VỀ TRỜI (LỄ THĂNG THIÊN.A).

Thứ tư - 28/05/2014 22:11

VỀ TRỜI (LỄ THĂNG THIÊN.A).

Mừng lễ Chúa Lên Trời, Về Trời hay Thăng Thiên, ý nghĩa là Chúa Giêsu Kitô đã được cất nhắc lên và không còn xuất hiện hiển nhiên với các tông đồ nữa. Theo kiểu nói bình dân có hình tượng đi lên, đi xuống và ngự bên phải, bên trái, để mọi người dễ hiểu.
 
(Tđcv 1, 1-11; Eph 1, 17-23; Mt 28, 16-20).
 Chúa Kitô đã hoàn tất sứ mệnh tại thế: Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy, Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng, Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa (Tđcv 1, 3). Chúa Giêsu đã xuống trần gian sinh sống trong khoảng thời gian ba mươi ba năm. Chúa ra rao giảng Tin mừng Cứu độ, chịu khổ hình thập giá, chết và sống lại. Sau khi sống lại, Chúa lưu lại trần gian một khoảng thời gian ngắn để dạy dỗ, an ủi và sai phái các tông đồ đi ra làm nhân chứng tin mừng. Rồi Chúa lên nơi đã ở trước và ngự bên hữu Đức Chúa Cha. Trí khôn của chúng ta chỉ có thể hiểu được các sự kiện gắn liền với thời gian và không gian. Đôi khi chúng ta thắc mắc, lên trời là lên nơi nào và ở đâu? Xa hay gần. Bầu trời thì bao la như không cùng.
Thánh Luca, tác giả sách Tông Đồ Công Vụ làm sáng tỏ một chút: Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông và một đám mây bao phủ người khuất mắt các ông (Tđcv 1, 9). Chúa Giêsu được cất lên, mây che phủ và khuất mắt các tông đồ. Từ nay, Chúa Giêsu Phục Sinh sẽ hiện diện với các tông đồ theo thể thức khác. Chúa không còn hiện ra cách nhãn tiền để đàm đạo, dậy dỗ hoặc ăn uống với các ông như trước nữa. Chúa sẽ hiện diện linh thiêng qua các việc cử hành phụng vụ, các Bí tích và hiện diện nơi cộng đoàn dân Chúa. Chúng ta hiểu chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện với lịch sử của một dân tộc được chọn lựa. Có khởi đầu, diễn tiến và sẽ thành tựu trong thời gian và không gian. Các sự kiện lịch sử về ơn cứu độ được in ghi rất cụ thể và gắn kết với một dòng dõi, nơi một đất nước xứ sở và dưới thời một vua chúa, quan quyền.
Sứ mệnh cứu thế của Chúa Kitô đã được chuẩn bị rất lâu dài qua cả ngàn năm. Thiên Chúa Cha đã tuyển chọn một người, một gia đình sinh xôi nẩy nở thành một bộ lạc và rồi trở thành một dân tộc để chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế. Các tiên tri đã loan báo và hướng dẫn dân chúng về Đấng Xức Dầu sẽ xuất hiện để ban ơn cứu độ giải thoát. Khi thời gian đã mãn, Thiên Chúa đã thực hiện kế hoặch của Người qua Đức Kitô. Ngài là trung gian của vũ trụ vạn vật. Đây là một biểu tỏ tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu cao siêu và linh thiêng đi vào cụ thể nơi lòng người. Một Thiên Chúa tốt lành vô cùng hạ thân làm người, gồm thiên tính và nhân tính. Chúa Giêsu đã trải nghiệm một cuộc đời như mỗi người chúng ta. Đức Kitô đã mạc khải cho chúng ta về tất cả mầu nhiệm cao siêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa vô hình và vô biên đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời trong cách thế và ngôn ngữ giới hạn của con người qua niềm tin tôn giáo, văn hóa, tổ chức xã hội và ý thức hệ chính trị… Chúa Kitô đã gặp gỡ con người xác phàm đầy sự yếu đuối, u mê và lầm lạc. Chúa Kitô đã phải đối xử một cách rất kiên nhẫn và nhân từ trong việc truyền rao chân lý Nước Trời.
Mầu nhiệm Nước Trời đã được gieo trồng trong thửa đất của tâm hồn con người. Tâm trí của con người không dễ dàng đón nhận những sự cao siêu trên trời vượt quá tầm trí hiểu. Chúa Giêsu đã thường lấy những hình ảnh cụ thể, thí dụ, tỉ dụ, dụ ngôn và ngụ ngôn để khải mở tâm trí con người để dẫn tới nguồn Chân, Thiện, Mỹ. Đức Kitô dùng khoảng thời gian rất ngắn để hoàn thành tất cả những lời đã được các tiên tri loan báo:  Công việc mà Chúa đã thực hiện trong Đức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời (Eph 1, 20). Chúng ta học biết Đức Kitô là con người lịch sử. Có nơi sinh và có chỗ từ trần. Ngài đã khai mở Nước Trời ban ơn cứu độ cho toàn dân. Ngài vẫn tiếp tục hiện diện với Giáo Hội dưới nhiều cách thế để ban ơn cứu độ. Đức Kitô không bị đóng khung hay giới hạn vào một niềm tin đặc thù nào, nhưng ban ơn cứu độ phổ quát cho mọi người. Ai tin vào Ngài, sẽ tìm thấy ơn cứu độ.
Khi Chúa Kitô hoàn tất sứ mệnh trên trần gian, Chúa Cha đã trao mọi quyền năng trên trời dưới đất, để mọi sự qui phục dưới chân Ngài: Chúa Giêsu tiến lại và nói với các ông rằng: Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy (Mt 28, 18). Chúng ta tin nhận Chúa Kitô là nguyên thủy và là cùng đích. Thật khó hiểu, chúng ta rơi vào giữa sự huyền nhiệm đời đời và cụ thể thực nghiệm, giữa thần thiêng và vật chất, giữa vô hạn và giới hạn. Chúng ta không thể đong đo tính đếm con đường tâm linh. Với niềm tin vào Chúa Kitô là trung gian, thân phận con người mỏng dòn được cất nhắc lên làm con Chúa và được hứa ban sự sống trường sinh. Con người có chiều sâu ước muốn đời sống tâm linh vô hạn. Ngưỡng vọng một cuộc sống vĩnh cửu. Linh hồn hiện hữu thiêng liêng không bị tiêu diệt.
Chúa Giêsu mong muốn Tin mừng cứu độ được tiếp tục truyền rao đến muôn thế hệ. Ngài đã trao phó sứ mệnh này cho các tông đồ và những người kế vị: Vậy các con hãy đi giảng dậy  muôn dân, là phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (My 28, 19). Chúa sai các tông đồ ra đi rao giảng và làm phép rửa nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa. Sau khi nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các tông đồ đã ra đi tản mát mỗi người một nơi để làm nhân chứng cho Chúa Kitô. Các ngài đã can đảm và không còn nhút nhát sợ sệt như trước nữa. Các ngài ra đi khắp vùng loan tin mừng cứu độ và mời gọi nhiều người trở về cùng Chúa. Các ngài đã nhiệt tâm rao giảng và dám dùng sự sống sự chết của mình để làm nhân chứng cho lời sự thật. Nhớ rằng, trước kia các tông đồ chỉ là những người chài lưới, ít học và dân giã. Nhưng với ơn biến đổi của Chúa Thánh Thần tác động, các tông đồ đã hiên ngang chu toàn sứ mệnh mà Chúa Kitô đã ủy thác.
Chúa Giêsu về trời ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Thánh Phaolô dùng ngôn ngữ và cách hiểu biết của loài người để diễn tả: Chúa khiến mọi sự qui phục dưới chân Ngài và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài (Eph 1, 22). Chúa Kitô về trời là Ngài lên nơi đã ở trước. Ngài thuộc về thiên giới, còn chúng ta thuộc về hạ giới. Ngài không xuống trần để cai quản mà để phục vụ con người. Ngài hạ thân để chia sẻ tình yêu vô điều kiện. Ngài đã hiến mạng sống và yêu thương chúng ta đến cùng. Cách đơn giản, Chúa Giêsu muốn cứu chuộc chúng ta khỏi quyền lực ma quỉ, sự dữ và tối tăm. Ngài muốn chúng ta cùng được chung hưởng hạnh phúc muôn đời trong Nước Ngài.
Chúng ta được tự do chấp nhận hay chối từ lời mời gọi của Chúa. Nếu thật tâm tìm kiếm và đi theo lối bước của Chúa, chúng ta cần lắng nghe và thực hành lời Chúa trong đời sống mình. Một ý tưởng minh họa: Khi du khách đi du lịch đến một đất nước khác, việc đầu tiên mà du khách phải làm là đổi tiền của mình thành tiền lưu hành tại nước đó. Tiền của chúng ta trên thế gian này chẳng có giá trị gì trên nước trời, nếu nó không đổi thành tiền của nước Trời, đó chính là các việc lành phúc đức có giá trị. Đây là ý nghĩa lời Chúa nói với chàng thanh niên giầu có: Hãy bán gia sản và bố thí cho kẻ nghèo để mua Nước Trời.
Lạy Chúa, Chúa về trời nhưng Chúa vẫn còn luôn hiện diện giữa chúng con. Chúa không bỏ chúng con mồ côi. Chúa đi là để chuẩn bị chỗ cho chúng con và sẽ trở lại đón chúng con. Chúng con xin cảm tạ Chúa đến muôn ngàn đời.
 
 
Bronx, New York

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập159
  • Hôm nay18,676
  • Tháng hiện tại240,297
  • Tổng lượt truy cập35,506,578
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây