Mai Dương khóc vì xúc động trong buổi họp báo tại bệnh viện hôm thứ Ba 16.9.2014
SAU CÙNG TIN VUI RỒI CŨNG TỚI ...
Trong tháng Bảy, bác sĩ từng nói Mai Dương chỉ còn khoảng hai tháng để tìm cho ra một người hiến tủy phù hợp, bằng không mạng sống của cô không thể kéo dài lâu hơn. Nay họ đã tìm ra một người hiến tủy có tế bào gốc phù hợp với Mai, hay nói đúng hơn là tìm được cuống dây nhau từ một người mẹ mới sanh con.
Mai Dương, 34 tuổi, đã phải chống chọi với bệnh bạch cầu cấp tính. Trong nhiều tháng qua, cô tìm kiếm một người hiến tặng có tế bào gốc hoặc dây nhau phù hợp với cơ cấu di truyền của cô.
Đến nay, hôm thứ Ba vừa qua, từ bệnh viện Maisonneuve-Rosemont, Mai vừa khóc vừa loan báo trước các cơ sở truyền thông rằng các bác sĩ đã tìm ra người hiến tặng hiếm quí có thể cứu mạng đời cô. Trên trang web Save Mai Dương Facebook, cô cho biết, “Một phụ nữ đã sinh con và tặng dây nhau của con mình để cứu mạng một người khác. Xin cám ơn chị, người mẹ thân yêu, chúng tôi không thể nói hết lòng biết ơn từ đáy lòng trước và tầm quan trọng của nghĩa cử của chị. Tôi rất xúc động."
Mai Dương đã phấn đấu với bệnh ung thư trong năm 2013. Cô phải chấm dứt việc mang thai 15 tuần để điều trị. Cô đã thuyên giảm cho đến tháng Năm vừa qua, khi cuộc xét nghiệm máu cho thấy bệnh bạch cầu đã trở lại.
Lúc đó Mai nói, “Bảy mươi phần trăm trong số những người mắc loại bệnh bạch cầu ấy có thể được chữa lành bệnh bằng hóa trị, và rủi thay tôi nằm trong số 30 phần trăm.”
Các bác sĩ nói rằng cô sẽ cần ghép tủy xương hoặc tế bào gốc máu dây nhau, và công việc phải được thực hiện nhanh chóng. Mặc dù cô nằm trong danh sách quốc tế, các bác sĩ phải vất vả tìm một tế bào gốc phù hợp với cô.
Mai Dương gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm một người hiến tặng giúp cứu cô khỏi bệnh bạch cầu, vì có quá ít người Việt Nam ghi danh để trở thành người hiến tặng.
Hema-Québec, ngân hàng máu và mô ở tỉnh bang Montreal, nói rằng tình cảnh của Mai Dương đã đưa đến việc phổ biến tin tức trong các cộng đồng người Á Châu, giúp làm tăng số lượng ghi danh của những người hiến tặng gốc Á Châu, từ một phần trăm trong tổng số ghi danh nay đã tăng lên đến bốn phần trăm.
Theo cô cho biết, đối với những người không phải là người da trắng, việc tìm kiếm cho ra đúng người hiến tặng hợp với mình có thể giống như việc mò kim đáy biển vậy.
Mai viết trên trang web của mình, “Chưa tới một phần trăm trong số 25 triệu người hiến tặng trên toàn thế giới là người Việt Nam. Trong ngân hàng hiến tặng thế giới, mọi cộng đồng sắc tộc không được đại diện đúng mức một cách nghiêm trọng. Điều này khiến cho việc tìm kiếm một nhà hiến tặng tương thích trở nên rất khó khăn đối với tôi và nhiều người khác hiện đang chờ cấy ghép.”
Các bác sĩ của Mai Dương nói rằng việc hiến máu dây nhau là một lối điều trị mới, chưa được quen thuộc nhiều so với việc hiến tặng tủy xương của người thành niên.
Họ nói rằng máu dây nhau có một số nhược điểm, đó là tế bào gốc hiện diện ít hơn và thời gian bình phục lâu hơn.
Mai Dương vẫn sẽ cần phải trải qua các cuộc trị liệu bằng hóa học và phóng xạ, cũng như bị cách ly nhiều tuần. Nhưng cô vui mừng vì có được cơ hội may mắn này. Cô cũng phấn khởi vì đã làm cho người ta ý thức nhiều hơn về tình trạng thiếu những người không phải là da trắng hiến tặng máu và mô ở Quebec.
Mai viết trên Facebook, “Tiến trình cấy ghép còn nhiều trở ngại, và tôi chưa thể nào nói lớn rằng mình đã chiến thắng. Đây sẽ là một tiến trình còn rất dài, đầy chông gai.”