Lần nọ, một vũ nữ mời ông đến để nhờ ông vẽ một bức tranh. Gessen hỏi:
- Cô sẽ trả cho tôi bao nhiêu?
Tình cờ hôm ấy ông bầu của cô vũ nữ cũng đang có mặt ở đó. Cô trả lời Gessen:
- Giá nào tôi cũng trả, nhưng bức tranh phải được thực hiện ngay bây giờ, trước mắt tôi.
Gessen lập tức bắt tay vào việc, và khi đã hoàn thành bức tranh, ông đòi một giá cao nhất. Cô vũ nữ vừa trao tiền cho Gessen vừa quay sang nói với ông bầu:
- Ông họa sĩ này là một thầy tu, nhưng tất cả những gì ông quan tâm là tiền. Tài năng của ông thì không ai chê được, nhưng đầu óc của ông thì quá tanh hôi mùi tiền. Chúng ta không thể nào trưng bày tranh của một kẻ hám tiền như ông ta. Tranh của ông ta chỉ xứng đáng sánh với đồ lót của tôi thôi!
Cô gái vừa nói vừa liệng cho Gessen một chiếc váy lót và bảo ông vẽ lên đó một bức tranh. Như thông lệ, Gessen hỏi trước khi bắt tay vào việc:
-Cô sẽ trả cho tôi bao nhiêu?
-Bao nhiêu tôi cũng trả. Cô gái trả lời.
Gessen ra giá, rồi bắt đầu vẽ. Vẽ xong, ông thản nhiên bỏ tiền vô túi và bước ra cửa.
Nhiều năm sau, hoàn toàn tình cờ, có người phát hiện ra lý do tại sao Gessen tham tiền đến thế.
1/ Số là ở quê ông thường xảy ra những nạn đói khủng khiếp. Những người giàu có chẳng mảy may quan tâm gì đến các đồng bào nghèo xung quanh họ. Vì thế, Gessen cho xây dựng một kho lương thực bí mật tại địa phương, và ông cố gắng thu mua thóc gạo đổ đầy kho để cứu giúp người nghèo trong trường hợp khẩn cấp. Không ai biết lương thực cứu trợ ấy được lấy từ đâu ra, cũng chẳng ai biết vị ân nhân cung cấp lương thực cho mình ấy là người nào!
2/ Con đường từ làng ông ra thành phố cũng là một lý do khác nữa giải thích vì sao Gessen cần tiền. Con đường dài mấy chục dặm ấy tệ hại đến nỗi các xe bò không thể di chuyển được. Những người già cả và đau yếu thật vô cùng khổ sở khi cần ra thành phố. Gessen muốn tu bổ lại con đường này.
3/ Lý do thứ ba: Sư phụ của Gessen vốn ao ước xây dựng một thiền viện, nhưng ngài chưa bao giờ có đủ khả năng để thực hiện ước mơ của mình. Gessen cố gắng thực hiện công trình này như một cách bày tỏ lòng biết ơn đối với vị thầy đáng kính của mình.
Sau khi Thầy Tu Tham Lam đã xây dựng xong con đường, thiền viện và kho lương thực, ông vứt bỏ sơn, cọ và giá vẽ, đi lên núi sống đời ẩn dật chiêm niệm. Người ta không bao giờ thấy ông vẽ một bức tranh nào nữa.
“Ý nghĩa hành vi của một con người thường được những kẻ quan sát tưởng tượng ra”.
Nguồn tin: (Anthony De Mello)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn