Trung Quốc 'vừa đấm vừa xoa' Liên minh châu Âu

Chủ nhật - 24/10/2021 23:30
unnamed (10)
unnamed (10)

 

Đại sứ Trung Quốc tại EU Trương Minh phát biểu tại một hội thảo vào tháng 3/2019. Ảnh: Xinhua.
Khi không thể lay chuyển được EU về vấn đề Đài Loan, Trung Quốc răn đe khối này không "đánh giá sai quyết tâm và ý chí" của Bắc Kinh.

"Trong thời khắc quan trọng này, tôi hy vọng ngài có thể tận dụng vai trò của mình để giúp Nghị viện châu Âu hiểu rõ tính nghiêm trọng và nhạy cảm của vấn đề Đài Loan, đóng góp một cách tích cực và mang tính xây dựng trong gìn giữ nền tảng chính trị quan hệ Trung Quốc - EU", Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) Trương Minh ngày 31/8 viết trong lá thư gửi Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Maria Sassoli.

Nội dung lá thư vừa được truyền thông công bố tuần này, cho thấy Trung Quốc đã tìm cách thuyết phục lãnh đạo EU tác động lên các thành viên cơ quan lập pháp khối, khi họ chuẩn bị bỏ phiếu thông qua báo cáo đầu tiên về vấn đề Đài Loan.

Trong thư, Trương Minh nhấn mạnh vấn đề Đài Loan gây quan ngại về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và "liên quan lợi ích cốt lõi của Trung Quốc cũng như 1,4 tỷ dân Trung Quốc". Đại sứ này khẳng định Bắc Kinh không chấp nhận thỏa hiệp trong vấn đề Đài Loan.

Tuy nhiên, nỗ lực "vừa đấm vừa xoa" của ông Trương không thay đổi được cục diện. Nghị viện châu Âu ngày 21/10 thông qua báo cáo với mức ủng hộ áp đảo: 580 phiếu thuận và 26 phiếu chống.

Dù văn bản không mang tính ràng buộc pháp lý, thông điệp từ Nghị viện châu Âu mang ý nghĩa chính trị đáng kể. Trong báo cáo chính thức đầu tiên của khối về vấn đề Đài Loan, cơ quan lập pháp EU đề nghị Ủy ban châu Âu "khẩn trương khởi động" công tác chuẩn bị cho thỏa thuận đầu tư song phương với Đài Loan.

Báo cáo đồng thời đề xuất thay đổi tên gọi cơ quan đại diện EU ở Đài Loan từ "Văn phòng Kinh tế và Thương mại châu Âu" thành "Văn phòng Liên minh châu Âu", với lập luận cách gọi mới sẽ phản ánh đúng quy mô mối quan hệ giữa EU và hòn đảo.

Ban soạn thảo báo cáo cũng nhận định Đài Loan nên được trao tư cách quan sát viên trong các tổ chức quốc tế như Interpol hay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Phái đoàn ngoại giao Trung Quốc tại EU bày tỏ sự không hài lòng sau phiên bỏ phiếu ngày 21/10. Họ đề nghị EU "đừng đánh giá sai quyết tâm và ý chí của Trung Quốc trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".

Phía Trung Quốc yêu cầu EU tôn trọng cam kết với nguyên tắc "Một Trung Quốc", theo đó không công nhận quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Văn phòng của đại sứ Trương Minh cảnh báo Nghị viện châu Âu "sửa sai, từ bỏ vấn đề gây rối loạn tình hình, tạo điều kiện để quan hệ Trung Quốc - EU phát triển tốt đẹp và ổn định".

Trước đó, trong lá thư cuối tháng 8 gửi Chủ tịch Sassoli, ông Trương đã nhận định báo cáo về Đài Loan là tài liệu tiêu cực và vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc". Ông nhấn mạnh tài liệu đã vượt xa khuôn khổ quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và trao đổi văn hóa giữa châu Âu với hòn đảo.

Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất. Giới lãnh đạo tại Bắc Kinh thời gian qua nhiều lần ám chỉ không loại trừ phương án dùng vũ lực thu hồi hòn đảo. Bắc Kinh vừa đẩy mạnh thuyết phục nhiều nước từ bỏ quan hệ chính thức với Đài Loan đổi lấy đầu tư từ Trung Quốc, đồng thời tiến hành nhiều đợt diễn tập quân sự áp sát hòn đảo.

Báo cáo quan hệ EU - Đài Loan là minh chứng mới nhất cho thấy sự suy giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu.

Trong vài tháng qua, dù vẫn duy trì lập trường "Một Trung Quốc", EU đã có những động thái tăng cường quan hệ với Đài Loan. Charlie Weimers, thành viên soạn thảo báo cáo, nhấn mạnh Ủy ban châu Âu phải tăng cường quan hệ EU - Đài Loan hướng đến "quan hệ đối tác toàn diện nâng cao".

Trong khi đó, Katalin Cseh, đại diện Hungary tại Nghị viện châu Âu, kịch liệt lên án nỗ lực can thiệp của Trung Quốc vào công việc của khối. Bà nhận định lá thư từ đại sứ Trương Minh đã nhắc nhở EU về thái độ "ngang ngược xem thường hệ thống dân chủ và những quy trình dân chủ" của Trung Quốc.

Đây cũng không phải lần đầu tiên quan hệ Trung Quốc và các thành viên EU dậy sóng vì vấn đề Đài Loan.

Năm 2020, Bắc Kinh phản đối quyết liệt khi Czech cử phái đoàn 90 chính trị gia, doanh nhân, nhà khoa học và phóng viên thăm Đài Loan. Chính phủ Slovakia đang lên kế hoạch tương tự, dự kiến thảo luận vấn đề này trong tuần sau.

Tháng 8, Litva khiến Bắc Kinh nổi đóa khi đồng ý cho Đài Loan mở "Văn phòng Đại diện Ngoại giao Đài Loan" ở thủ đô Vilnius, dự kiến bắt đầu hoạt động từ cuối năm nay. Trung Quốc đáp trả bằng cách triệu hồi đại sứ từ Litva về nước và chính phủ Litva cũng có hành động tương tự.

Sự cố ngoại giao này đặc biệt đáng chú ý vì đó là lần đầu tiên Trung Quốc triệu hồi một đại sứ ở EU. Bắc Kinh leo thang trả đũa, dừng tuyến đường sắt chở hàng hóa đến Litva và hoãn giấy phép thương mại của một số nhà sản xuất nước này. Tháng 9, chính phủ Litva yêu cầu quan chức ngừng sử dụng điện thoại do Trung Quốc sản xuất sau khi phát hiện điện thoại Xiaomi tự ý cài đặt công cụ kiểm duyệt các từ khóa nhạy cảm về Hong Kong, Đài Loan và khu tự trị Tây Tạng.

Dù chính phủ Litva gửi thông điệp sẵn sàng đàm phán cải thiện quan hệ với Trung Quốc, họ không có ý định thay đổi lập trường về vấn đề Đài Loan, trong bối cảnh đầu tư và nguồn lợi kinh tế từ Trung Quốc không còn sức hấp dẫn lớn như trước.

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) liên tục vấp phải chỉ trích "ngoại giao bẫy nợ". Những khoản vay dễ dàng nhưng nhiều rủi ro đã đẩy các nước nhận tiền vào tình thế phải trao quyền quản lý một số hạ tầng quốc gia cho Trung Quốc để "cấn nợ". Quan điểm này ngày càng phổ biến trong EU, thậm chí một số thành viên hoài nghi động cơ đầu tư Trung Quốc vào Đông Âu thực chất nhằm chia rẽ khối.

Trong bối cảnh đó, giới lãnh đạo EU và các nước thành viên xem quan hệ đối tác với Đài Loan là lối thoát khỏi sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng.

Đài Loan trong tuần này đã cử một phái đoàn 66 quan chức và doanh nhân đến thăm ba nước Litva, Slovakia và Czech. Trong tuần sau, lãnh đạo cơ quan đối ngoại Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp sẽ lên đường đến Czech và Slovakia. Lãnh đạo Văn phòng Thương mại Czech - Đài Loan Pavel Divis gọi đây là cơ hội tốt để thiết lập hợp tác trong một số lĩnh vực Đài Loan đang giữ vị thế dẫn đầu thế giới.

Phát biểu đầu tuần này tại nghị trường EU, Phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Margrethe Vestager tái khẳng định thông điệp đoàn kết và ủng hộ lập trường của Litva trong quan hệ với Trung Quốc.

"Sau khi ra quyết định làm phật ý Trung Quốc, Litva cũng như mọi nước thành viên đang chịu sức ép và cần sự ủng hộ, đoàn kết của khối. EU sẽ tiếp tục đáp trả những âm mưu đó, đồng thời áp dụng một số công cụ phù hợp đang được chuẩn bị, bao gồm cơ chế chống cưỡng ép", bà nhấn mạnh.

 

Nguồn tin: Trung Nhân (Theo SCMP/Statecraft)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập38
  • Hôm nay11,639
  • Tháng hiện tại378,875
  • Tổng lượt truy cập36,025,220
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây