Vai trò của Việt Nam khi trở thành ủy viên Hội đồng Bảo an LHQ

Thứ năm - 13/06/2019 23:07

Vai trò của Việt Nam khi trở thành ủy viên Hội đồng Bảo an LHQ

Khi là thành viên của cơ quan có thực quyền nhất LHQ, Việt Nam sẽ đóng góp vào việc ra quyết định về các vấn đề quan trọng của thế giới. Việt Nam hôm nay tranh cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an / Việt Nam cam kết thúc đẩy phòng ngừa xung đột nếu trúng cử vào Hội đồng Bảo an

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York ngày 27/9. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York ngày 27/9/2018. Ảnh: Reuters.

Trong phiên bầu 5 nước ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) nhiệm kỳ 2020-2021 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm nay, Việt Nam trúng cử với số phiếu 192/193. Với kết quả này, Việt Nam sẽ thay thế vị trí ủy viên không thường trực của Kuwait tại Hội đồng Bảo an từ ngày 1/1/2020.

Hội đồng Bảo an LHQ là một trong 6 cơ quan chính của LHQ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, chấp nhận các thành viên mới vào LHQ và phê chuẩn thay đổi với Hiến chương LHQ. Quyền hạn của cơ quan này bao gồm thiết lập các hoạt động gìn giữ hòa bình, các biện pháp trừng phạt quốc tế và chấp nhận hành động quân sự thông qua các nghị quyết, theo Geopolitical Monitor.

Trong khi các cơ quan khác của LHQ chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị và tạo dư luận thì các quyết định của Hội đồng Bảo an có tính cưỡng chế thực hiện. Tất cả thành viên của LHQ có trách nhiệm tôn trọng và thi hành. Vì vậy, HĐBA là cơ quan có thực quyền nhất của LHQ.

Cơ quan này gồm 15 thành viên, trong đó Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Mỹ là các ủy viên thường trực. 10 ủy viên không thường trực được chia thành hai nhóm với nhiệm kỳ hai năm xen kẽ nhau, tức mỗi năm có 5 thành viên ra đi để nhường chỗ cho 5 thành viên mới được bầu.

Các ghế không thường trực được phân bổ trên cơ sở khu vực: 5 cho các nước châu Phi và châu Á; một cho Đông Âu; hai cho Mỹ Latinh và Caribe; hai cho Tây Âu và các nước khác. Một nước muốn trở thành thành viên không thường trực của HĐBA phải đạt tối thiểu 2/3 số phiếu bầu của các nước thành viên LHQ có mặt và tham gia bỏ phiếu tại phiên họp Đại hội đồng. Nước vừa mãn nhiệm sẽ không được bầu lại tại nhiệm kỳ kế tiếp.

Các ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an đều có quyền phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào, trong khi ủy viên không thường trực không có quyền phủ quyết nhưng được quyền tranh luận và bỏ phiếu cho các nghị quyết.

Việc tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là cơ hội để các nước nâng cao vị thế trên trường quốc tế và đề xuất, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến khu vực và thế giới.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm (trái) chủ trì một phiên họp của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc tháng 10/2009. Ảnh: TTXVN.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm (trái) chủ trì một phiên họp của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc tháng 10/2009. Ảnh: TTXVN.

Việt Nam từng là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, khi đảm đương vị trí này, Việt Nam đã đóng góp vào nỗ lực chung xử lý xung đột ở một số khu vực, tăng cường hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, có sáng kiến cụ thể về tăng cường vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực hòa bình và an ninh.

"Trong nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã được Mỹ ca ngợi vì những đóng góp tích cực về các vấn đề then chốt như không phổ biến vũ khí hạt nhân và chống khủng bố", Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, nhận xét.

Lý giải việc các nước châu Á - Thái Bình Dương chọn Việt Nam là ứng viên duy nhất của khu vực, James Borton, nhà nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson, Mỹ, cho rằng tầm quan trọng của Việt Nam trong khu vực đã tăng tiến từ sau thành công của Hội nghị cấp cao APEC năm 2017. Việt Nam đã đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo khác tại Đà Nẵng.

Borton nói thêm rằng Việt Nam muốn thể hiện tiếng nói ngày càng có trọng lượng tại ASEAN, thể hiện các kỹ năng ngoại giao mềm và tăng cường hội nhập quốc tế. "Vị trí này sẽ đưa Hà Nội đến mức hội nhập quốc tế cao nhất", ông viết.

Chia sẻ với VnExpress về trông đợi của cộng đồng quốc tế về Việt Nam, Đại sứ Olof Skoog, Trưởng phái đoàn Thuỵ Điển tại HĐBA Liên Hợp Quốc, cho hay Việt Nam đã thể hiện mình là một bên đáng tin cậy khi đề cao các luật lệ quốc tế nói chung, trong đó có luật biển. "Tôi cho rằng các nước trông đợi Việt Nam tiếp tục truyền thống tôn trọng luật quốc tế đó khi tham gia Hội đồng Bảo an LHQ", ông Skoog nói.

Ông Skoog cũng nêu lên một số thách thức mà các thành viên không thường trực của HĐBA sẽ phải đối diện, đó là chương trình nghị sự có yêu cầu rất cao, các thành viên thường trực có nhiều nhân lực và kinh nghiệm hơn, vì thế các nước không thường trực cần chuẩn bị rất kỹ để thực hiện tốt vai trò. Một thách thức khác là các thành viên thường trực có quyền phủ quyết, làm cản trở tiến trình đạt được kết quả chung về một vấn đề nào đó.

Dù vậy, Đại sứ Thụy Điển khuyến cáo các thành viên không thường trực không nên đánh giá thấp những gì mình có thể làm. Nếu chuẩn bị tốt, các nước có thể đóng vai trò tích cực với các vấn đề quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi các thành viên thường trực đôi lúc gần như ở trong tình trạng "Chiến tranh Lạnh".

Ian Martin, cựu giám đốc điều hành của Tổ chức báo cáo Hội đồng Bảo an LHQ (SCR), cho rằng trong bối cảnh 5 thành viên thường trực của HĐBA có những khác biệt về quan điểm chính trị, Việt Nam và 9 thành viên không thường trực khác sẽ phải hợp tác tích cực để cải thiện chức năng của HĐBA và đạt được đồng thuận trong các vấn đề quốc tế.

Martin kỳ vọng sẽ thấy sự đóng góp tích cực của Việt Nam trong việc ngăn ngừa xung đột trên thế giới. Những kinh nghiệm của Việt Nam có được trong xử lý các vấn đề trong nội khối ASEAN và hậu xung đột nói chung cũng rất đáng lưu ý.

"Có lẽ thách thức lớn nhất của Việt Nam là cục diện thế giới đang thay đổi rất nhiều sau 10 năm", ông Phạm Quang Vinh, người từng có hai nhiệm kỳ công tác trong Phái đoàn Việt Nam tại LHQ từ năm 1987 đến 1999, nói. Sự điều chỉnh của các nước lớn tạo ra cạnh tranh chiến lược gay gắt, có những quan điểm làm suy giảm chủ nghĩa đa phương, thậm chí giảm những cam kết với LHQ. Do đó, một nước khi tham gia HĐBA phải tính toán để cùng các nước khác đề cao nguyên tắc của Hiến chương LHQ, đề cao trật tự của luật pháp quốc tế và các giá trị lâu nay LHQ duy trì.

Một khó khăn nữa mà Việt Nam phải đối diện là một số nước thay đổi quan tâm đối với các vấn đề lâu nay tưởng chừng "thế giới đã đồng thuận" như tự do thương mại, bảo hộ mậu dịch, biến đổi khí hậu. Các nước thành viên HĐBA vừa phải duy trì được quan tâm chung, vừa phải đáp ứng nhu cầu thay đổi của các nước lớn.

Đại sứ Đức tại Việt Nam Christian Berger cho biết Berlin mong cùng Hà Nội tìm ra sáng kiến để cùng tận dụng được những quan tâm chung. Đức là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an đến năm 2020.

"Đức ủng hộ việc duy trì trật tự đa phương trên nguyên tắc pháp quyền. Chúng tôi muốn cùng Việt Nam xem có thể làm được gì để thúc đẩy quan điểm ủng hộ chủ nghĩa đa phương và cùng hưởng lợi từ vấn đề đó", ông Berger nói.

Phương Vũ (Tổng hợp)

 

Tác giả bài viết: Phương Vũ (Tổng hơp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập152
  • Hôm nay15,753
  • Tháng hiện tại236,981
  • Tổng lượt truy cập35,503,262
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây