Vỗ tay một bàn

Thứ bảy - 20/03/2021 23:07
download (4)
download (4)

Gần bốn triệu cán bộ, viên chức nhà nước ngày 31/3 tới sẽ phải thực hiện cuộc "tổng điều tra" tài sản quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam. Số người tham gia gấp đôi so với thường lệ các năm trước.

Ở New Zealand, nơi tôi đang sống và làm việc, vừa có một ồn ào chính trị nho nhỏ. Bác sỹ Ashley Bloomfield, người chỉ huy nỗ lực phòng chống Covid rất thành công của nước này, nhận hai chiếc vé mời xem cricket.

Điều đáng nói là chủ tịch hiệp hội cricket New Zealand đang vận động để cầu thủ được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. Ông Bloomfield sau đó phải xin lỗi và gửi khoản tiền tương đương giá cặp vé vào quỹ từ thiện, trong khi thủ tướng Jacinda Arden phải đứng ra "nói đỡ" trước công chúng.

New Zealand là nước đứng đầu thế giới về chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) ở khu vực công. Câu chuyện cho thấy việc giám sát công chức nhà nước luôn là vấn đề phức tạp dù ở bất kỳ đâu. Ranh giới giữa công và tư nhiều khi như dòng nước cửa biển, khó phân biệt rạch ròi nếu không có nguyên tắc rõ ràng.

Tại Việt Nam, những ai từng làm việc với các cơ quan nhà nước có lẽ đồng cảm, rằng phòng, chống tham nhũng luôn gặp khó khăn về nguyên tắc.

Nền văn hóa coi trọng mối quan hệ xã hội, công tư đan xen, khiến việc xác định hành vi vụ lợi không hề dễ dàng. Chúc Tết lãnh đạo như thế nào hay mua quà gì nhân dịp sinh nhật vợ sếp là vấn đề đặc thù của công chức Á đông. Trong khi đó, mối quan hệ giữa sếp và công chức ở các nước phương Tây thường chỉ dừng lại ở cốc bia sau giờ làm.

Kể từ sau Đại hội XII, nỗ lực phòng chống tham nhũng được thể chế hóa qua Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi (2018) và Nghị định 130 mới ban hành cuối năm ngoái, phần nào đó giúp tạo ra nguyên tắc để giám sát cán bộ chặt chẽ hơn. Quy định này có nhiều điểm, nhưng đáng chú ý nhất là yêu cầu cán bộ minh bạch về nguồn gốc tài sản của mình và người thân. Đáng chú ý là cuộc "tổng điều tra" tài sản vào cuối tháng này.

Vấn đề tôi quan tâm nhất của đợt "tổng kiểm kê" này là tính hiệu quả, bởi những đợt kê khai trước luôn có tỷ lệ sai phạm gần như bằng không. Năm ngoái, trong hơn một triệu cán bộ thuộc diện kê khai, chỉ có 10 trường hợp bị phát hiện là "có vi phạm", trong đó tám người bị kỷ luật. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc từng kết luận hiện tượng này: "cán bộ của ta không nói là nghèo, nhưng theo kê khai rất nghèo".

Nghị định 130 có chế tài nghiêm khắc hơn, nhưng điều đó không đảm bảo việc sàng lọc hiệu quả hơn. Với tỷ lệ người bị kỷ luật là một trên 100 nghìn trường hợp, nghĩa là chỉ cao hơn khả năng bị sét đánh một chút, tác động răn đe rất khiêm tốn.

Ít người ngừng ra đường khi trời mưa vì sợ sét đánh, và cũng sẽ có ít cán bộ biến chất ngừng tham nhũng vì sợ kiểm kê tài sản. Tôi e quá trình kiểm kê sắp tới khó giúp phát hiện ngay lập tức nhiều trường hợp vi phạm về phòng, chống tham nhũng.

Nhưng không có nghĩa việc kiểm kê là không cần thiết, bởi khi được thực hiện nghiêm túc, dữ liệu bản kê khai sẽ là cơ sở mang tính nền tảng để giám sát cán bộ. Bút sa gà chết, nếu khai báo không trung thực, thông tin do cán bộ tự điền sẽ làm bằng chứng chống lại chính họ khi có những bất nhất nảy sinh. Ở đây, việc tổng hợp và xây dựng cơ sở dữ liệu tài sản cán bộ trở nên rất quan trọng.

Vấn đề lớn hơn và khó xử lý hơn là công khai thông tin. Việc công bố phải đáp ứng yêu cầu minh bạch, nhưng cũng cần đảm bảo quyền riêng tư của cán bộ. Xử lý không khéo, câu chuyện tài sản cán bộ sẽ bị đẩy sang hai phía cực đoan: hoặc quá trình kiểm kê mang tính hình thức, hoặc biến thành cuộc "săn phù thủy" như thái độ với người có tài sản dưới thời bao cấp.

Cán bộ có quyền là người giàu, và thực tế ở nhiều quốc gia cho thấy, chỉ có những ai có của ăn của để mới bắt đầu nghĩ tới chuyện kinh bang tế thế. Cán bộ chỉ là không được làm giàu nhờ vào vị trí công tác của mình.

Như quy định hiện tại, thông tin về tài sản, thu nhập của cán bộ chủ yếu được công khai tại cơ quan làm việc hay trong các cuộc họp bàn về nhân sự. Với người ứng cử đại biểu Quốc hội, thông tin được chuyển đến cử tri, tuy nhiên bằng hình thức nào thì vẫn chưa rõ.

Vào kỳ bầu cử Quốc hội năm 2016, trước khi Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi được thông qua, tôi - với tư cách một cử tri - không nhận được thông tin nào về tài sản của ứng viên khi bỏ phiếu.

Việc minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ có thể đẩy lên một bước nữa, đó là công khai trên các cổng thông tin điện tử của nhà nước theo quy định tại Điều 11 của Luật. Tất nhiên, công khai thông tin của ai là vấn đề cần bàn thêm, bởi việc "duyệt hồ sơ" của gần bốn triệu người là không thực tế và không cần thiết. Nhưng trước hết, tương tự như với ứng cử viên đại biểu Quốc hội, các chức vụ trong bộ máy công quyền được người dân bầu ra nên là những lá cờ đầu. Điều này sẽ mang lại niềm tin lớn hơn trong dân dành cho lãnh đạo mà họ bầu ra.

Quan trọng hơn, kiểm kê phải đi liền với kiểm tra và giám sát. Với quy định hiện tại, cơ chế phòng chống tham nhũng vẫn chủ yếu là quá trình từ trên xuống với sự tham gia hạn chế của người dân và các tổ chức xã hội.

Dù có đến tám cơ quan chịu trách nhiệm, dễ thấy rằng với nguồn lực có hạn, việc xác minh tài sản của hàng triệu cán bộ nằm ngoài khả năng và phi thực tế. Người dân có lợi thế hơn cơ quan công quyền ở chỗ họ phải đối diện hàng ngày với nguy cơ tham nhũng, có "tai mắt" ở khắp mọi nơi, và thường nhạy cảm với tiêu cực. Do đó, thông tin được công khai sẽ giúp dân chúng và các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát hiệu quả hơn.

Phòng, chống tham nhũng không chỉ trong ngày một ngày hai, mà diễn ra liên tục và ngày càng phức tạp. Trong quá trình đó, người dân hoàn toàn có khả năng chia sẻ gánh nặng với nhà nước, nếu được tin tưởng. Sự tham gia tích cực của người dân sẽ đảm bảo cho thành công của chính sách. Nói như kinh tế gia Paul Samuelson, không ai vỗ tay bằng một bàn tay.

 

Nguồn tin: Nguyễn Khắc Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập25
  • Hôm nay8,383
  • Tháng hiện tại312,005
  • Tổng lượt truy cập35,958,350
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây