vụ gia đình và xã hội. Được BBC phỏng vấn, Giáo sư Tiến sĩ Trần Ngọc Vương Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Giáo dục xưa nay là một trong những lĩnh vực chịu sự chi phối của chính trị. Thực ra nền giáo dục nào, ở đâu cũng là vậy thôi. Chính trị vẫn cứ đặt ra những mục tiêu, những đích đến và đòi hỏi mọi nền giáo dục phải phục vụ cho nó.”

 
Ông Trần Ngọc Vương nhận xét: “Nền giáo dục của miền Nam từ năm 1954 đến năm 1975 có những thành tựu rất quan trọng và cần được tổng kết một cách thực sự nghiêm túc.”
 
Ông Vương cho biết: “Tôi cũng có quen biết những trí thức được trưởng thành trong giai đoạn đó. Một số khá đông trong lứa tuổi của tôi lẫn lớn hơn một chút từ miền Nam cũng là sản phẩm của nền giáo dục của miền Nam cũ, nhiều người trong số họ rất xuất sắc.”

Mặc dù ông Vương đã nhìn nhận kết quả của nền giáo dục tại miền Nam, nhưng có thể ông chưa nhận ra chính sự độc lập giữa giáo dục và chính trị tại miền Nam là nhân tố tạo ra kết quả này.

Giáo dục miền Nam

Vào năm 1958, một Đại hội Giáo dục quy tụ phụ huynh, thân hào nhân sĩ, học giả, đại diện quân đội, chính quyền, các tổ chức quần chúng và cơ quan văn hóa giáo dục đã được tổ chức tại Sài Gòn nhằm đề ra một triết lý giáo dục cho miền Nam. Đại Hội đồng thuận chọn ba nguyên tắc dân tộc, khai phóng và nhân bản làm căn bản.

Đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa, năm 1964, một Đại Hội khác lại được tổ chức tại Sài Gòn nhằm xem xét lại triết lý nói trên. Kết quả Đại Hội tiếp tục nhìn nhận ba nguyên tắc.

Đây là một bằng chứng cụ thể, mục tiêu chiến lược và những đích đến của nền giáo dục tại miền Nam là một quyết định dân chủ hòan tòan độc lập với chính trị. Có chăng chính quyền chỉ chính danh đứng ra triệu tập và tổ chức các Đại Hội về Giáo Dục.

Giáo dục là công việc chuyên môn của những người làm giáo dục
 
Về mặt quản lý, chính quyền miền Nam đề ra những chính sách và quyết định việc chi tiêu nhằm thực hiện những mục tiêu cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Tuy nhiên việc giáo dục từ điều hành, đến soạn thảo chương trình và giảng dạy là công việc chuyên môn của những người làm giáo dục.

Tại miền Nam nhiều bộ trưởng hay tổng trưởng giáo dục được bổ nhiệm là những người xuất thân từ ngành giáo dục.

Trong Bộ Giáo dục ngoài trừ một số chức vụ có tính chất chính trị như đổng lý văn phòng, bí thư… các chức vụ khác đều do những nhà giáo dục có chuyên môn đảm trách.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm cựu Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên Việt Nam Cộng Hòa nhận xét những người làm giáo dục tại miền Nam đều am hiểu công việc chuyên môn, có kinh nghiệm, giàu tâm huyết, và xem chính trị chỉ là nhất thời, tương lai của dân tộc mới trọng đại.

Ông Liêm cho biết “những gì thuộc phạm vi chính trị nhất thời đều phải ngưng lại trước ngưỡng cửa học đường.”
Trong các cơ quan lập pháp, những người đứng đầu các ủy ban hay tiểu ban giáo dục của Thượng viện và Hạ viện đều là những nghị sĩ dân biểu xuất thân từ nhà giáo.

Riêng trong lĩnh vực giáo dục đại học, Điều 10 của Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa (1967) nêu rõ: Nền giáo dục đại học được tự trị. Bộ Giáo dục có một thứ trưởng đặc trách giáo dục đại học nhưng công việc của vị này chủ yếu là lo thực thi những chính sách về giáo dục đại học.

Về học vụ và điều hành, các cơ sở giáo dục đại học được tự trị. Các hội đồng ở cấp viện đại học và cấp trường đại học (hay phân khoa) có quyền thảo luận và quyết định mà không phải trình báo hay xin chỉ thị từ bất cứ ai. Các khoa trưởng của các trường phân khoa không do Bộ Giáo dục bổ nhiệm mà do các giáo sư của Hội đồng Khoa bầu lên.
Tác giả cho rằng giáo dục miền Nam nhiều ưu điểm dù trong thời chiến

Triết lý nhân bản mà miền Nam chọn làm căn bản cho giáo dục lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người làm căn bản, không xem con người như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng hay tổ chức nào.

Triết lý nhân bản chấp nhận sự khác biệt giữa các cá nhân nhưng không chấp nhận dùng sự khác biệt đó để đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt tư tưởng chính trị, giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc… con người có giá trị như nhau, và mọi người đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.

Nói rõ hơn nền giáo dục miền Nam lấy quyền con người, quyền dân sự và lấy bản Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân quyền làm nền tảng để xây dựng con người.

Chính vì dựa trên nền tảng nhân bản nên không có vấn đề lý lịch trong học đường miền Nam. Ngay cả con em của cán bộ cộng sản tập kết ra Bắc, những người miền Nam công khai theo cộng sản đều được đối xử bình đẳng như mọi học sinh sinh viên trong học đường miền Nam.

Một số trường Quốc gia nghĩa tử được lập ra để trợ giúp việc giáo dục cho học sinh có cha mẹ là quân nhân đã hi sinh bảo vệ miền Nam. Một số trừơng do tư nhân, do các tôn giáo hay do các cộng đồng sắc tộc điều hành. Nhưng tất cả các trường đều theo nguyên tắc cơ bản và chương trình giảng dạy chung.

Công Dân Giáo Dục

Học sinh Việt Nam hiện nay bị nhồi nhét chính trị?

Dựa trên nền tảng nhân bản học sinh miền Nam từ lớp mẫu giáo đến hết bậc Trung Học đều được dạy môn Công Dân Giáo Dục. Ở bậc tiểu học học sinh được dạy về quyền và bổn phận của một công dân.

Lên Trung Học Đệ Nhất Cấp chúng tôi được học những bài học về: cá nhân và gia đình, tổ chức ở học đường, bổn phận của học sinh, đời sống xã hội và tôn giáo, quyền và bổn phận một công dân.

Bước sang Đệ Nhị Cấp nhà trường tiếp tục giáo dục về Quốc Gia (dân tộc, lãnh thổ, chánh phủ, hiến pháp, lập pháp, hành pháp, tư pháp), Liên Hiệp Quốc (tổ chức, UNESCO, các tổ chức khác), Phong Tục, Kinh Tế (các lý thuyết, sản xuất, thương mại, tiền tệ, ngân hàng), Chính Trị (dân chủ, chính đảng, chính thể, độc tài, phát xít, cộng sản).
Từ bậc Trung Học chúng tôi đã được thực hành dân chủ qua việc bình bầu Ban Điều Hành lớp. Việc chọn lựa từ Trưởng lớp cho đến các Trưởng ban do quyết định của học sinh, quyết định hòan tòan độc lập với nhà trường và chính quyền.

Mặc dù giáo dục độc lập với chính trị chúng tôi được dạy và thực hành cơ bản chính trị dân chủ để khi cần sẵn sàng tham gia việc quản trị đất nước.

Độc lập vì thế không có nghĩa là “phi” chính trị mà là không bị phụ thuộc vào các đảng chính trị, đảng cầm quyền hay chính quyền.

Học đường miền Nam giáo dục học sinh trở thành những công dân với ý thức chính trị và ý thức dân chủ sẵn sàng đóng góp cho gia đình, đất nước và nhân lọai.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, nguyên chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Canberra và phó chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc Châu.
 
Ngược lại nền giáo dục tòan trị tại miền Bắc trước 30-4-1975 và tòan quốc sau này dựa trên căn bản giáo dục là một công cụ nhằm duy trì và phục vụ thể chế chính trị cộng sản. Nó chính là nguyên nhân đưa đến khủng hỏang giáo dục, khủng hỏang xã hội.
Bài viết “Giáo dục Việt Nam: cố sửa hay trở về gốc?” dẫn đến kết luận muốn vượt qua tình trạng khủng hoảng xã hội hiện nay, Việt Nam cần quay lại với triết lý giáo dục lấy dân tộc, khai phóng và nhân bản làm căn bản, và lẽ đương nhiên giáo dục cần độc lập với chính trị.

Giáo dục Việt Nam: cố sửa hay trở về gốc?

Nguyễn Quang Duy
Gửi tới BBC từ Úc
Cập nhật: 08:36 GMT - thứ tư, 2 tháng 4, 2014
Trước tình trạng khủng hoảng giáo dục, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN, ông Nguyễn Phú Trọng từng hỏi “Chúng ta đã ba lần cải cách giáo dục, vì sao lần này không đặt vấn đề cải cách mà là đổi mới căn bản, toàn diện?”
Rồi ông Trọng đặt câu hỏi tại Bộ Giáo dục và Đào tạo từ hồi tháng 8/2012: “Việt Nam đã có triết lý về giáo dục chưa, hay là người học ở Anh về bảo phải như thế này, người học ở Mỹ bảo thế kia.".
Cho đến nay, công tác 'cải cách' vẫn không có gì tiến triển và câu trả lời ngắn gọn là trước đây tại miền Nam nền giáo dục đã dựa trên ba triết lý căn bản: dân tộc, khai phóng và nhân bản.
Cũng cần biết trong năm học tới 2014-15 nước Mỹ sẽ bước vào một cuộc cải cách giáo dục quan trọng nhất từ trước đến nay. Họ sẽ áp dụng phương cách giảng dạy và học tập mới, trở lại căn bản lấy nhân bản và khai phóng làm triết lý giáo dục.

Triết lý giáo dục Miền Nam

Năm 1958, một Đại hội Giáo dục quy tụ phụ huynh, thân hào nhân sĩ, học giả, đại diện quân đội, chính quyền, các tổ chức quần chúng và cơ quan văn hóa giáo dục đã được tổ chức tại Sài Gòn nhằm đề ra một triết lý giáo dục cho miền Nam.

Đại hội đồng thuận chọn ba nguyên tắc dân tộc, khai phóng và nhân bản làm căn bản.
Đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa, năm 1964, một Đại Hội khác lại được tổ chức tại Sài Gòn nhằm xem xét lại triết lý nói trên. Kết quả Đại Hội tiếp tục nhìn nhận ba nguyên tắc.
Sau đó ba nguyên tắc đã được Quốc Hội Lập Hiến đưa vào Điều 11.1 Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967: “Văn hóa giáo dục phải được đặt vào hàng quốc sách trên căn bản dân tộc, khoa học và nhân bản.”
Theo nguyên tắc, nền giáo dục dân tộc chủ trương tôn trọng, bảo tồn và phát huy những bản sắn và giá trị tốt đẹp của dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa khác. 
"Miền Nam coi trọng giáo dục nhân bản chủ trương lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người làm căn bản, không xem con người như một phương tiện hay công cụ "
Nền giáo dục khai phóng chủ trương lấy tinh thần dân tộc làm gốc nhưng mở rộng tiếp nhận văn hóa văn minh nhân lọai. Sẵn sàng tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần hiện đại hóa quốc gia, làm cho xã hội tiến bộ để tiếp cận với văn minh thế giới.
Còn giáo dục nhân bản chủ trương lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người làm căn bản, không xem con người như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng hay tổ chức nào.

Triết lý nhân bản chấp nhận sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng khác biệt đó để đánh giá con người, cũng không chấp nhận kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc, chính kiến. Mọi người đều có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội bình đẳng về giáo dục.

Mục tiêu giáo dục Miền Nam
Từ triết lý căn bản chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đề ra ba mục tiêu cho giáo dục như sau:
Giáo dục hướng vào việc phát triển toàn diện mỗi cá nhân theo bản tính và quy luật phát triển tự nhiên cả về thể chất lẫn tâm lý của mỗi người. Nhân cách và khả năng riêng của học sinh phải được lưu ý đúng mức, cung cấp cho học sinh đầy đủ thông tin và dữ kiện để học sinh tự phán đoán và lựa chọn. Không che giấu thông tin hay chỉ cung cấp những thông tin chọn lọc thiếu trung thực theo một chủ trương, một định hướng định sẵn.
Giáo dục giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sống và phương cách sống của người dân; hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, biết tinh thần tranh đấu chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc; biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; những phong tục tập quán có giá trị của quốc gia; tạo cho học sinh có tinh thần tự tin, tự lực, và tự lập.
Giáo dục giúp học sinh tổ chức những nhóm làm việc độc lập qua đó phát triển tinh thần cộng đồng và ý thức tập thể; phát triển óc phán đoán với tinh thần trách nhiệm và kỷ luật; tính tò mò và tinh thần khoa học; qua đó học sinh phát triển khả năng tiếp nhận những giá trị văn hóa văn minh của nhân loại.
Giáo dục giúp học sinh biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc
Nền giáo dục miền Nam không phải là một nền giáo dục thực dụng hướng nghiệp.
Mà dựa trên tinh thần khai phóng và nhân bản để đào tạo những con người biết suy nghĩ độc lập và có khả năng cần thiết để có thể tham gia vào sinh họat xã hội với tư cách là một con người tự do và tự lập.
Nó giúp cho học sinh biết rõ bản sắc dân tộc nhưng giải phóng họ thóat khỏi những trói buộc của tinh thần nô lệ do những định kiến, những suy nghĩ hay những phương cách giải quyết vấn đề có sẵn không còn phù hợp với hòan cảnh và thời đại.
Nói chung giáo dục miền Nam giúp học sinh năng lực cơ bản và tổng quát để khi cần có khả năng tham gia vào các sinh họat xã hội trong mọi tình huống và mọi ngành nghề.

Cải cách giáo dục ở Hoa Kỳ
Tác giả Hà Giang trong bài viết tháng 3/2014 trên báo Người Việt ở California viết: “Tiêu chuẩn giảng dạy mới cho từng lớp được đặt ra với mục đích tối hậu là đào tạo được một lớp trẻ có khả năng suy luận sắc bén, nắm vững được các khái niệm tổng quát, biết cách diễn đạt và giải thích quyết định hay lựa chọn của mình, vì đây là vốn liếng cần có để chuẩn bị cho đại học, hay trở thành một nhân viên giàu khả năng.”
Trả lời phỏng vấn báo Người Việt, bà Sandra Gephart, hiệu trưởng trường trung học Arleta High School, giải thích: “Sự thay đổi này đòi hỏi chúng tôi từ giờ sẽ không còn dạy học sinh những điều phải học thuộc lòng, học sinh sẽ không được chỉ hiểu qua loa một vấn đề, một bài học, mà phải hiểu một cách thấu đáo, và áp dụng những khái niệm mình đang học vào đời sống thực tiễn.”
Ông David Nguyễn, giáo viên Toán thuộc ABC Unified School District được trích lời nói: “Chúng tôi phải dạy các học sinh cách biết nhận định, phân tích, tạo ra giả thuyết, và tự mình kiểm chứng những giả thuyết đó. Các em sẽ được đào tạo để suy nghĩ như một nhà toán học thay vì chỉ biết làm toán, để phát triển nhận thức nhạy bén nhằm phân tích những vấn đề mà sẽ phải đối diện trong thế kỷ 21.”
Thời đại đã thay đổi, nước Mỹ đang mất dần khả năng thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới.
Trọng tinh thần thực dụng và muốn tiếp tục giữ địa vị cường quốc số một trên thế giới người Mỹ đã quay lại với căn bản giáo dục khai phóng và nhân bản.
Trở về căn bản
Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia vừa thu hồi độc lập, nghèo, lại chiến tranh, nên nền giáo dục tại miền Nam khó có thể so sánh được với nền giáo dục tại Mỹ và các quốc gia Tây Phương.
Nhưng chính nhờ được đào tạo căn bản nên sau 30/4 năm 1975 ngay thế hệ đầu tiên nhiều người Việt đã nhanh chóng xây dựng được sự nghiệp vững chắc trên đất Mỹ hay tại các quốc gia họ định cư.

Cũng nhờ được giáo dục lấy dân tộc làm gốc, đa số người Việt cũng luôn hướng về đất nước vận động cho nhân quyền tự do và dân chủ. Họ cũng ước mong một ngày không xa sẽ mang những kiến thức tân tiến và thực tiễn về phụng sự dân tộc.

Từ kết quả của nền giáo dục miền Nam và trong tình trạng khủng hoảng xã hội hiện nay, Việt Nam cần quay lại với triết lý giáo dục lấy dân tộc, khai phóng và nhân bản làm căn bản, để từng bước thoát khỏi khủng hoảng, đưa đất nước đi lên hòa nhập cùng văn minh nhân loại.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, nguyên chủ tịch Cộng Đồng Người Việt  Tự Do tại Canberra và phó chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc Châu.

Tác giả bài viết: Nguyễn Quang Duy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập818
  • Hôm nay11,441
  • Tháng hiện tại281,338
  • Tổng lượt truy cập36,335,893
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây