Huawei và hàng chục năm bị cáo buộc “kẻ ăn cắp công nghệ”

Thứ năm - 13/06/2019 10:44

Huawei và hàng chục năm bị cáo buộc “kẻ ăn cắp công nghệ”

(Thời sự) - Công ty Trung Quốc luôn nói rằng mình tôn trọng bản quyền, nhưng từ những năm 2000 họ nhiều lần bị kiện về những hành vi ăn cắp công nghệ.
 
 
 

 

cohu

Một tối mùa hè năm 2004, khu trưng bày ở hội nghị công nghệ Supercomm (Chicago) đã vắng người. Người đàn ông Trung Quốc trung niên đi quanh những quầy hàng, mở nắp các linh kiện mạng có giá cả triệu USD và chụp ảnh bo mạch bên trong.

 

Người bảo vệ nhanh chóng tiến đến và thu giữ thẻ nhớ của ông cùng một máy tính với bảng vẽ mạch và dữ liệu thuộc về AT&T, Fujitsu Network, Nortel Networks và nhiều công ty khác.

Người này khai tên mình là Zhu Yibin. Thẻ tên của ông ghi chức danh kỹ sư của công ty “Weihua”, mà sau đó ông thừa nhận thực chất là cách đảo chữ của Huawei Technologies. Ngày hôm sau, trong tâm trạng hoang mang, ông Zhu khai rằng mình mới đến Mỹ lần đầu và không biết quy định của hội nghị Supercomm về việc không được chụp ảnh.

“Ông ta như phiên bản trái ngược của James Bond. Nhìn bề ngoài thì không giống một người làm điều xấu, nhưng biết đâu ông ấy lại quá thông minh để tạo ra ngoại hình như vậy”, Peter Heywood, đồng sáng lập công ty nghiên cứu viễn thông Light Reading kể lại.

Day la cach Huawei thu thap cong nghe hang chuc nam qua hinh anh 3

 
Sau 15 năm, Huawei từ vị trí một hãng khách mời ít tên tuổi đã trở thành công ty công nghệ hùng mạnh nhất Trung Quốc, hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Họ còn là công ty đi đầu về công nghệ 5G.

 

Không chỉ làm thiết bị viễn thông, Huawei còn cung cấp dịch vụ đám mây, bán nhiều smartphone hơn Apple, làm microchip và vận hành những tuyến cáp xuyên đại dương với 188.000 nhân viên ở 170 quốc gia.

“Chúng tôi thấy thiết bị của họ đáng tin cậy nhất. Chúng tôi chưa bao giờ gặp thiết bị Huawei bị lỗi. Đó là một thành tích rất ấn tượng”, ông Joseph Franell, Giám đốc công ty viễn thông Eastern Oregon Telecom của Mỹ nhận định.

Tại Mỹ, chỉ những công ty nhỏ như Eastern Oregon mới sử dụng thiết bị của Huawei. Theo chia sẻ của ông Franell, Huawei báo giá thiết bị thấp hơn 20-30% so với đối thủ, và rất quan tâm đến những khách hàng nhỏ. Năm 2018, doanh thu của Huawei đạt 100 tỷ USD.

 

 
Day la cach Huawei thu thap cong nghe hang chuc nam qua hinh anh 5

 

Mặc dù có tới 80.000 kỹ sư làm công tác nghiên cứu tính đến năm 2018, chiếm gần nửa số nhân sự, Huawei đã đối mặt những cáo buộc về đánh cắp công nghệ trong hàng chục năm qua. Họ nhiều lần bị kiện vì sao chép và ăn cắp công nghệ, nhưng đều thỏa thuận thành công.

Theo Wall Street Journal, chính văn hóa doanh nghiệp luôn hướng tới tăng trưởng của Huawei tạo ra ranh giới mập mờ giữa cạnh tranh lành mạnh và bỏ qua đạo đức để chiến thắng.

Nạn nhân của Huawei có thể là những công ty lâu đời như Cisco hay T-Mobile, cũng có khi là một nhạc sĩ ít tên tuổi hay công ty startup chưa có khách hàng.

“Họ dồn toàn lực để đánh cắp công nghệ. Khi lấy được một bo mạch về, họ sẽ cố giải mã ngược cách hoạt động”, Robert Read, cựu kỹ sư làm việc tại chi nhánh Huawei Thụy Điển giai đoạn 2002-2003 cho biết.

Ông Nhậm sáng lập Huawei vào năm 1987, ban đầu là một công ty chuyên kinh doanh chuyển mạch viễn thông với trụ sở là căn nhà ở Thâm Quyến, gần Hong Kong. Thập niên 1990, Huawei bắt đầu nhận được các hợp đồng của Nhà nước để làm mạng ở vùng quê Trung Quốc. Năm 1994, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đến thăm trụ sở mới của Huawei khi xi măng còn chưa khô.

Mạng viễn thông lúc đó đang ở thế hệ 2G, và tính năng quan trọng nhất là tin nhắn SMS. Thiết bị của Huawei lúc đó được coi là phiên bản chất lượng thấp nhưng giá rẻ hơn các sản phẩm của phương Tây.

Năm 2001, Huawei mở trụ sở tại Texas, Mỹ với tên FutureWei. Đến nay, họ vẫn dùng cái tên này để đăng ký văn phòng nghiên cứu tại Mỹ. Vài năm sau họ mở văn phòng ở Thụy Điển, khi đó là nước đi đầu về công nghệ viễn thông tại châu Âu, đối diện trụ sở của Ericsson. Văn phòng của Huawei mang tên Atelier trong 4 năm.

“Họ không muốn đặt biển tên để cho mọi người biết đây là tòa nhà của Huawei”, Jan Ekström, tư vấn của Huawei Thụy Điển giai đoạn 2004-2017 kể lại.

Sau nỗ lực lôi kéo nhân sự từ đối thủ thất bại, Huawei quay sang phân tích thiết bị của đối thủ. Theo ông Read, những nhà nghiên cứu của Atelier thời gian đó thường xuyên mở, khám phá các thiết bị viễn thông của công ty khác tại căn phòng bí mật dưới tầng hầm. Một số thiết bị được gửi về Trung Quốc để các kỹ sư Trung Quốc nghiên cứu.

 

 
Day la cach Huawei thu thap cong nghe hang chuc nam qua hinh anh 6

 

Trụ sở Huawei tại Mỹ cũng có một căn phòng bí mật như vậy. Theo các kỹ sư từng làm việc tại Huawei, căn phòng này được thiết kế hoàn toàn bảo mật và kỹ sư Mỹ không được vào.

Quan chức an ninh Mỹ nhận xét cách hoạt động của Huawei giống như một cơ sở tình báo, với nhiều tầng bảo mật và kênh liên lạc mã hóa với trụ sở ở Bắc Kinh.

Khi được hỏi về những căn phòng bí mật, Huawei cho biết đây là cách tránh lộ bí mật công nghệ của họ, chứ không phải nơi khai thác bí mật của hãng khác.

Day la cach Huawei thu thap cong nghe hang chuc nam qua hinh anh 7

 
Trong ngành công nghệ, việc trộm cắp bí mật của đối thủ không phải hiếm. Huawei không phải là công ty duy nhất bị cáo buộc, nhưng điều khiến họ khác biệt là những hành vi trắng trợn.

 

Tháng 1/2003, Cisco cáo buộc Huawei sao chép phần mềm và hướng dẫn sử dụng. Đây là lần đầu tiên Huawei bị kiện về hành vi ăn cắp công nghệ ở nước ngoài.

Tài liệu kiện của Cisco cho rằng Huawei “sao chép nguyên văn nhiều đoạn trong hướng dẫn sử dụng của Cisco”. Theo Cisco, hướng dẫn sử dụng được trang bị kèm với các bộ định tuyến và phần mềm hiển thị khi vận hành là những thứ dễ bị sao chép.

Huawei sao chép trắng trợn đến mức nhiều lỗi trong phần mềm của Cisco cũng bị giữ y hệt trên sản phẩm Huawei. Lỗi chính tả ở hướng dẫn sử dụng Cisco cũng được sao chép lên văn bản của Huawei.

“Huawei khi ấy không dám chuyển lô hàng bộ định tuyến đó trước khi họ kịp sửa lỗi phần mềm quen thuộc của Cisco”, cựu quản lý nhân sự của Huawei Chad Reynolds khai trong phiên tòa.

Luật sư của Cisco, ông Mark Chandler thậm chí đã bay đến Thâm Quyến để gặp trực tiếp ông Nhậm. Nhà sáng lập Huawei lúc đó nhận xét đây chỉ là “sự trùng hợp ngẫu nhiên”.

tinhtrang

Sau khi thừa nhận có “sao chép một phần nhỏ” phần mềm cho bộ định tuyến, Huawei đi đến thỏa thuận với Cisco vào tháng 7/2004.

 

Ông Nhậm từng đến văn phòng Atelier nhiều lần trong những năm đầu. Khi đó, chỉ có 5 kỹ sư Trung Quốc tại văn phòng này. Theo ông Robert Read, mỗi khi Ericsson thông báo cho nhân viên nghỉ việc, ông lại được “đưa một nắm tiền” và được dặn tới các quán bar gần khu vực để trò chuyện với các kỹ sư vừa nghỉ việc.

Năm 2010, Sony Ericsson Mobile Communications cho nghỉ việc khoảng 450 kỹ sư tại thành phố Lund. Vài tháng sau, Huawei mở một văn phòng nghiên cứu mới tại đây.

Thập niên 2000, khi thế giới chuyển từ mạng 2G lên 3G và smartphone ra đời, Huawei cũng phát triển nhanh chóng. Trong 5 năm từ 2005 đến 2010, thị phần của hãng này đã tăng 3 lần, đạt 18%. Doanh thu của họ tăng 15 lần, đạt mức 30 tỷ USD từ năm 2000 đến 2011.

 

Nhiều công ty Mỹ là đối tác của Huawei. Qualcomm cung cấp khoảng 1/5 số chip cho smartphone Huawei. Intel, Microsoft đều là đối tác lớn. IBM từng tư vấn cho Huawei từ cuối thập niên 1990 về thị trường phương Tây và cách thức phát triển.

 

Theo ông David Hickton, cựu công tố viên tại tòa án quận Tây Pennsylvania, các công ty Mỹ đã vì lợi nhuận mà chịu bỏ qua các vấn đề ăn cắp công nghệ của Trung Quốc, mặc dù họ vẫn tìm cách được bảo vệ bằng luật pháp Mỹ.

“Tình trạng này đã kéo dài từ lâu, nhưng các công ty không muốn gây hấn với Trung Quốc”, ông Hickton nhận xét.

Vì lo sợ bị Trung Quốc cấm cửa, nhiều công ty nhỏ không muốn rắc rối với Huawei. Ông Jeff Ferry, một cựu quản lý tại công ty viễn thông Infinera cho biết chính ông từng tập hợp bằng chứng hàng chục năm cho thấy chính phủ Trung Quốc đứng sau, giúp Huawei có thể trả giá thầu thấp hơn đối thủ tới 30%.

Dù nhận được sự động viên từ chính quyền Mỹ, các lãnh đạo của Infinera cuối cùng đã không theo đuổi vụ kiện.

 

Năm 2010, sau 2 thập niên đầu tư vào Trung Quốc, Motorola cáo buộc Huawei đánh cắp công nghệ trạm phát sóng SC300 dành cho vùng ngoại ô.

Theo tài liệu kiện, ông Pan Shaowei, một người họ hàng của ông Nhậm từng làm việc tại Motorola đã mang tài liệu của SC300 về Trung Quốc cho Huawei năm 2003.

Tại tòa, đại diện Huawei cho biết ông Pan tự nguyện kể cho ông Nhậm các thông tin về quá trình phát triển sản phẩm và dự định nghỉ việc ở Motorola. Phía Huawei phủ nhận việc ông Pan và đồng sự đã phát triển sản phẩm cho Huawei.

Bằng chứng do tòa công bố cho thấy ông Pan đã gửi cho ông Nhậm tài liệu về SC300 “mà chú đã hỏi cháu”. Sau này Huawei ra mắt một sản phẩm tương tự nhưng nhỏ hơn, chỉ nặng bằng một nửa SC300 và cũng dành cho vùng ngoại ô.

Một trong những đồng sự của ông Pan, bà Jin Hanjuan đã bị bắt tại Mỹ năm 2007, khi mang theo túi chứa tới 1.000 tài liệu của Motorola, bao gồm cả những bí mật thương mại. Bà Jin bị bắt tại sân bay khi chuẩn bị đáp chuyến bay 1 chiều về Bắc Kinh. Ông Nhậm đã bị FBI tra hỏi vào tháng 7/2007, nhưng kết quả điều tra không được công bố. Năm 2012, bà Jin bị kết án 4 năm tù vì đánh cắp bí mật thương mại.

Năm 2011, Bộ Thương mại Trung Quốc yêu cầu Motorola bồi thường 1,2 tỷ USD vì vi phạm luật độc quyền khi bán mảng hạ tầng của Motorola Solutions cho Nokia Siemens Networks. Tháng 4/2011, Motorola rút đơn kiện Huawei. Một tuần sau, Trung Quốc thông qua thương vụ giữa Motorola Solutions và Nokia Siemens Networks.

Thời điểm đó, Motorola đã bị Huawei bỏ xa. Công ty Trung Quốc được tham gia cung cấp thiết bị cho mạng 4G đầu tiên trên thế giới tại Oslo năm 2009.

“Trung Quốc áp dụng rất nhiều luật để trừng phạt các công ty, như luật chống độc quyền, chống rửa tiền, làm lộ bí mật quốc gia”, ông Michael Wessel, thành viên Ủy ban Đánh giá An ninh Kinh tế Mỹ – Trung nhận xét.

Huawei bắt đầu nghiên cứu mạng 5G từ năm 2009. Sau 10 năm, Huawei đang là công ty đứng đầu về số lượng bằng sáng chế 5G cũng như đóng góp để xây dựng tiêu chuẩn cho 5G.

Dù vậy, ở công nghệ mà Huawei được cho là đi đầu, họ vẫn đối diện nhiều cáo buộc trộm cắp. Ông David Barker, Giám đốc công nghệ tại Quintel Technology cho biết Huawei đã sử dụng một công nghệ do Quintel và chính ông Barker phát triển để tăng tín hiệu từ trạm phát sóng tới thiết bị.

Quintel cho biết họ đã chia sẻ về công nghệ này cho Huawei vào tháng 9/2009, sau khi 2 công ty tính đến chuyện hợp tác. Cuối cùng, 2 công ty không thể đi đến thỏa thuận. Chỉ 1 tháng sau, Huawei đăng ký bản quyền công nghệ với nhiều tài liệu vẫn còn in tên của Quintel cũng như dòng chữ “chỉ sử dụng theo thỏa thuận thương mại”.

 

 
Day la cach Huawei thu thap cong nghe hang chuc nam qua hinh anh 11 Day la cach Huawei thu thap cong nghe hang chuc nam qua hinh anh 12

 

Năm 2015, sau khi phát hiện Huawei sử dụng công nghệ này, Quintel đã kiện Huawei ra tòa. Vụ kiện kéo dài 3 năm, và 2 công ty đạt được thỏa thuận vào năm 2018. Giáo sư Emil Björnson thuộc đại học kỹ thuật Linköping, Thụy Điển nhận xét đây là một công nghệ đột phá, đóng vai trò quan trọng trong mạng 5G.

Tại Brazil, công ty sản xuất thiết bị viễn thông Tekelec từng chỉ ra chiến thuật của Huawei: đề nghị khách hàng mang sản phẩm Tekelec đổi lấy sản phẩm Huawei. Tekelec cho rằng đây là cách Huawei sử dụng để phân tích và tìm ra nguyên lý hoạt động sản phẩm của họ. Tuy nhiên Tekelec đã bị Oracle mua lại năm 2013, trước khi hoàn thành kiện Huawei.

Day la cach Huawei thu thap cong nghe hang chuc nam qua hinh anh 13

 
Tháng 2/2019, The Information đăng tải bài báo nêu chi tiết cách thức Huawei khai thác bí mật từ đối thủ. Một trong những cách làm của Huawei là khuyến khích nhân viên đánh cắp thông tin đối thủ với mức thưởng hậu hĩnh. Huawei lập ra một trang web nội bộ, nơi các nhân viên có thể đăng nhập và đăng các thông tin họ lấy được. Họ còn có một địa chỉ email để nhận thông tin.

 

Những thông tin này sẽ được một nhóm gọi là “nhóm quản lý thông tin đối thủ” thu thập. Tùy thuộc vào chất lượng của thông tin, nhân viên sẽ được nhận mức thưởng cho những gì họ đem về. Huawei còn đảm bảo nhân viên sẽ không bị kỷ luật khi họ làm vậy.

Huawei luôn quan tâm đến các cựu nhân viên của công ty đối thủ khi họ vừa nghỉ việc. Họ sẵn sàng đưa ra lời mời hấp dẫn để chiêu mộ những nhân viên này hoặc tìm cách khai thác thông tin.

Ngoài ra, Huawei cũng thường tìm cách liên lạc với những nhà cung cấp linh kiện, công nghệ cho công ty đối thủ. Trước những cuộc họp này, họ thường hứa hẹn về một hợp đồng có giá trị cao, nhưng trong cuộc họp lại chỉ tìm cách khai thác thông tin về đối thủ.

Năm 2016, đại diện của Huawei tiếp cận Akhan Semiconductor, một startup có sản phẩm là tấm kính bảo vệ màn hình Miraj Diamond Glass có độ cứng gấp 6 lần và chống xước gấp 10 lần so với Gorilla Glass. Bí mật của Miraj là một lớp rất mỏng kim cương nhân tạo được tráng lên kính.

 

 
Day la cach Huawei thu thap cong nghe hang chuc nam qua hinh anh 15

 

Tháng 3/2018, Akhan gửi sản phẩm mẫu Miraj cho chi nhánh Huawei tại San Diego, Mỹ. Theo thỏa thuận giữa 2 bên, Huawei cam kết sẽ gửi trả sản phẩm mẫu sau 60 ngày và không được tác động gây hư hỏng tới sản phẩm.

“Chúng tôi rất lạc quan. Được 1 trong 3 hãng smartphone lớn nhất quan tâm, dù chỉ mới trên giấy tờ, là một điều rất tốt”, Adam Khan, người sáng lập Akhan kể lại với Bloomberg.

Huawei trì hoãn trả sản phẩm mẫu tới vài tháng. Trong hộp sản phẩm gửi lại, miếng kính của Akhan đã bị vỡ làm đôi, và nhiều mảnh kim cương biến mất. Giám đốc vận hành Carl Shurboff của Akhan tin rằng Huawei đã cắt tấm kính để đo độ dày lớp kim cương nhân tạo nhằm tìm ra bí quyết của Akhan.

Tháng 12/2018, nhân viên của Huawei liên lạc lại. Cô nói Huawei vẫn muốn hợp tác với Akhan, và hai bên sẽ gặp nhau tại CES diễn ra vào tháng 1/2019. Lúc này Shurboff đã báo cáo sự việc với FBI, và FBI quyết định thực hiện một chiến dịch “bẫy” vị quan chức cấp cao của Huawei được hứa hẹn sẽ xuất hiện.

Cuối cùng thì lãnh đạo cấp cao của Huawei đã không đến Mỹ, thay vào đó chỉ là một quản lý ở chi nhánh tại Mỹ. FBI đã đột nhập và khám xét chi nhánh của Huawei tại San Diego, nhưng vụ điều tra này vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Bloomberg nhận định nếu chính phủ Mỹ kết luận Huawei đã cố tình đánh cắp công nghệ, vụ việc này sẽ cho thấy cánh tay của Huawei dài đến mức nào, khi họ muốn đánh cắp công nghệ của cả những startup chưa có khách hàng nào.

saochep

Một doanh nhân tên Rui Oliveira kể lại Huawei đã mời anh đến vào năm 2014 để bàn về phụ kiện camera gắn trực tiếp vào điện thoại. Sau khi được Oliveira chia sẻ nhiều thông tin về sản phẩm, hai lãnh đạo của Huawei kết luận là họ chưa thể hợp tác.

 

“Tôi đã thấy sản phẩm này ở đâu nhỉ? Đây là một bản sao chép y nguyên những gì tôi từng cho họ xem vài năm trước”, Rui Oliveira kể lại với Fstoppers.

Sau khi Oliveira kể lại câu chuyện với truyền thông, chính Huawei đã kiện anh này ra tòa vì cho rằng Oliveira muốn kiếm lời bất chính từ Huawei. Công ty này khẳng định họ không vi phạm bản quyền công nghệ của Oliveira. Vụ kiện đến giờ vẫn chưa xét xử xong.

Tương tự Oliveira, Paul Cheever, một nhạc sĩ tại California cũng gặp rắc rối pháp lý với Huawei khi kiện công ty này vì sử dụng bài nhạc “A Casual Encounter” do anh sáng tác làm nhạc chuông trên nhiều mẫu smartphone.

Chỉ khi đọc nhiều bình luận liên quan đến Huawei trên video được tải lên YouTube, Cheever mới biết nhạc của mình đã bị Huawei sử dụng. Khi bị kiện ra tòa, Huawei cho biết Cheever chỉ đăng ký bản quyền bài hát vào tháng 8/2018, sau khi họ đã dùng nhạc của anh.

“Thật là cảm giác kỳ lạ khi nhìn thấy một công ty lấy nhạc của tôi, cho vào thiết bị mà họ bán cho 100 triệu người dùng nhưng không hề xin phép”, Cheever chia sẻ.

Tháng 1/2019, tòa án bang Washington kết luận Huawei đã trộm bí mật thương mại của T-Mobile USA. T-Mobile tố cáo Huawei đã cho nhân viên chụp ảnh, đo đạc và thậm chí lấy linh kiện của robot kiểm tra điện thoại Tappy khi 2 bên còn hợp tác.

Đáp lại cáo buộc từ T-Mobile, Huawei cho rằng những nhân viên làm việc này “tự ý hành động” và ngay lập tức sa thải họ. Không lâu sau đó T-Mobile hủy bỏ hợp đồng cung cấp thiết bị với hãng viễn thông Trung Quốc và đưa đối tác cũ ra tòa.

 

 
Day la cach Huawei thu thap cong nghe hang chuc nam qua hinh anh 17

 

Vụ kiện khép lại vào năm 2017 khi Huawei bồi thường 4,8 triệu USD cho nhà mạng Mỹ. Tuy nhiên sau đó nội dung này tiếp tục được điều tra trên phương diện hình sự.

“Huawei muốn tạo nên một robot, và thay vì tự phát triển thiết bị của riêng mình, họ quyết định đánh cắp công nghệ của T-Mobile”, bà Annette Hayes, công tố viên tòa án quận tây Washington nói.

Tháng 10/2018, Yiren “Ronnie” Huang, một cựu nhân viên của Huawei và đồng sáng lập công ty CNEX Labs cáo buộc Huawei đã trộm công nghệ ổ SSD của CNEX. CNEX cho rằng chính phó chủ tịch Eric Xu đã ra lệnh cho một nhân viên giả làm khách hàng của CNEX để đánh cắp bí mật vào năm 2016.

Đến tháng 12/2017, Huawei tố ngược ông Huang và CNEX đã lấy cắp bí mật của họ. Vụ việc đến giờ vẫn đang trong quá trình xét xử.

Tháng 11/2017, Jesse Hong, kỹ sư phần mềm tại chi nhánh Huawei ở California khai rằng sếp của anh đã ép anh tạo tên công ty giả nhằm tham dự một hội thảo do Facebook tổ chức. Buổi hội thảo nói về dự án viễn thông Infra, nhưng Huawei không được mời tham dự.

Hong cho biết anh không làm theo lệnh, và bị dọa rồi sau đó bị đuổi việc. Huawei cho biết họ có lý do chính đáng để sa thải anh này.

Ngoài những cáo buộc về đánh cắp công nghệ, Huawei còn bị coi là “mối nguy hại an ninh” của Mỹ. Những lo ngại về an ninh là lý do khiến Huawei bị Ủy ban tình báo Quốc hội Mỹ đưa vào danh sách khuyến cáo năm 2012.

Tháng 5/2019, Huawei bị dồn vào đường cùng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh đặc biệt, giúp cho Bộ Thương mại Mỹ ban hành lệnh cấm mua bán công nghệ đối với Huawei trừ khi có giấy phép. Hàng loạt công ty ngừng hợp tác với Huawei, có thể khiến cả mảng viễn thông và di động của Huawei không thể tiếp tục hoạt động. Ông Trump tiếp tục giải thích hành động này là vì Huawei “là một công ty nguy hiểm”.

Dù là “mối nguy hại an ninh” hay “kẻ cắp công nghệ” với Mỹ, không thể phủ nhận Huawei đã trở thành công ty viễn thông lớn nhất thế giới, cũng là công ty viễn thông chi nhiều nhất cho nghiên cứu và phát triển. Năm 2018, ngân sách chi cho nghiên cứu của Huawei đứng thứ 5 thế giới, cao hơn nhiều so với Cisco, Ericsson hay Nokia.

Những động thái của Mỹ nhắm vào Huawei giờ đây không chỉ ảnh hưởng tới công ty này. Nó có thể khiến quá trình triển khai 5G trên cả thế giới chậm lại, theo nhận định của Bloomberg. Tìm cách kìm lại công ty viễn thông lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới mạng viễn thông toàn cầu.

Dù là cạnh tranh lành mạnh hay lấy cắp công nghệ từ những đối thủ, giờ đây Huawei đã đủ lớn mạnh để khiến quốc gia quyền lực nhất thế giới phải lo ngại.Huawei và hàng chục năm bị cáo buộc “kẻ ăn cắp công nghệ”


Nguyentandubg,org. Thứ bảy, 01/06/2019, 11:30 (GMT+7)
 
 
 

 


Tác giả bài viết: Van Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập365
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại278,929
  • Tổng lượt truy cập36,333,484
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây