Bài diễn văn ra trường hay nhất.

Thứ sáu - 16/01/2015 16:20

Bài diễn văn ra trường hay nhất.

Bài được giới thiệu sau đây là của Steve Jobs, người sáng lập Apple đọc tại buổi lễ ra trường Stanford 2005 lúc ông 50 tuổi. Bài phảng phất tư tưởng phương Đông do ông từng cạo đầu ngao du Ấn độ nhiều tháng. Đám cưới ông do Thiền sư Kobun Chino Otogowa chủ trì.
Đây là bài được nhiều người đưa lên youtube, kể cả trường Stanford – một bài có số lượt người xem nhiều nhất (hơn 2 triệu) – và được nằm trong những bài diễn văn ra trường hay nhất. Steve Jobs khuyên sinh viên chọn những việc mình đam mê dù không thấy tương lai sáng sủa và ngay trong hoàn cảnh thất bại, nếu yêu thích công việc mình sẽ thành công trở lại. Bài diễn văn ra trường này cho phụ huynh thấy một khuynh hướng chung: các em ngày nay thường tìm kiếm công việc mình yêu thích thay vì tìm công việc ổn định, lương cao.
Hôm nay tôi vinh hạnh được cùng các bạn tham dự lễ ra trường taị một trong những đại học tốt nhất thế giới. Nói thật ra, tôi chưa bao giờ tốt nghiệp đại học và đây là dịp gần gũi nhất với một lễ ra trường. Tôi muốn kể với các bạn 3 truyện của đời tôi. Có thế thôi. Chẳng có gì lớn lao cả. Chỉ 3 truyện.
Truyện thứ nhất là kết nối những biến cố nhỏ trong đời.
Tôi đã bỏ ngang đại học Reed chỉ sau 6 tháng theo học và quanh quẩn ở đó 18 tháng trước khi thực sự nghỉ luôn. Tại sao tôi bỏ ngang việc học hành?
Câu chuyện bắt đầu trước khi tôi được sinh ra. Mẹ đẻ tôi là một sinh viên trẻ bậc sau đại học, có thai khi chưa cưới hỏi và quyết định cho tôi làm con nuôi sau khi sanh. Bà muốn tôi phải được nuôi nấng trong một gia đình học thức. Tôi được chuẩn bị giao cho một luật sư và vợ ông ta nhưng họ đổi ý vào giây phút cuối khi tôi được mang ra vì họ muốn một đứa con gái. Do vậy, cha mẹ nuôi tôi hiện nay lúc đó đang trong danh sách chờ đợi (waiting list) được gọi điện thoại vào nửa đêm hỏi rằng, “Chúng tôi có một bé trai không trông đợi ra đời, ông bà có muốn nó không?” Họ trả lời,”Dĩ nhiên muốn”. Mẹ đẻ tôi sau đó biết rằng mẹ nuôi tôi chưa tốt nghiệp đại học và cha nuôi tôi thậm chí không tốt nghiệp trung học nên từ chối ký giấy tờ. Bà chỉ nhượng bộ vài tháng sau khi Cha Mẹ nuôi hứa hẹn sẽ cho tôi theo học đại học.
Đây là khởi điểm của đời tôi. Và 17 năm sau tôi vào đại học nhưng ngây thơ chọn một trường đắt tiền gần như Stanford, và tất cả tiền để dành của Cha Me tôi thuộc tầng lớp lao động được dùng trả học phí. Sau 6 tháng, tôi không tìm thấy một chút giá trị gì trong đó. Tôi không biết sẽ phải làm gì cho đời mình và cũng không biết đại học sẽ giúp gì tôi trả lời câu hỏi đó, và nay tôi đã tiêu hết tiền mà Cha Mẹ tôi góp nhặt trong cả đời họ. Tôi quyết định bỏ học và tin rằng rồi ra mọi việc cũng sẽ ổn. Lúc đó tôi cũng khá sợ hãi, nhưng nhìn lại quyết định bỏ học, đó là một trong những quyết định tốt nhất tôi đã làm. Ngay khi bỏ học, tôi không phải lấy những lớp đòi hỏi mà tôi không thích thú và bắt đầu học những lớp tôi yêu thích hơn.
Bỏ học không phải là điều lãng mạn. Không có chỗ trong đại học xá, tôi ngủ lậu trên nền nhà ở phòng của người bạn. Tôi trả lại vỏ chai nước đổi lấy 5 xu mua thức ăn và đi bộ 7 dặm (miles) mỗi tối Chủ nhật hàng tuần để có một bữa ăn từ thiện ngon miệng tại đền Hare Krishna. Tôi yêu thích làm điều này. Phần lớn những điều tôi làm theo bản năng và sự tò mò sau này đã trở nên vô giá. Tôi cho các bạn một thí dụ.
Vào lúc đó đại học Reed có những lớp dạy về cách viết chữ đẹp thuộc hạng tốt nhất quốc gia. Khắp nơi trong trường, trên những ngăn kéo, bích chương là những kiểu chữ viết tay rất đẹp. Bởi vì đã bỏ học, không buộc phải lấy những lớp thông thường nên tôi quyết định lấy lớp dạy chữ đẹp và học phương cách viết chúng. Tôi học về những bộ chữ serif và san serif, về những khoảng cách khác nhau giữa chúng, về các phương cách làm kiểu in sao cho mỹ thuật. Những mẫu chữ đó thật đẹp đẽ, có tính lịch sử và tinh tế nghệ thuật khiến khoa học kỹ thuật không thể nắm bắt hết được, và tôi thấy chúng vô cùng quyến rũ.
Kiễu mẫu chữ này không mang hy vọng ứng dụng thực tế vào đời tôi. Nhưng 10 năm sau, khi tôi thiết kế máy vi tính Macintosh đầu tiên thì tất cả mẫu chữ đó hiện về lại với tôi. Và tôi đã thiết kế chúng trong Macintosh. Đó là máy vi tính có cách trình bày bản chữ in đẹp đầu tiên. Nếu tôi không lấy lớp đó ở đại học, máy vi tính Mac không bao giờ có nhiều bộ chữ đẹp hoặc những kiểu chữ tỷ lệ cân xứng. Vì Windows sao chép Mac nên hầu như các máy vi tính cá nhân đều có những kiểu chữ trên. Nếu không bỏ học ngang tôi không học về viết chữ đẹp thì máy tính sẽ chẳng có những thứ đó.
Dĩ nhiên, không thể kết nối những biến cố nhỏ ảnh hưởng tới tương lai khi tôi còn ở đại học nếu nhìn về phía trước, nhưng 10 năm sau quay nhìn lại thì chúng liên kết nhau rất rõ ràng. Một lần nữa, bạn không thể nối kết những việc đã làm nếu chỉ nhìn về phía trước. Bạn chỉ có thể liên kết chúng khi nhìn về quá khứ nên bạn phải tin tưởng những việc mình làm, bằng cách này hay cách khác có liên hệ tới tương lai. Bạn phải tin vào điều gì đó – linh tính, số mạng, cuộc đời, nghiệp chướng, hay bất cứ thứ gì khác – bởi vì tin tưởng những biến cố nhỏ nhoi sẽ ảnh hưởng tới con đường tương lai tạo cho bạn lòng tự tin đi theo con tim mình, ngay cả khi điều đó dẫn bạn tách khỏi một lối mòn quen thuộc, và sự tin tưởng đó đã tạo nên tất cả khác biệt trong đời tôi.
Truyện thứ hai về tình yêu và sự thua cuộc.
Thật may mắn – tôi đã tìm thấy những gì mình yêu thích trong đời khá sớm sủa. Woz và tôi cùng sáng lập Apple trong nhà để xe (garage) của Cha Mẹ tôi khi mới 20 tuổi. Chúng tôi làm việc cật lực và trong 10 năm Apple đã lớn mạnh từ hai người trong một cái garage trở thành một công ty có vốn $2 tỷ và hơn 4000 nhân viên. Chúng tôi mới cho chào đời một sản phẩm tốt nhất – Macintosh – một năm trước đó và tôi chỉ 30 tuổi. Và rồi tôi bị đuổi việc. Làm sao bạn có thể bị sa thải bởi chính công ty bạn đã sáng lập ra? Thế này, khi Apple lớn mạnh, chúng tôi thuê một người mà chúng tôi nghĩ rất tài năng để quản lý công ty chung với tôi.
Khoảng năm đầu, mọi sự thuận buồm xuôi gió. Nhưng rồi tầm nhìn tương lai bắt đầu khác biệt và cuối cùng chúng tôi cãi nhau. Khi xảy ra điều đó, ban Giám đốc quyết định đứng về phía ông ta. Do vậy, lúc 30 tuổi, tôi bị mất việc và chìm lỉm trong bóng tối. Tất cả những nỗ lực từ khi trưởng thành tan biến, và điều này thật khủng khiếp.
Tôi thật sự không biết phải làm gì trong vài tháng. Tôi có cảm giác đã làm cho thế hệ những nhà kinh doanh trước thất vọng và đã bỏ rơi cây gậy lãnh đạo vì nó được trao cho tôi. Tôi gặp David Packard và Bob Noyce để xin lỗi vì đã làm hỏng mọi chuyện. Tôi là người thất bại trước công chúng nên định bỏ (Silicon) Valley. Nhưng một cái gì đó loé sáng chậm chạp trong đầu, tôi vẫn thích việc tôi đã làm. Khúc rẽ tại Apple không thay đổi tôi chút nào. Tôi bị loại trừ khỏi công việc nhưng tôi vẫn thích nó. Do vậy tôi quyết định làm lại từ đầu.
 
Lúc đó tôi không nhận ra nhưng bị đuổi việc khỏi Apple đã trở thành điều tốt nhất chưa từng xảy ra trong đời. Gánh nặng thành công được thay thế bởi sự nhẹ nhàng của người khởi đầu từ bàn tay trắng, không chắc chắn về điều gì. Nó giải phóng tôi để tiến vào những thời kỳ sáng tạo nhất trong đời.
Trong vòng 5 năm tiếp theo, tôi thành lập công ty NeXT rồi công ty khác là Pixar sau đó yêu một người đàn bà tuyệt vời nay đã trở thành vợ tôi. Pixar tiến lên sáng tạo ra phim hoạt hình màn ảnh rộng, không gian 3 chiều Toy Story và trở nên phim trường hoạt hình thành công nhất thế giới.
Trong một khúc rẽ đặc biệt của những biến cố xảy ra, Apple mua lại NeXT nên tôi quay về Apple và kỹ thuật đã phát triển ở NeXT được đặt vào trung tâm thời kỳ phục hưng hiện nay của Apple. Tôi và Laurene, vợ tôi, có chung một mái ấm gia đình tuyệt vời.
Tôi chắc rằng những điều như trên không xảy ra nếu tôi không bị sa thải khỏi Apple. Đó là liều thuốc đắng mà một người bệnh cần. Đôi khi cuộc đời đánh vào đầu bạn bằng cục gạch. Đừng mất niềm tin. Điều duy nhất giúp tôi đi lên là làm những việc mình yêu thích. Bạn phải tìm kiếm những gì mình yêu thích. Điều đó đúng với công việc mà cũng đúng với những người bạn yêu mến. Công việc chiếm phần lớn đời bạn, cách duy nhất thoả mãn thực sự là làm những gì bạn cho là một công việc thú vị (great work). Và cách duy nhất để làm một công việc thú vị là làm những gì mình yêu thích. Nếu bạn chưa tìm ra, hãy cứ tiếp tục săn lùng và đừng ngừng lại.  Tất cả sẽ tùy thuộc vào trái tim bạn, bạn sẽ biết khi bạn tìm ra nó. Và giống như những mối quan hệ thân thiết, nó trở nên ngày càng tốt đẹp hơn khi năm tháng trôi đi. Vậy thì hãy tìm kiếm. Đừng ngừng nghỉ.
Truyện thứ ba là về sự chết.
Khi được 17 tuổi, tôi đọc một câu danh ngôn tương tự như, “Nếu bạn sống mỗi ngày như ngày cuối cùng trong đời, thì một ngày nào đó bạn sẽ thấy chắc chắn rằng mình đúng”. Câu nói gây ấn tượng mạnh nơi tôi, và từ đó, trong 33 năm qua, mỗi buổi sáng nhìn vào gương tôi đều hỏi chính mình, “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời tôi, tôi có sẽ làm những gì tôi sắp làm hôm nay không?” Và mỗi khi câu trả lời là “Không” trong nhiều ngày liên tiếp, tôi biết tôi phải thay đổi một điều gì đó.
Nhớ rằng mình sẽ chết nay mai là điều quan trọng nhất tôi thường dùng để giúp mình làm những chọn lựa lớn trong đời. Bởi vì hầu như tất cả mọi sự – tất cả những trông đợi đến từ bên ngoài, tất cả kiêu hãnh, tất cả nỗi sợ hãi bị xấu hổ hay sợ hãi thất bại – những thứ này sẽ vỡ vụn tan tác khi đối diện với tử thần, để chỉ còn lưu lại những gì thật sự quan trọng. Nhớ rằng bạn sẽ chết là phương thức tốt nhất mà tôi biết để tránh cạm bẫy của ý nghĩ rằng bạn có điều gì đó để mất. Bạn đã trần truồng tay không rồi. (Bạn thực sự chẳng có gì để mất). Không có lý do gì để không nghe theo trái tim mình.
Khoảng một năm trước tôi bị chẩn đoán là có bệnh ung thư. Tôi làm siêu âm chẩn đoán lúc 7.30 sáng và rõ ràng có một bướu độc nơi tụy tạng. Tôi thậm chí không biết tụy tạng là cơ quan gì. Các bác sĩ bảo tôi đây hầu như là một dạng ung thư không thể chữa trị và rằng tôi nên trông đợi sống không lâu hơn khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng nữa. Bác sĩ khuyên tôi nên về nhà thu xếp công việc cho đâu vào đó, đây là ngôn ngữ của Bác sĩ ngầm ngụ ý nói tới “chuẩn bị đi vào cõi chết”. Điều này cũng có nghĩa là trong vài tháng bạn phải nói với con cái những lời của 10 năm sau. Và cũng có nghĩa là phải làm hết sức để mọi sự được chu đáo sao cho gia đình mình được ổn thoả càng nhiều càng tốt. Nó cũng có nghĩa là nói lời chia tay cuối cùng với mọi người.
Tôi sống với sự chẩn đoán bệnh đó trong nguyên cả một ngày. Tối hôm ấy, tôi làm sinh thiết, họ bỏ một đèn nội soi xuống từ cổ họng, qua dạ dầy và ruột rồi cho một cái kim vào tụy tạng để lấy ít tế bào trong bướu. Tôi bị chích thuốc ngủ nhưng vợ tôi ở đó theo dõi đã bảo rằng khi họ quan sát những tế bào trong kính hiển vi những Bác sĩ đã reo hò sung sướng vì đây là dạng ung thư tụy tạng hiếm hoi có thể chữa trị bằng giải phẫu. Tôi đã được giải phẫu xong và nay hoàn toàn bình phục, khoẻ mạnh.
Đây là lần gần với tử thần nhất mà tôi phải đối đầu và hy vọng nó là lần gần nhất trong vài chục năm nữa. Sống qua kinh nghiệm đó, nay tôi có thể nói với các bạn bằng một chút chắc chắn hơn lúc tôi từng nghĩ cái chết là một khái niệm hữu ích nhưng thuần lý.
 
Không ai muốn chết. Ngay cả người muốn lên Trời cũng không muốn chết để tới đó, tuy nhiên, cái chết là bến bờ cuối cùng chúng ta cùng chia sẻ. Không ai có thể vượt thoát được cái chết. Sự thể như vậy sẽ mãi mãi là như vậy, bởi vì Thần Chết giống như một phát minh đơn độc tốt nhất của Đời Sống. Thần Chết là tác nhân thay đổi Đời Sống. Nó quét sạch cái xưa cũ để dọn đường cho cái mới. Bây giờ, cái mới là các bạn. Nhưng chẳng bao lâu sau, các bạn sẽ dần dần trở nên xưa cũ và bị quét sạch. Xin lỗi đã quá bi thảm nhưng điều này hoàn toàn đúng.
Thời gian của các bạn có giới hạn nên đừng lãng phí nó để sống cuộc đời của người khác. Đừng để bị vướng vào bẫy những giáo điều – nghĩa là sống với những kết quả do suy nghĩ của người khác. Đừng để những tiếng ồn ào do ý kiến của người khác làm soi mòn tiếng nói từ bên trong bạn.
Và quan trọng nhất, hãy có can đảm nghe theo trái tim và bản năng mình. Bằng cách này hay cách khác trái tim và bản năng bạn sẽ biết những gì bạn thực sự muốn trở thành. Những thứ khác chỉ là thứ yếu.
Khi tôi còn trẻ, có một ấn phẩm rất hay là The Whole Earth Catalog, là một trong những thánh kinh của tuổi trẻ thời chúng tôi. Ấn bản được sáng tạo bởi một người là Stewart Brand ở Menlo Park cách đây không bao xa và ông đã mang ấn bản đó vào đời bằng những văn phong đầy thi vị. Lúc đó vào khoảng cuối thập niên 1960, trước khi có xuất bản bằng máy tính ra đời nên nó được làm bằng máy đánh chữ, kéo cắt và máy hình chụp lấy ngay. Ấn phẩm đó gần giống như Google dạng bằng giấy, tuy ra đời trước Google 35 năm, nó cũng lý tưởng, tràn ngập những công cụ gọn gàng và khái niệm tuyệt vời.
Stewart và nhóm của ông cho ra đời nhiều số The Whole Earth Catalog và rồi khi đã hoàn thành nhiệm vụ ông cho ra số cuối cùng. Hồi đó khoảng giữa thập niên 1970 và tôi đang ở tuổi các bạn. Bìa sau của số cuối cùng là hình chụp một buổi sáng bình minh trên đường làng quê, con đường mà bạn thấy mình thường đạp xe trên đó nếu bạn thích phiêu lưu, mạo hiểm. Dưới tấm hình là dòng chữ: Hãy Cứ Đói Khát. Hãy Cứ Dại Dột. Đó là thông điệp họ từ giã khi đình bản.
Hãy Cứ Đói Khát. Hãy Cứ Dại Dột. Và tôi đã luôn luôn mơ ước điều đó cho mình. Bây giờ khi các bạn tốt nghiệp đại học để bắt đầu một chân trời mới, tôi cầu chúc điều đó cho các bạn.
Hãy Cứ Đói Khát. Hãy Cứ Dại Dột.
Vien Dong Daily News

Tác giả bài viết: Hoàng Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập206
  • Hôm nay8,339
  • Tháng hiện tại271,501
  • Tổng lượt truy cập35,917,846
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây