Thánh Monica - Mẫu gương tuyệt vời cho các bà mẹ

Thứ năm - 28/08/2014 20:53

Thánh Monica - Mẫu gương tuyệt vời cho các bà mẹ

Hoàn cảnh cuộc đời Thánh Monica đã có thể biến ngài thành một người vợ hay mè nheo, một nàng dâu nhiều cay đắng và một người mẹ tuyệt vọng, tuy nhiên ngài đã không chịu thua bất cứ cám dỗ nào.

 27 Tháng Tám
(322?-387)
 Mặc dù ngài là một Kitô Hữu, cha mẹ ngài đã gả cho một người ngoại giáo, ông Patricius, là người sống trong cùng tỉnh Tagaste ở Bắc Phi Châu. Patricius là người tốt nhưng ông vô cùng nóng nẩy và phóng túng. Ngoài ra Thánh Monica còn phải chịu đựng bà mẹ chồng hay gắt gỏng. Ông Patricius thường rầy la vợ vì bà hay thương người. Nhưng sự cầu nguyện và gương mẫu đời sống của Thánh Monica sau cùng đã chinh phục được người chồng cũng như mẹ chồng, ngài đã đưa họ trở về với đức tin Kitô Giáo. Ông Patricius chết năm 371, sau khi rửa tội được một năm để lại người vợ goá và ba con nhỏ.
Người con cả, Augustine Hippo, nổi tiếng nhất (sau này là thánh). Vào lúc cha chết, Augustine mới 17 tuổi và là sinh viên trường hùng biện ở Carthage. Thánh Monica thật đau buồn khi thấy con mình đi theo tà thuyết Manikê và sống cuộc đời phóng đãng. Có những lúc Thánh Monica không cho con được ăn ngủ ở trong nhà. Và rồi một đêm kia, ngài được thị kiến và được đảm bảo là Augustine sẽ trở về với đức tin. Từ đó trở đi ngài sống gần với con hơn để ăn chay và cầu nguyện cho con. Quả vậy, ngài ở gần đến nỗi Augustine cũng phải bực mình.
Khi 29 tuổi, Augustine quyết định đi Rôma để dạy về hùng biện. Một tối kia, Augustine nói với mẹ là anh ra bến tầu để từ giã bạn bè. Nhưng, anh lại lên tầu đi Rôma. Thánh Monica thật đau lòng khi biết mình bị lừa, nhưng ngài nhất định đi theo. Vừa đến Rôma thì ngài lại biết là Augustine đã đi Milan. Mặc dù việc di chuyển khó khăn, Thánh Monica vẫn nhất định bám sát.
Ở đây, Augustine bị ảnh hưởng bởi một giám mục, Ðức Ambrôsiô, là vị linh hướng sau này của Thánh Monica. Augustine chấp nhận mọi lời khuyên của đức giám mục và tập được đức khiêm tốn đến độ ngài có thể từ bỏ được nhiều tật xấu. Thánh Monica trở thành người lãnh đạo của nhóm phụ nữ đạo đức ở Milan cũng như khi ở Tagaste.
Ngài tiếp tục cầu nguyện cho Augustine trong những năm anh theo học với đức giám mục. Vào Phục Sinh năm 387, Ðức Ambrôsiô rửa tội cho Augustine và một vài người bạn của anh. Không lâu sau đó, cả nhóm đi Phi Châu. Lúc ấy, Thánh Monica biết cuộc đời ngài sắp chấm dứt, ngài nói với Augustine, "Con ơi, không có gì trên trần gian này làm mẹ vui lòng cả. Mẹ không biết có gì còn phải thi hành và tại sao mẹ lại ở đây, vì mọi hy vọng của mẹ ở trần gian này đều đã được hoàn tất." Sau đó không lâu ngài bị bệnh và chịu đau đớn trong chín ngày trước khi từ trần.
Tất cả những gì chúng ta biết về Thánh Monica là trong tác phẩm Tự Thú của Thánh Augustine.

Lời Bàn

Trong xã hội ngày nay, mọi thứ đều sẵn sàng, từ mì ăn liền, cà phê uống liền, đến việc tiêu xài liền (instant-credit) khiến chúng ta không còn kiên nhẫn. Tương tự như thế, chúng ta cũng muốn lời cầu xin của chúng ta được đáp trả ngay lập tức. Thánh Monica là gương mẫu của sự kiên nhẫn. Những năm trường cầu nguyện, cộng với đức tính kiên cường và kỷ luật, sau cùng đã đưa đến sự trở lại của người chồng nóng nẩy, người mẹ chồng ưa gắt gỏng và người con thông minh nhưng bướng bỉnh, là Augustine.

Lời Trích

Khi Thánh Monica từ Bắc Phi Châu sang Milan, ngài nghĩ ra những thói quen đạo đức mới cho ngài và cho những người thời ấy, tỉ như ăn chay ngày thứ Bảy, là điều không phổ thông ở Milan. Ngài hỏi Thánh Ambrôsiô là nên giữ những thói quen nào. Câu trả lời nổi tiếng của Thánh Ambrôsiô là: "Khi cha ở đây, cha không giữ chay ngày thứ Bảy, nhưng khi ở Rôma thì cha sẽ giữ chay; hãy làm theo những phong tục và huấn thị của Giáo Hội như đã được ban bố đặc biệt cho địa phương mà con đang sống."
 

Tác giả bài viết: Duc Tran

Nguồn tin: Trích từ NguoiTinHuu.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập115
  • Hôm nay7,548
  • Tháng hiện tại270,247
  • Tổng lượt truy cập35,536,528
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây