Thay vì nói "không", hãy nói với trẻ "không được phép" (Ảnh minh họa).
Giúp việc nhà tôi không bao giờ dạy con tôi bằng cách la mắng, bạo lực hay đưa ra hình phạt im lặng (time-out) cho bọn trẻ. Bà luôn để bọn trẻ được tự do trong khuôn khổ và cố gắng giải thích ý nghĩa đằng sau mỗi hành động của chúng. Bà không để cảm xúc lấn át tất cả ngay cả khi bà ấy thất vọng. Bà luôn kiên định khi đặt kì vọng vào những đứa trẻ, không quên chú ý đến những hành vi tích cực và sửa chữa những thái độ tiêu cực của chúng.
Không bao giờ nói “không”
Bà giúp việc đã giải thích với tôi rằng việc chúng ta nói “không” với trẻ sẽ không thể khiến con hiểu vì sao trẻ không được phép làm điều mình muốn. Thay vào đó, bà khuyến khích tôi hãy nói “không được phép” và cho con lời giải thích đúng đắn.
Việc nói “không được phép” cũng cho bạn cơ hội để nói với trẻ những điều chúng được phép làm như một sự lựa chọn thay thế. Trẻ em có thể mô phỏng lại những gì bạn nói, và việc bạn liên tục hét lên “không” với con sẽ khiến bé học cách nói chuyện với người khác y như thế.
Trò chuyện với con cả ngày
Người giúp việc giải thích mọi việc mình đã làm bằng cách nói chuyện với bé, như miêu tả với con trai tôi từng bước khi bà thay tã cho cậu bé, miêu tả bộ quần áo bà đang mặc hay cách bà đã làm một tách trà như thế nào. Khi đó, tôi cho rằng bà ấy cảm thấy buồn chán và phải làm như vậy để tạo hứng thú cho bản thân.
Bạn có thể sẽ cảm thấy ngớ ngẩn khi nói mọi chuyện với một đứa trẻ nhưng thực tế việc nói chuyện với bé sẽ giúp con phát triển trí não, tăng khả năng ngôn ngữ và có tác động tích cực đến sự phát triển nhận thức.
Để ý đến các tình huống xã hội khi trẻ lớn hơn
Không bao giờ kỉ luật trẻ theo cách tiêu cực (Ảnh minh họa).
Trẻ em bẩm sinh không biết làm thế nào để giải quyết những vấn đề xã hội phức tạp, chẳng hạn như: Phải làm gì khi bị ai đó lấy mất đồ chơi, khi muốn chơi đồ chơi của một bạn khác, hay khi bị một bạn khác chen ngang lúc chơi cầu trượt?
Giúp việc của tôi thường để bé tự nói về những gì cần làm và cần nói trong các tình huống như thế và bà sẽ mô tả lại cho bé cần giải quyết thế nào để trở nên lịch sự và tế nhị với hàng xóm, bạn bè.
Các kĩ thuật tự xoa dịu và giữ bình tĩnh
Một lần, khi con trai tôi khăng khăng tin vào một chuyện không hề đúng, phản ứng đầu tiên của tôi là phủ nhận cậu bé ngay lập tức. Sau đó chúng tôi tiếp tục tranh luận qua lại vài vòng xem ai đúng và ai sai. Phản ứng khi đó của tôi dường như càng kích thích sự căng thẳng của cậu bé, làm con tức giận hơn và càng chỉ tin vào đáp án của mình.
Khi thấy con gần như “nổi điên”, tôi chỉ gật đầu và mỉm cười, giả vờ như cậu bé đúng vì tôi không có đủ sức tranh luận. Giúp việc của tôi bước vào, cho bé hít một hơi thật sâu và giải thích rằng đôi khi trẻ bị khủng hoảng, và người lớn cần giải thích cho chúng biết điều gì là đúng. Bà nói với bé rằng không có gì nghiêm trọng khi bé nói ra một chuyện không chính xác. Nhờ giúp việc, con trai tôi đã học được những kỹ năng tự xoa dịu bản thân, còn tôi đã học được cách phản ứng lại với con khi bé nổi giận.
Nói chuyện với con ở vị trí ngang với tầm mắt bé
Và luôn ngồi xuống ngang tầm mắt bé khi nói chuyện (Ảnh minh họa).
Trẻ em phản hồi tốt nhất khi bạn cúi thấp xuống và đạt đến tầm mắt của trẻ. Điều này làm cho bé cảm thấy thân mật hơn và có thể kết nối với bạn tốt hơn. Tôi nhận ra rằng khi bà nói chuyện với con tôi ở ngang tầm chiều cao của bé, cậu bé sẵn sàng nghe những gì bà ấy nói. Bởi khi đó bé cảm thấy mình được tôn trọng.
Đối xử với mỗi đứa trẻ theo một cách khác nhau
Khi tôi mang thai đứa thứ hai, tôi đã có một khoảng thời gian khó khăn để hiểu tại sao đứa con thứ hai lại có tính cách khác hẳn đứa con đầu tiên. Tôi liên tục so sánh bé với anh trai mình. Khi đó giúp việc đã nói rằng: “Bé thứ hai không phải là bé thứ nhất, cô bé không thể ngủ hay là ăn giống như anh trai mình. Chúng ta phải đối xử với bé theo một cách khác."
Bà nói đúng. Hãy công bằng với mỗi đứa trẻ và đối xử với con dựa trên những thói quen và đặc điểm riêng của bé.
Luôn luôn đưa ra lời giải thích
Khi đang vội hay bận làm nhiều việc một lúc, cha mẹ thường ra lệnh cho trẻ mà không hề giải thích về những gì cha mẹ yêu cầu bé làm. Việc giải thích giúp bé hiểu tại sao cha mẹ yêu cầu bé làm những việc mà bé không muốn làm. Thậm chí nếu trẻ không thể hiểu được lý do, việc đưa ra một lời giải thích bình tĩnh sẽ giúp trẻ kiểm soát được cảm xúc, hạn chế căng thẳng và giảm bớt việc “rên rỉ”.
6 phương pháp dạy con vâng lời
Tâm lí trẻ con rất khác với người lớn và đôi khi khiến cha mẹ phát cáu lên vì không thể hiểu được. Đôi khi yêu cầu trẻ làm gì đúng ý rất khó, thậm chí ép buộc hay dọa nạt thì trẻ cũng phản kháng và khóc nhè. Cha mẹ cần có những mẹo thấu hiểu tâm lí để khiến trẻ vâng lời tự nguyện và vui vẻ, hãy đọc ngay để tìm hiểu bố mẹ nhé!
Cha mẹ hãy chứng tỏ với trẻ rằng mình có siêu năng lực
Mô tả thật tỉ mỉ lỗi của trẻ như thể cha mẹ có siêu năng lực biết mọi thứ (Ảnh minh họa).
Khi trẻ vừa phạm lỗi hay làm gì đó chưa đúng, đừng ra lệnh cho trẻ hay phạt trẻ ngay lập tức. Thay vào đó, cha mẹ hãy giả vờ không nhìn thấy thứ đó, quay mặt đi chỗ khác. Và rồi, khi giả vờ không nhìn thấy như vậy, cha mẹ hãy mô tả thật tỉ mỉ lỗi của trẻ như thể nó ở ngay trước mắt. Điều này sẽ làm trẻ sợ, ngạc nhiên tột độ và tin rằng cha mẹ có năng lực bí ẩn. Cách này rất hữu hiệu, ít nhất là sẽ hữu hiệu cho đến khi trẻ được 7 tuổi.
Để lí giải điều này, các nhà khoa học chứng minh rằng trí não của trẻ nhỏ chưa đủ phát triển để nhận thức được sự khác biệt trong quan điểm của mỗi người và chúng cho rằng những thứ chúng nhìn thấy và cảm nhận chính là bản chất thực sự của thứ đó. Do đó, hễ cha mẹ nói những câu kiểu như "Cưng à, mẹ biết rằng con đang dính đất nặn lên mũi con đấy nhé" khi mà cha mẹ không hề nhìn thấy, điều này thực sự khiến cho chúng tin tưởng tuyệt đối và vâng lời răm rắp.
Hãy nói "Đúng, nhưng mà…."
Hãy khéo léo yêu cầu thay vì cấm đoán trẻ (Ảnh minh họa).
Có một sự thật là trẻ con có xu hướng chống đối lại với mọi từ "Không". Khi nói như vậy, không khác nào ra lệnh cấm đoán chúng và chúng sẽ nhất định không chịu nghe. Thế nên, cha mẹ cần biết cách cấm mà không cấm.
Ví dụ khi trẻ hỏi "Con có thể xem TV không mẹ?" thì thay vì nói "Không được, con phải đi làm bài tập ngay" thì hãy nói "Được chứ, nhưng con hãy làm cho xong bài tập trước đã nhé". Các nhà tâm lí học chỉ ra rằng khi nói "Không" kiểu cấm đoán sẽ khiến trẻ có cảm giác muốn kháng cự.
Hãy thật nhẹ nhàng với trẻ
Các nhà tâm lí học trẻ em đã làm 1 thí nghiệm, họ đặt 1 con búp bê trong phòng và nói với trẻ rằng nếu chúng nghịch con búp bê ấy thì chúng sẽ gặp điều tồi tệ. Một số đứa trẻ thì chỉ bị nhắc nhở nhẹ nhàng thôi còn một khác bị răn đe thật nặng nề. Khi nhà nghiên cứu quay đi, những đứa trẻ bị dọa nạt gay gắt ngay lập tức vồ lấy con búp bê ấy. Trái lại, những trẻ chỉ bị nhắc nhở nhẹ nhàng thì gần như không quan tâm đến con búp bê cho lắm. Có thể thấy, lời cảnh báo nhẹ nhàng đủ để nhắc nhở chúng không nên chạm vào con búp bê trong khi những lời dọa nạt nặng nề thường không có hiệu quả và đọng lại lâu.
Nhẹ nhàng giải thích để trẻ hiểu mọi chuyện (Ảnh minh họa).
Do đó, nếu không muốn trẻ chạm, nghịch ngợm, chà sát những cái cúc hay gào thét thì hãy nhắc nhở nhẹ nhàng hoặc phạt nhẹ. Cảnh báo trẻ, nếu trẻ làm điều sai, hãy chỉ cho trẻ 5 quả nho thay vì 6 quả như mọi khi, hoặc bất cứ thứ gì trẻ thích. Nhất định trẻ sẽ lắng nghe.
Hãy kể truyện cho trẻ
Khi cha mẹ yêu cầu trẻ đánh răng, chúng thường sẽ không chịu. Chúng biết cha mẹ đang cố yêu cầu chúng làm gì đó mà chúng thì lại thích được làm theo ý mình. Cho dù điều đó có tốt cho chúng chăng nữa, chúng cũng vẫn thích phản kháng, vì chúng là trẻ con mà.
Tuy nhiên, nếu thay vì nói "Con phải đi đánh răng ngay!" thì cha mẹ hãy kể cho chúng 1 câu chuyện tưởng tượng như "Con phải đánh răng thật sạch thì mới giải thoát được công chúa và chú kỳ lân….." hoặc cha mẹ cũng có thể hát 1 bài hát hay đưa ra 1 trò chơi về việc đánh răng ấy. Miễn sao làm cho trẻ cảm thấy thích thú và tin vào thế giới tưởng tượng, trẻ sẽ không phản kháng nữa.
Thay vì bắt bé đánh răng hãy kể với bé rằng bé đang chiến đấu với quái vật sâu răng chẳng hạn.
Hãy cho trẻ được lựa chọn
Đã có ít nhất 42 khảo sát chỉ ra rằng trẻ sẽ vui lòng thực hiện yêu cầu của cha mẹ nếu như trẻ cũng được cơ hội lựa chọn thay vì chỉ bị ra lệnh. Khi cha mẹ muốn yêu cầu trẻ làm gì, hãy cho trẻ quyền được từ chối. Cha mẹ hãy nói với trẻ điều cha mẹ mong muốn những cũng để cho trẻ có quyền được làm điều chúng muốn.
Cho trẻ lựa chọn khiến trẻ nghĩ rằng tự do của mình không bị bố mẹ đe dọa (Ảnh minh họa).
Ví dụ như, cha mẹ có thể nói "Con có thể tiếp tục chơi thoải mái nhưng mẹ muốn con vẫn dọn dẹp phòng của mình sạch sẽ". Chính kiểu "vừa đấm vừa xoa" như vậy sẽ khiếp trẻ nghe lời gấp đôi vì trẻ được lựa chọn không làm gì. Điều này là vì tự do của chúng không hề bị đe dọa và chúng không bị cưỡng ép quá mức.
Chơi trò giả ngốc với trẻ
Phương pháp này là 1 cách kích thích trẻ phát triển. Theo giáo sư Harvey Karp, tác giả cuốn sách "Những đứa trẻ vui nhộn" nói rằng chơi trò giả ngốc là phương pháp hiệu quả giúp trẻ dễ dàng hợp tác với cha mẹ hơn. Điều này khiến trẻ không còn cảm thấy bị ra lệnh hay bị điều khiển.
Ví dụ cha mẹ có thể giả vờ mặc trái áo, khi trẻ tỏ ra không muốn khoác áo vào và hỏi trẻ "Mẹ mặc đúng không ấy nhỉ?". Khi nhìn thấy cha mẹ làm gì đó sai, trẻ sẽ có xu hướng muốn thể hiện và chỉnh lại cho mẹ cách mặc thế nào mới đúng. Khi chơi trò này, cũng đừng để trẻ trở nên thiếu tôn trọng, mà hãy khéo léo để trẻ biết là cha mẹ không hề ngốc ngếch mà chỉ là nhầm lẫn, để chúng hiểu và cảm kích hành động ấy.