ĐẤNG TRUNG TÍN

Thứ sáu - 13/12/2024 18:34
unnamed (4)
unnamed (4)
Một trong những phẩm tính của Thiên Chúa được Kinh Thánh nhấn mạnh, đó là sự trung thành của Ngài.  Thiên Chúa là Đấng tín trung.  Điều này đã được lịch sử chứng minh.  Kinh Thánh chính là cuốn sách về lòng tín trung của Thiên Chúa.
 
Tín trung, hay trung thành, là luôn giữ những gì mình đã hứa, trước sau như một, dù có phải thiệt thòi hệ luỵ.  Trong lịch sử, khi thiết lập mối tương quan với con người, Chúa đã khởi đầu bằng giao ước với ông Abraham.  Đây là giao ước đầu tiên Thiên Chúa ký kết với con người.  Một vị Thần linh cao cả mà lại đi ký giao ước với con người!  Đó là điều không tưởng theo suy luận trần thế, nhưng là một điều kỳ diệu của tình thương.  Bởi lẽ ở đời, người ta chỉ ký kết hợp đồng giữa các đối tác tương đương về khả năng tài chính hoặc ảnh hưởng quyền lực.  Một người có số vốn một ngàn tỷ đồng chẳng bao giờ ký hợp đồng làm ăn với người chỉ có vốn vài trăm triệu đồng.  Đức Thánh Cha Phanxicô đã dùng ngôn ngữ của giới kinh doanh để nói rằng, Thiên Chúa đầu tư luôn luôn chấp nhận lỗ và thua thiệt.  Thiên Chúa là Đấng cao cả.  Abraham chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt, đến người nối dòng còn chẳng có vào lúc gần đất xa trời.  Ấy vậy mà Chúa lại ký kết giao ước với ông, đồng thời hứa hẹn với ông những điều ông không dám mơ ước: đó là một dòng dõi (Dân tộc) và một quê hương (Đất hứa).
 
Và thế là, từ đời nọ đến đời kia, Chúa luôn trung thành giữ giao ước của Ngài.
 
Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể đến trần gian để thiết lập giao ước mới.  Nói cách khác, Người đến trần gian để đưa giao ước này lên một tầm cao mới.  Qua Đức Giêsu, mối tương quan Thiên Chúa – Nhân Loại không còn phải qua trung gian như thời xưa nữa, tức là thời của ông Môisen và ông Êlia.  Con người có thể được gặp gỡ trực tiếp Thiên Chúa, “ai thấy Thầy là thấy Cha” (x. Ga 14,9).  Cuộc biến hình trên núi mà cả ba tác giả Tin Mừng Nhất lãm đều kể lại, chính là một bằng chứng về lòng trung thành của Thiên Chúa.  Những gì Thiên Chúa trong Cựu ước đã ngỏ lời qua truyền thống Lề luật (ông Môisen) và truyền thống Ngôn sứ (ông Êlia) nay đã được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu nhân độ thế.  Đức Kitô vừa là Ngôn sứ vừa là Lề Luật.  Kitô giáo tách ra khỏi truyền thống Do Thái, nhưng không đi ngược lại với truyền thống đó.  Do Thái giáo, hay truyền thống Ngôn sứ và Lề luật nay đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử.  Hình ảnh ông Môisen và ông Êlia đàm đạo với Chúa Giêsu, như một gạch nối và chuyển giao giữa Cựu ước và Tân ước.
 
Nếu như Thiên Chúa là Đấng trung tín, thì con người lại dễ dàng phản bội.  Lịch sử Cứu độ ghi lại những bất trung của dân riêng.  Đã bao lần Thiên Chúa yêu thương bao bọc và chở che tha thứ, nhưng con người vẫn chống lại Ngài.  Không chỉ lịch sử Do Thái, mà là lịch sử nhân loại, là chính chúng ta, những con người sống ở mọi nơi mọi thời cũng đang có khuynh hướng chống lại Thiên Chúa, khi vô tình hay hữu ý phá vỡ chương trình của Ngài.  Con người từ khởi đầu luôn có khuynh hướng kiêu ngạo chống lại Thiên Chúa và có ý định phản loạn.  Tội lỗi chính là sự phản loạn ấy.  Tội lỗi cũng là sự bất trung.  Tội lỗi gây hậu quả huỷ diệt chính bản thân mình.
 
Ba môn đệ gần gũi với Thầy Giêsu, là ông Phêrô, Gioan và Giacôbê, đã trải qua kinh nghiệm biến hình.  Các ông được chiêm ngưỡng Chúa như Người là, tức là được chiêm ngưỡng Người trong chính vinh quang do bản tính Thiên Chúa của Người.  Những lúc thông thường khác trong cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã ẩn vinh quang của Người.  Trên núi cao, Người đã tỏ bày vinh quang cho các ông thấy, như một lời hứa hẹn và khích lệ để khẳng định với các ông: nếu các ông trung tín với Thày, các ông sẽ được chia sẻ vinh quang với Thày.  Trên núi cao, một cuộc thần hiện (Epiphany) kỳ diệu đã diễn ra: lời Chúa Cha khẳng định: Đây là Con Ta yêu dấu, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người.”  Lời này đã vang lên lúc Đức Giêsu chịu phép Rửa ở sông Giordan, để dân chúng nghe thấy và nhận biết Đấng Messia (x. Mt 3,17).  Lời này hôm nay lại vang lên trên đỉnh núi, trong giờ phút Chúa Giêsu biến hình, như một nhắc nhở: hãy trung tín với Người.
 
Mùa Chay là thời điểm lắng đọng tâm hồn, để tôn vinh Thiên Chúa là Đấng tín trung trong lịch sử nhân loại và lịch sử cá nhân mỗi người.  Mùa Chay cũng là thời điểm tự vấn lương tâm, để soi xét về lòng trung thành của người tín hữu đối với Chúa và đối với tha nhân.  Thánh Phaolô đau lòng ứa lệ khi thấy có những tín hữu bất trung.  Họ không tìm Thiên Chúa, mà chỉ tìm những gì dễ dãi cho đời mình.  Vinh quang và lý tưởng của họ là những thứ chóng qua.  Người yêu mến Chúa sẽ tìm vinh quang thượng giới, là hạnh phúc vững bền.  Chính lòng yêu mến và trung thành sẽ giúp chúng ta biến đổi cuộc đời, trở nên con người mới, mặc lấy Đấng Phục sinh, sáng láng tinh tuyền và vinh quang thánh thiện, như Đấng đã biến hình trên núi năm xưa.
 

 

Nguồn tin: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập53
  • Hôm nay14,491
  • Tháng hiện tại263,361
  • Tổng lượt truy cập35,909,706
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây