1. Coi kỹ năng sống như một môn học chính khóa
Với tầm quan trọng trong thời đại hiện nay, kỹ năng sống hoàn toàn xứng đáng được đưa vào học tập như một môn học chính thức. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, kỹ năng sống chưa được đưa vào nhà trường, nhưng mỗi chúng ta cần có ý thức coi kỹ năng sống như một môn học quan trọng cần học.
Hiện tại có rất nhiều cuốn sách, tài liệu nghiên cứu về kỹ năng sống nên không khó để tìm hiểu về các kỹ năng cần thiết. Quan trọng là bạn có quan tâm và chịu khó tìm hiểu về những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt với tương lai này hay không mà thôi? Xin nhắc lại là: kỹ năng sống là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt với tương lai, và bạn hãy lựa chọn cho mình việc quan tâm hay không quan tâm đến nó.
2. Nhận thức đúng tầm của kỹ năng sống
Có lẽ tầm quan trọng của kỹ năng sống trong thời đại mới này thì ai cũng biết. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều nhận thức không thực sự đầy đủ về tầm quan trọng của kĩ năng sống. Điều này làm cho sinh viên hay rộng hơn là những người học chưa chú trọng vào việc học tập và rèn luyện. Giáo dục thì chưa đầu tư kĩ lưỡng vào nội dung, phương pháp dạy kỹ năng sống, chưa thực sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy gây ảnh hưởng đến hiệu quả giáo dục kĩ năng sống. Vì thế, đừng đợi chờ một sự “cải cách giáo dục”, mà ngay từ bây giờ hãy tự tìm hiểu về kỹ năng sống, hiểu biết về nó và học nó.
3. Kĩ năng sống vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội
Để rèn luyện kỹ năng sống, trước tiên ta phải hiểu về tính chất của chúng. Kỹ năng sống vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội. Hay nói một cách đơn giản hơn, kỹ năng sống mang hai đặc trưng: đặc trưng nghề nghiệp và đặc trưng vùng miền.
Thứ nhất, về đặc trưng nghề nghiệp, mỗi nghề nghiệp lại cần có một kỹ năng sống khác nhau. Ví dụ: Nếu bạn là sinh viên sư phạm, nghĩa là rất có thể bạn sẽ trở thành một cô giáo. Vì thế kỹ năng của bạn là: kỹ năng ăn nói, kỹ năng đứng lớp, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng truyền cảm hứng,… Nếu bạn là sinh viên báo chí, bạn có thể là nhà báo trong tương lai. Kỹ năng của bạn là: kỹ năng bảo vệ sức khỏe, kỹ năng khai thác tư liệu, kỹ năng phát hiện đề tài,…
Thứ hai, về đặc trưng vùng miền, ở mỗi vùng miền lại cần có một kỹ năng sống khác nhau để tồn tại và phát triển. Ví dụ, người sống ở vùng núi cao cần có kỹ năng làm ruộng bậc thang, kỹ năng dẫn nước từ suối về nhà,… người sống ở vùng biển cần kỹ năng đi biển đánh cá, kỹ năng đối phó với mưa bão,…
Tóm lại, bạn phải hiểu rõ bạn cần kỹ năng sống nào trong hoàn cảnh của bạn và học đúng kỹ năng sống đó. Không quan trọng bạn có bao nhiêu kỹ năng sống, quan trọng là bạn có đủ kỹ năng sống để dùng hay không?
4. Tổ chức các hoạt động phong phú và đa dạng
Để rèn luyện kỹ năng sống, cách duy nhất là tiến hành thực hành. Và các phương pháp hiệu quả nhất đó là: Thảo luận, phân tích trường hợp điển hình, giải quyết tình huống, đóng vai, chơi trò chơi, bày tỏ ý kiến… Qua đó, bạn sẽ được trải nghiệm và tự rèn luyện kỹ năng sống cho bản thân.
5. Thực hành liên tục và hình thành kỹ năng bản thân
Thực hành kĩ năng sống là biện pháp quyết định thành công của quá trình học tập kĩ năng sống. Trong đó, vận dụng linh hoạt và biến kỹ năng sống trên lý thuyết thành kĩ năng, khả năng ứng xử linh hoạt, hiệu quả các tình huống xảy ra trong cuộc sống là mục tiêu.
Học phải đi đôi với hành, lĩnh vực nào cũng vậy và học kỹ năng sống cũng không là ngoại lệ. Ví dụ: một trong những kỹ năng sống cần kíp hiện nay là kỹ năng giao tiếp, nếu bạn chỉ chăm chăm học thuộc lý thuyết rằng: giao tiếp là phải kết hợp giữa nói và ánh mắt, giữa nói và ngôn ngữ cơ thể, là thế này là thế khác,… Nhưng nếu bạn không thường xuyên tiếp xúc với mọi người, không giao tiếp với những kỹ năng đã được học thì tất cả sẽ chỉ là lý thuyết và thiếu thực tế.