GIẢI ĐÁP THẮC MẮC - Các bí tích của Giáo Hội Công Giáo có nguồn gốc Kinh Thánh không?

Thứ tư - 28/05/2014 22:09

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC - Các bí tích của Giáo Hội Công Giáo có nguồn gốc Kinh Thánh không?

Xin cha giải thích giúp những thắc mắc sau đây : 1- Các bí tích của Giáo Hội Công Giáo có nguồn gốc Kinh Thánh không? 2- Nếu chỉ nghe lời Chúa trong Kinh Thánh thôi thì có đủ để được cứu rỗi hay không?
 
Trả lời :
I - Các Bí Tích
Như tôi đã nhiều lần giải thích là không phải bất cứ điều gì Giáo Hội dạy đều có ghi trong Kinh Thánh. Chính vì chỉ tin có Kinh Thánh ( Sola Scriptura), nên anh  em Tin Lành, nói chung,  đã phê bình Giáo Hội Công Giáo về nhiều điều họ cho là thiếu căn bản Kinh Thánh. Họ phê bình như vậy là vì họ không biết rằng Giáo Hội Công Giáo, ngoài Kinh Thánh, còn có Thánh Truyền, ( Sacred Tradition) Mặc Khải ( Revelation) và Quyền Giáo Huấn ( Magisterium) là những nguồn chân lý mà Giáo Hội khai thác để dạy những điều mọi tín hữu phải tin và sống cho được lãnh nhận ơn cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giêsu.
Sau đây là bằng chứng về Thánh Truyền  và Quyền Giáo Huấn  của Giáo Hội đã được  ghi lại trong Kinh Thánh Tân Ước:
Thứ nhất về  Quyền Giáo Huấn, Chúa Kitô đã trao cho các Tông Đồ trước khi Người về trời  như sau :
Thầy đã được trao toàn quyền  trên trời  dưới đất. Vậy anh  em hay đi…và dạy bảo họ tuân giữ  mọi điều Thầy đã truyền cho anh  em” ( Mt 28: 20)
Về Thánh Truyền, Thánh Phaolô  đã truyền cho môn đệ ngài là Timôthê  như sau:
anh Tmôthê, hãy bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho anh, tránh những chuyện nhảm nhí , trống rỗng , và những vấn đề tri thức giả hiệu. Có những kẻ , vì chủ trương cái trí thức đó, nên đã lạc mất đức tin. Chúc anh  em được ân sủng.” ( 1 Tm 6: 20-21)
Hay rõ hơn nữa:
 Với đức tin và đức mến của một người  được kết hợp với Đức Kitô-Giê su, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy. Giáo lý tốt đẹp đã trao phó cho anh, anh  hãy bảo toàn, nhờ  có Thánh Thần ngự trong chúng ta.” ( 2 Tm 1:  13-14)
Như thế đủ cho thấy là các Thánh Tông Đồ đã truyền lại cho các thế hệ nối tiếp cho đến ngày nay những giáo lý tinh tuyền của Kitô-Giáo, tức  là của chính  Chúa Kitô đã giảng dạy cho các Tông Đồ và cho dân chúng thời đó và được truyền lại cho chúng ta ngày nay qua Giáo Hội, là Thân  Thể Nhiệm Mầu ( Mystical Body) của Chúa Kitô trong trần thế.
Riêng về các bí tích ,thì Giáo Lý của Giáo Hội đã nói rõ bảy Bí Tích mà Chúa Kitô đã ban cho Giáo Hội như  phương tiện cứu rỗi cần thiết mà mọi  tín hữu được mong đợi đón nhận với đức tin vững chắc và lòng mến nhiệt thành về những  lợi ích thiêng liêng lớn lao  của các bí tích này. (x SGLGHCG số 1210-1620) 
Tất cả bẩy bí tích này đều có nguồn gốc Kinh Thánh  như sau:
 
1- Bí Tích rửa tội 
Trước khi về trời, Chúa Giê su đã truyền cho các môn đệ :
Vậy anh  em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, àm phép Rửa Cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần..” (Mt 28:19)
                  
2- Bí Tích Thêm  Sức ( confirmation)
Khi hiện ra với các Tông Đồ sau khi Người sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu  đã thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh  em hãy nhận lấy Thánh Thần,”  ( Ga 20:22)
Lại nữa, hai Tông Đồ Phê rô và Gioan được cử đến miền Samari để gặp dân mới theo Đạo ở đây. Khi đến nơi, “ hai ông cầu nguyện cho họ, đặt tay trên họ  và họ nhận được Thánh Thần.”  ( Cv 8 : 17)
                   
3- Bí Tích Hòa Giải ( penance, reconciliation)
 Sau khi thổi hơi  để ban Thánh Thần cho các Tông Đồ, Chúa Giê su đã nói với họ như sau : “ Anh  em tha tội  cho ai thì  người ấy được tha. Anh  em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” ( Ga 20: 23)
Lại nữa, trước  khi chiu khổ hình thập giá chết và sống lại, Chúa Giê-su cũng trao cho Phêrô  chiều khóa Nước Trời và quyền cầm buộc hay tháo gỡ  như sau:
 “ Thầy sẽ trao cho anh chiều khóa Nước Trời: dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo gỡ điều gì trên trời cũng sẽ thao gỡ như vậy.” ( Mt 16: 19)
Quyền đó đã được trao lại cho các vị kế tục Phêrô cho đến ngày nay. Vì thế, Giáo Hội – qua Đức Thánh Cha là người kế nghiệp Thánh Phê rô trong nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Chúa, có quyền ra vạ tuyệt thông = Anathema = Excomunication) Và giải vạ này cho những ại bị vạ; cũng như ban ân xá ( indulgences) để tha hình phạt hữu hạn (temporal punishment) cho người còn sống hay cho các linh hồn đang được thanh luyện nơi Luyện tội ( purgatory).
 Đây là điều các giáo phái Tin Lành không tin  nên  đả kích Giáo Hội Công Giáo.
 
3-    Bí tích Thánh Thể
Bí Tích quan trọng này đã được Chúa Giê su thiệp lập trong Bữa ăn sau cùng với Mười hai Tông Đồ khi Người cầm bánh, dâng lời chúc tụng  rồi bẻ ra trao cho các ông và nói: “  anh  em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy. Rồi Người cầm chến rượu, tạ ơn,  trao cho các ông và nói : “ Tất cả anh  em hãy uông chén này, vì đây là máu Thầy, máu giao ước đổ ra cho muôn người được tha tội.” ( Mt 26: 26-28; Mc 14: 22-24;  Lc 22:19-20; Ga 6;  1     Cor 11: 23- 25)
 
5- Bí tích Xức dầu ( Anointing)
Bí Tích này được ghi trong Thư Thánh Gia-cô-bê  như sau:
Ai trong anh  em đau yếu ư ? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy sau khi xức dầu nhân danh Chúa.”  (Gc 5: 14)
 
6-    Bí Tích Truyền Chức Thánh ( Hoy Orders)
Trong thư gửi cho môn đệ ngài là Timô-thê, Thánh Phaolô đã căn dặn như sau:
Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi  dậy đặc sủng của Thiên Chúa, Đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh.” ( 2 Tm 1: 6)
Như thế việc đặt tay để xin ơn Chúa Thánh Thần là điểm chính yếu trong Nghi thức Truyền Chức Thánh Phó tê, Linh mục và Giám mục trong Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Đông Phương.
 
7-    Bí Tích Hôn Phối ( Matrimony)
Chính Chúa Giê su đã nhắc lại cho các Tông Đồ -  và  đặc biệt - là nhóm Biệt phái như sau về bí tích này:
Các ông không đọc thấy điều này sao: thủa ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm  ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: “vì thế người ta sẽ lìa Cha mẹ  mà gắn bó với vợ mình., và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp , loài người không được phân ly.” (Mt 19:  4-6)
Thánh Phaolô cũng nhắc cho tín hữu Ê-phê-sô về bí tích hôn phối như sau: Sách Thánh có lời chép rằng:  Chính vì  thế , người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thực là cao cả.Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong  anh   em hãy  yêu vợ  như chính mình, còn vợ thì  hãy kính yêu chồng. ( Ep 5:  31-33)
Tóm lại , tất cả bảy Bí Tích đều có nguồn gốc Kinh Thánh, tức là đều bắt nguồn từ  ý muốn  của Thiên Chúa cho con người thi hành để  cộng tác với Chúa trong Chương Trình sáng tạo và cứu độ con người nhờ Chúa Kitô.
 
II- Chỉ nghe Lời Chúa không thôi  có  đủ cho con người được cứu độ không ?
Nghe lời Chúa qua Kinh Thánh là điều rất quan trọng và cần thiết cho mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội , vì người ta sống  không phải chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn sống nhờ mọi lời từ miệng ĐỨC CHÚA phán ra. (Mt 4: 4 ; Lc 4: 4;  Đnl 7:  3;)
Lời Chúa không những là thần lương nuôi sống linh hồn ta mà còn là đuốc sáng soi dẫn ta đi trên đường tìm kiếm Chúa và Vương Quốc bình an, hạnh phúc của Người, đúng như Phêrô đã tuyên xưng một ngày kia:   Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ?   Thầy  mới có những lời đem lại sự sống đời đời. ( Ga 6: 68)
 Thánh Vinh 119, cũng ca tụng lời Chúa như sau:
Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước
Là ánh sáng chỉ đường con đi. ( Tv 119: 105)
Như thế đủ cho thấy là việc nghe lời Chúa qua Kinh Thánh , qua Giáo Hội và trong chính lương tâm con người là điều vô cùng cần thiết cho những ai muốn đi theo Chúa,  muốn yêu mến Người và muốn được cứu rỗi.
Tuy nhiên, chỉ nghe lời  Chúa như anh  em Tin Lành tin và quảng bá  thì chưa đủ để lãnh  ơn cứu chuộc của Chúa Kitô..Muốn đầy đủ hơn thì  phải siêng năng  cầu nguyện, lãnh nhận các Bí Tích mà Chúa Kitô đã thiết lập để mưu ích phần rỗi cho ta trong Giáo Hội. Các bí tích nói chung, và hai bí tích Thánh Thể và Hòa giải nói riêng, là những phương tiện thông ban ơn Chúa dồi dào cho những ai muốn lãnh nhận ơn cứu độ của Chúa Kitô  nhờ Hy Tế đền tội  mà Chúa đã dâng lên Chúa Cha trên thập giá năm xưa và nay trên bàn thờ mỗi khi Thánh Lễ  được cử hành.
Vì thế , khi tham dự Thánh lễ, chúng ta  được lãnh ơn  cứu chuộc  của Chúa Kitô như  Giáo Hội dạy trong Hiến Chế Lumen Gentium  ( Ánh Sáng muôn dân ) sau đây:
Mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó “Chúa Kitô, Chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế (1 Cor 5, 7) thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện. ( LG 3)
Đó cũng là lý do tại sao Thánh Lễ được coi là “nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô Giáo”. Nghĩa là không thể sống trọn  vẹn đời sống Kitô Giáo mà không tham  dự Thánh Lễ  để  vừa được nghe lời Chúa  và nhất là  được  ăn thịt và uống máu Chúa Kitô là bảo chứng cho ta được sống đời đời như Chúa đã hứa:
Ai ăn thịt và uống máu Ta thì được sống muôn đời
Và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. ( Ga 6: 54)
Mặt khác, là con người sống trên trần gian này, không ai có thể  tránh được nguy cơ của tội lỗi đến từ ma quỉ, thế gian và xác thịt. Do đó, nếu không siêng năng chạy đến với  Chúa qua  bí tích hòa giải thì làm sao nối lại được tình thân với Chúa,  sau khi  lỡ  sa ngã vì yêu đuối con người,  vì  ma quỷ và thế gian luôn cám dỗ với mọi dịp tội và gương xấu  để lôi kéo ta  ra   khỏi thân tình với Chúa để làm nô lệ cho chúng và mất hy vọng được cứu rỗi.
Chính vì  biết con người còn  yếu đuối và dễ sa ngã,  nên Chúa Kitô  đã dự trù sẵn phương thế hữu hiệu  là ban cho chúng ta bí tích hòa giải  để giúp  ta trỗi  dậy và   lấy lại thân tình với Chúa  mỗi khi lỡ sa phạm tội vì yếu đuối và vì ma quỷ cám dỗ.
Ai dám nói là mình không bao giờ phạm tội để không cần bí tích này nữa?
Cũng không thể trực  tiếp xưng tội với Chúa không cần qua trung gian  của  ai ( linh mục)  như anh  em  Tin Lành giảng dạy, vì Chúa Kitô  đã trao quyền tha tội này cho các Tông Đồ mà người kế vị các ngài là các Giám mục và phụ tá Giám mục là  các linh mục.
Do đó  không thể cứ  hát Alleluia và nghe lời Chúa không thôi như  anh  em Tin lành quảng bá  thì  sẽ thiếu đi phần quan trọng  nữa là  lãnh nhận các ơn ích thiêng liêng  qua các bí tích mà Chúa Kitô đã thiết lập và ban cho Giáo Hội xử dụng  để thánh hóa và ban ơn cứu rỗi cho con người cho đến ngày mãn thời gian.  
Kinh nghiệm thiêng liêng cho mọi người tín hữu chúng ta  biết rằng : phải siêng năng cầu nguyện,  nghe lời Chúa và luôn chạy đến với hai bí tích rất quan trọng và cần thiết là Thánh Thể và Hòa giải để được ăn uống Mình Máu Chúa,  là linh dược nuôi sống linh hồn và cho ta sức mạnh cần thiết để đứng vững trong ơn nghĩa với Chúa cũng như  lấy lại ơn  nghĩa này  sau khi lỡ sa phạm tội  nặng  hay nhẹ , vì yếu đuối của bản năng, nhất là vì ma quỷ - ví như “ sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn để  mong  sát hại linh hồn chúng ta, như Thánh Phê rô đã lưu ý. ( 1 Pr  5: 8)
Tóm lai, muốn thăng tiến trong đời sống thiêng liêng, muốn lớn lên trong tình yêu Chúa, và muốn được cứu rỗi thì phải sử dụng mọi phương tiện cần thiết nói trên, như nghe lời Chúa, cầu nguyện và siêng năng lãnh nhận các bí tích Thánh Thể và Hòa giải là những phương  tiện cứu rỗi cần thiết mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta qua Giáo Hội, là Thân Thể Nhiệm Mầu của Chúa trong trần gian, có mặt  và  hoạt động  cho đến ngày mãn thời gian.

Tác giả bài viết: Lm P.X Ngô Tôn Huấn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập902
  • Hôm nay11,937
  • Tháng hiện tại281,834
  • Tổng lượt truy cập36,336,389
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây