Mẹ Pháp: Đồ chơi tước đi cơ hội phát huy trí thông minh của trẻ

Thứ tư - 21/01/2015 19:26

Mẹ Pháp: Đồ chơi tước đi cơ hội phát huy trí thông minh của trẻ

Đôi khi mẹ Việt ta thường quá yêu chiều con cái. Hay lấy những lý do như “thời mình thiếu thốn đủ rồi, giờ phải bù đắp cho con”... để mua cho con trẻ quá nhiều đồ chơi. Điều này là vô cùng không tốt. Không những khiến bé không biết quí trọng, thiếu đi tính ngăn nắp, cẩn thận trong việc gìn giữ đồ chơi mà còn tước đi của con cơ hội được phát huy trí thông minh, óc sáng tạo.

Tôi làm việc ở một công ty kiểm toán lớn có chi nhánh tại Việt Nam. Công việc kiểm toán thường đòi hỏi tôi phải thường xuyên xa nhà. Chính vì vậy, từ những lần đi công tác về, tôi luôn mua hàng hàng lũ lũ những là đồ chơi, quà cáp cho con. Cũng là một cách để bù đắp cho hai đứa nhóc ở nhà. Tuy nhiên, lần đi Pháp vừa rồi, tôi chỉ mua đúng 2 món quà nhỏ cho hai bé. Tôi đã nhận ra được lợi ích tuyệt vời của việc “ít đồ chơi”. Vì sao ư? Tôi xin kể ra đây trải nghiệm cực kỳ thú vị của mình ở đất nước Pháp xinh đẹp.

Chuyến công tác vừa rồi, tôi sang Pháp một tháng. Vì thời gian xa nhà có lâu hơn mọi khi, công ty sắp xếp cho tôi ở home-stay tại nhà một đồng nghiệp người Pháp. Vì cũng đã quen biết nhau khá lâu, nay mới có dịp ở chung nên tôi cũng rất hào hứng và không ngại ngần gì. Tôi cũng muốn xem cuộc sống và thói quen dạy dỗ con cái của mẹ Pháp có thực sự nghiêm khắc như những gì tôi đã được biết hay không.

Tôi có nhớ rõ ấn tượng đầu tiên khi bước vào thăm phòng ngủ của hai nhóc con Sara, tôi đã rất ngạc nhiên vì hai bé có quá ít đồ chơi. Nghĩ về Bin và Bon, hai nhóc con trai tôi ở nhà với hai thùng đồ chơi to tướng, kèm theo không biết bao nhiêu là ô tô, máy bay, xếp hình…la liệt khắp cái ngóc ngách trong nhà. Tôi cảm thấy rất lạ. Tối hôm ấy, sau khi ăn tối xong, tôi thủ thỉ  đề nghị với Sara sẽ mua cho tặng Atony (con trai nhỏ của Sara, năm nay 3 tuổi) và Gulia (con gái lớn, năm nay 6 tuổi) một ít đồ chơi mới, coi như làm quà. Vậy nhưng cô nàng không đồng ý. Thấy ý tốt của mình bị đồng nghiệp từ chối thẳng thừng, tôi cũng khá tự ái. Tuy nhiên, càng quan sát, tôi mới càng hiểu lý do vì sao Atony và Gulia ít đồ chơi.

Cần phải nói, không phải Sara không mua đồ chơi cho con. Tôi thấy Atony có một bộ xếp hình rất to, một cái hộp đựng các dụng cụ ốc vít, lắp ráp bằng nhựa cho trẻ con, và một bộ đất nặn, bút màu cùng giấy vẽ. Riêng Gulia còn có thêm một bộ đồ hàng, bếp núc bát đũa bằng nhựa và vài quyển sách truyện tập đọc. Hai bé miệt mài chơi cùng những món đồ chơi cũ đó, ngày này qua ngày khác. Hôm trước, tôi vừa thấy cậu bé ngồi lắp ráp ô tô, hôm sau, cũng bộ đồ chơi ấy, Atony lôi ra để…xếp nắn, ghép hình cùng đất nặn. Quyển truyện đọc của Gulia thì còn “thảm” hơn. Cô bé mới biết đọc chữ, cứ đọc đi đọc lại mãi 2,3 quyển truyện sách về thế giới động vật và thiên nhiên đến mòn cả sách. Vậy nhưng tôi không thấy hai bé tỏ ra chán. Mỗi ngày, tôi lại thấy Atony bày ra một trò chơi mới với những món đồ cũ của mình. Kiến thức về thiên nhiên, động vật của Gulia thì khi nói chuyện với cô nhóc, tôi còn phải thán phục. Sara không hề dạy con. Chính những khi quá buồn chán với việc chơi mãi những đồ chơi cũ, Atony lại càng nghĩ thêm nhiều cách chơi mới. Sách truyện cũng vậy, đọc đi đọc lại cũng đã khiến những kiến thức ấy ngấm vào trí óc Gulia một cách vô cùng tự nhiên.

Tôi chợt hiểu ra lý do vì sao Sara và mẹ Pháp nói chung không mua quá nhiều đồ chơi cho con. Càng ít đồ chơi, bé sẽ càng phát huy được khả năng sáng tạo, sách truyện cũng vậy, cũng cần đọc đi đọc lại mới có thể nhớ lâu. Có thể đôi lúc, Atony và Gulia sẽ tỏ ra buồn chán và than thở với mẹ. Nhưng Sara không hề bật tivi cho con, quảng cho bé cái ipad hay bất cứ món đồ chơi nào. Cô nàng luôn để mặc con với duy nhất một câu trả lời “Chán thì con tự nghĩ xem làm gì cho vui”. Vậy nhưng tôi không thấy Atony và Gulia thất vọng. Bởi chỉ 5-10 phút sau, hai bé đã say mê với trò chơi mới của mình. Trí tưởng tượng, khả năng bắt chước của trẻ cũng vì thế mà rất linh hoạt.

Ít đồ chơi giúp trẻ em Pháp phát huy khả năng sáng tạo (hình minh họa)

Một ưu điểm nữa của việc có ít đồ chơi mà tôi học được ở bà mẹ Pháp Sara đảm đang của mình, đó là giúp các con có thời gian tập trung vào những việc khác, biết phát triển khả năng giao tiếp của bản thân. Không có đồ chơi thì trẻ sẽ làm gì? Atony và Gulia cũng như tất cả những đứa trẻ khác, chúng sẽ quay ra tập trung vào bạn bè, gia đình, các mối quan hệ xã hội và thiên nhiên. Thay vì cắm mặt vào ipad để chơi điện tử, ngồi hàng giờ bên máy Play Station hay ở lỳ trong nhà một mình với hàng đống đồ chơi như trẻ em Việt, Atony và Gulia rất thích ra ngoài sân chơi đùa với chúng bạn hàng xóm. Bé cũng thường hay quẩn quanh bên mẹ, chuyện trò, giúp Sara dọn dẹp nhà cửa, xếp bát đũa và tự cho đó là những “trò chơi” của bản thân. Vậy là mẹ Pháp không bao giờ phải lo con chỉ thích nhìn tivi mà không thèm nói chuyện với bố mẹ, gia đình.

Nếu mẹ Việt nào cho rằng nhà có hai anh em mà ít đồ chơi sẽ dễ dẫn đến tranh giành, cãi nhau thì tôi đây và mẹ Pháp Sara sẽ là hai minh chứng hoàn toàn ngược lại. Trước đây tôi vốn tưởng rằng mua càng nhiều thì trẻ con sẽ càng khỏi tị nạnh nhau. Vậy nhưng Bin và Bon ở nhà vẫn luôn đành hanh. Atony và Gulia thì ngược lại. Vì sao lại có chuyện “ngược đời” như vậy? Cứ tưởng tượng, mỗi lần tôi mua đồ chơi mới cho hai bé, chúng lại vứt hết những món đồ cũ đi và lao vào “chiến đấu” với nhau để giành lấy món đồ chơi mới. Càng nhiều đồ chơi, trẻ càng cãi nhau nhiều. Vậy nhưng những gia đình mà hai anh em có ít đồ chơi, chúng sẽ buộc phải chia sẻ với nhau, cho nhau cùng chơi. Từ đó cũng hiếm khi dẫn đến bất hòa. Tính tự giác, thói quen ngăn nắp, giữ gìn của trẻ có ít đồ chơi cũng sẽ hơn những bé mà đồ chơi “ê hề, thừa thãi”.

Tôi nghĩ rằng đây là một bài học vô cùng thú vị về cách nuôi dạy con cái mà mẹ Pháp đã dạy cho tôi. Đôi khi mẹ Việt ta thường quá yêu chiều con cái. Hay lấy những lý do như “thời mình thiếu thốn đủ rồi, giờ phải bù đắp cho con”... để mua cho con trẻ quá nhiều đồ chơi. Điều này là vô cùng không tốt. Không những khiến bé không biết quí trọng, thiếu đi tính ngăn nắp, cẩn thận trong việc gìn giữ đồ chơi mà còn tước đi của con cơ hội được phát huy trí thông minh, óc sáng tạo. Hoàn thành chuyến công tác hơn một tháng trời tại Pháp. Khi vừa xuống sân bay Nội Bài về đến nhà, tôi ngay lập tức thu dọn lại căn phòng của hai đứa con mình. Tôi cũng chẳng tiếc gì mà thẳng tay “tiêu diệt” hơn một nửa số đồ chơi ngổn ngang trong phòng chúng. Tôi tin, và sẽ bắt đầu thay đổi phương pháp dạy con của mình ngay từ bây giờ.

 

Mẹ Pháp không phải là thứ dịch vụ hễ cần là có!

M.Chi

Dù có là bà mẹ tốt nhất trên thế giới thì mẹ vẫn là mẹ chứ không phải thứ dịch vụ hễ cần là có của con trẻ.

 

Dạy con tự lập

Trong khi các nhiều mẹ ở khắp nơi trên thế giới luôn nuông chiều và lo lắng cho con mỗi khi chúng khóc, gọi, ngã hoặc thậm chí không ăn uống. Nhưng các mẹ Pháp thì không như vậy.

Kể từ khi mới chào đời, các mẹ Pháp đã để con nằm riêng và hạn chế ôm ấp. ngay cả khi đứa trẻ bật khóc giữa đêm, các mẹ Pháp cũng bình tĩnh để con mình tự trấn an cho tới khi nín khóc thay vì chạy ngay vào an ủi.

 

 

Theo họ, dù có là bà mẹ tốt nhất trên thế giới thì mẹ vẫn là mẹ chứ không phải thứ dịch vụ hễ cần là có của con trẻ. Và cách họ lựa chọn chính là đứng từ xa quan sát, khích lệ trẻ thay vì nâng chúng lên hoặc làm mọi thứ cho chúng.

Nếu con bị ngã, các mẹ Pháp cũng để chúng tự tìm cách đứng lên trước khi bế dậy. Không khó để quan sát thấy rất nhiều bà mẹ luôn trông chừng và theo sát con mình từng bước trong khi các mẹ Pháp có thể ngồi trên ghế và để con mình tự tập đi.

Nuôi dạy con tốt không có nghĩa phải luôn phục vụ con. Vì vậy, các mẹ Pháp dù một mình chăm con không có sự hỗ trợ của người thân hay người giúp việc nhưng họ vẫn có khá nhiều thời gian dành cho bản thân nghỉ ngơi, thư giãn và làm đẹp.

Dạy con kỷ luật

Kỷ luật là nền tảng để giáo dục và chăm sóc trẻ em. Các mẹ Pháp cảm thấy không có vấn đề gì khi từ chối yêu cầu của trẻ bằng cách nói “không”. “Không” theo cách đơn giản nhất được hiểu là “không thể”, “không được” và trẻ cần phải tuân theo.

Một điều thú vị là trẻ em Pháp chỉ đòi quà hai lần trong năm trong khi trẻ em ở nhiều nơi trên thế giới có thể đòi quà mỗi khi chúng muốn. Đó là vào ngày sinh nhật và lễ giáng sinh. Nếu đòi hỏi nhiều hơn, chúng có thể bị phạt.

Các mẹ Pháp cũng mắng con nếu chúng không nghe lời. Điều quan trọng nhất là cha mẹ cần thể hiện được cái "uy" của mình khi nói “không”.

Trẻ con Pháp được giáo dục về kỷ luật ngay cả trong bữa ăn. Chúng ăn 4 bữa một ngày giống các thành viên khác trong gia đình: ăn sáng lúc 8 giờ, ăn trưa lúc 12 giờ, ăn nhẹ lúc 4 giờ và ăn tối lúc 8 giờ.

Tuy cha mẹ giám sát chặt chẽ trẻ về những điều được và không được phép làm nhưng về bản chất, các mẹ Pháp vẫn để con cái mình tự do làm những điều chúng yêu thích.

Dạy con lịch sự

Trong gia đình Pháp, đứa trẻ không phải là "trung tâm của vũ trụ", chúng cũng chỉ là một thành viên trong gia đình như các thành viên khác. Vì vậy, chúng cũng cần tôn trọng các thành viên khác và cư xử sao cho không ảnh hưởng tới nhu cầu của các thành viên khác trong gia đình.

Mới nghe có vẻ khá lý thuyết và "trẻ con thì làm sao mà hiểu được" nhưng bạn có thể hiểu đơn giản như việc buổi tối trẻ em có thể vào phòng cha mẹ ngồi chơi nhưng tới giờ ngủ, trẻ sẽ phải trở về phòng của mình và trả lại không gian riêng cho cha mẹ.

 

 

Cách ăn uống của trẻ em Pháp cũng rất lịch sự. Chúng ngồi ngoan ngoãn đợi đến lượt mình được phục vụ. Cha mẹ Pháp hiếm khi phải quát trẻ như “Yên lặng nào” hoặc “Con đừng làm như thế, hãy làm như thế này” mà chỉ cần nói “Đợi đến lượt con nhé”.

Nói chung, trẻ em Pháp được dạy dỗ rất cẩn thận về cách cư xử lịch sự trước khi ăn. Trẻ được giáo dục về cách nói “cảm ơn”, “xin chào”, “xin lỗi”, ngay từ khi mới bập bẹ những tiếng đầu đời.

Khi muốn trình bày điều gì đó, chúng cũng đợi bố mẹ (hoặc người lớn) dừng câu chuyện của họ trước khi bắt đầu nói. Điều đó lý giải tại sao, trẻ Pháp thường nhận được nhiều lời khen về thái độ lịch thiệp.

Ngoài ra, mẹ Pháp cũng rất tôn trọng thế giới riêng của con. Họ không ép con phải học nhiều hay đạt điểm cao mà họ muốn con mình phát triển tự nhiên và dành nhiều thời gian cho cuộc sống tinh thần phong phú. Đọc sách, làm thủ công, tới bảo tàng... là những điều mà hầu hết các mẹ Pháp làm cùng con mình. Vì vậy, đối với nhiều người các mẹ Pháp thật hoàn hảo

Tác giả bài viết: Mai Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập950
  • Hôm nay12,252
  • Tháng hiện tại282,149
  • Tổng lượt truy cập36,336,704
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây