Âm nhạc, sự kỳ diệu của cảm xúc.

Thứ hai - 11/10/2021 00:37
tải xuống (1)
tải xuống (1)

Sự kỳ diệu của âm nhạc có thể khiến người ta liên tưởng được nhiều thứ, thấy được rất nhiều thứ ngay trên cảm xúc của mình. Do vậy mà tôi rất quý trọng âm nhạc, rất yêu nó, tuy rằng chỉ thỉnh thoảng mới có chút thời gian hiếm hoi để được sống cùng nó.
Cảm xúc của con người thường biểu lộ bằng nhiều trạng thái vui, buồn, giận hờn, ghen ghét, yêu thương… hầu như ai cũng cảm nhận được, nhưng nếu tổng hợp các thứ ấy lại thì tôi lại nghĩ đến Âm nhạc, vì theo như tôi thấy thì trong các loại hình nghệ thuật, chỉ có âm nhạc mới có đủ điều kiện hội tụ các cảm xúc ấy một cách kỳ diệu, do vậy mà tôi mới ghi cái tiêu đề trên là vậy.

Ở đây tôi không dám lý luận về Âm nhạc, cái đó dành cho các nhà phê bình. Tôi chỉ muốn chia sẻ một vài cảm nhận về âm nhạc, và tôi thấy thật là diệu kỳ khi ta biết cảm nhận về nó, sống với nó và lạ thay, ta được thăng hoa cùng âm nhạc lúc nào không hay nữa. Kỳ diệu là thế đó.

Có lắm người khi nói đến âm nhạc thì họ lắc đầu, bảo rằng chẳng quan tâm, hầu như trong cuộc đời họ ít sinh hoạt cộng đồng, miệng chẳng bao giờ cất tiếng hát, tôi thấy thật là uổng, có lẽ họ cho rằng những việc khác quan tâm hơn, có lợi hơn là việc ca hát hoặc thưởng thức âm nhạc. Suy nghĩ như thế thì thật là thiếu sót, vì tại sao sự kỳ diệu của cảm xúc đang ở quanh ta mà ta lại chối từ nhỉ? Uổng thiệt đó nghen!

Tôi xin kể lại câu chuyện này để thấy được cái sự kỳ diệu đó: Chuyện xảy ra ở nước Áo cách đây mấy thế kỷ, vào một đêm nọ, trong khu phố nghèo nàn của thủ đô Vienne, có tiếng khóc nghẹn ngào của một cô gái bên giường bệnh của cha cô đang cơn hấp hối.
Trong cơn đau đớn cùng cực trước khi chết, người cha chỉ muốn được nhìn lại hình bóng người vợ thân thương của mình qua đời đã lâu, nhưng không tài nào thực hiện được, cô gái nhìn cha mà khóc ngất, thương cha nhưng không biết làm cách nào giúp cha, chỉ biết ôm lấy bàn tay cha đang lạnh dần mà khóc nức nở.

Đúng lúc đó thì cửa mở, một chàng thanh niên bước vào hỏi cô vì sao mà như vậy, có thể giúp cô được gì không. Nghe cô gái kể lại nguyện vọng của cha mình, anh chàng suy nghĩ một lúc rồi nhìn thấy cây đàn piano cũ ở trong góc nhà, anh đứng dậy phủi bụi rồi mở nắp đàn.
Cô gái chẳng hiểu chuyện gì, chẳng lẽ trong giờ phút đau buồn thương tâm này mà lại đàn ca nữa ư? Nhưng cô không dám hé môi, chỉ biết chăm chú nhìn anh ta. Chàng trai nhẹ nhàng lướt trên phím đàn từng nốt nhạc lúc thì trầm bổng lúc thì thanh cao, lúc nghe như tiếng gió, lúc lại như tiếng nước suối reo róc rách, lúc lại dặt dìu như những bước chân đi…
Bỗng dưng cô gái thấy môi cha mình nhoẻn một nụ cười nhẹ, ông kêu lên: “Con ơi, cha thấy rồi… cha thấy rồi, đúng là ngày ấy, cha gặp mẹ cũng bên bờ suối này đây… cái tiếng nước reo… cha vẫn nhớ! Ấy, mẹ con đang đến kìa! Cha thấy rồi, con yêu ơi, cha mãn nguyện lắm!…” Tiếng nhạc của chàng trai vẫn réo rắt, diễn tả làm sao cho hợp với nỗi lòng của ông cụ đáng kính kia, âm nhạc đã tạo nên hình ảnh, tạo nên kỷ niệm trong đầu óc người cha đang hấp hối, cho đến khi ông chìm vào giấc ngủ.
Cô gái quay sang chàng trai hỏi: “Thưa ông, tôi xin cám ơn ông, vì nhờ ông mà cha tôi thấy lại được những kỷ niệm xa xưa như lòng mong ước, không còn cảm thấy đau đớn, nhưng xin hỏi ông, ông làm thế nào mà cha tôi lại có thể thấy được những hình ảnh thân thương ấy hở ông?” Chàng trai trả lời: “Có phải tôi làm đâu! – anh chỉ vào cây đàn – Chính nó làm đấy cô ạ!“. Cô gái nói tiếp: “Cám ơn ông, xin ông cho tôi được biết quý danh để mà nhớ đến chứ?“. Chàng trai đáp: “Vâng, thưa cô, tên tôi là Mozart, Wolfgang Amadeus…” Quả thật, đối với bậc thầy âm nhạc như Mozart thì có lẽ chúng ta không lấy gì làm ngạc nhiên khi ông biến những nốt nhạc thành hình ảnh được như thế.
Vậy đó, sự kỳ diệu của âm nhạc có thể khiến người ta liên tưởng được nhiều thứ, thấy được rất nhiều thứ ngay trên cảm xúc của mình. Do vậy mà tôi rất quý trọng âm nhạc, rất yêu nó, tuy rằng chỉ thỉnh thoảng mới có chút thời gian hiếm hoi để được sống cùng nó.
Ai ai cũng có thể hiểu được rằng âm nhạc dễ dàng đi với chúng ta trong suốt cuộc hành trình làm người, từ bé, đã nghe tiếng mẹ ru, lớn lên, vui đùa hát ca cùng nắng sớm, cùng hoa đồng cỏ nội, lớn lên nữa, tha thiết trong lời yêu với những bản tình ca, lớn nữa như chúng tôi đây, sâu lắng với hoài niệm cuộc đời, và cuối cùng, chìm dần trong bản Requiem để đi vào cõi vĩnh hằng của mỗi con người.
Bạn có còn nhớ bài Requiem trong phim Titanic không? Khi biết rằng tàu chìm, không còn đủ xuồng cứu hộ để thoát thân được nữa, mấy anh nhạc công trên tàu đã quây quần lại, cùng cất cao tiếng đàn tiếng hát bài ca cầu hồn ấy để cùng nhau ra đi theo con tàu đang chìm dần… Âm nhạc là thế đó, nó cao đẹp cho đến giờ phút cuối cùng của mỗi con người. Do vậy mà các entry của tôi thường hay nói đến âm nhạc là vậy.
Âm nhạc còn là những lời nhắn nhủ nhẹ nhàng cho riêng mình, êm ái và đằm thắm, tự mình an ủi mình, vì thân phận làm người lắm khi xúc cảm và buồn đau, hời hợt ngay cả với chính mình, cố nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh chính là người đi đầu trong dòng nhạc sâu lắng này:
Hãy cứ vui như mọi ngày,
Dù chiều nay không ai qua đây,
Hỏi thăm tôi một lời.
Vẫn yên chờ đêm tới.
Lòng ta trăm con hạc gầy vút bay…


 
 
 

Nguồn tin: (Theo Sống đẹp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập54
  • Hôm nay13,251
  • Tháng hiện tại281,125
  • Tổng lượt truy cập35,547,406
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây