CN LỄ HIỂN LINH - B

Thứ bảy - 03/01/2015 21:31

CN LỄ HIỂN LINH - B

SỰ ĐỐI ĐẦU CỦA HAI VƯƠNG QUYỀN Hai chuyển động ngược chiều trong bài: Vua Hêrôđê càng ngày càng co quắp lại trong thái độ cứng tin và từ khước, và cùng với nhà vua là Thượng Hội Đồng Do Thái và dân Giêrusalem, còn các nhà chiêm tinh thì đã từ những bước mò mẫm mơ hồ đi đến chỗ bày tỏ tất cả lòng tin kính đối với Đấng Mêsia.
Mt. 2, 1 - 12
4-01-2015
SỰ ĐỐI ĐẦU CỦA HAI VƯƠNG QUYỀNLm. Vũ Phan Long, ofm …………..…. 02
ÁNH SÁNG CHIẾU SOI MUÔN DÂN – Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái …………..……… 14
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH NĂM B – Lm. Ignatio Hồ Thông ……………………….. 27
HÃY LÀ ÁNH SAO NHỎ  – Lm. Giuse Đinh Lập Liễm .....…………………………….… 38
HÃY TOẢ SÁNG – Lm. Ignatio Trần Ngà ……………………………………………………… 48
HÃY LÀM CHO ÁNH SÁNG TOẢ SÁNG RA – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ …… 51
NIỀM TIN: MỘT CHUYẾN ĐI – Gm. Giuse Vũ Duy Thống …………………………. 54
MỘT CUỘC LÊN ĐƯỜNG MỚI – Gm. Giuse Vũ Văn Thiên ...……………………,, 59
NHỮNG NGHỊCH LÝ TRONG ĐỜI SỐNG LỮ – Lm. Vinhsơn Trần Minh Hoà .. 62
MỤC ĐỒNG VÀ ĐẠO SĨ – Lm. Giuse Nguyễn Hữu An ………………………………… 68
THEO ÁNH SAO LẠ – Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, CSsR  ………………………… 72
NHÀ CJÊM TINH ĐẾN BÁI LẠY HÀI – Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, CSsR …. 75
 
 
 SỰ ĐỐI ĐẦU CỦA HAI VƯƠNG QUYỀN
Hai chuyển động ngược chiều trong bài: Vua Hêrôđê càng ngày càng co quắp lại trong thái độ cứng tin và từ khước, và cùng với nhà vua là Thượng Hội Đồng Do Thái và dân Giêrusalem, còn các nhà chiêm tinh thì đã từ những bước mò mẫm mơ hồ đi đến chỗ bày tỏ tất cả lòng tin kính đối với Đấng Mêsia.
Lm. Px. Vũ Phan long, ofm
 
I. NGỮ CẢNH
Chương 2 của Tin Mừng Mátthêu là một bài tường thuật đầy đủ, hoàn toàn dễ hiểu dù không có chương 1. Chính điểm này cho thấy có nhiều tài liệu có trước Mt được ráp nối với nhau. Đề tài “sự hoàn tất các sấm ngôn” cũng được nhắc tới đều đặn (x. 2,6.15.18.23). Có bốn truyện kết cấu chặt chẽ với nhau tạo nên diễn tiến của chương này, nhưng dường như các biến cố ấy đã được chọn cho phù hợp với các bản văn ngôn sứ mà truyện được xây dựng xoay quanh. Các sấm ngôn này đều có một đăc điểm chung là nhấn mạnh trên một hoàn cảnh địa dư. Trong chương này, chúng ta lại có thể phân biệt ra hai khối:
  • 2,1-12: Truyện kể nhiều chi tiết; những nhân vật chính là các nhà chiêm tinh; ngôi sao là phương tiện Thiên Chúa dùng để hướng dẫn các vị này.
  • 2,13-23: Ít chi tiết kể truyện, và chỉ nhắm cho thấy các bản văn ngôn sứ được hoàn tất; nhân vật chính là Giuse (không hề được nhắc tới trong phân đoạn trước); Giuse được thiên thần Chúa ban lệnh trong mộng (y như trong 1,18-25). 

Về phương diện truyện kể, vua Hêrôđê là sợi dây liên kết hai phân đoạn.
  • Chương 2 đưa vào một đề tài quan trọng của TM Mt: người Do Thái khước từ ơn cứu độ Đức Kitô ban tặng, còn Lương dân thì đón nhận. Vua Hêrôđê, hoàng tử Áckhêlao và dân chúng Giêrusalem tượng trưng cho người Do Thái; các nhà chiêm tinh tượng trưng cho Dân ngoại. Dân ngoại sẽ chiếm chỗ mà người Do Thái bỏ trống trong lòng Dân Thiên Chúa, khi họ không chịu tin. Dân ngoại sẽ là dân Israel chân chính của thời đại cuối cùng, được kêu gọi chia sẻ hạnh phúc của cuộc sống tương lai. Hai chuyển động tương phản này chạy xuyên suốt cả chương 2 cũng như xuyên suốt cả Tin Mừng cho đến cuộc Khổ nạn (x. 27,39-44.54). Nhìn như thế, có thể nói truyện các nhà chiêm tinh tóm tắt toàn thể TM Mt.
 
  • Về việc các nhà chiêm tinh đến Bêlem, chúng ta có thể đặt ra nhiều câu hỏi không dễ trả lời: Các ngài từ đâu đến? Các ngài đã thấy xuất hiện ngôi sao gì? Làm thế nào mà các ngài nhận ra đó là ngôi sao của Đấng Mêsia? Tại sao vua Hêrôđê không xử sự theo cách hợp lý hơn?

Cũng như  trong nhiều đoạn khác của Tin Mừng, thay vì đặt ra những câu hỏi về những chuyện không được nói tới, chúng ta nên để ý đến những gì đã được nói ra. Sau khi bảng gia phả đã cho thấy Đức Giêsu cắm rễ trong lịch sử dân Israel, và bản văn về nguồn gốc đích thực của Người đã chỉ nói đến những người có liên can trực tiếp, ở đây tác giả giúp chúng ta nhìn xem cách tiếp đón Đức Giêsu của những người mà vì họ Đức Giêsu đã đến. Tác giả không nêu ra một hành động nào của Hài Nhi, Đức Maria và Giuse. Những nhân vật hành động là Thiên Chúa và người ta, và đều nhắm tới Hài Nhi. Trong quan hệ với Hài Nhi, ta phân biệt ra ba nhóm người: các nhà chiêm tinh, các kinh sư và vua Hêrôđê. Hoạt động công khai của Đức Giêsu và lời loan báo hậu Phục Sinh về Đấng chịu đóng đinh và phục sinh cũng được vây quanh bởi những hạng người như thế. Nhận biết trong niềm vui, lãnh đạm không quan tâm và bách hại liên tục, ba yếu tố này đi theo mọi giai đoạn của cuộc đời Đức Giêsu. 
 
II. BỐ CỤC
Bản văn này có thể được chia ra làm hai phần, với một câu Mở và một câu Kết:
  1. Mở (c. 1): Giới thiệu các nhân vật và hoàn cảnh.
  2. Phần 1 (cc. 2-8): Tại đền vua Hêrôđê. Cốt lõi là sấm ngôn về Đấng Mêsia.
  3. Phần 2 (cc. 9-11): Tại nhà của Hài Nhi. Cốt lõi là hành vi tôn thờ Đấng Mêsia.
  4. Kết (c. 12):  Các nhà chiêm tinh trở lại quê hương.
 
III. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
- Bêlem (Bêthlehem) (1), có nghĩa là “nhà bánh mì”, hoặc cũng có thể là “nhà của thần Lah(a)mu” (thần của dân Akkad). Thành này cách Giêrusalem 7 cây số về phía nam, là quê hương của Bôát, của Isai (Giêsê), và nhất là của vua Đavít (x. 1 Sm 16; 20,6). Xem Lc 2,4.11; Ga 7,42.

- Vua Hêrôđê (Cả): Vua này cai trị miền Giuđê (năm 37-4 tr CG). Bởi vì ông xuất thân từ miền Iđumê, ở về phía nam xứ Giuđê, và ủng hộ nền văn hóa hy-lạp, nên ông bị người Do Thái ghét bỏ, cho dù ông đã cho sửa lại Đền Thờ thật huy hoàng.  Đến cuối đời, ông thường rơi vào trạng thái kinh hoàng, nên chỉ một chút nghi ngờ, là có thể hạ lệnh tàn sát, dù là tàn sát cả gia đình ông. Khi ông qua đời, nhiều tai ương đổ xuống trên xứ, đặc biệt là một cuộc suy sụp về kinh tế. Do đó, đất nước đầy những nhóm người bất mãn và nổi loạn.

- Đức Giêsu ra đời: Cộng đoàn tín hữu tiên khởi lúc đầu không có thứ lịch như ngày nay đang được sử dụng hầu như khắp nơi: chia thành hai phần trước và sau cuộc chào đời của Đức Giêsu. Thời ấy, người ta tính năm dựa theo các Đại hội thế vận Hy-lạp (Đại hội đầu tiên được tổ chức năm 776 tr CG), hoặc dựa theo năm thành lập thành Rôma (ngày 21-4-753 tr CG), hoặc dựa theo những hoàng đế cai trị ở Rôma. Sau một thời gian, các ki-tô hữu có thói quen tính thời gian khởi đi từ hoàng đế Điôclêtianô (284-305 sau CG), ông này đã bách hại họ tàn khốc, và họ gọi thời này là kỷ nguyên các thánh tử đạo. Kiểu lịch chúng ta đang sử dụng hiện nay là do văn sĩ Denys le Petit xác định, ông này sống tại Rôma vào tiền bán thế kỷ vi (mất trước năm 555). Để cho những năm cứu độ không phải gọi bằng tên của bạo chúa bách hại, Denys thay thế kỷ nguyên các thánh tử đạo bằng kỷ nguyên Đức Kitô. Ông là người đầu tiên cho kỷ nguyên Kitô giáo khởi đầu với cuộc chào đời của Đức Kitô, mà theo các tính toán của ông, ngày ấy là ngày 25 tháng 12 năm 753 sau khi Rôma được thành lập. Theo TM Mt, “Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì” (2,1), mà chúng ta biết rằng vua Hêrôđê qua đời vào năm 750 của thành Rôma. Như vậy, cuộc chào đời của Đức Giêsu phải được đẩy lùi lại 6 hoặc 7 năm: hẳn là Đức Giêsu đã ra đời vào thời gian giữa năm 8 và 6 tr CG.

- mấy nhà chiêm tinh (Hl. magos): Đây là những vị hiền giả Đông phương, thông thạo chiêm tinh. Rất có thể họ là những nhà chiêm tinh Babylon, đã được tiếp xúc với trào lưu chờ đợi Đấng Mêsia nơi dân Do Thái. Có thể họ sống bên kia bờ sông Giođan, nên có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với thế giới Do Thái. Dưới ảnh hưởng của Tv 72,10; Is 49,7; 60,10, truyền thống sau này đã nghĩ rằng họ là những vị vua. Bởi vì có ba loại lễ vật, người ta cho rằng họ là ba vị (tk v), và còn gán cho các vị ấy tên Gaspar, Balthasar và Melchior (tk 8). Sang tk xiv, ông Gaspar được coi là một người da đen...

- chúng tôi đã thấy vì sao (2): Vào thời thượng cổ, người ta thường cho rằng cuọc chào đời của các nhân vật quan trọng được loan báo bởi các ngôi sao mới. Các nhà chiêm tinh cho rằng họ có thể đoán được vận mệnh của người ta nhờ quan sát chuyển động của các tinh tú. Do- thái giáo cũng nối kết niềm hy vọng thiên sai vào ngôi sao được nói tới ở sách Dân số (24,17). Có thể nói, vào thời Đức Giêsu và các Tin Mừng, ngôi sao là hình ảnh ưu tiên để tượng trưng Đấng Mêsia, đặc biệt Đấng Mêsia vương giả, xuất thân từ nhà Đavít.

- xuất hiện (2): Người ta đã tìm cách xác định ngôi sao ấy là một hiện tượng thiên văn hay là một ngôi sao chổi. Thật ra nỗ lực này cũng không đưa đến đâu, bởi vì hoặc tác giả Mt muốn kể lại một hiện tượng lạ lùng duy nhất trong lịch sử, hoặc chi tiết này chỉ là một đặc điểm văn chương, được gợi hứng bởi Kinh Thánh, nhưng không có hiện tượng tương ứng thế giới vật lý, nên cố gắng tìm ra một giải thích tự nhiên đều là chuyện vô ích.

- chúng tôi đến bái lạy (Hl. proskyneô): Mt dùng động từ này 13 lần (toàn Tân Ước: 57 lần). Đây là thái độ con người tùng phục Thiên Chúa.

- Cả thành Giêrusalem (3): Đây là một kiểu nói phóng đại, như để báo trước việc toàn dân Do Thái loại trừ Đức Giêsu (x. 21,10). Một sự tương phản đáng kinh ngạc: những người ngoại giáo, được hướng dẫn bởi những kiến thức hời hợt, pha trộn mê tín dị đoan, đã đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa, thực hiện một hành trình và điều tra kỹ lưỡng, để có thể bái kiến vị tân vương; ngược lại, các nhà lãnh đạo Do Thái có ánh sáng Kinh Thánh, lại chỉ phản ứng bằng sự sợ hãi và vô tâm (cc. 4-6).

- Phần ngươi, ngươi đâu phải (6): Câu trích này là một tổng hợp Mk 5,1-3 với 2 Sm 5,2 theo cách rất độc đáo, không tương ứng với bản văn Cựu Ước Híp-ri lẫn Hy-lạp. Tác giả đã đưa những thay đổi đó vào với mục tiêu huấn giáo. Đặc biệt, với trạng từ oudamôs (Pháp: pas du tout; Anh: by no means) thêm vào bản văn Mikha, ngài cho thấy ngài chú tâm đọc Cựu Ước dưới ánh sáng của đức tin Kitô giáo của ngài: sau khi Đức Giêsu đã chào đời, Bêlem không còn có thể là một thành không đáng kể nữa. Nghịch lý lạ lùng: các kinh sư loan báo nơi Đấng Mêsia chào đời cho những người ngoại giáo (dù sao, họ cũng vẫn là những cái máng chính thức truyền đạt mạc khải mà!), thế mà họ lại không thể nhận ra được Người!

- mừng rỡ vô cùng (10): Niềm vui của các nhà chiêm tinh được nhấn mạnh (so với Lc 2,10). Trong TM Mt, đây là niềm vui của những quốc gia ngoại giáo đã khám phá ra nơi Đức Giêsu ơn cứu độ họ vẫn trông chờ cách mơ hồ. Đối lại với niềm vui này là sự bối rối hoang mang của vua Hêrôđê và thành Giêrusalem, cũng như sau đó là cơn giận dữ điên cuồng của nhà vua (c. 16). Cũng có thể so sánh niềm vui lớn lao của các phụ nữ vào sáng ngày Phục Sinh (28,8) với cơn kinh hoàng của đám lính canh khiến họ ra như chết (28,4).

- Họ vào nhà (11): Tác giả nối kết chặt chẽ niềm vui của những người ngoại giáo và việc họ đi vào “nhà”, là hình ảnh báo trước Giáo Hội, nơi người ta gặp được Đức Kitô và bái thờ Người.
 
- hài nhi và thân mẫu: Công thức này được nhắc lại ở các câu 13, 14, 20 và 21, là do tác giả cố tình chọn để nhắc lại cuộc sinh hạ do mẹ đồng trinh (1,18-25).
 
- lấy vàng, nhũ hương, mộc dược mà dâng tiến: Sau khi bái lạy một vị vua, thường có việc dâng lễ vật (x. St 43,26; 1 Sm 10,27; 1 V 10,2; Tv 72,10). Ba thứ lễ vật này đều xứng đáng với một vị vua: x. Tv 72,15 (vàng); Is 60,6 (vàng và nhũ hương); Tv 45,8 (xức mộc dược cho vua); Dc 3,6 (nhũ hương và mộc dược). Truyền thống các Giáo Phụ coi các lễ vật này là những biểu tượng về vương quyền (vàng), thần tính (nhũ hương) và việc mai táng (mộc dược) của Đức Giêsu.
 
IV. Ý NGHĨA CỦA BẢN VĂN

* Giới thiệu các nhân vật và hoàn cảnh (1)
Chỉ trong một câu duy nhất, tác giả đã giới thiệu được khung cảnh địa lý, hoàn cảnh chính trị, và các nhân vật sẽ được đề cập đến trong bản văn. Chủ đề của chương 2, “vương quyền của Đấng Mêsia”, đã được gián tiếp gợi lên qua tước hiệu “vua” gán cho Hêrôđê, một danh từ liên tục được nhắc lại suốt bài này.
 
* Tại đền vua Hêrôđê (2-8)
Chủ đề lại được nêu lên trong câu hỏi của các nhà chiêm tinh (c. 2). Các vị này là những nhà chiêm tinh, chứ không phải là “vua”. Đặc biệt trong môi trường Mêsôpôtamia, hai ngành thiên văn và chiêm tinh đã có từ lâu đời và rất được trọng dụng. Các biến cố xảy ra trên bầu trời và trong thế giới loài người được coi là có liên hệ chặt chẽ với nhau. Người ta xác tín rằng ai hiểu các hiện tượng của bầu trời thì cũng hiểu lịch sử loài người và có thể ban các lời khuyên và những định hướng về lịch sử này. Các nhà chiêm tinh này có khả năng giải thích các giấc mộng và thấy trước tương lai bằng cách nhìn xem các vì tinh tú và quan sát cánh chim bay. Họ cũng có khả năng biện phân ra ý muốn của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, làm thế nào mà các nhà chiêm tinh vừa ngoại quốc vừa ngoại giáo lại có thể đi tìm vua dân Do Thái như thế, trên đất Paléttina? Vào thời cổ, có một niềm tin nói rằng cuộc chào đời của một nhân vật quan trọng sẽ được báo cho biết bởi một ngôi sao trên trời. Trong lãnh vực nghiên cứu của họ, các nhà chiêm tinh nhận được một thông tin cho biết Đấng Mêsia đã chào đời và họ được thúc đẩy lên đường. Các nhà chiêm tinh đã thấy ngôi sao được Kinh Thánh nhắc tới, chứ không phải là một ngôi sao chổi hay một ngôi sao nào trong bầu trời vật lý. Các ngài biết rằng một đàng, Ds 24,17 khẳng định về Đấng Mêsia xuất thân từ nhà Giacóp, một đàng có một truyền thống song song, dựa trên Ds 24,7 (bản dịch Hy-lạp LXX), khẳng định rằng Đấng Mêsia sẽ trị vì trên nhiều dân tộc. Các nhà chiêm tinh này biết rằng dân Do Thái đang chờ đợi Đấng Mêsia. Từ thời Lưu đày Babylon, đã có nhiều người Do Thái sống trên đất Mêsôpôtamia; nhờ họ, người ta biết tôn giáo và các niềm chờ mong Do Thái.

Khi tác giả Mátthêu kể câu truyện Các nhà chiêm tinh, ngài muốn nói với chúng ta rằng cuối cùng Đấng giải phóng nhà Giacóp đã tới. Các nhà chiêm tính nhận ra Người và thờ lạy Người. Đức Giêsu chính là ngôi sao ấy. Chúng ta đọc diễn tiến câu truyện.

Đến Giêrusalem, các vị này tưởng là đã đạt mục tiêu, nhưng các vị lại được gửi đi đến một nơi khác. Nhưng bây giờ các vị biết mục tiêu cách chính xác hơn. Các kinh sư là những chuyên viên Kinh Thánh (x. 23,2t), đã có thể suy ra là Đấng Mêsia chào đời tại Bêlem xứ Giuđê. Trong Mk 5,1-3, Đấng Mêsia được giới thiệu như là Thủ Lãnh và Mục tử của dân Israel. Người sẽ chỉ cho dân Người biết con đường ngay thẳng và sẽ lo lắng chăm sóc họ, như một mục tử săn sóc các chiên mình. Các kinh sư của dân (Mt 2,4) được Đấng Mêsia đến cho, đã ở lại Giêrusalem; trong khi đó, các nhà chiêm tinh, là những người ngoại giáo, đã kiên trì theo đuổi mục tiêu, các vị tiếp tục cuộc hành trình.
Sự việc xảy ra ở đền vua Hêrôđê gián tiếp giới thiệu Đấng Mêsia vương giả bằng câu sấm Mk 5,1-3 kết hợp với 2 Sm 5,2. Một vài điểm không thật (vua Hêrôđê phải hỏi về nơi Đấng Mêsia sinh ra, mà nơi này thì mọi người đều biết, vậy mà không một ai tò mò đi với các nhà chiêm tinh đến Bêlem cả – Vua Hêrôđê triệu tập toàn thể Thượng hội đồng Do Thái chỉ để xin một thông tin – Ngôi sao chỉ đúng nhà của Đức Giêsu – Dân cư Giêrusalem “xôn xao”…) khiến nhiều tác giả cho rằng đây chỉ là một sáng tác văn chương mà thôi. Nhưng dù được tưởng tượng hay không, câu chuyện này minh họa thật rõ việc dân Do Thái loại trừ Đức Giêsu và dân ngoại đón tiếp Người.
 
* Tại nhà của Hài Nhi (9-11)
Chủ đề được trình bày rõ ràng qua việc các nhà chiêm tinh bái lạy Hài Nhi Giêsu và dâng các lễ vật (c. 11). Đây mới là vị vua chân chính mà muôn dân vẫn trông đợi, dù tước “vua” không hề được dùng mà gọi Người. Nhưng chủ đề “vị vua thật” chạy xuyên suốt bản văn do các từ ngữ (“Vua dân Do Thái”: c. 2; “vì sao của Người”: cc. 2.7.9.10; “vua Hêrôđê: c. 3; “Hêrôđê”: cc. 7.12; “bái lạy”: c. 8; “nhà vua”: c. 9) và các cụm từ (“vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời”: c. 6; “sấp mình thờ lạy”: c. 11; “lấy vàng, nhũ hương, mộc dược mà dâng tiến”: c. 11) liên hệ.

Các nhà chiêm tinh, là những người khôn ngoan và giàu kinh nghiệm, đã phủ phục trước Hài Nhi, một trẻ sơ sinh không hề tỏ ra có chút uy hùng hay quyền lực gì. Đây là cách người Đông phương nhìn nhận Đấng có quyền trên mình, mình lệ thuộc phần nào hay hoàn toàn vào đấng ấy (là vua chúa hay thần linh) (x. “phủ phục”: những người được Đức Giêsu chữa lành: Mt 8,2; 9,18; 15,25; môn đệ Người: 14,33; 28,9.17). Hài Nhi không nói gì với các vị ấy và cũng chẳng cho các vị ấy món gì cả. Các vị không thấy vẻ huy hoàng chúa tể của Người, cũng chẳng trải nghiệm về quyền lực của Người, nhưng các vị nhận biết Người nhờ lòng tin. Các lễ vật quý giá (vàng, ngũ hương và mộc dược) các vị dâng là một dấu chỉ khác chứng tỏ các vị nhìn nhận Hài Nhi là Chúa tể. 
 
* Các nhà chiêm tinh trở lại quê hương (12)
Chủ đề được khóa lại với tên “Hêrôđê”, vị vua đương trị, được nhắc lại lần nữa và với việc các nhà chiêm tinh từ biệt Hài Nhi. Vua Hêrôđê đã muốn nối kết các nhà chiêm tinh vào các kế hoạch của ông, và các kế hoạch này là thế nào thì cuộc sát hại các hài nhi Bêlem sẽ cho biết; và hẳn là các nhà chiêm tinh sẽ chịu cùng một số phận như các hài nhi. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã can thiệp, để đưa các nhà chiêm tinh về quê theo đường khác.
 
] Kết luận
Đọc bài Tin Mừng này, chúng ta nhận ra có sự đối đầu của hai vương quyền, vương quyền của Thiên Chúa và vương quyền của loài người. Bản văn cũng nêu bật hai nỗi lo lắng: nỗi lo của những con người đói khát ơn cứu độ, đang ra sức đi tìm; nỗi lo của con người sợ cuộc sống mình bị đặt thành vấn đề. Hai bên đều tiến đi, để rồi đến cuối con đường, một bên được hưởng niềm vui cứu độ, một bên co quắp lại trong thái độ thù nghịch. Chỉ khi vương quyền của con người biết nhìn nhận mình phát xuất từ vương quyền của Thiên Chúa, khi đó mới có sự “bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.
 
V. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Truyện này gây ra hai ấn tượng. Một bên, chúng ta muốn coi toàn bộ như một huyền thoại: cuộc hành trình dài ngày của các nhà chiêm tinh, ngôi sao dẫn đường, nỗi bối rối của nhà vua và toàn thể dân thành Giêrusalem, mưu mô của vua Hêrôđê, cuối cùng lệnh của Thiên Chúa ban cho các nhà chiêm tinh trong mộng, tất cả những nét này khiến chúng ta có ấn tượng là truyện không thật. Nhưng ngược lại, nếu so sánh truyện này với những gì ta biết về vua Hêrôđê và xứ Paléttina thời ấy, chúng ta lại phải nhìn nhận truyện có màu sắc lịch sử: sự lưu tâm của các nhà chiêm tinh phương Đông về một vị vua cứu thế và những cơn điên khùng bệnh tật của vua Hêrôđê hoàn toàn phù hợp với truyện. Nhưng “đúng” không nhất thiết là “thật” về lịch sử. Cho dù các biến cố đã xảy ra thật, các truyện trong chương 2 Mt cũng không mang tính lịch sử theo nghĩa hẹp. Dường như tác giả đã sử dụng thể văn midrash haggada để giải thích các sự kiện có thật hầu rút ra một áp dụng Kinh Thánh, để đi tới việc ca tụng Thiên Chúa, khám phá ra một mạc khải về những chương trình của Thiên Chúa trong quá khứ và cho tương lai, nhằm xây dựng cọng đoàn.

2. Có những điểm “khôi hài” trong bài: Sự khôn ngoan của dân ngoại mà người Do Thái vẫn loại trừ hoặc khinh bỉ cũng có thể đưa người ta đến với Đức Kitô. Đấy là khi các nhà chiêm tinh đến đền vua Hêrôđê và hỏi về nơi trú ngụ của “Đức Vua mới sinh”. Đàng khác, chính một vị vua gian ác ngoại quốc (vì Hêrôđê thuộc gốc dân Iđumê) cũng có thể trở thànhtrung gian cung cấp cho người ta những thông tin chính xác. Đấy là khi vua Hêrôđê triệu tập các thượng tế và kinh sư lại để hỏi cho biết Đấng Kitô sinh ra ở đâu.

3. Có hai chuyển động ngược chiều trong bài: Vua Hêrôđê càng ngày càng co quắp lại trong thái độ cứng tin và từ khước, và cùng với nhà vua là Thượng Hội Đồng Do Thái và dân Giêrusalem, còn các nhà chiêm tinh thì đã từ những bước mò mẫm mơ hồ đi đến chỗ bày tỏ tất cả lòng tin kính đối với Đấng Mêsia. Vì thế sau đó, các vị “đã đi lối khác mà về xứ mình” (c. 12). Cũng nên dừng lại suy nghĩ về lối ứng xử của các kinh sư: họ đã có thể trích và giải thích đúng Kinh Thánh, nhưng họ không hề lên đường. Thánh Âutinh bảo rằng họ là “những cột cây số”; họ chỉ đúng đường, nhưng họ không di chuyển!

4. Các nhà chiêm tinh đã nhận được sự thúc đẩy đầu tiên khi nghiên cứu thiên văn. Đến Giêrusalem, các vị lại nhận được một thông tin chính xác hơn rút từ Kinh Thánh. Các vị đã can đảm lấy quyết định lên đường và cứ dò dẫm từng bước, và Thiên Chúa đã dẫn dắt các vị đạt tới mục tiêu bằng “ngôi sao” dẫn đường. Bởi vì các vị không kháng cự lại và không quản ngại mệt nhọc, trái lại đã chấp nhận được hướng dẫn, các vị đã vui sướng đạt tới mục tiêu. Thiên Chúa luôn đáp ứng những ai tha thiết tìm ơn cứu độ, dù đôi khi người trong cuộc cảm thấy đường đi không rõ và mục tiêu mịt mù.

5. Các nhà chiêm tinh không thấy vinh quang hay uy quyền của Hài Nhi Giêsu, nhưng các vị đã bái lạy mà nhìn nhận Người là Chúa tể, là Đức Vua và vị Mục Tử của Dân ngoại, vì các vị tin. Đức tin cần thiết cho từng bước đi tới chỗ nhận biết Đức Chúa, ở đây được các nhà chiêm tinh diễn tả ra trong tình trạng tinh trong. Dựa vào ba lễ vật, qua các thời đại, người ta đã tưởng tượng là có ba nhà chiêm tinh, có tên rõ ràng, một vị trẻ tuổi, một vị đứng tuổi và một vị đã già; một vị là người châu Á, một vị là người châu Âu và một vị châu Phi. Cách làm này không tương ứng với chữ viết của bản văn nhưng phù hợp với tinh thần của Tin Mừng. Tất cả các lứa tuổi và con người của mọi châu lục đều đạt tới mục tiêu khi gặp Hài Nhi này, nhất là khi nhìn nhận Người là Đức Vua và Đức Chúa của họ. Người đã đến cho mọi người, cho người trẻ cũng như cho người già, cho người thông thái cũng như người chất phác ít học, cho mọi màu da và mọi lối sống, để giúp họ nhận biết Thiên Chúa là Cha và đưa vào cuộc đời họ một ánh sáng chói chan. Như các nhà chiêm tinh, loài người không được để mình đi trệch đường về với Đức Giêsu, mà phải để cho Thiên Chúa hướng dẫn, cho đến khi tới đích.

6. Phải chăng nên gỡ bỏ các ngôi sao tại các máng cỏ? Không cần! Chúng ta cứ việc ngắm nhìn ngôi sao ấy, cứ chỉ cho con em thấy, nhưng bảo các em rằng ngôi sao đích thật là Đức Giêsu. Người chính là ánh sáng soi chiếu mọi dân tộc. Cũng giải thích cho chúng biết rằng các nhà chiêm tinh là đại diện cho các dân tộc trên thế giới đang để cho sứ điệp hòa bình và tình yêu của Đức Giêsu hướng dẫn. Họ chính là hình ảnh của Hội Thánh, được tạo nên do các dân tộc thuộc mọi giống nòi và mọi ngôn ngữ. Trở nên một thành viên của Hội Thánh không có nghĩa là đánh mất hoặc bỏ đi chân tính của mình, không có nghĩa là phải quy phục một thứ “đồng nhất” giả tạo và bất công. Các dân tộc cần phải duy trì nền văn hóa của họ và làm giàu cho Hội Thánh bằng nền văn hóa riêng này.
 
Lm. Px. Vũ Phan long, ofm
 
ÁNH SÁNG CHIẾU SOI MUÔN DÂN
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái
 
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Ðức Giêsu là ánh sáng. Trong dịp lễ Giáng sinh, Ngài đã chiếu sáng các nhà thờ và các gia đình tín hữu. Nhưng Ngài còn muốn là ánh sáng cho tất cả mọi người nữa.
 
Hôm nay chúng ta mừng lễ Hiển linh, kỷ niệm việc ngày xưa Ðức Giêsu đã tỏ mình ra cho các đạo sĩ, đại diện cho lương dân. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người ngoài Kitô giáo cũng nhận được ánh sáng Chúa; và cho chính chúng ta ý thức bổn phận mang ánh sáng Chúa đến cho mọi người.
 
II. GỢI Ý SÁM HỐI
  • Chúng ta có tội vì quá thờ ơ với việc mang ánh sáng Tin Mừng đến cho lương dân.
  • Chúng ta có tội vì cộng đoàn xứ đạo chúng ta không nêu gương sáng trước mặt mọi người.
  • Chúng ta có tội vì không quan tâm tìm ý Chúa qua những đấu chỉ hằng ngày.
 
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I: Is 60, 1-6
Mặc dù đang sống trong chốn lưu dày, ngôn sứ Isaia đã mơ tới ngày hồi hương. Khi đó Giêrusalem sẽ được tái thiết lại huy hoàng và là nơi thu hút muôn dân tuôn đến:
 
Trong khi cả trái đất ngập chìm trong tăm tối thì Giêrusalem lại bừng sáng, vì có Chúa là Ánh sáng đang ngự ở đó. Bởi thế, muôn dân từ khắp nơi sẽ tuốn về ánh sáng của Giêrusalem.
 
Trên thực tế, dân Do Thái đã được hồi hương và Giêrusalem đã được tái thiết. Nhưng Giêrusalem đâu có được đúng như Isaia đã mơ. Như vậy, giấc mơ của Isaia chỉ được thực hiện trọn vẹn nơi Ðức Giêsu. Ngài chính là Ánh sáng đến trần gian.
 
2. Ðáp ca:  Tv 71
Tv này cầu nguyện cho một vị vua lý tưởng mà trong triều đại ngài hòa bình và công lý ngự trị, mọi người đều hạnh phúc.
Vị vua lý tưởng ấy cũng chính là Ðức Giêsu.
3. Bài đọc II:  Êp 3,2-6: "Nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Ngài trong Đức Giêsu Kitô." 
 
4. Tin Mừng: Mt 2, 1-12
Các "đạo sĩ" là những nhà trí thức ở vùng Babylon phía Ðông xứ Palestine. Do niềm tin có phần mê tín rằng ngôi sao lạ là điềm báo một Ðấng cứu tinh đã sinh ra, họ đã đi theo ánh sao và tìm đến với Hài nhi Giêsu.
 
Nhưng cuộc hành trình của các vị cũng không phải là trơn tru dễ dàng vì có lúc ánh sao biến mất. Nhưng nhờ các vị kiên trì, ánh sao đã xuất hiện lại và cuối cùng các vị đã tìm đến nơi.
 
Như thế, qua ánh sao lạ, Chúa Hài nhi đã tỏ mình ra cho đại diện lương dân, đang khi các nhà trí thức Do Thái ở Giêrusalem dù thông thạo Thánh Kinh nhưng đã không nhận ra Chúa.
 
IV. GỢI Ý GIẢNG
* 1. Ý nghĩa thật của ngôi sao lạ
Nhiều người vẫn nghĩ rằng ngày xưa có một ngôi sao lạ xuất hiện trên vùng trời Phương Ðông để dẫn đường các đạo sĩ. Sao đi trên trời, người đi dưới đất, và khi đến Bêlem thì ngôi sao dừng lại, chiếu một luồng ánh sáng xuống đúng nơi mà Chúa Hài Ðồng đang ở. Thế là các đạo sĩ vào nhà, quỳ xuống thờ lạy Ðức Giêsu và dâng lễ vật cho Ngài.
 
Những người biết khoa học chút ít đều coi đây là chuyện hoang đường: làm sao bước chân con người có thể theo kịp tốc độ di chuyển của tinh tú!?
Sự thật hay là hoang đường?
Xin thưa, đây là một cách viết, khai thác một hình ảnh để diễn đạt một chân lý. Theo cách viết của Thánh Matthêu, lý do thúc dục các đạo sĩ lên đường là vì "Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài xuất hiện bên Phương Ðông". Matthêu không hề viết là ngôi sao cùng sánh bước với các đạo sĩ trên khắp những đoạn đường từ Phương Ðông đến Giêrusalem. Bởi đó họ phải đi tìm, và khi đến Giêrusalem họ phải hỏi người khác nữa. Câu trả lời giúp họ biết hướng để tiếp tục cuộc hành trình chính là một câu Sách Thánh. Mãi khi đến gần Bêlem thì Ngôi Sao mới xuất hiện lại để dẫn họ đến chỗ Hài Nhi đang ở.
 
Tóm lại, Ngôi Sao là một dấu chỉ thôi thúc lên đường. Nhưng cuộc hành trình đòi hỏi phải cố gắng, kiếm tìm, dò hỏi nhiều nơi, nhiều người, nhất là Sách Thánh. Và cuối cuộc hành trình, dấu chỉ lại rực sáng như để xác nhận rằng cuộc hành trình đã đạt đến điểm tới.
 
* 2. Hành trình đức tin
Hành trình của các đạo sĩ là hình ảnh minh họa cho hành trình của mọi kẻ tin:
  • Hành trình khởi đầu bằng một điều gì đó lạ lùng khiến người ta chú ý (Thí dụ ánh sao lạ đối với các đạo sĩ). Ðiều lạ lùng này mời gọi người ta từ bỏ nếp sống đã quen để dấn thân đi tìm một cái gì đó cao hơn, xa hơn, tốt đẹp hơn.
  • Tiếp theo là những bước thăng trầm trong cuộc hành trình: có khi con đường rất bằng phẳng êm ái, có khi lại quanh co gồ ghề, có lúc ánh sao sáng tỏ trên bầu trời, có lúc nó vụt biến mất. Nhưng miễn là người ta không nản lòng mà cứ kiên trì dấn bước thì cuối cùng người ta sẽ gặp được Chúa.
Ðó là cuộc hành trình của kẻ chưa có đức tin tìm đến với Chúa, mà cũng là cuộc hành trình của kẻ đã tin rồi nhưng muốn đến với Chúa một cách gần gũi thân tình hơn.
 
* 3. Lên đường
Có những người tìm kiếm như các đạo sĩ, lên đường như Abraham. Cũng có những người ngồi một chỗ như Hêrôđê. Muốn biết ư? Ông đã có các chuyên viên. Muốn tiêu diệt đối phương ư? Ông có cả ngàn quân lính dưới quyền. Thiên Chúa hướng dẫn những ai muốn tìm Người cách lạ lùng. Người trốn thoát khỏi những kẻ muốn tìm bắt. Người không hung hãn chống lại những kẻ muốn huỷ diệt Người. Người tự xóa mình đi và biến mất.
 
Người ở đâu, Ðức Giêsu ẩn dấu của thời đại? Trong làng quê heo hút nào, trong gia đình nghèo khó nào có ánh sáng Thiên Chúa mời ta nhận ra Người? "Ta đói các ngươi đã cho Ta ăn... Thực, Ta bảo các ngươi: mỗi lần các ngươi làm cho một trong những kẻ bé nhỏ nhất là anh em Ta đây, là các ngươi làm cho chinh Ta" (Mt 25, 35-40). Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng có lời Kinh Thánh: Ta đã không bị cám dỗ dùng lời Kinh Thánh để át giọng kẻ quấy rày ư? Ðức Giêsu đâu để cho ta đền bù. Nếu ta muốn nắm lấy Người để được an tâm, Người sẽ thoát khỏi tầm tay ta. Nếu ta chấp nhận lên được tìm kiếm Người, ta sẽ như các đạo sĩ, được đầy tràn niềm vui và tìm thấy Người (...) Ðọc kỹ Kinh Thánh thôi chưa đủ, còn phải để Kinh Thánh gợi hứng cho đời ta, để ta đem ra thực hành, để ta đặt mình dưới sự điều khiển của Kinh Thánh. Các luật sĩ và các thầy thượng tế biết lời sấm lắm chứ. Nhưng họ chỉ biết trưng dẫn thôi... Hêrôđê thì dùng Kinh Thánh để tìm cách giết Hài nhi... Còn các đạo sĩ, bản thân chẳng biết Kinh Thánh, chỉ được Hêrôđê chỉ dẫn, đã lên được tìm kiếm Ðức Giêsu và họ đã gặp Người... (Mgr Lucien Daloz, Le Règne des cieux s'est approché, Trích dịch bởi Fiches dominicales, trang 55-56).
 
* 4. Ánh sáng và bóng tối
Nhà đại thiên văn Kepler khám phá ra rằng vào năm Chúa Giáng sinh, có một hiện tượng bất bình thường xảy ra giữa các vì sao. Ông nói về hai ngôi sao Jupiter và Saturn rằng: Bình thường chúng vẫn quay cách đều nhau. Năm đó chúng sáp lại gần nhau đến độ ánh sáng của ngôi sao này cộng hưởng với ánh sáng của ngôi sao kia, tạo ra một luồng sáng khác thường và kéo dài đến cả mấy tháng.
 
Phải chăng đó chính là ngôi sao lạ đã dẫn đường cho Ba Vua tìm ra Chúa Hài Nhi?
"Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Ðông" (Mt 2, 2). Người xưa cho rằng ngày ra đời của các vĩ nhân thường được báo hiệu bằng sự xuất hiện của các ngôi sao lớn. Các chiêm tinh gia thường nghiên cứu những chuyển động của các vì tinh tú để đoán biết định mệnh con người. Vì thế, khi nhìn thấy ngôi sao lạ, các đạo sĩ đã nhận ra sự sinh hạ của Ðấng Cứu Thế, Vua dân Do thái.
 
Quả thật, người Do thái đã trông đợi Ðấng Cứu Tinh từ bao thế kỷ, Ðấng ấy được ví như một vì sao từ Giacóp, như có lời trong Kinh thánh: "Một vì sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng chỗi dậy từ Ítraen " (Ds 24, 17). Tiên tri Mikha cũng đã tiên báo: "Hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ítraen " (Mk 5, 1).
 
Nếu Thiên Chúa đã dùng cột mây cột lửa để hướng dẫn dân Do thái đi trong hoang địa về đất hứa, thì Người cũng có thể dùng ngôi sao dẫn đường cho các đạo sĩ đến Belem để gặp Ðấng Cứu Tinh.
 
Nhưng có một sự thật vô cùng trớ trêu: là khi vị Cứu Tinh xuất hiện sau bao thế kỷ đợi chờ, dân Do thái lại thờ ơ lãnh đạm, các thượng tế và kinh sư thì dửng dưng thụ động, cho dù họ thông thạo Kinh thánh và biết rõ nơi sinh của Ðấng Cứu Thế. Hêrôđê lại còn hoảng hốt vì sợ ngai vàng của mình bị lung lay. Chỉ có các đạo sĩ đại diện cho lương dân lại hăng hái lên đường. hăm hở tìm kiếm, cho dù cuộc kiếm tìm đầy phiêu lưu trắc trở. Và khi tìm được rồi, Ðấng Cứu Thế cũng chẳng có vẻ gì là một vị quân vương, không uy nghi trong cung điện đền vàng, nhưng họ vẫn vui mừng đón nhận, xin được bái kiến và dâng lễ vật quí giá với tất cả tấm lòng thành.
 
Sau này, Ðức Giêsu đã phải thốt lên: "Từ phương Ðông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, lsaac và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài " (Mt 8, 11-12).
 
Lễ Hiển Linh là lễ Chúa tỏ mình cho dân ngoại, nhắc chúng ta đến việc truyền giáo.
 
Nhờ ngôi sao lạ mà các đạo sĩ đã tìm ra Ðấng Cứu Thế; chúng ta cũng hãy là những ánh sao sáng thu hút những tâm hồn đang khao khát tìm kiếm Chúa.
 
Nếu con người đang đi trong bóng tối của gian dối, hận thù; chúng ta hãy là những ánh sao của chân thành, phục vụ và yêu thương.
Nếu thế giới đang chìm đắm trong bóng tối của buồn phiền, thất vọng; chúng ta hãy là những ánh sao của niềm vui, an bình và hy vọng.
 
Nếu Chúa đã gọi: "Chúng con là ánh sáng thế gian" (Mt 5, 14), thì đó là một vinh dự vô cùng lớn lao, nhưng cũng là một trách nhiệm nặng nề.
 
Chúng ta đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối, nhưng hãy dấn thân thắp lên những ngọn nến sáng: Nến sáng của tin yêu và hy vọng, của bác ái và vị tha, để cả trái đất này tràn ngập ánh sáng tình yêu Chúa.
 
Chúng ta đừng chỉ lo gìn giữ ngọn nến của ngày chịu phép rửa tội, nhưng hãy can đảm thắp sáng những ngọn nến còn trong bóng tối lầm lạc và tội lỗi, để thế giới này luôn đi trong ánh sáng chân thật của Chúa.
]]]
 
Lạy Chúa Hài Ðồng,
Cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối vẫn còn tiếp diễn trên thế giới này và trong lòng mỗi người chúng con.
Xin cho chúng con biết kín múc nơi Chúa là chính Nguồn Sáng, để chúng con có khả năng đẩy lui mọi bóng tối trong chúng con và trong lòng mọi người. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")
 
* 5. Ánh sáng Ðức tin
Arthur Jones gia nhập không lực Hoàng gia, anh được huấn luyện trong một trại lính cùng với 30 binh sĩ khác. Ngay đêm đầu tiên, anh đã phải cân nhắc về một quyết định: "Có nên quì gối đọc kinh như thói quen ở nhà không?" Ban đầu anh cảm thấy hơi ngượng, nhưng rồi anh tự nhủ: "Chẳng lẽ mình phải thay đổi cách sống vì sợ kẻ khác dòm ngó sao?"
 
Anh liền quyết định cứ quì gối đọc kinh như thói quen. Khi vừa làm dấu kết thúc buổi cầu nguyện, mọi người mới biết anh là người Công giáo. Hơn nữa, anh lại là người Công giáo duy nhất trong trại lính. Tuy nhiên, anh vẫn quì gối cầu nguyện hàng đêm, và sau đó thường dẫn đến những cuộc tranh cãi hàng giờ.
 
Cuối khóa huấn luyện có người đến nói với anh:
  • Anh là người Kitô hữu tốt nhất mà tôi gặp.
Anh liền đáp lại:
  • Cám ơn bạn, tôi không nghĩ mình là Kitô hữu tốt nhất đâu. Có thể tôi là người Công giáo dám công khai biểu lộ đức tin.
]]]
 
Ánh sáng đức tin của người lính đã tỏa sáng trong trại huấn luyện của không lực Hoàng gia. Ðúng như lời Ðức Giêsu đã nói: "Các con là ánh sáng thế gian" (x. Mt. 5, 14-16). Như ánh sao lạ đã mọc lên để dẫn đường cho các đạo sĩ, ngôi sao Tin mừng cũng đã xuất hiện để soi dọi vào tâm hồn tăm tối của chúng ta. Ðể từ đây, ánh sáng Ðức tin luôn chiếu tỏa rạng ngời.
 
Nhưng Tin không phải là thấy. Tin là dựa vào Lời Chúa mà liều mình, mà dấn thân và nhiều khi phải vượt qua gia nan thử thách.
 
Các đạo sĩ khi nhìn thấy ánh sao lạ, họ đã tin tưởng vào một Ðấng Cứu Tinh mà ngôi sao là dấu chỉ, họ vội vã lên đường mà không biết ngôi sao sẽ dẫn đi đâu. Khi ánh sao biến mất họ không thất vọng, không bỏ cuộc, nhưng dò hỏi kiếm tìm. Hành trình của họ là hành trình Ðức tin, con đường của họ là con đường thánh giá.
 
Ðể giữ vững đức tin, nhiều khi chúng ta phải can trường lướt thắng bản thân, phải liên lỉ chiến đấu hy sinh, phải anh dũng biểu lộ niềm tin. Tổng giám mục Fulton Sheen khẳng định: "Ðể trắc nghiệm Ðức tin của chúng ta, cần phải xem phản ứng lúc đau khổ và thử thách, chứ không phải lúc đời lên hương, thuận buồm xuôi gió".
 
Như các đạo sĩ tìm lại ánh sao khi lạc mất, người tín hữu Kitô luôn được mời gọi nhìn lên ánh sao của niềm hy vọng. Chính trong niềm hy vọng mà chúng ta can đảm dấn thân đi tới.
 
Trong cuộc sống đời thường, có rất nhiều dấu chỉ như ánh sao dẫn ta đến với Chúa. Có thể là:
Một câu Kinh Thánh đánh động lòng ta.
Một nghĩa cử yêu thương nồng ấm.
Một lời khuyên nhắc nhở chân tình.
Một gương sáng làm ta xúc động.
 
Nếu cuộc đời chúng ta đã từng có những ánh sao dẫn đường, thì đến lượt mình, hãy là những vì sao ngời sáng như kim cương trên bầu trời, là những ánh đèn đêm hoa đăng ngày đại hội. Eliot đã viết:
"Nếu bạn không thể là ngôi sao sang
Thì hãy là ánh lửa non cao.
Nếu không thể là ánh lửa non cao.
Xin hãy làm ánh nến tỏa sáng trong gia đình"
 
]]]
Ðức Gioan Phaolô II trong Giáo lý năm Thánh 2000 có viết: "Việc giáo dân tham dự và cùng có trách nhiệm trong cộng đồng Kitô hữu, cùng với nhiều hình thức tông đồ và phục vụ của họ trong xã hội, khiến chúng ta có lý mà hy vọng rằng, vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba, sẽ có một cuộc "hiển linh" trọn vẹn và tốt đẹp nơi thành phần giáo dân.
]]]
 
Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra những ánh sao Chúa gởi đến trong cuộc đời chúng con. Xin biến chúng con thành những ánh sao ngày càng rực sáng lan tỏa khắp thế giới. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")
 
6. Ông vua thứ tư
Có một truyền thuyết cho rằng những người khách từ phương Ðông tìm đến thờ lạy Chúa Hài Ðồng là 3 vị vua, tên là Gaspar, Balthasar và Melchior. Có một truyền thuyết khác lại cho rằng ngoài 3 vị ấy, còn một vị vua thứ tư nữa, tên là Artaban. Sau đây là truyền thuyết về ông vua thứ tư ấy.
 
Cũng như 3 vị vua kia, Artaban cũng thấy ngôi sao lạ. Sau khi chuẩn bị lễ vật gồm một viên bích ngọc, một viên hồng ngọc và một viên ngọc trai, Ông lên đường tiến đến điểm hẹn với 3 vị vua kia. Tuy nhiên dọc đường ông gặp một người bị thương nặng đang nằm bên vệ đường, ông phải dừng lại đưa người đó đến một lữ quán nhờ chăm sóc. Vì thế khi đến điểm hẹn thì 3 vị kia đã đi mất rồi.
 
Cần có một con lạc đà để có thể đi băng qua sa mạc, ông bán viên bích ngọc đi để mua lạc đà. Nhưng khi tới Bêlem thì lại trễ, vì Thánh Giuse và Ðức Maria đã đem Chúa Hài đồng lánh nạn sang Ai cập.
 
Artaban đành tìm một quán trọ để nghỉ đêm. Trong quán ông gặp một người đàn bà bế một đứa trẻ mới 1 tuổi đang sợ hãi trốn tránh cuộc lùng bắt của đám lính Hêrôđê. Dù vậy, cuối cùng đám lính cũng tìm tới. Artaban ra cửa gặp chúng và đưa viên hồng ngọc để chúng khỏi vào lữ quán. Ông rất buồn vì giờ đây lễ vật ông định dâng Chúa Hài Ðồng chỉ còn có mỗi một viên ngọc trai.
 
Ông lại lên đường tìm Chúa Hài Ðồng. Nhưng ông luôn bị trễ: nghe tin Ðức Giêsu đang ở đâu ông đều tìm đến nhưng khi đến nơi thì Ngài đã đi nơi khác. Khoảng 30 năm sau, ông đến Giêrusalem. Ông hốt hoảng khi nghe tin người ta sắp đem Ðức Giêsu đi đóng đinh trên đồi Golgotha. Ông vội vã tìm đến, hy vọng là với viên ngọc trai còn lại, ông có thể cứu sống Ngài. Tuy nhiên trên đường đến Golgotha, ông gặp một cô gái đang bị quân lính rượt bắt. Cha của cô thiếu nợ quá nhiều nên người ta định bắt cô để bán làm nô lệ trừ nợ. Artaban đưa viên ngọc trai ra, và quân lính để cô gái được tự do. Giờ đây Artaban chỉ còn đôi bàn tay trắng.
 
Chiều hôm ấy, khi mặt trời bắt đầu lặn, một cơn động đất khiến các nhà cửa đều rung rinh, ngói nhà bay tứ tung. Một viên ngói rơi trúng đầu ông. Thế là ông chết trước khi đến được ngọn đồi Golgotha. Artaban không gặp được Ðức Vua mà bao nhiêu năm qua ông đã khổ cực tìm kiếm.
 
Tuy nhiên, nhìn theo một phương diện khác thì Artaban đã thực sự gặp được Ðức Vua của lòng ông, bởi vì bao nhiêu năm nay Ngài đã ngự trị trong lòng ông. Ngài đã làm cho lòng ông thành quảng đại, dạy ông làm những việc bác ái và luôn duy trì niềm hy vọng trong suốt cuộc hành trình của ông.
Ai đang đi tìm Chúa với trọn niềm tin yêu hy vọng thì đã gặp được Chúa rồi.
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Chúa đã muốn cứu độ tất cả mọi người, và Người đã dùng ánh sao lạ để hướng dẫn muôn dân tìm đến Ðức Giêsu, Ðấng Cứu độ duy nhất. Chúng ta hãy sốt sắng dâng lên Chúa những lời nguyện sau đây:
 
1. Ðức Giêsu đã thiết lập Hội thánh và sai đi đến với mọi người / Xin Chúa cho Hội thánh luôn trở thành ánh sáng hướng dẫn muôn dân tìm đến ơn cứu độ của Chúa.
2. Chúa đã ban quyền cho các nhà cầm quyền trong xã hội / Xin Chúa hướng dẫn họ thi hành quyền hành đối với mọi người theo lẽ công bằng, theo sự thật, và luôn tôn trọng nhân phẩm của mỗi người.
3. Chúa đã muốn cứu độ mọi người không trừ ai / Xin Chúa cho những người chưa biết Chúa, những người từ chối Chúa, và những người chống đối Chúa sớm nhận ra ánh sáng chân lý và tình thương của Chúa.
4. Mỗi Kitô hữu đều phải là ánh sáng cho đời / Xin Chúa cho anh chị em giáo hữu trong họ đạo chúng con / luôn sống đúng với Tin mừng của Chúa / để trở thành ánh sao dẫn đường cho người chung quanh trở về với Chúa.
 
Chủ tế: Lạy Chúa, lễ Hiển Linh hôm nay nhắc cho chúng con nhớ đến trách nhiệm của Kitô hữu là phải luôn tìm kiếm Chúa để gặp gỡ và sống hiệp thông với Chúa, đồng thời cũng phải giúp anh chị em chung quanh chúng con tìm kiếm và gặp gỡ Chúa. Xin Chúa giúp chúng con luôn ý thức và chu toàn trách nhiệm đó. Chúng con nguyện xin nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con.
 
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái
 
LỄ HIỂN LINH
Lm. Ignatio Hồ Thông
Phụng Vụ Lời Chúa Lễ Hiển Linh mời gọi chúng ta suy niệm về Giáo Hội, Bí Tích Hiệp Nhất toàn thể gia đình nhân loại chung quanh Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Thế của mình.      
Is 60: 1-6      
Ngôn sứ I-sai-a loan báo hình ảnh vinh quang của Giê-ru-sa-lem mới, tiền trưng của Giáo Hội: “Muôn dân muôn nước sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước”.      
Ep 3: 2-3a, 5-6      
Thánh Phao-lô có sứ mạng loan báo  “mầu nhiệm giữ kín từ muôn thuở ở nơi Thiên Chúa” nay được tỏ lộ, đó là muôn dân muôn nước trên khắp toàn cõi địa cầu đều được kêu mời họp thành một dân tộc duy nhất là Giáo Hội, trở nên một thân thể duy nhất là Thân Thể mầu nhiệm của Đức Giê-su Ki-tô.      
Mt 2: 1-12      
Được soi lối chỉ đường: từ một hiện tượng thiên nhiên: ánh sao lạ, đến Lời Chúa, các nhà chiêm tinh, tiên trưng Giáo Hội, đến thờ lạy Đấng Cứu Thế.    
 
BÀI  ĐỌC I:  Is 60: 1-6      
Các  đại ngôn sứ Cựu Ước đều đã công bố chiều kích hoàn vũ của sứ mạng Giê-ru-sa-lem. Họ đã mở rộng những viễn cảnh của dân Ít-ra-en vượt qua chủ nghĩa quốc gia và nhấn mạnh ơn gọi của dân: ánh sáng cho muôn dân muôn nước. Bản văn được chọn vào ngày lễ Hiển Linh được trích từ tác phẩm của một trong số các ngôn sứ nầy. Ông là vị ngôn sứ vô danh, môn đệ của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị (Is 40-55), vì thế người ta gọi ông là I-sai-a đệ tam (Is 56-66). Ông thi hành sứ vụ của mình ở Giê-ru-sa-lem giữa những năm 537-520, nghĩa là sau cuộc hồi hương trở về từ cuộc lưu đày ở Ba-by-lon.      
 
1. Vinh quang của Thành Đô Giê-ru-sa-lem mới (6:1-2).     
Ông loan báo một sứ điệp đầy tràn niềm tin tưởng và lạc quan để an ủi một cộng đoàn ngã lòng thất vọng.       
Cuộc trở về quê cha đất tổ đã đem lại một tinh thần phấn chấn cho những người hồi hương; nhưng rồi sớm vỡ mộng. Thành Thánh Giê-ru-sa-lem nghèo khổ và thưa thớt, chẳng khác gì một làng quê. Cảnh Đền Thờ hoang phế trơ gan cùng tế nguyệt ngót bốn mươi năm trường. Đất đai bị những người ngoại kiều, nhất là dân Sa-ma-ri chiếm đoạt, những nổ lực tái thiết Đền Thánh phải dang dỡ. Chính vào lúc ấy, một sấm ngôn vang lên để an ủi những ai mất can đảm: “Vùng lên! Bừng sáng lên ! Giê-ru-sa-lem hỡi!”.      
 
Làm thế nào thất vọng được chứ khi Thiên Chúa đã tỏ mình ra bằng cách cho họ được hồi hương trở về quê cha đất tổ: “Vì ánh sáng của ngươi đến rồi, vinh quang Chúa trên ngươi chiếu tỏa” và bằng cách nghiền nát những kẻ áp bức họ: “Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân”. Cuộc hồi hương nầy được ví như bình minh và Thiên Chúa được ví như vầng kim ô chói lọi: “Còn trên ngươi, Chúa lại chiếu tỏa, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi”. Những biến cố sau đó sẽ còn rực rỡ hơn nữa. Vị ngôn sứ đưa ra hai thị kiến chứa chan hy vọng.      
 
2. Cuộc tụ họp vĩ đại (6: 3-4).      
Thị  kiến thứ nhất mở ra một cuộc tụ họp vĩ đại: “Đưa mắt về tứ phía mà xem: ai nấy đều tụ họp, kéo đến với ngươi, con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông”. Những con trai con gái nầy là những “cộng đồng Do thái hải ngoại” (họ không bao giờ vắng bóng trong tâm trí của ngôn sứ I-sai-a đệ tam). Vì thế, một truyền thống sống động muốn rằng sự thống nhất của toàn thể dân Ít-ra-en phải là công trình của Đấng Mê-si-a. Như vậy, lời sấm bao hàm hậu cảnh Thiên Sai.      
 
Thế  nhưng những đứa con đến từ phương xa cũng là những đứa con của muôn dân muôn nước, họ sẽ chọn Giê-ru-sa-lem như Thành Đô của mình vì uy danh Thiên Chúa của thành quyến rủ họ: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước”.      
 
3. Nguồn phú túc của chư dân sẽ đổ về Thành Đô (6: 5-6).
Thị  kiến thứ hai chứa cahn niềm hy vọng. Thị kiến thứ hai này được liên kết với thị kiến thứ nhất: chư dân sẽ đề xuất sự phú túc của mình để phụng sự Thành Thánh: “Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà của người Ma-đi-an và Ê-pha; hết thảy từ Sa-ba kéo đến, mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Chúa”. Những người Ma-đi-an, Ê-pha và Sa-ba là những dân Á-rập. Tên Sa-ba gợi lên kỷ niệm của nữ hoàng xứ Sa-ba đến triều yết vua Sa-lô-mon và dâng tặng cho vua nhiều quà tặng quý giá.       
 
Thành đô Giê-ru-sa-lem sẽ không còn lầm than vất vã  nhưng sống trong cảnh thái bình thịnh vượng. Thành Đô sẽ lại vùng đứng lên từ những hoang tàn đổ nát, Đền Thánh sẽ được tái thiết để trở thành nơi xứng đáng cho muôn dân đến tán dương chúc tụng Thiên Chúa của dân.
       
Bức tranh muôn màu sắc rực rỡ của vị ngôn sứ xem ra loan báo trước dáng điệu của của các nhà chiêm tin, tiên trưng muôn dân, họ từ phương xa đến thờ lạy Thiên Chúa Ít-ra-en ở nơi “Hài Nhi Bê-lem”.      
 
Vị ngôn sứ thoáng thấy điều mà thánh Phao-lô  sẽ gọi “mầu nhiệm giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa”: muôn dân muôn nước đồng thừa tự với người Do thái, dân của Lời Hứa (bài đọc II). Thị kiến hùng vĩ về một cuộc tụ họp vĩ đại chung quanh Thiên Chúa đích thật chuẩn bị thị kiến của thánh Gioan trong sách Khải Huyền: thành thánh Giê-ru-sa-lem tương lai là Thành Đô Thiên Quốc mà bản phác thảo của nó trên trần thế nầy là Giáo Hội.       
 
BÀI  ĐỌC II:   Ep 3: 2-3, 5-6      
Thánh Phao-lô viết bức thư nầy có lẽ trong khi ngài bị giam cầm ở Rô-ma vào những năm 61-63. Thánh nhân ngỏ lời với các tín hữu Ê-phê-sô, chính xác hơn với các cộng đoàn khác nữa ở miền Tiểu Á, mà thánh nhân muốn bức thư của mình được chuyển đến.      
 
Những cộng đoàn nầy đa số là những Ki-tô hữu gốc lương dân. Thánh Phao-lô nhắc nhở họ về ơn gọi tông đồ dân ngoại của ngài. Nhiệm vụ của ngài là loan báo cho họ biết rằng không còn một dân đặc quyền đặc lợi nữa vì muôn dân được chấp nhận đồng hưởng cùng một ơn cứu độ như dân Do thái. 
 
1. Mầu nhiệm Đức Ki-tô:       
Trọng tâm sứ điệp của bức thư nầy là “mầu nhiệm của Đức Ki-tô”. Qua từ “mầu nhiệm” nầy, thánh Phao-lô muốn nói đến ý định ẩn kín từ muôn thuở ở nơi Thiên Chúa, nay được vén mở cho loài người biết.  
     
Đối với thánh nhân, các thầy thông luật đã học hỏi Kinh Thánh dù thành tâm mấy đi nữa cũng không thể nào biết được mầu nhiệm này, đó là “nhờ rao giảng Tin Mừng và được liên kết với Đức Giê-su Ki tô, các dân ngoại cũng được đồng thừa tự với người Do thái”. Thánh nhân đã hiểu được Thiên Ý nhiệm mầu nầy chỉ nhờ ơn soi sáng của Đức Giê-su trên đường Đa-mát.
 
2. Các thánh:      
Từ  trong chốn lao tù của mình, vào lúc cuộc đời xế bóng, thánh Phao-lô không quên liên kết sứ  vụ Tông Đồ dân ngoại của ngài với tất cả các vị Tông Đồ khác và các nhà rao giảng (những người mà thánh nhân gọi “ngôn sứ”), những người đã lãnh nhận Thần Khí và đã thi hành sứ vụ như ngài. Qua lối nói “các thánh”, thánh nhân không gợi lên sự thánh thiện nói riêng, nhưng chỉ chung những người Ki-tô hữu. Xuống dưới vài hàng, thánh Phao-lô tự nhận mình là “kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh”.       
 
Thánh nhân đã đổ hết mọi sức lực của mình vào ơn gọi của mình. Sách Công Vụ tường thuật thánh nhân đã nhiệt thành thực hiện sứ mạng của mình biết là ngần nào: trèo non lặn suối, vượt biển băng ngàn không quản ngại gian nguy. Chương 13 tường thuật một chi tiết điển hình: sau bài thuyết giáo của thánh nhân ở hội đường An-ti-ô-khi-a, người Do thái sinh lòng ghen tức…trong khi dân ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa.      
 
Đó cũng là hai thái độ khác nhau mà thánh Mát-thêu nêu bật trong hoạt cảnh “Các Nhà Chiêm Tinh đến triều yết Chúa Hài Nhi”.      
 
TIN MỪNG:   Mt 2: 1-12      
Thánh Mát-thêu là vị thánh ký duy nhất tường thuật biến cố “các nhà chiêm tinh đến yết kiến Chúa Hài Nhi”. Ông đã bảo tồn giai thoại nầy vì nó xác minh một trong những chủ đề sách Tin Mừng của ông. Chính quyền và Giáo quyền Giê-ru-sa-lem đã không nhận ra Đấng Cứu Độ. Trong khi đó, con đường rộng mở thênh thang cho dân ngoại đi vào trong Giao Ước, vì sứ điệp Tin Mừng cũng được gởi đến cho họ. Thật lạ lùng trong khi dân ngoại đáp trả lời mời gọi, thì con cái của Lời Hứa quay lưng lại.      
 
Trong khi thánh Lu-ca trình bày cho chúng ta bức tranh các mục đồng đến chiêm ngưỡng và thờ lạy Chúa Hài Nhi, họ đại diện những người khiêm tốn, nghèo khó, thì thánh Mát-thêu trình bày cho chúng ta bức tranh các nhà chiêm tinh từ phương xa vạn dặm đến triều bái Chúa Hài Nhi, họ đại diện những người thông thái và giàu có. Trong khi các mục đồng là những thành viên của dân Chúa chọn, thì các nhà chiêm tinh lại đến từ thế giới ngoại giáo. Hai bức tranh này tương phản với nhau, nhưng lại bổ túc cho nhau.      
 
1. Lên đường theo ánh sao lạ.       
Chuyện tích của Mát-thêu rất phức tạp và đòi hỏi biết bao công sức để hiểu biết nó. Hai loại yếu tố được đan quyện vào nhau ở đây: những yếu tố nầy thuộc những dữ kiện lịch sử, những yếu tố khác do cách trình bày những sự kiện. Phương thức nầy được gợi hứng bởi cách giải thích Kinh Thánh của các kinh sư Do thái được gọi là “midrash”. Đây là văn thể rất được thịnh hành trong những môi trường Do thái vào thời Chúa Ki tô và vào thời Giáo Hội tiên khởi.      
 
“Midrash” là phương thức kể chuyện cốt yếu là quy tụ những câu trích dẫn Kinh Thánh chung quanh một hạt nhân lịch sử. Theo cách thức kể chuyện này, người ta phóng đại vài chi tiết và hể có dịp nêu bật khía cạnh kỳ diệu của nó, nhằm nhấn mạnh tính cách quan phòng của nó. Chắc chắn phải có một “biến cố thực” ở nơi nền tảng của chuyện tích Tin Mừng này. Rõ ràng thánh Mát-thêu múc lấy những dữ kiện của mình ở nơi những kỷ niệm và truyền thống Bê-lem, trong khi thánh Lu-ca quy chiếu nhiều hơn đến những kỷ niệm và truyền thống Na-da-rét.       
 
Mặt khác, những thủ bản Biển Chết đã củng cố  chuyện tích Tin Mừng này. Trong số những thủ bản được khám phá, người ta gặp thấy số tử vi của vị Vua Thiên Sai được chờ mong. Như vậy vào thời Đức Ki-tô chào đời, người ta bận lòng muốn biết Đấng Mê-si-a sinh ra dưới vị sao hộ mệnh nào. Vì thế, trong vài môi trường Do thái, người ta tra cứu bầu trời để tìm xem lúc nào vị sao nầy xuất hiện, vì Đấng Mê-si-a chào đời khi vị sao hộ mệnh của Ngài xuất hiện. Quả thật, các chiêm tinh nói: “Chúng tôi đã thấy vị sao của Người xuất hiện”.      
 
Trong chuyện tích Tin Mừng Mát-thêu, ngôi sao được trình bày như một hiện tượng thiên nhiên. Nhưng xa hơn một chút, thánh ký biến nó thành một dấu hiệu: ánh sáng của ngôi sao là lời kêu gọi mầu nhiệm soi đường chỉ lối cho các nhà chiêm tinh. Không phải Thánh Vịnh nói với chúng ta: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo kỳ công Người. Ngày nầy mách bảo cho ngày tới, đêm nầy truyền tụng với đêm kia. Không bằng ngôn ngữ ầm vang mà tiếng vang đã vang dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới khắp chân trời góc biển” đó sao (Tv 19: 2-5) ? Nếu suy nghĩ một cách sâu xa, chúng ta nhận ra có biết bao biến cố xảy ra trong đời thường của mình là những ánh sao lạ thúc đẩy chúng ta lên đường đấy chứ.      
 
2. Dừng chân ở Giê-ru-sa-lem.      
Các nhà chiêm tinh đến Giê-ru-sa-lem vì vị vua mà họ dõi theo ánh sao lạ tìm kiếm không ai khác ngoài “vua dân Do thái”. Thánh Mát-thêu chủ ý dùng tước hiệu nầy, vì đó là tước hiệu được ghi ở nơi bản án kết tội Đức Giê-su: “Người nầy là Giê-su, vua dân Do thái” (Mt 27: 37).       
 
Việc  các nhà chiêm tinh xuất hiện ở Giê-ru-sa-lem làm cho vua Hê-rô-đê và triều thần bối rối. Điều nầy xem ra cũng dể hiểu vì vua cùng triều thần của vua nghĩ đến một đối thủ bất ngờ xuất hiện. Nhưng cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao thì quả thật là lạ lùng. Dân thành Giê-ru-sa-lem vui mừng mới phải vì đó là tin vui mà họ trông chờ bấy lâu. Đây là lời ghi nhận mang đậm nét Tin Mừng Mát-thêu. Thánh Mát-thêu không thích Giê-ru-sa-lem, bởi vì dân nầy đã lỗi hẹn với cuộc gặp gỡ Đấng Cứu Độ mà các ngôn sứ đã loan báo cho họ. Ở nơi nỗi xao xuyến của dân thành Giê-ru-sa-lem, thánh ký báo trước việc dân nầy sẽ từ chối Đức Giê-su trong tương lai. Mặt khác, vào thời điểm thánh Mát-thêu viết Tin Mừng của mình, những người Do thái chống đối cộng đoàn Ki-tô hữu rất dữ dội. Sự căng thẳng nầy có thể được nhận ra ở nơi lời nhận xét nầy.
 
3. Các thượng tế và các kinh sư:       
“Nhà vua triệu tập các thượng tế, các kinh sư lại, và hỏi cho biết Đấng Ki tô phải sinh ở đâu”. Các thượng tế là những lãnh đạo tối cao của Do thái giáo, còn các kinh sư là những chuyên viên Kinh Thánh, vì thế họ có thể trả lời cho các nhà chiêm tinh biết chính xác Đấng Cứu Thế sinh ra ở đâu. Họ rất tự phụ về sự hiểu biết Kinh Thánh của mình, nhưng họ không muốn đi xa hơn. Sự hiểu biết Kinh Thánh của họ đã soi lối chỉ đường cho những người ngoại quốc từ phương xa nầy đến thờ lạy Chúa Hài Nhi, trong khi chính họ và toàn thể dân thành Giê-ru-sa-lem từ chối đến thờ lạy Ngài. Như vậy việc quy tụ của những người ngoại quốc chung quanh vị vua Do thái vừa mới sinh nầy xem ra là hình ảnh loan báo trước một cuộc quy tụ vĩ đại của Giáo Hội xuất thân từ muôn dân.
Bản văn mà các kinh sư trích dẫn chính là lời sấm của ngôn sứ Mi-kha (thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên) được thánh Mát-thêu thay đổi một chút. Ngôn sứ Mi-kha viết: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en …” (Mk 5: 1), trong khi lời trích dẫn của bản văn Mát-thêu: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”. Rõ ràng trong bản văn của mình, Mát-thêu không trích dẫn nguyên văn lời sấm của Mi-kha, nhưng còn chủ ý sửa đổi và thêm vào bản văn 2Sm 5: 2: “Chính ngươi sẽ chăn dắt Ít-ra-en, dân Ta…”.
 
4. Âm mưu thâm độc của bạo chúa Hê-rô-đê:       
Vua Hê-rô-đê bí mật triệu tập các nhà chiêm tinh và dò hỏi tường tận ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện để xác định chính xác thời gian Hài Nhi chào đời. Rõ ràng nhà vua có mưu đồ hãm hại Hài Nhi rồi, nhưng với thái độ giả nhân giả nghĩa nhà vua nói với họ: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái yết Người”.      
 
Vài nét chấm phá trên đây phác họa chân dung của nhân vật nầy rất sát với những gì các sử gia đã miêu tả về vị bạo chúa nầy: tâm địa ngờ vực, thù hằn, mê tín dị đoan và tàn bạo cho đến điên cuồng khát máu. Ông ra lệnh thảm sát vợ ông, bà Marianne, cùng nhiều người thân của bà, ba người anh em họ và ba người con riêng của bà. Chính ông ra lệnh hành hình nhiều người Biệt Phái trước công chúng. Cũng như ông truyền lệnh thiêu sống mười bốn trẻ em để trả thù cho việc dân chúng đã phá đổ con ó bằng vàng mà ông đã cho đặt trước Đền Thờ. Vì thế, đối với vị vua nầy, việc thảm sát các hài nhi Bê-lem không có gì là không thể. Vì danh vọng và quyền lực người ta có thể làm bất cứ điều gì dù mất nhân tính đi nữa.      
 
Phải chăng việc các nhà chiêm tinh dừng chân ở  Giê-ru-sa-lem được khai triển theo cách thức chú giải “Midrash”? Chắc chắn một phần nào đó. Chúng ta đọc thấy cách chú giải Midrash về cuộc chào đời của Mô-sê như sau: “Pha-ra-ô triệu tập tất cả các nhà thông thái và triều đình …Toàn dân kinh hải…một hoàng tử triều yết vua và tấu trình lên vua…một hài nhi sắp chào đời cho con cái Ít-ra-en. Xin ra lệnh giết tất cả nam nhi…”. Đây là cách thức chú giải Midrash trên đoạn văn sách Xuất Hành 1: 9-22 này. Phải chăng thánh Mát-thêu đã được gợi hứng từ phương thức nầy? Hai hoàn cảnh tương tự như nhau thì rất rõ.      
 
5. Lên đường theo ánh sáng Lời Chúa.      
Chắc chắn cũng phải lưu ý đến cách thức tô điểm midrash ở nơi việc ngôi sao lạ tái xuất hiện. Việc ngôi sao lạ lại xuất hiện có cần thiết không, bởi vì Kinh Thánh đã cho họ thông tin chính xác về nơi Hài Nhi chào đời rồi. Ấy vậy, làng Bê-lem nầy rất gần với Giê-ru-sa-lem, cách khoảng 9 km. Vậy, ánh sao dẫn bước các nhà chiêm tinh đến Bê-lem để thờ lạy Hài Nhi phải được hiểu theo văn mạch là “ánh sáng Lời Chúa”. Quả thật, Thánh vịnh đã không nói với chúng ta: “Lời Chúa là ánh sáng soi lối dẫn đường cho bước chân con đi” sao?      
 
6. Gặp gỡ với Thiên Chúa làm người.      
Bấy giờ các nhà chiêm tinh gặp thấy Hài Nhi không còn trong “hang lừa máng cỏ” nữa, nhưng trong “nhà”. Một khoảng thời gian đã trôi qua giữa việc Hài Nhi chào đời và các nhà chiêm tinh đến yết kiến: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a…” Như vậy, theo dấu chỉ của Lời Chúa, họ đã đến gặp gỡ chính Đấng mà thánh Gioan tuyên xưng: “Ngôi Lời làm người và cư ngụ ở giữa chúng ta” (Ga 1: 14). Chính ở nơi Ngài mà Cựu Ước quy hướng về và cũng chính ở nơi Ngài mà Cựu Ước gặp thấy ý nghĩa tròn đầy của mình.      
 
Chúng ta ghi nhận thánh Giu-se không được kể ra ở đây. Điều nầy thật lạ lùng, vì cho đến lúc nầy thánh ký rất chú ý đến những sự việc xảy ra cho thánh Giu-se. Qua việc không nhắc đến thánh Giu-se ở đây thánh ký có ẩn ý gì? Phải chăng đây là dấu chỉ đầu tiên bày tỏ niềm tôn kính dành cho Đức Trinh Nữ qua cách nói: “Hài Nhi cùng với thân mẫu của Ngài” ?       
 
Với tấm lòng tôn kính và quảng đại Đông Phương quen thuộc, các nhà chiêm tinh dâng tiến các tặng vật lên Hài Nhi bé bỏng mà họ nhận ra ở nơi cái vẻ bên ngoài quá mức tầm thường nầy là một vị vua vừa mới giáng sinh.       
 
Các Giáo Phụ cố gắng giải mã ý nghĩa của những phẩm vật nầy: vàng là phẩm vật cao quý được dâng tặng cho vua, vì Hài Nhi nầy là vua; nhũ hương là hương liệu được đốt tỏa hương trầm nghi ngút trên bàn thờ của các thần linh, vì Hài Nhi nầy là Thiên Chúa; mộc dược là một trong những vật liệu được dùng để ướp xác, vì Hài Nhi nầy sẽ thực hiện ơn cứu độ trần gian bằng con đường Tử Nạn. Như vậy, qua ba phẩm vật đầy ý nghĩa nầy, các nhà chiêm tinh tuyên xưng Hài Nhi Giê-su là vua, Thiên Chúa và cũng là Đấng Cứu Thế. Việc các nhà chiêm tinh từ phương xa đến thờ lạy Hài Nhi được gặp thấy ứng nhiệm các sấm ngôn về Đấng Cứu Thế trần gian ở nơi Hài Nhi Giê-su nầy (Tv 72: 10-15; Is 60: 5tt; 49: 23; Ds 24: 17).      
 
Người ta có thể nêu lên vấn đề lịch sử tính của câu chuyện nầy, nhưng không ai có thể chối cải đây là cuộc hành trình tâm linh của chính Giáo Hội vốn từ muôn dân mà đến, khởi đi từ con đường mặc khải tự nhiên: một hiện tượng thiên nhiên, một biến cố, một hoàn cảnh sống… đến con đường mặc khải siêu nhiên: Lời Chúa, để rồi cuối cùng gặp gỡ chính Đấng là Ngôi Lời Thiên Chúa. Theo một cách nào đó, đây cũng là cuộc hành trình tâm linh của mỗi người chúng ta. 
 
Lm. Ignatio Hồ Thông
 
HÃY LÀ ÁNH SAO NHỎ
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
 
Lễ Giáng sinh và lễ Hiển linh có những điểm giống nhau: lễ Giáng sinh là lễ Chúa tỏ mình ra cho dân Do thái qua các mục đồng ; còn lễ Hiển linh Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại qua các vị đạo sĩ là đại diện. Thánh Phaolô cho tín hữu Êphêsô biết rằng Thiên Chúa mới mạc khải “mầu nhiệm” được giữ kín từ lâu. Mầu nhiệm ấy là hết mọi dân tộc trên địa cầu đều được kêu mời hưởng nhờ ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô.
 
Những bài học của ngày lễ hôm nay thôi thúc chúng ta hãy trở thành những người nhiệt tâm thâu họp muôn dân về với Đức Kitô, không phân biệt mầu da, chủng tộc hay văn hóa, hầu tạo thành dân Thiên Chúa mà thánh Phaolô gọi là “Thân Thể của Chúa”.
 
I. HAI NGÀY LỄ SONG SONG.
Hiện nay trong nhiều quốc gia, lễ Hiển linh được mừng long trọng hơn lễ Giáng sinh. Sở dĩ như thế là vì lễ Hiển linh là lễ Chúa Giêsu xuống thế và tỏ mình ra với dân ngoại. Sự che giấu đã được thố lộ, sự gì ẩn khuất đã được trình bầy. Lễ Giáng sinh và lễ Hiển linh là hai lễ song song. Cũng như lễ Giáng sinh mừng Đức Giêsu tỏ mình ra  đặc biệt với những người Do thái, thì lễ Hiển linh mừng việc Đức Giêsu tỏ mình ra đặc biệt đối với dân ngoại.  Vì thế, lễ này được gọi là “lễ của Chư Dân”.
 
Ngày xưa, Chúa đã tỏ mình ra cho dân ngoại, ngày nay Chúa còn hiển linh cho chúng ta không ? Chắc chắn là còn, nhưng bằng những cách khác nhau và đơn sơ hơn  qua những dấu chỉ thông thường trong cuộc sống hằng ngày.  Chỉ cần có đức tin mới nhìn thấy chân lý, mới có được thái độ của ba nhà đạo sĩ là phủ phục thờ lạy và tiến dâng của lễ cho Chúa Hài nhi.
 
II. CÁC ĐẠO SĨ ĐI TÌM CHÚA.
1. Các “đạo sĩ” là ai ?
Người ta cho rằng các “đạo sĩ” (magi) là những nhà trí thức ở vùng Babylon phía Đông xứ Palestine. Có người lại cho rằng “đạo sĩ” là tên gọi các Tư tế Ba tư, nhưng thời kỳ bị Hy lạp đô hộ, đạo sĩ là tên gọi những người Đông phương hiểu biết khoa chiêm tinh.  Dựa theo lễ vật, người ta đoán có ba đạo sĩ đến gặp Hài nhi Giêsu.
 
Đối với chúng ta , dường như việc các đạo sĩ từ Đông phương lên đường đi tìm vua là một việc khác thường. Nhưng thật lạ lùng, ngay lúc Chúa Giêsu Giáng sinh, trong thế giới bấy giờ cũng có những sự ngưỡng vọng kỳ lạ về một vị vua sẽ đến. Về điều này sự gia Suetonus của La mã đã viết :”Khắp Đông phương có một niềm tin phổ thông rằng vào thời đó, nhất định có người từ Giuđa đến cai trị thế gian”.
Còn Josephus, sử gia Do thái viết: ”Chúng ta không nên nghĩ rằng câu chuyện các Magi đến nơi máng cỏ chỉ là một huyền thoại dễ thương, nhưng chính đó đã là biến cố đã xẩy ra trong thế giới cổ. Khi Chúa Giêsu đến  thì thế gian đang tha thiết trông đợi. Loài người thật đang trông chờ Thiên Chúa, sự khát khao Thiên Chúa  nung nấu lòng người.  Họ đã khám phá ra rằng mình không thể tạo được thời đại hoàng kim nếu không có Thiên Chúa.  Chúa Giêsu đã ngự đến một thế gian đang khắc khoải mong đợi và khi Ngài đến, con người từ những phương trời xa xôi nhất đã tề tựu quanh  nôi Ngài. Đó là dấu hiệu và biểu tượng đầu tiên chinh phục thế giới của Chúa Giêsu”.
 
2. Trên đường đi tìm Chúa Hài nhi.
Nhà đại thiên văn Képler khám phá ra rằng vào năm Chúa Giáng sinh, có một hiện tượng bất bình thường xẩy ra giữa các vì sao. Ông nói về hai ngôi sao Jupiter và Saturn rằng: ”Bình thường chúng vẫn quay cách đều nhau. Năm đó chúng quay sáp lại gần nhau đến độ ánh sáng của ngôi sao này cộng hưởng ánh sáng của ngôi sao kia, tạo ra một luồng sáng khác thường và kéo dài đến cả mấy tháng”.  Phải chăng đó chính là ngôi sao lạ dẫn đường cho các đạo sĩ tìm ra Chúa Hài nhi ?
 
“Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông”(Mt 2,2).  Người xưa cho rằng ngày ra đời của một vĩ nhân thường được báo hiệu sự xuất hiện của các ngôi sao lớn. Các chiêm tinh gia thường nghiên cứu những chuyển động của các vì  tinh tú để đoán biết định mệnh con người. Vì thế, khi nhìn thấy ngôi sao lạ, các đạo sĩ đã nhận ra  sự sinh hạ của Đấng Cứu thế, vua dân Do thái (Carôlô, Sợi chỉ đỏ B, tr 96).
 
Nếu Thiên Chúa đã dùng cột mây cột lửa để hướng dẫn dân Do thái đi trong hoang địa về đất hứa, thì Ngài cũng có thể dùng ngôi sao dẫn đường cho các đạo sĩ đến Belem để gặp Đấng Cứu tinh. Tuy thế, trên bước đường đi tìm kiếm, các đạo sĩ cũng gặp khó khăn, thử thách , nhất là khi ngôi sao dẫn đường vụt tắt ở Giêrusalem. Nhưng Chúa lại thương cho ngôi sao xuất hiện để hướng dẫn các ông đi triều bái Chúa Hài nhi.
 
3. Lễ vật dâng Chúa Hài nhi.
Khi ngôi sao dừng lại trên nhà Hài nhi “các ông vào nhà, thấy Hài nhi với Thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lậy Người. Rồi họ mở bao tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”(Mt 2,11-12). Những lễ vật này đều có ý nghĩa tượng trưng.
 
  1. Vàng: Ông Seneca cho biết chẳng ai vào chầu vua mà không có lễ vật. Ngày xưa người ta coi vàng là vua của mọi thứ kim loại xứng hợp với lễ vật  con người dâng cho vua.  Cũng vậy, Chúa Giêsu là người “sinh ra để làm vua”, nhưng không phải cai trị bằng vũ lực nhưng bằng tình yêu và phục vụ.
  2. Nhũ hương:  Ngày xưa, người ta dùng nhũ hương trong việc phụng tự và trong việc dâng lễ vật. Hương thơm và làn khói bay lên  trời cao, khiến họ liên tưởng đến thần linh, đến Thiên Chúa. Vì thế, món quà bằng nhũ hương tượng trưng cho thần tính của Đức Giêsu. Chức vụ tư tế sẽ là mở đường cho loài người đến với Thiên Chúa.
  3. Mộc dược: ngày xưa, người ta dùng mộc dược để ướp xác người chết trước khi đem đi mai táng. Vì thế, món quà bằng mộc dược tượng trưng cho nhân tính của Đức Giêsu. Nó nói với chúng ta rằng Đức Giêsu cũng có những yếu đuối, mỏng dòn, dễ bị thương tổn vì Ngài là người như chúng ta.
 
III. LỄ HIỂN LINH VÀ CHÚNG TA.
1. Cuộc hành trình đức tin.
Cuộc hành trình của các đạo sĩ được xem là hình ảnh cuộc hành trình đức tin của chúng ta. Với một dấu hiệu không chắc chắn, không rõ rệt là ngôi sao, các ông đã lên đường tìm kiếm sự thật. Trong cuộc hành trình cũng có những bước thăng trầm : có khi con đường rất bằng phẳng êm ái, có khi lại quanh co gồ ghề, có lúc ánh sao sáng tỏ trên bầu trời, có lúc vụt biến mất. Nhưng miễn là người ta không nản lòng mà cứ kiên trì tiến bước thì cuối cùng người ta sẽ gặp được Chúa.
 
Nhưng đức tin của chúng ta  phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Thánh Giacôbê đã nói :”Đức tin không có việc làm là một đức tin  chết”.  Nhiều khi chúng ta phải can trường lướt thắng bản thân, phải liên lỉ chiến đấu hy sinh, phải anh dũng biểu lộ lòng tin. Đức hồng y Fulton Sheen khẳng định :”Để trắc nghiệm đức tin của chúng ta, cần phải xem phản ứng trước đau khổ và thử thách, chứ không phải là lúc đời lên hương, thuận buồm xuôi gió”.
 
Đức tin của chúng ta cần phải trổ sinh hoa trái bằng việc làm để mọi người có thể hiểu được thế nào là tình yêu mà chúng ta tin và có thể nhận ra khuôn mặt của Đấng mà chúng ta suy  phục , tôn thờ.
 
2. Món quà dâng Chúa.
Các đạo sĩ đã dâng cho Chúa Hài nhi 3 lễ vật : vàng, nhũ hương và mộc dược, lễ vật chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Những lễ vật này chỉ là dấu hiệu biểu lộ lòng ngưỡng mộ, tôn kính và yêu mến của họ đối với Chúa Hài nhi, còn phía chúng ta, Chúa cần những lễ vật cao qúi hơn, đó chính là tấm lòng chúng ta, cả con người chúng ta. Hãy dâng cho Chúa tất cả.
 
Truyện: Vị đạo sĩ thứ tư.
Văn sĩ Koergensen, người Đan mạch, đã nghĩ ra một câu chuyện minh hoạ cho thấy rõ điều đó. Ông đã tưởng tượng ra một vị đạo sĩ thứ tư. Vị này đến gặp Chúa Giêsu Hài đồng sau ba vị kia. Gặp Chúa, nhưng ông rất buồn vì không còn gì để dâng tặng cho Ngài. Trước khi lên đường, ông đem theo ba viên ngọc qúi giá. Dọc đường, ông gặp một cụ già đói nghèo, ông tặng viên ngọc thứ nhất. Đi thêm một đoạn đường, ông gặp một toán lính đang làm nhục một cô gái. Ông lấy viên ngọc thứ hai  thương lượng với chúng để chuộc cô gái.  Cuối cùng, khi đến Belem, ông gặp một người lính do vua Hêrôđê sai đi để tàn sát các hài nhi, ông lấy viên ngọc thứ ba cho anh ta và thuyết phục anh ta từ bỏ hành động gian ác.
 
Đến khi gặp Chúa Hài đồng, ông chỉ còn hai bàn tay trắng. Ông bối rối kể lại cuộc hành trình của mình. Nhưng thật lạ lùng, Chúa Giêsu đưa hai tay ra và mỉm cười nói với ông: ”Con đã dâng cho Ta món quà qúi giá nhất. Nó không phải là vàng bạc châu báu, nhưng được dệt bằng những nghĩa cử đối với tha nhân”.
 
3. Hãy là một ánh sao.
a. Hiển linh và truyền giáo.
Lễ Hiển linh là lễ Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại, nhắc chúng ta đến việc truyền giáo. Nhờ ngôi sao mà các đạo sĩ đã tìm ra Chúa Cứu thế ; chúng ta cũng hãy là những ánh sao sáng thu hút những tâm hồn đang khao khát tìm kiếm Chúa.
 
Những gì được Đức Giêsu  khởi sự trong thời của Ngài thì cũng phải được chúng ta tiếp tục trong thời của chúng ta. Nếu Đức Giêsu phải được rao giảng cho mọi dân mọi nước, thì việc rao giảng đó phải được thực hiện bằng chính những cố gắng của chúng ta. Chúng ta phải loan báo cho mọi dân tộc trên thế giới biết “Tin Mừng” này là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã mặc lấy xác thịt và sống giữa chúng ta. Chúng ta phải nói cho họ biết rằng Đức Giêsu đã đi vào lịch sử, không phải chỉ để cứu độ người Do thái vào thời của Ngài, mà cứu độ tất cả mọi dân tộc, mọi quốc gia trong mọi thời đại nữa.
 
b. Hãy là ánh sáng trần gian.
Chúa Giêsu đã bảo chúng ta :”Các con là anh sáng trần gian”(Mt 5,14) thì đó là một vinh dự vô cùng lớn lao, nhưng cũng là một trách nhiệm nặng nề.
  • Nếu thế gian đang đi trong bóng tối của giả dối, hận thù ; chúng ta hãy là những ánh sao chân thành, phục vụ và yêu thương.
  • Nếu thế gian đang chìm trong bóng tối của buồn phiền, thất vọng ; chúng ta hãy là những ánh sao của niềm vui, an bình và hy vọng.
 
Chúng ta đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối, nhưng hãy dấn thân thắp lên những ngọn nến sáng : nến sáng của tin yêu và hy vọng, của bác ái và vị tha, để cả trái đất này tràn ngập ánh sáng tình yêu Chúa.
 
Truyện: Ánh sáng  lan tỏa.
Truyện cổ của người Phi châu có một câu chuyện rất hay:
Một cụ già nọ có ba người con trai, ông yêu thương tất cả các con như nhau. Tuy không xuất thân từ gia đình giầu có nhưng với sự khôn ngoan và cần cù làm việc, ông đã tậu được những mảnh đất rất phì nhiêu. Khi đã về già, biết mình đã gần đất xa trời, ông muốn để phần gia tài cho người con nào thông minh và khôn ngoan.
 
Một hôm, đang trên giường bệnh, ông nghĩ ra một cách thử xem ai là người thông minh và khôn ngoan nhất. Ông gọi ba người con đến trao cho mỗi người 5 đồng và bảo họ đi mua bất cứ cái gì có thể làm đầy trong phòng khách gần như trống rỗng. Mỗi người nhận tiền rồi ra đi.
 
Người con trưởng nghĩ là việc quá dễ dàng nên ra chợ mua ngay một bó rơm với già 5 đồng. Người con thứ hai sau một lúc suy nghĩ liền vào tiệm mua một túi lông gà với những mầu sắc trông rất đẹp mắt. Còn người con út chậm rải đi khắp các cửa tiệm vừa đi vừa suy nghĩ đắn đo. Một lúc sau mắt cậu sáng lên, cậu đã tìm ra vật vừa rẻ tiền lại vừa đẹp ý cha mình. Cậu bước vào một tiệm nhỏ bé và hỏi mua một cây nến với một bao diêm. Cậu sung sướng trở về nhà, trong lòng phân vân không biết hai anh đã mua những gì rồi.
 
Ngày hôm sau, cả ba người con đến bên giường của cha, mỗi người đem theo những gì đã mua được với 5 đồng.  Người con cả đem bó rơm trải trên sàn nhà, nhưng chỉ đủ phủ kín  một góc phòng mà thôi. Người con thứ mở túi lông gà nhiều mầu sắc, nhưng cũng chỉ đủ rải rác qua loa.  Người cha nhìn hai người con lớn với nét mặt buồn buồn, rồi ông quay sang hỏi người con út xem đã mua được cái gì khá hơn chăng? Cậu bé rút ra cây nến với bao diêm.  Bật diêm lên đốt, vừa đốt cây nến lên lập tức ánh sáng phủ đầy khắp căn phòng.
Cha với hai anh mỉm cười nhìn cậu sung sướng, cha cậu rất  hài lòng với sự lựa chọn của cậu út. Ông chia phần gia tài lớn nhất cho cậu, bởi vì ông hiểu rằng cậu là người thông minh hơn cả, sẽ biết tận dụng gia tài để lại cho cậu.
 
Câu chuyện cổ của người Phi châu này giúp ta chúng ta nghĩ đến vai trò của ánh sáng.  Chúa Giêsu là ánh sáng của chân lý, của sự thật để soi sáng những ai còn ngồi trong bóng tối u mê, của ngờ vực và của kém lòng tin. Đã là ánh sáng thì phải lan tỏa khắp nơi.  Người tín hữu Kitô phải đem ánh sáng của chân lý, của sự thật để soi sáng những ai còn ngồi trong bóng tối u mê, của ngờ vực và của kém lòng tin. Hãy thắp lên một tia sáng tình thương đầy hy vọng cho những người chung quanh chúng ta.
 
c. Ít ra là một ngọn nến nhỏ.
Nếu chúng ta thấy mình yếu đuối, kém cỏi làm sao có thể là ánh sáng chiếu toả và soi sáng cho những người chung quanh, thì ít ra chúng ta cố gắng trở thành một ngọn nến nhỏ soi sáng trong đêm tối. Ngọn nến nhỏ của chúng ta cứ việc chiếu sáng trong đêm tối, còn việc chiếu sáng đến mức nào, việc ấy ta để dành cho Chúa.  Với sự trợ giúp của ơn Chúa, ngọn nến của đời  ta sẽ có thể chiếu sáng rộng rãi.
 
Truyện: sứ mệnh của một ngọn nến nhỏ.
Vào một đêm mưa rào, ngọn đèn hải đăng bị mất điện tắt ngúm. Người phụ trách hải đăng vội vã đốt lên một cây nến nhỏ và cầm cây nến theo đường cầu thang leo lên sân thượng để đốt đèn lên.  Bấy giờ cây nến  mới lên tiếng hỏi người phụ trách rằng :
  • Ông đem tôi đi đâu vậy ?
Ông ta trả lời:
  • Ta mang nhà ngươi lên sân thượng để chiếu sáng giúp tầu bè từ ngoài khơi biết đường trở về và cập bến an toàn.
Cây nến lại nói :
  • Nhưng tôi chỉ là cây nến nhỏ bé thế này thì tầu bè ở tận ngoài khơi làm sao nhìn thấy ánh sáng của tôi được ?
Người phụ trách trả lời :
  • Bây giờ ta chỉ cần nhà ngươi đừng bị gió thổi tắt là được. Còn các chuyện khác thì đã có ta lo liệu.
 
Khi cả hai leo lên đến nơi, thì người phụ trách đã dùng cây nến châm lửa và trong giây lát ánh sáng từ cây đèn lồng rực lên chiếu tỏa ra chung quanh. Chiếc đèn lồng này đã được thiết kế để khi cần có thể sử dụng thay bóng đèn điện. Ánh sáng của nó có sức chiếu ra tận ngoài khơi, hầu giúp tầu bè dễ dàng định hướng để quay về cập bến an tòan.
 
Mỗi người chúng ta cũng là một cây nến nhỏ trong bàn tay Chúa quan phòng. Bổn phận của chúng ta là phải làm hết khả năng Chúa ban và phó thác kết quả vào trong tay Chúa định liệu.
 
Để kết thúc, chúng ta hãy suy nghĩ về câu nói của L. Éliot:
Nếu bạn không thể là ngôi sao sáng
Thì hãy là ánh lửa non cao.
Nếu không thể là ánh lửa non cao
Xin hãy làm ánh nến toả sáng trong gia đình.
 
Đức Gioan Phaolô II trong giáo lý năm thánh 2000 có viết: ”Việc giáo dân tham dự và cùng có trách nhiệm trong cộng đồng Kitô hữu, cùng với nhiều hình thức tông đồ và phục vụ của họ trong xã hội, khiến chúng ta có lý mà hy vọng rằng, vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thú ba, sẽ có một cuộc hiển linh trọn vẹn và tốt đẹp nơi thành phần giáo dân”.
 
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
 
HÃY TOẢ SÁNG
Lm. Ignatio Trần Ngà
 
Hôm ấy, đang khi vị linh mục giảng tĩnh tâm cho gần 500 tín hữu trong một hội trường rộng lớn về đề tài “Hãy làm gương sáng”, thì điện bị cúp trong toàn khu vực (cúp điện theo chiến thuật!). Cả hội trường chìm trong bóng tối.
 
Bấy giờ ngài bật lên một que diêm, giơ cao lên và cất tiếng hỏi: “Anh chị em có thấy ánh sáng từ que diêm nầy không?”
Mọi người trong hội trường đáp lại: “Thưa có”
Vị linh mục tiếp: “Dù bóng tối phủ dày nhưng chỉ cần ánh sáng của một que diêm thôi cũng đủ cho nhiều người chung quanh nhìn thấy. Như thế, ánh sáng của việc tốt, dù nhỏ bé thôi, cũng có thể tỏa ra trước mắt nhiều người trong một xã hội dẫy đầy bóng tối.”

Sau đó, ngài mời gọi những ai mang theo hộp quẹt trong túi, hãy bật cho lửa sáng lên. Nhiều người hưởng ứng. Thế là bóng tối bị đẩy lùi, cả hội trường sáng lên bởi rất nhiều ánh lửa nhỏ từ các hộp quẹt của những người hiện diện.
Bấy giờ vị linh mục tiếp: “Nếu mỗi người chúng ta cố gắng thực hiện một việc tốt mỗi ngày thì cuộc đời chúng ta sẽ tỏa sáng như những đốm lửa trên tay chúng ta đây. Nhờ đó bóng tối của thói hư tật xấu và của tệ nạn đang bao trùm thôn xóm sẽ dần dần bị đẩy lùi.” (Phỏng theo một mẩu truyện trên internet)
Hôm xưa, nhờ ánh sáng của ngôi sao lạ rực sáng lên ở phương đông, các nhà chiêm tinh mới lần theo ánh sao, tìm đến thờ lạy Chúa Hài Nhi. Hôm nay, mỗi người tín hữu theo Chúa Ki-tô phải trở thành những ánh sao mới để dẫn lối cho bao người tìm về với Chúa.
  
Lời Chúa trong sách tiên tri I-sai-a được trích đọc vào thánh lễ hôm nay vang lên như một lời mời gọi tha thiết, thúc giục chúng ta hãy toả sáng.
“Hãy đứng lên, bừng sáng lên!
Vì ánh sáng của ngươi đến rồi.
Vinh quang của Đức Chúa
như bình minh chiếu toả trên ngươi.
Kìa bóng tối bao trùm mặt đất,
và mây mù phủ lấp chư dân ;
còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu toả,
vinh quang Ngài xuất hiện trên ngươi.
Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,
vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.” (I-sai-a 60,1)

Ngoài ra, qua thư gửi tín hữu Phi-lip-phê, thánh Phao-lô nhân danh Thiên Chúa kêu gọi chúng ta tỏa sáng: “Giữa một thế hệ gian tà sa đoạ… anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời.” (Philip 2,15)
 
Phải  tỏa sáng cách nào?
Trước hết là bằng cách phát huy nếp sống đẹp: đẹp trong lời ăn tiếng nói, đẹp trong cách cư xử giao tế với người chung quanh, nhưng đẹp nhất là có lòng bác ái, yêu thương, tôn trọng và sẵn sàng phục vụ những người chung quanh… Ai thực hiện được những điều đó, thì họ là những ánh sao dẫn đường về với Chúa, về với Chân Thiện Mỹ. Thế giới và xã hội rất cần những ngôi sao như thế để soi đường dẫn lối cho bao người.
 
Như giọt sương mai
Những giọt nước bẩn đọng lại đây đó trên những lá cây bên đường không thể tỏa ra chút ánh sáng nào; tuy nhiên những giọt sương mai còn đọng lại trên các ngọn cỏ lại trở nên long lanh tuyệt đẹp dưới ánh bình minh.

Vậy thì các tín hữu cần loại trừ khỏi cuộc sống mình những tệ nạn và thói hư tật xấu, bấy giờ tâm hồn họ sẽ trở nên trong sáng như những hạt sương mai.

Kế đó họ cần học hỏi và để cho Lời Chúa thấm đẫm tâm hồn. Một khi Tin Mừng Chúa Ki-tô được chiếu giọi tận đáy sâu tâm hồn thì Ánh Sáng Tin Mừng sẽ làm cho họ trở nên lấp lánh giữa cuộc đời, như ánh sáng mặt trời ngời sáng trên những giọt sương mai.
 
Lạy Chúa Giê-su,
Xin giúp chúng con tỏa sáng, dù không như ánh sao giữa bầu trời đêm thì ít nữa cũng như một cây nến sáng trong gia đình, để nhờ gương lành việc tốt của chúng con, gia đình, thôn xóm chúng con  được bừng sáng, vì “gần mực thì đen, gần đèn ắt phải sáng.”
 
 
Lm. Ignatio Trần Ngà
 
 
 
 
 
HÃY LÀM CHO ÁNH SÁNG TOẢ SÁNG RA
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tiếp liền sau Đại lễ Giáng Sinh, Giáo hội cử hành lễ Chúa Hiển Linh hay còn gọi là lễ Chúa Tỏ Mình. Theo một truyền thống rất xa xưa từ thế kỷ thứ II, thánh Giustinô đã nói tới là Chúa Giêsu đã sinh ra trong một chuồng bò lừa tại Belem. 40 ngày sau, thánh Giuse và Đức Maria đem Hài Nhi lên Đền thờ Giêrusalem để dâng cho Thiên Chúa như luật dạy. Phúc Âm Thánh Matthêô cho biết: sau khi dâng Chúa trong Đền Thánh, Thánh Gia không trở về Nagiarét ngay. Trong khoảng thời gian này đã xảy ra nhiều việc liên quan với nhau. Từ Đền Thờ, Thánh Gia lại trở về Bêlem. Chính nơi đây, các đạo sĩ, do một ngôi sao dẫn đường từ phương Đông tới thờ lạy Chúa Giêsu và dâng cho Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Hêrôđê thấy các đạo sĩ không trở lại Giêrusalem báo tin như lời mình dặn, sợ ngai vàng của mình bị đe dọa, ông ra lệnh truyền giết các trẻ em ở Bêlem và các miền phụ cận từ 2 tuổi trở xuống. Thánh Giuse được Thiên thần báo tin, đã đem Chúa Giêsu và Đức Mẹ sang Ai-Cập và ở đó cho tới khi Hêrôđê băng hà mới trở về Nagiarét (x. Mt 2).
 
Như thế, chúng ta thấy Lễ Chúa Hiển Linh trước hết có nghĩa là lễ Chúa tỏ mình ra cho các dân tộc, mà ba nhà đạo sĩ là những đại diện.
 
“Epiphaino” có nghĩa là Thiên Chúa tự mặc khải trong nhân tính của Ðức Kitô, tự làm cho mình có thể trông thấy được. Cụ thể như dùng ánh sao đêm biểu lộ cho ba đạo sĩ biết, dẫn họ lên đường đến nơi Hài Nhi vừa mới sinh để nhận ra Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Thế. Nếu lễ Giáng Sinh người ta nêu bật sự ẩn mình của Thiên Chúa trong sự khiêm hạ với điều kiện là người, nơi Trẻ Thơ Bêlem. Thì lễ Hiển Linh lại nêu bật việc Thiên Chúa tự tỏ mình, xuất hiện qua chính nhân tính.
Việc các đạo sĩ đến tôn thờ Chúa Hài Nhi đã sớm được nhìn nhận như là ứng nghiệm những lời tiên tri trong Kinh Thánh. Isaia có viết: “Các dân tộc sẽ bước đi theo ánh sáng của ngươi, và các vua chúa tiến bước theo nguồn sáng của ngươi đang mọc lên” (Is 60,3.6). Ánh sáng của Chúa Kitô, khi xưa như được chiếu tỏa trong hang Bêlem, nay tỏa sáng trên khắp địa cầu.
 
Trong lễ Chúa Tỏ Mình, Giáo Hội đề nghị một văn bản rất ý nghĩa của ngôn sứ Isaia: “Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi” (Is 66,1-3).
 
Ðây là một lời mời hướng tới Giáo hội Chúa Kitô và hướng tới từng người trong chúng ta, mời gọi ta ý thức hơn về sứ mệnh và trách nhiệm của mình đối với thế giới trong việc làm chứng và đem ánh sáng mới của Tin Mừng đến khắp địa cầu. Trong số mở đầu Hiến chế về Giáo Hội có viết: “Ánh sáng muôn dân là chính Chúa Kitô, nên Thánh Công Ðồng đang nhóm họp trong Chúa Thánh Thần hết lòng mong ước soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Chúa phản chiếu trên dung nhan Giáo Hội bằng việc rao truyền Phúc âm cho mọi tạo vật” (LG, 1). Tin Mừng là ánh sáng không được dấu đi, nhưng để trên giá. Giáo hội không phải là ánh sáng, nhưng nhận ánh sáng của Chúa Kitô, tiếp nhận nó để được soi chiếu, và phổ biến ánh sáng đó ra với tất cả sự rạng ngời. Và đây là điều cũng phải xảy ra trong cuộc sống cá nhân mỗi người chúng ta.
 
Các thượng tế tại Giêrusalem được Hêrôđê triệu tập để tư vấn cho ông về nơi Đấng Cứu Thế đã được sinh ra, cũng như cung cấp cho nhà vua các thông tin mà họ đã thu thập được trong truyền thống Kinh Thánh. Tuy nhiên, ý Chúa nhiệm mầu, vì ý định của Hêrôđê không trong sạch, ý định đó các nhà đạo sĩ là sứ giả cho những người tìm kiếm Thiên Chúa đã được mộng báo. Việc các nhà đạo sĩ đến kính viếng Chúa Hài Nhi cho ta thấy sứ mạng của Đức Giêsu không chỉ dành cho Dân được tuyển chọn, nhưng cho cả nhân loại. Việc ba nhà đạo sĩ đến Giêrusalem hỏi đường, cho thấy mối liên lạc giữa sự khôn ngoan ngoại giáo và mạc khải Kitô Giáo thể hiện nơi con người của Chúa Giêsu thành Nagiarét mà con người khát mong tìm kiếm. Sứ vụ phổ quát của Chúa Kitô được Thánh Phaolô gọi là sự mặc khải của mầu nhiệm: “Ấy vì dân ngoại, cùng (với Israel) là kẻ thừa tự, là Thân mình, và là đồng hưởng lời hứa trong Ðức Yêsu Kitô, nhờ bởi Tin Mừng” (Ep 3, 2). Ơn cứu chuộc sẽ mở ra cho muôn người thuộc mọi quốc gia, và các dân ngoại đã trở thành người đồng thừa tự, cùng được chia sẻ lời hứa trong Chúa Giêsu Kitô (Ep 3, 6). Sự gặp gỡ giữa sự khôn ngoan của những người sống bên ngoài mạc khải ( là các đạo sĩ, dân ngoại) , và những người hiển nhiên thừa hưởng lời hứa (Dân Do Thái) từ sự ra đời của Chúa Kitô chứng tỏ sứ mệnh của Chúa Giêsu trong sứ vụ công khai của mình, và bản chất của Giáo hội mà Chúa Giêsu sẽ xây dựng.
 
Tước hiệu “Vua Do Thái“, mà ba nhà đạo sĩ ám chỉ Hà Nhì mới sinh sẽ xuất hiện trên miệng của Philatô vào lúc ông xét xử Chúa Giêsu và trên bảng ghi trên thập giá.
 
Trước câu hỏi của ba nhà đạo sĩ, “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu?” khiến nhà vua, các đại giáo trưởng và luật sĩ thông thạo Thánh Kinh bối rối. Đó cũng là thái độ của các nhà lãnh đạo Do Thái trong đời sống cộng đoàn và Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu sau này.
 
Vì thế sự tỏ mình của Chúa Giêsu cho các đạo sĩ chính là khởi điểm của việc thể hiện tỏ tường sẽ được thực hiện trong sự chết và phục sinh của Đức Kitô, nhất là bừng sáng vào ngày Ngũ Tuần.
 
Giáo hội với sứ mạng phổ quát của mình, phải là nơi đáp ứng những khát vọng sâu xa của con người mọi nơi, mọi thời đại về Thiên Chúa. Giống như Chúa Kitô, Người đã chiếu tỏa vinh quang cho dân ngoại. Giáo hội cũng mời gọi chúng ta dõi theo ánh sao cùng ba nhà đạo sĩ đến chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa làm người trong khiêm hạ và nghèo khó, nhất là đón nhận chính Hài Nhi ấy là Ánh Sáng và là Chúa Kitô vào trong chúng ta, để chúng ta có sống là sống chính sự sống của Người, và lấy các tâm tình, tư tưởng và hành động của Người làm tâm tình, tư tưởng và hành động của chúng ta. Như thế, mừng Giáng Sinh là biểu lộ niềm vui, sự mới mẻ, ánh sáng mà biến cố Giáng Sinh này đã đem lại trong toàn cuộc sống chúng ta, để chúng ta cũng là những người đem niềm vui, sự mới mẻ đích thật, và ánh sáng của Thiên Chúa đến cho mọi người. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
NIỀM TIN: MỘT CHUYẾN ĐI
Gm. Giuse Vũ Duy Thống
 
Phúc Âm hôm nay rất sống động. Cứ như cuốn phim mô tả cuộc hành trình đầy kịch tính của những khách lạ phương xa: từ ngạc nhiên khám phá ngôi sao lạ, qua xáo động tại Giêrusalem, tới Bêlem nghiêng mình thờ kính, rồi dắt díu nhau lặng lẽ tìm đường khác về nhà. Cứ như xô đẩy nhau xuất hiện trên màn ảnh những cuộc đối đầu càng lúc càng thêm căng thẳng: giữa chính diện và phản diện, giữa lo sợ của bên này và thanh thản của bên kia, giữa tìm gặp hướng tới và lạc mất nẻo đi. Cứ như í ới cơ man nào là tiếng nhỏ to bàn bạc chen lẫn tiếng ồn ào bàn tán của những kẻ bị xem là xa nhưng lại biết bàn vào và của những người được coi là gần nhưng chỉ biết bàn ra.
 
Nhưng giữa những chi tiết tưởng như bất ngờ trên hành trình rất dài và rất xa ấy, người ta thấy lấp lánh hình ảnh của niềm tin như một chuyến đi với những đặc tính tiêu biểu:
 
1. Niềm tin: một chuyến đi biết tiếp nhận hồng ân Thiên Chúa.
Những vai chính trong cuộc hành trình tìm tới Bêlem “triều bái Vua dân Do Thái mới sinh” được truyền thống giới thiệu bằng nhiều kiểu nói khác nhau, lúc thì gọi là Vua, lúc khác là Đạo sĩ hoặc Chiêm tinh gia. Gọi sao cũng được: Vua vì những của lễ tiến dâng, Đạo sĩ vì hành trình tìm kiếm, Chiêm tinh gia vì nhìn thấy ngôi sao và dựa vào ánh sao mà xác định lối đường. Chỉ biết họ là những người thiện chí kiếm tìm chân lý và vận dụng tốt những phương tiện đang có để tìm gặp chân lý bằng cách lên đường không mỏi mệt.
 
Khởi điểm cuộc hành trình là một ánh sao lạ xuất hiện phía trời Đông, tượng trưng cho ơn thánh dẫn khởi từ Thiên Chúa, để ai biết tiếp nhận, sẽ trở nên ánh sáng soi đường. Nhìn thấy ánh sao hằng hà sa số trên bầu trời đêm là một điều bình thường ai cũng có thể làm được, nhưng nhận thấy giữa muôn vàn lấp lánh ấy chỉ một ánh sao lạ thôi lại là chuyện chẳng bình thường chút nào, nếu không muốn nói là do tổng hợp giữa kiếm tìm và gặp gỡ, hay đúng ra giữa ơn Trời ban và lòng người biết mở ra tiếp nhận.
 
Tương tự, niềm tin trước hết là hồng ân đến từ tình thương Thiên Chúa dành cho hết mọi người, nhưng chỉ những ai biết tiếp nhận với tâm thành chí thiện, họ mới có thể có được niềm tin vào Chúa để sẵn sàng khăn gói lên đường khởi sự chuyến đi. Ra khỏi nếp nghĩ thường ngày để tiếp nhận ý Chúa, ra khỏi thói quen khô cứng lâu đời do cha ông truyền lại để mạo hiểm một phen bước theo ánh sáng trời cao, ra khỏi những tiện nghi đủ đầy dậm chân tại chỗ để cơm mắm cơm muối gieo bước lữ hành.
 
2. Niềm tin: một chuyến đi biết chấp nhận những thử thách
Là hồng ân Chúa ban, nhưng đức tin cũng còn là nỗ lực đóng góp không ngơi nghỉ của con người, để vượt qua những thử thách và kinh qua những thử luyện được xem là những thách đố trong chiều dài cuộc sống. Đây không chỉ là chuyện “thức lâu mới biết đêm dài” để con người chứng minh sức bền tin tưởng tháng năm, mà còn là chuyện “lửa thử vàng gian nan thử đức” trong những lúc Thiên Chúa xem ra ẩn mặt và hồng ân xem ra vắng bóng, như lúc “ba Vua toan mất hướng, ánh sao bỗng vụt lặn”. Đấy là chưa kể đến những lúc phải đối diện với âm mưu chủ ý của những người đồng đạo, cũng tin Chúa nhưng không thành tâm, thậm chí còn gài bẫy ngọt ngào giả nhân giả nghĩa như Hêrôđê; hay cũng biết cách quy chiếu Thánh Kinh nhưng không để tìm ra lối sống ngay chính, trái lại, chỉ lợi dụng để toa rập lừa gạt phỉnh phờ người khác như một số thượng tế và kinh sư trong dân.
 
Đêm Noel Chúa sinh ra đem xuống niềm vui, nhưng thành phố nào đó của Iran chẳng những không có niềm vui mà còn phải chịu động đất làm chết nửa thành phố. Chúa như vắng mặt. Thử thách. Đêm Noel thiên thần hát khúc bình an mà tại Bêlem chính nơi Chúa sinh ra hôm nay vẫn còn chiến tranh, chết chóc. Chúa như vắng mặt. Se lòng.
Thử thách đối với đức tin như gió đối với lửa: gió thổi tắt lửa yếu, nhưng làm bừng lên lửa sáng. Vấn đề là cần biết can đảm và bền chí. Những thử thách trong cuộc sống niềm tin không phải là dấu hiệu Thiên Chúa bỏ rơi con người, mà là những cơ hội để con người chứng minh phẩm chất niềm tin. Niềm tin không thử thách: niềm tin dễ dàng; niềm tin thất bại trước thử thách: niềm tin dễ dãi; niềm tin chấp nhận thử thách mới là niềm tin đích thực cho dẫu nhiều khi chẳng dễ chịu chút nào.
 
3. Niềm tin: chuyến đi biết đón nhận đồng hành
Không phải vô tình mà lễ Hiển Linh vẫn được truyền thống gọi là lễ Ba Vua, có nơi kể tên các vị đến hàng chục (theo kiểu đồng bằng sông Cửu Long thì còn có cả chục 12, chục 16 cơ đấy), nhưng chừng như hữu ý cho thấy niềm tin không phải là cuộc đơn hành mà là một chuyến đi biết đón nhận đồng hành, không chỉ vì lý do “càng đông càng vui” mà vì giới luật yêu thương là biểu hiện rõ nhất của đức tin cũng là cách cụ thể sống động nhất để diễn đạt đức tin. Con người thời nào cũng thế, không thích bị chinh phục bởi giáo điều nhưng lại tự nguyện buông mình chịu khuất phục vì gương sáng đức tin. Nhớ lại ở Thăng Long thuở hạt giống Tin Mừng mới được gieo vào thửa đất Việt Nam, tín hữu thương nhau quá trời đến nỗi người ngoài đời đã gọi tín hữu là những người theo “Đạo yêu nhau”, tức là những người cùng đi với nhau trên nẻo sáng yêu thương.
 
“Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”, tín hữu đồng hành bên nhau còn để nâng đỡ nhau, nhất là trong cơn nguy biến như Ba Vua gặp Chúa tại Hang đá rồi, phải dìu nhau lên con đường khác để tránh âm mưu đen tối của Hêrôđê. Ngoài miệng thì bảo là đi triều bái, còn trong hành động lại làm điều trái, tàn sát thê lương, “giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh”. Con đường khác ấy sẽ mới hơn, lạ hơn và cũng có thể sẽ gặp rủi ro nhiều hơn, nhưng đã có bạn bè thân quen bên cạnh đồng hành, nên cứ an lòng nương tựa vào nhau mà dấn bước.
 
Giống như Kinh Tin Kính, dẫu tín hữu tuyên xưng mang tính bản thân cá nhân “Tôi tin”, nhưng không là đơn độc một mình giữa nhà thờ trống vắng mà là giữa cộng đoàn Phụng Vụ một ngày lễ trọng, nên bỗng lấp lánh như thể đồng thanh tuyên tín “Chúng tôi tin”. Tôi và chúng ta chỉ là những cách biểu lộ khác nhau của cùng một niềm tin đón nhận đồng hành.
 
Tóm lại, dựa vào hành trình của những vai chính ngày lễ Hiển Linh để phác vẽ niềm tin như một chuyến đi biết tiếp nhận hồng ân Thiên Chúa, biết chấp nhận thử thách và biết đón nhận đồng hành là cùng lúc tích cực hòa mình vào biến cố Chúa tỏ mình ra cho muôn dân. Nếu Chúa luôn có cách tỏ mình của Ngài thì tín hữu cũng cần lên đường đúng cách Chúa tỏ ra cho mình biết. Như thế niềm tin mới là chuyến đi đẹp lên ý nghĩa kiếm tìm và gặp gỡ. Và đó cũng là những hình ảnh sinh động mang tính hiển linh của kẻ tin trước mắt người đồng thời, giống như hình ảnh của những vai chính trong chuyến đi hôm nay: ở bước truy tìm họ được mệnh danh là Chiêm tinh gia, khi đã bước lên đường họ được gọi là Đạo sĩ và khi tới đích với lễ dâng thành kính họ được xưng tụng là Ba Vua.
 
 
Gm. Giuse Vũ Duy Thống
 
 
 
MỘT CUỘC LÊN ĐƯỜNG MỚI
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
 
Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Belem, những người đầu tiên được đón tiếp Chúa là Đức Maria, Thánh Giuse và các mục đồng chăn chiên. Họ đều là những người Do Thái. Tuy thế, ơn Cứu độ mà Đức Giêsu mang đến cho nhân loại không chỉ dành cho người Do Thái, mà được dành cho tất cả nhân loại trên thế giới. Cuộc viếng thăm của ba nhà đạo sĩ đến từ phương Đông đã nói lên điều đó. Chính vì vậy mà lễ này được gọi là lễ Hiển Linh, tức là Thiên Chúa tỏ mình cho muôn dân. Đây vừa là nỗ lực tìm kiếm của các đạo sĩ, vừa là lời mời gọi của Thiên Chúa gửi đến các ông để các ông đến tôn nhận vương quyền của Đấng Cứu thế. Ngôi sao lạ chính là biểu tượng của lời mời gọi đó.
 
Nếu trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa thường hiển linh qua bão tố ầm vang hoặc sấm chớp chói lòa, thì đến thời mà tác giả thư Do Thái gọi là “thời sau hết” này, Thiên Chúa lại tỏ mình dưới dạng một hài nhi thơ bé mới sinh, con của một gia đình nghèo nàn không tìm được quán trọ. Qua Hài Nhi Giêsu ở hang đá Belem, Thiên Chúa đã hạ cố thân hành đến gặp gỡ con người. Được thôi thúc bởi ơn trên, các nhà đạo sĩ đã cất công lên đường để tìm kiếm vị Vua mới sinh. Nhờ ánh sao chỉ đường, họ đã vượt đường xa dặm thẳm đến với Belem để thờ lạy Hài Nhi mới sinh. Cũng nhờ ánh sao, các ông đã “nhìn thấy” nơi Hài Nhi này là Đấng Cứu độ. Cuộc gặp gỡ với Hài Nhi Giêsu đã làm họ thỏa mãn và quên hết mệt mỏi của chặng đường dài.
 
Cuộc tìm kiếm của ba nhà đạo sĩ phần nào phác họa đời sống đức tin của người Kitô hữu chúng ta. Bởi lẽ tin là một cuộc lên đường tìm kiếm liên lỉ, là một chuỗi liên tục những khám phá và những bất ngờ. Những ai nỗ lực tìm kiếm Chúa sẽ gặp được Ngài. Đức tin trước hết đòi chúng ta phải biết chấp nhận những hy sinh. Các nhà đạo sĩ là những người trí thức uyên thâm. Họ đã chấp nhận rời bỏ quê hương lên đường vì nhận ra thông điệp của một ngôi sao. Trong đời sống đức tin, muốn được gặp Chúa, chúng ta cũng phải chấp nhận từ bỏ lối sống không phù hợp với giá trị Tin Mừng. Khi các nhà đạo sĩ bị lạc đường, họ không nản lòng, nhưng kiên trì tìm hiểu để thấy hướng đi cho mình. Mục đích được gặp vị Vua mới sinh đã cho các ông quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Các ông nêu gương cho chúng ta về sự kiên nhẫn và hy vọng. Quả thế, trong hành trình tìm kiếm Chúa, có những lúc chúng ta cảm thấy nản chí vì những thử thách gian nan. Sự kiên trì và cậy trông chắc chắn sẽ giúp ta tìm thấy Chúa và gặp gỡ Ngài.
 
Chúa vẫn đang ngỏ lời với chúng ta trong Kinh Thánh. Nội dung Kinh Thánh là một câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và con người. Muốn tìm kiếm Chúa, ta phải chuyên tâm học hỏi và suy niệm Lời Chúa được ghi lại trong Kinh Thánh. Khi các nhà đạo sĩ cảm thấy đứng trước ngõ cụt của hành trình tìm kiếm vị Vua mới sinh, các ông đã vào Giêrusalem. Ở đây, các chuyên gia đã khảo cứu Kinh Thánh và tìm được lời giải đáp.  Nhờ hướng dẫn trong lời ngôn sứ Mika (x. Mk 5,1), các ông tiếp tục lên đường và cuối cùng đạt được điều nguyện ước của mình. Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường cho chúng ta trên bước đường đời. Chuyên tâm suy niệm và sống Lời Chúa sẽ giúp ta sống thánh thiện trọn lành.
 
Thiên Chúa là Chúa của muôn loài. Ơn Cứu độ nhờ Đức Giêsu được ban cho hết mọi người, không có ai bị loại trừ. Mọi người đều được quyền đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu. Mọi người đều có quyền được tiếp nhận vào gia đình của Thiên Chúa. Nơi người Do Thái xưa kia cũng như nơi số đông người Kitô hữu hôm nay, vẫn tồn tại một quan niệm lệch lạc về giá trị của ơn Cứu độ. Họ nghĩ rằng ơn Cứu độ chỉ dành cho những người ưu tuyển. Vì thế mà họ coi thường những người không cùng tôn giáo với mình. Qua việc Đức Giêsu tỏ mình cho ba nhà đạo sĩ, Thiên Chúa khẳng định tính chất hoàn vũ của ơn Cứu độ. Điều này được diễn tả trong Bài đọc I. Ngôn sứ Isaia được chiêm ngưỡng ngày huy hoàng của Giêrusalem. Ngày ấy, người khắp nơi sẽ tuôn về Thánh Đô. Các dân tộc, các nền văn hóa đều quy hướng về Chúa, các loại sản phẩm tượng trưng cho sự phong phú đang dạng của các dân tộc đều được dâng cho Chúa. Điều mà ngôn sứ Isaia thấy, phần nào đã được thực hiện trong thời đại của Giáo Hội hôm nay. Quả vậy, từ mọi dân tộc, mọi nền văn hóa, danh Thiên Chúa được tôn vinh ca ngợi. Việc lễ Giáng Sinh được cử hành long trọng trên toàn thế giới đã cho thấy sự huy hoàng mà ngôn sứ Isaia đã thị kiến: “Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi (Giêrusalem)… chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi…”. Khắp nơi trên toàn thế giới, các Kitô hữu trong những lễ nghi phụng vụ đều dâng lên Chúa những sản phẩm quý giá của địa phương, để tôn nhận Ngài làm Đấng Sáng Tạo và Chúa tể muôn loài. Việc tôn thờ và dâng tiến của lễ được ba nhà đạo sĩ thực hiện năm xưa, như một nghi lễ mở màn để dẫn tới phụng vụ thánh của ngày hôm nay trên toàn thế giới.
 
Thiên Chúa là Cha yêu thương. Ngài muốn cứu rỗi mọi người và mọi tạo vật. Đó là điểm nhấn trọng tâm trong giáo huấn của Đức Giêsu. Trong Mùa Giáng Sinh, giống như các đạo sĩ, chúng ta hãy đến thờ lạy vị Vua mới sinh và dâng cho Người tấm lòng đơn sơ chân thành của chúng ta. Hãy tôn nhận Người là Chúa của chúng ta, để rồi việc gặp gỡ Chúa trở nên mối ưu tiên hàng đầu, và như thế, những bận rộn lo toan cuộc đời trần thế  không làm chúng ta nản chí và ngã lòng.
 
Sau khi gặp gỡ và thờ lạy Chúa Giêsu, ba nhà đạo sĩ đã “đi lối khác mà về xứ mình”. “Đi lối khác” là kết quả của cuộc gặp gỡ với vị Vua mới sinh. “Đi lối khác” cũng là để tránh gặp Hêrôđê đang manh tâm tìm cách xuyên tạc và phủ nhận sự thật. Người tín hữu, sau khi mừng lễ Giáng Sinh cũng cần đi lối khác để về nhà mình, nghĩa là đoạn tuyệt với lối sống cũ còn đầy khuyết điểm, gian tham và ích kỷ. Đó chính là một cuộc lên đường mới để sống đức tin và loan báo Đức Giêsu cho mọi người xung quanh chúng ta.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
 
NHỮNG NGHỊCH LÝ TRONG ĐỜI SỐNG LỮ HÀNH ĐỨC TIN
Lm. Vinhsơn Trần Minh Hoà
 
Như trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Thiên Chúa cũng cao hơn đường lối con người, và tư tưởng của Thiên Chúa cũng cao hơn tư tưởng con người chừng ấy (x. Is 55,9). Cách hành động và biểu lộ tình thương của Thiên Chúa thật bao la và lạ lùng đối với những khao khát sống đời chân, thiện, mỹ nhưng thật là nghịch lý đối với những người sống gian ác và cứng lòng.



Lời Chúa trong sách ngôn sứ Isaia đã tiên báo một thời kỳ huy hoàng cho dân Israel. Sự huy hoàng đó là vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên dân Israel. Nhờ ánh sáng vinh quang của Chúa xuất hiện trên họ, chư dân từ nhiều nơi sẽ kéo đến với họ và mặt của họ sẽ rạng rỡ, lòng họ vui mừng như mở cờ. Họ sẽ được sống sung túc vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với họ (x. Is 60, 1-5).
 
Lời tiên báo của ngôn sứ Isaia đã ứng nghiệm cách trọn vẹn khi Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời và là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người (x. Ga 1,9). Người là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen, Dân Chúa (x. Lc 2,32). Tuy nhiên, có nghịch lý đã xảy ra tại Bêlem năm ấy. Đó là Đức Giêsu đã sinh ra trong cảnh quá nghèo hèn nên nhiều người không nhận ra vinh quang của Người. Nghịch lý ấy dẫn đến một nghịch lý bi đát hơn: Người đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận (x. Ga 1,11).



Tuy nhiên, ánh sáng vinh quang của Chúa dù đã bị nhiều người Israel bỏ lỡ nhưng lại lọt vào ánh mắt của những người dân ngoại tốt bụng, những nhà chiêm tinh từ phương Đông. Họ đại diện cho những người không thuộc dân Israel nhưng đang khao khát những điều chân, thiện, mỹ và muốn sống đời hoàn thiện. Họ đã lên đường tìm đến ánh sáng vinh quang của Chúa để triều bái Người (x. Mt 2,2). Thực ra, họ là những người đang sống theo sự thật và đường ngay nẻo chính. Bởi lẽ, những người sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa (x. Ga 3,21).
 
Hoạt động tìm kiếm vị vua mới sinh ra của những người chiêm tinh từ phương Đông đã cho thấy những nghịch lý. Những nhà chiêm tinh đã tìm đến vị vua Giêsu vì đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông (x. Mt 2,2) trong khi ngôi sao ấy lại ở ngay Bêlem, miền Giuđê mà đâu có mấy người Do Thái đến viếng thăm Hài Nhi. Họ phải nhờ đến nhà vua Hêrôđê và các thượng tế, các kinh sư dựa vào Kinh Thánh để chỉ nơi chốn Đấng Kitô phải sinh ra (x. Mt 2,6) trong khi những người kinh sư có Kinh Thánh nhưng đã không lên đường tìm kiếm Đấng Kitô. Họ là những người lên đường tìm kiếm Đức Vua dân Do Thái mới sinh ra, nhưng thực ra họ là những người loan báo tin mừng về Đấng Cứu Thế đã hạ sinh. Bởi lẽ, khi nghe họ hỏi về vị vua mới sinh ra, vua Hêrôđê và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao (x. Mt 2,3) và các thượng tế và các kinh sư đã phải tra cứu Thánh Kinh để biết được địa điểm Đấng Kitô phải sinh ra (x. Mt 2,6). Khi gặp Hài Nhi và mẹ Người, họ sẵn sàng dâng tiến những lễ vật cao quý nhất cho Người: vàng, nhũ hương và mộc dược trong khi chính vua Hêrôđê lại muốn tiêu diệt Người (x. Mt 2,13).

Hành vi và đời sống của các nhà chiêm tinh trong Tin Mừng hôm nay đã cho chúng ta những gợi ý để sống tốt hơn. Ánh sáng vinh quang của Chúa đã chiếu tỏa khắp muôn nơi. Ơn cứu độ của Thiên Chúa đã tuôn tràn cho hết mọi người, người Do Thái và các dân tộc khác. Tuy nhiên, chỉ những người khao khát và bền chí sống theo chân lý và sự thiện, những người ấy mới có thể đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.


Cách riêng, trong năm Phúc Âm Hóa đời sống giáo xứ này, mỗi thành viên trong giáo xứ được mời gọi lan tỏa đời sống thấm nhuần tinh thần Phúc Âm cho người khác. Tuy nhiên, hãy khiêm nhường rà soát lại chính mình, kẻo coi chừng, mỗi người lại rơi vào tình trạng tệ hại của những người kinh sư đã sống, mỗi người chỉ có sách Phúc Âm còn những người lương dân đang sống những giá trị của Tin Mừng. Chúng ta tự hào về đạo Công giáo là đạo dạy bác ái yêu thương, nhưng coi chừng, mỗi người lại khép lòng mình trong ích kỷ, trong đố kỵ, trong hận thù, trong khi những người lương dân dám mở hầu bao để chia sẻ cho những trẻ em cơ nhỡ, những mảnh đời bất hạnh và đói nghèo.
 
Ước mong, nhờ ánh sáng chân lý rạng ngời của Tin Mừng soi chiếu, mỗi người trong các giáo xứ luôn thăng tiến đời sống không ngừng và trở nên những nhà chiêm tinh của thời đại mới, biết lên đường tìm Hài Nhi bằng đời sống lắng nghe và thực hành Lời Chúa, biết triều bái Hài Nhi bằng đời sống tham dự phụng vụ cách sốt sắng và đều đặn, biết dâng tiến Hài Nhi những lễ vật cao quý bằng một đời sống hy sinh và yêu thương nhau, sẵn sàng chia sẻ cơm bánh cho những người đói nghèo để giáo xứ trở thành cộng đoàn yêu thương, bình an và hạnh phúc của Chúa Giêsu Hài Nhi.
 
Như trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Thiên Chúa cũng cao hơn đường lối con người, và tư tưởng của Thiên Chúa cũng cao hơn tư tưởng con người chừng ấy (x. Is 55,9). Cách hành động và biểu lộ tình thương của Thiên Chúa thật bao la và lạ lùng đối với những khao khát sống đời chân, thiện, mỹ nhưng thật là nghịch lý đối với những người sống gian ác và cứng lòng.
 
Lời Chúa trong sách ngôn sứ Isaia đã tiên báo một thời kỳ huy hoàng cho dân Israel. Sự huy hoàng đó là vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên dân Israel. Nhờ ánh sáng vinh quang của Chúa xuất hiện trên họ, chư dân từ nhiều nơi sẽ kéo đến với họ và mặt của họ sẽ rạng rỡ, lòng họ vui mừng như mở cờ. Họ sẽ được sống sung túc vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với họ (x. Is 60, 1-5).
 
Lời tiên báo của ngôn sứ Isaia đã ứng nghiệm cách trọn vẹn khi Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời và là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người (x. Ga 1,9). Người là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen, Dân Chúa (x. Lc 2,32). Tuy nhiên, có nghịch lý đã xảy ra tại Bêlem năm ấy. Đó là Đức Giêsu đã sinh ra trong cảnh quá nghèo hèn nên nhiều người không nhận ra vinh quang của Người. Nghịch lý ấy dẫn đến một nghịch lý bi đát hơn: Người đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận (x. Ga 1,11).
 
Tuy nhiên, ánh sáng vinh quang của Chúa dù đã bị nhiều người Israel bỏ lỡ nhưng lại lọt vào ánh mắt của những người dân ngoại tốt bụng, những nhà chiêm tinh từ phương Đông. Họ đại diện cho những người không thuộc dân Israel nhưng đang khao khát những điều chân, thiện, mỹ và muốn sống đời hoàn thiện. Họ đã lên đường tìm đến ánh sáng vinh quang của Chúa để triều bái Người (x. Mt 2,2). Thực ra, họ là những người đang sống theo sự thật và đường ngay nẻo chính. Bởi lẽ, những người sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa (x. Ga 3,21).
 
Hoạt động tìm kiếm vị vua mới sinh ra của những người chiêm tinh từ phương Đông đã cho thấy những nghịch lý. Những nhà chiêm tinh đã tìm đến vị vua Giêsu vì đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông (x. Mt 2,2) trong khi ngôi sao ấy lại ở ngay Bêlem, miền Giuđê mà đâu có mấy người Do Thái đến viếng thăm Hài Nhi. Họ phải nhờ đến nhà vua Hêrôđê và các thượng tế, các kinh sư dựa vào Kinh Thánh để chỉ nơi chốn Đấng Kitô phải sinh ra (x. Mt 2,6) trong khi những người kinh sư có Kinh Thánh nhưng đã không lên đường tìm kiếm Đấng Kitô. Họ là những người lên đường tìm kiếm Đức Vua dân Do Thái mới sinh ra, nhưng thực ra họ là những người loan báo tin mừng về Đấng Cứu Thế đã hạ sinh. Bởi lẽ, khi nghe họ hỏi về vị vua mới sinh ra, vua Hêrôđê và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao (x. Mt 2,3) và các thượng tế và các kinh sư đã phải tra cứu Thánh Kinh để biết được địa điểm Đấng Kitô phải sinh ra (x. Mt 2,6). Khi gặp Hài Nhi và mẹ Người, họ sẵn sàng dâng tiến những lễ vật cao quý nhất cho Người: vàng, nhũ hương và mộc dược trong khi chính vua Hêrôđê lại muốn tiêu diệt Người (x. Mt 2,13).


Hành vi và đời sống của các nhà chiêm tinh trong Tin Mừng hôm nay đã cho chúng ta những gợi ý để sống tốt hơn. Ánh sáng vinh quang của Chúa đã chiếu tỏa khắp muôn nơi. Ơn cứu độ của Thiên Chúa đã tuôn tràn cho hết mọi người, người Do Thái và các dân tộc khác. Tuy nhiên, chỉ những người khao khát và bền chí sống theo chân lý và sự thiện, những người ấy mới có thể đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.
 
Cách riêng, trong năm Phúc Âm Hóa đời sống giáo xứ này, mỗi thành viên trong giáo xứ được mời gọi lan tỏa đời sống thấm nhuần tinh thần Phúc Âm cho người khác. Tuy nhiên, hãy khiêm nhường rà soát lại chính mình, kẻo coi chừng, mỗi người lại rơi vào tình trạng tệ hại của những người kinh sư đã sống, mỗi người chỉ có sách Phúc Âm còn những người lương dân đang sống những giá trị của Tin Mừng. Chúng ta tự hào về đạo Công giáo là đạo dạy bác ái yêu thương, nhưng coi chừng, mỗi người lại khép lòng mình trong ích kỷ, trong đố kỵ, trong hận thù, trong khi những người lương dân dám mở hầu bao để chia sẻ cho những trẻ em cơ nhỡ, những mảnh đời bất hạnh và đói nghèo.
 
Ước mong, nhờ ánh sáng chân lý rạng ngời của Tin Mừng soi chiếu, mỗi người trong các giáo xứ luôn thăng tiến đời sống không ngừng và trở nên những nhà chiêm tinh của thời đại mới, biết lên đường tìm Hài Nhi bằng đời sống lắng nghe và thực hành Lời Chúa, biết triều bái Hài Nhi bằng đời sống tham dự phụng vụ cách sốt sắng và đều đặn, biết dâng tiến Hài Nhi những lễ vật cao quý bằng một đời sống hy sinh và yêu thương nhau, sẵn sàng chia sẻ cơm bánh cho những người đói nghèo để giáo xứ trở thành cộng đoàn yêu thương, bình an và hạnh phúc của Chúa Giêsu Hài Nhi.
 
Lm. Vinhsơn Trần Minh Hoà
 
MỤC ĐỒNG VÀ ĐẠO SĨ
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
 
Chu kỳ Giáng Sinh gồm Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh. Phụng vụ cử hành việc Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại. Hai biến cố quan trọng cũng là hai lễ lớn của chu kỳ là Lễ Giáng Sinh và Lễ Hiển Linh.
 
Lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa tỏ mình cho dân Do thái. Lễ Hiển Linh, Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại.
 
Gaspar, Melchior và Balthasas là ba nhà đạo sĩ nổi tiếng ở Ðông phương được mệnh danh là con của các vì sao sáng, huyền phái của khoahọc vũ trụ. Họ đã theo ngôi sao lạ đến Bêlem, xứ Giuđêa để thờ lạy Ðấng Cứu Thế. Họ đã dâng cho Hài Nhi vàng, nhũ hương và mộc dược.
 
Chỉ có hai hạng người đã được diễm phúc gặp gỡ Hài Nhi Giêsu nơi máng cỏ Bêlem. Đó là các mục đồng và những nhà đạo sĩ.
 
Ðức Cha Fulton Sheen, nhà giảng thuyết lừng danh đã gọi họ những người đơn sơ và những người thông thái.
 
Khi các mục đồng canh giữ chiên ở ngọn đồi Bêlem, họ bỡ ngỡ vì vẽ đẹp của thiên thần: Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tinmừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Ðấng cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành của vua Ðavit, Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa (Lc 2,10-12). Còn các đạo sĩ ở bên kia xứ Mêđia và Batư nghiên cứu bầu trời đã thấy một ngôi sao chiếu sáng như chiếc đèn của nhà tạm vũ trụ, điện thờ của Thiên Chúa. Họ theo ánh sao tìm đến hang đá tìm gặp Hài Nhi.
 
Như những cánh bướm bị thu hút bởi ngọn lửa, các mục đồng và các đạo sĩ tiến đến ngai vàng chỉ là một hang đá, đến với Thiên Chúa chỉ là một Hài Nhi. Thiên Chúa Hài Nhi ngước nhìn từ máng cỏ chỉ thấy hai hạng người tìm gặp Ngài và chỉ duy họ tìm gặp Ngài cho đến tận cùng thời gian. Ðó là các mục đồng và các đạo sĩ, những người đơn sơ và những người thông thái.
 
Các mục đồng là những người đơn sơ. Họ chẳng biết gì tới chính trị, văn chương, nghệ thuật. Họ chỉ biết hai điều quan trong là Thiên Chúa ở trên họ và họ ở giữa đoàn chiên. Ðêm hôm đó bầu trời rộng mở để loan báo Tin mừng. Thiên Thần cho biết, Ðấng họ nóng lòng chờ đợi vừa sinh ra trong hang đá Bêlem nhỏ bé. Họ đã tìm và gặp Ðấng Chăn Chiên của họ.
 
Các đạo sĩ tìm gặp Ðấng Cứu Thế là những người thông thái. Họ không là những vua chúa. Họ không phải là những người nghiên cứu nông cạn mà là những bậc thầy hoàng vương, những nhà tinh thông về vũ trụ và họ đã khám phá ra một ngôi sao lạ. Ðối với khoa học và tôn giáo họ được liệt vào hàng đầu trong nước của họ. Các vua chúa bàn hỏi với họ trước khi xuất chinh. Các nông dân hỏi ý kiến họ trước khi trồng tỉa. Hàng ngàn người đã thấy ngôi sao, nhưng sự uyên bác của ba đạo sĩ làm cho họ lên đường khám phá. Chính nhà bác học Newton đã thốt lên khi quan sát vũ trụ: Tôi thấy Thiên Chúa đi qua kính viễn vọng của tôi. Ðối với kẻ kiêu ngạo, tự phụ, ngôi sao chỉ là ngôi sao, nhưng đối với người thông thái đó là một dấu chỉ thời đại, một tác phẩm của Thiên Chúa. Thế nên các đạo sĩ đã đi theo ánh sáng ngôi sao với bao gian lao, đầy mạo hiểm. Ðến nơi, mặc phẩm phục và quỳ trên nệm rơm, các đạo sĩ chiêm ngắm một trẻ sơ sinh chưa thể hỏi han hay đối đáp được điều gì. Họ tiến dâng Ngài tặng phẩm và tâm hồn để chứng tỏ sự thần phục của thế gian. Tặng phẩm là vàng, nhũ hương, mộc dược. Vàng, vì Hài Nhi sẽ là vua. Nhũ hương, vì Ngài sẽ là Tư Tế. Mộc dược, vì Ngài sẽ chết như mọi người. Các Ðạo sĩ đã tìm gặp được Ðấng khôn ngoan.
 
Chỉ có các mục đồng và các đạo sĩ đã tìm gặp được Ðấng Cứu Thế. Trong khi đó các người nổi nang trong đạo Do thái không gặp được Ngài. Bởi lẽ: “Các luật sĩ chỉ thao thức về lề luật. Các thượng tế chỉ nhạy bén về đền thờ. Các kỳ lão chỉ lo lắng về truyền thống. Hêrôđê cũng là con người tìm tòi, ông đã cặn kẽ điều tra nơi Hài Nhi ở, không phải để đến thờ lạy mà tìm cách hủy diệt. Loại người nào cũng tự mãn trong những cơ chế phức tạp cứng nhắc” (Ðức Cha Bùi Tuần).
 
Thời nay cũng thế, đầy dẫy những triết gia, những nhà khoa học, những người vô thần theo thuyết bất khả tri...nhưng không ai trong họ đã nhìn thấy một thiên thần hay ánh sáng một ngôi sao. Dòng dõi của những Hêrôđê kiêu ngạo cho tới thời nay đã không tìm thấy Thiên Chúa vì họ muốn dùng lý trí để nắm bắt siêu việt. Họ quá phức tạp nên không hiểu lời xác quyết đơn sơ của các mục đồng, quá đầy kiến thức khoa học để lãnh hội chân lý do các đạo sĩ đem đến. Dòng dõi này che đậy tính kiêu ngạo và đi tới chỗ coi Giáo hội là một thể chế đã lỗi thời cần loại bỏ.
 
Ðiều kiện tiên quyết để gặp được Thiên Chúa, đó là lòng khiêm nhường, chung cho cả người đơn sơ lẫn người thông thái. Những tâm hồn đơn sơ như các mục đồng mới gặp được Thiên Chúa bởi họ ý thức mình không biết gì cả. Những người thông thái đích thực như các đạo sĩ gặp được Thiên Chúa bởi vì họ ý thức mình không biết gì cả.
 
Chúa Giêsu không sinh ra ở giữa trời, nơi người ta có thể đứng thẳng. Ngài đã Giáng sinh trong hang đá, nơi người ta phải cúi mình để đi vào. Ðó là một cử chỉ khiêm nhường. Các mục đồng và các đạo sĩ đủ đơn sơ để nghiêng mình xuống. Khi làm như vậy, họ thấy mình ở trong hang đá. Tại đó, một người nữ diễm lệ, đầu đội mặt trời, chân đạp mặt trăng và đôi tay ẵm lấy Hài Nhi, Ðấng dùng những ngón tay bé nhỏ của mình nâng đỡ trái đất. Khi các mục đồng và các đạo sĩ quỳ gối, có lẽ các đạo sĩ ghen với các Mục đồng vì con đường của các mục đồng ngắn hơn, họ tìm thấy sự khôn ngoan là chính Thiên Chúa mau hơn.
 
Thiên Chúa vẫn không ngừng lôi kéo cả nhân loại đến với Con Một của Ngài là Ðức Giêsu Kitô. Ngài vẫn không ngừng cho những ánh sao dẫn đường. Không phải là ánh sao trên trời cao mà là ánh sáng Ngài gieo vào lòng người. Mỗi người cần phải trung thành với ánh sáng đó, dấn bước trên hành trình đức tin đầy mạo hiểm của mình.
 
Các Thượng tế, các kinh sư thông hiểu Thánh kinh, họ cắt nghĩa cho Hêrôđê rất hay nhưng họ vẫn ngồi yên tại chỗ. Họ tìm Ðấng Thiên Sai trong Thánh Kinh, nhưng không nhận ra Người trong thực tế vì Người không phù hợp với những quan điểm cố định của họ. Những tâm hồn đơn sơ như các mục đồng, những tâm hồn cởi mở khao khát chân lý như các đạo sĩ lại được hạnh phúc nhận biết Người.
 
Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình cho thế giới qua các dấu chỉ tự nhiên của trời đất, của lịch sử, qua Thánh kinh, qua Giáo hội, qua các Bí tích, qua cuộc sống hàng ngày. Ðể gặp Ngài, chúng ta cần có lòng khiêm nhường. Nhờ sự gặp gỡ này, mỗi người sẽ trở nên ánh sao dẫn lối cho nhiều người nhận biết và yêu mến Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
 
THEO ÁNH SAO LẠ
Lm. Giuse nguyễn Hưng Lợi, CSsR
 
Cứ mỗi lễ Hiển Linh, ngôi sao lạ dẫn đương cho ba nhà Đạo sĩ Phương Đông đến tìm gặp Hài Nhi Giêsu lại hiện rõ trong trí tưởng tượng của mỗi người. Và người ta vẫn thắc mắc tại sao một ngôi sao lại có thể dẫn đường cho ba nhà Đạo sĩ tìm gặp triều bái Vua Giêsu? Ngôi sao có thật hay không hay chỉ là câu chuyện huyền thoại, câu truyện cổ tích của dân Do Thái ? Tin Mừng thánh Matthêu hôm nay viết rất rõ: ”Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại“ (Mt 2,9).

Câu chuyện ngôi sao dẫn đường chỉ lối cho ba nhà Đạo sĩ hay nói chính xác hơn ba nhà chiêm tinh dân ngoại. Họ khao khát ơn cứu độ. Họ là dân ngoại nhưng lại có niềm tin. Họ đại diện cho mọi dân tộc trên thế giới. Thấy ánh sao là dấu chỉ trong vũ trụ thiên nhiên. Họ được thúc đẩy bởi tiếng gọi thiêng liêng. Họ lên đường. Họ đã liều lĩnh chấp nhận ra đi, bỏ lại tất cả và chấp nhận bước đi trong đêm tối. Và các nhà Đạo sĩ này chỉ theo ánh sao lạ khi ẩn khi hiện, khi tỏ khi mờ. Các nhà đạo sĩ đã có một niềm tin thật vững chắc, do đó, các ngài mới dám dựa, dám cậy trông vào một dấu chỉ xem ra mỏng manh như thế ! Với một đức tin phi thường, họ đã dám vui mừng :” Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria “. Các nhà Đạo sĩ thực tế đã có một đức tin kiên vững, đức tin mạnh mẽ, họ mới dám tin rằng một Vị Vua Giêsu mà lại nằm trong hang đá máng lừa và rồi họ rất khiêm tốn, bái lạy Hài Nhi Giêsu, rồi mở bão tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến (Mt 2, 11).

Câu chuyện của ba nhà Đạo sĩ xưa vậy là câu chuyện của mỗi người chúng ta hôm nay.Ánh sao khi ẩn, ánh sao khi mất. Ba nhà Đạo sĩ đã tìm lại ánh sao khi nó xuất hiện và họ hết sức phấn khởi, hạnh phúc. Chúng ta cũng được mời gọi nhìn lên ánh sao của niềm tin, của hy vọng. Trong cuộc đời thường ngày có rất nhiều ánh sao dẫn chúng ta tới Chúa chẳng hạn một cử chỉ đẹp, thông cảm, yêu thương của người nào, một nụ cười của một người đánh tan căng thẳng, một lời khuyên thành thực chân thành, một nghĩa cử bác ái, một gương sáng khiến chúng ta cảm động, một câu Kinh Thánh đánh động chúng ta. Chúng ta cũng phải trở nên những ngôi sao sáng chỉ đường, dẫn người khác tới Chúa.

Ngày nay, nhiều nước trên thế giới mừng lễ Hiển Linh rất long trọng và lớn hơn cả lễ Giáng Sinh. Bởi vì, lễ Hiển Linh là lễ Chúa tự tỏ mình ra cho muôn dân, tỏ mình cho dân ngoại trên khắp thế giới. Lễ Giáng Sinh là lễ Chúa tỏ mình ra cho dân Do Thái, lễ Hiển Linh là lễ Chúa tỏ mình ra cho chư dân. Đức Giêsu đã rao giảng Nước Trời khi Ngài bắt đầu sứ mạng công khai và Ngài đã thực hiện sứ vụ ấy trong suốt cuộc đời của Ngài ở trần thế này. Công việc của Chúa cũng phải được chúng ta tiếp tục mãi mãi. Chúa Giêsu đã thiết lập Nước yêu thương, công bình và hạnh phúc, một Nước mà trong đó những người nghèo được quan tâm, được yêu thương và mọi người sống với nhau như anh em. Đó là Tin Mừng. Đó là sứ điệp lễ Hiển Linh chúng ta phải công bố.
Éliot đã viết một câu chí lý:
”Nếu bạn không thể là ngôi sao sáng,
Thì hãy là ánh lửa non cao.
Nếu không là ánh lửa non cao,
Xin hãy làm ánh nến tỏa sáng trong gia đình“.

Xin được tóm tắt sứ điệp lễ Hiển Linh bằng một hình ảnh rất sống động:
“Khi bài ca của các thiên thần ngừng bặt,
khi ngôi sao trên bầu trời đã biến mất,
khi các vua chúa và hoàng tử đã ở nhà,
khi các mục đồng và đàn súc vật đã trở về,
thì công việc Giáng Sinh mới bắt đầu,
để tìm lại những gì đã mất,
để hàn gắn những gì đã gẫy đổ,
để người đói được ăn no,
để tù nhân được giải phóng,
để các nước xây dựng lại,
để đem lại hòa bình cho mọi người,
và để hòa nhạc bằng trái tim“.
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con mau mắn giới thiệu Nước Trời cho nhiều người . Amen.
 
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:
  1. Ba nhà Đạo sĩ là ai?
  2. Họ thuộc các nước nào ? Họ đại diện cho ai?
  3. Họ mang gì theo?
  4. Họ đã gặp Hài Nhi Giêsu ở đâu?
  5. Tại sao các nhà Đạo sĩ không trở về Giêrusalem?
 
Lm. Giuse nguyễn Hưng Lợi, CSsR
NHÀ CHIÊM TINH ĐẾN BÁI LẠY
HÀI NHI GIÊSU
Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, CSsR
Trình thuật Mt 2,1-12 là một câu chuyện được viết theo thể văn midrash haggada nhằm giải thích các chân lý giúp khám phá mạc khải của Thiên Chúa. Các chi tiết trong trình thuật có thể mang tính giai thoại, nhưng chân lý mà trình thuật muốn xác quyết là chân lý cứu độ đích thực. Được công bố trong Lễ Hiển Linh, trình thuật này giới thiệu với chúng ta những điểm quan trọng để suy niệm sau đây: (1) Hài Nhi Giêsu là Vua Mêsia; (2) Những thái độ của con người trước Hài Nhi Giêsu; (3) Những chặng đường của cuộc tìm gặp Hài Nhi Giêsu.
 
1. Hài Nhi Giêsu là Vua Mêsia
 
a. Hài Nhi Giêsu là Đấng Mêsia mà Israel đang mong đợi từ bao đời
Được sinh ra ở Bêlem, Đức Giêsu đã làm cho ứng nghiệm sấm ngôn cổ xưa: “Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời” (c.6). Bản văn ngôn sứ được tác giả Mt trích dẫn ở đây, thực ra, là sự trộn lẫn Mk 5,2 với 2Sm 5,2. Hài Nhi Giêsu, như thế, là Đấng Mêsia nhà Đavít. Người là Thủ Lãnh và Mục Tử của Dân Israel. Như mục tử chăm lo cho đoàn chiên mình, Người sẽ dẫn họ trên đường ngay nẻo chính và sẽ chăm sóc họ.
 
b. Hài Nhi Giêsu là Đức Chúa và là Quân Vương của muôn dân
Các nhà chiêm tinh tìm đến Giêrusalem nhưng không hỏi về một nhân vật tôn giáo, mà là hỏi về “Đức Vua dân Do Thái” và tìm bái lạy Người. Qua các nhà chiêm tinh này, dân ngoại đã nhìn nhận Đức Giêsu là Quân Vương phổ quát, cho dù Người mới chỉ là một hài nhi vừa chào đời. Những sấm ngôn về vương quyền phổ quát của Đấng Mêsia thời cánh chung, như thế, đã được ứng nghiệm (x. Is 49,22; Tv 72,10-15; Is 60,6…). Dân Thiên Chúa mà vị vua mới sinh sẽ là mục tử chăn dắt, bây giờ bao gồm cả những nhà chiêm tinh hôm nay đến Bêlem để bày tỏ lòng tôn kính với Người như với vị vua của chính họ. “Bái lạy” (tiếng Hy Lạp:proskyneô) là hành động mà người ta thực hiện trước mặt nhà vua hoặc trước mặt Đức Chúa. Bằng hành vi bái lạy này, các nhà chiêm tinh đã nhìn nhận Hài Nhi Giêsu là Chúa Tể, là Đức Vua và là Mục Tử của muôn dân.
 
2. Những thái độ của con người đối với Đức Giêsu
Đối diện với Đức Giêsu Kitô – Vua Mêsia, bài Tin Mừng khắc hoạ cho chúng ta ba thái độ khác nhau: các nhà chiêm tinh nhận biết Đức Vua Mêsia trong hân hoan và thờ lạy; các thượng tế và kinh sư thì thờ ơ, lãnh đạm, không quan tâm; vua Hêrôđê lại điên cuồng chống phá và bách hại.
 
Ba thái độ nói trên, thực ra, không chỉ liên quan đến Hài Nhi Giêsu, mà đó cũng chính là những thái độ của người ta đối với hoạt động công khai của Đức Giêsu cũng như đối với lời rao giảng của Hội Thánh sau này về Đức Giêsu và về Tin Mừng. Hoặc được nhận biết trong vui mừng, hoặc bị thờ ơ coi thường, hoặc bị chống đối điên cuồng, đó chính là những tình cảnh mà Đức Giêsu và Hội Thánh của Người phải đối diện luôn luôn.
 
3. Những chặng đường của cuộc tìm gặp Đức Giêsu
 
a. Sự thúc đẩy đầu tiên từ thực tế
Các nhà chiêm tinh (magoi) ở đây là những hiền nhân Đông Phương, thông thạo chiêm tinh và thiên văn. Tại Đông Phương cổ thời, chiêm tinh và thiên văn là những chuyên môn có từ lâu đời và được trọng dụng. Các nhà chiêm tinh tin rằng có một sự liên hệ chặt chẽ giữa những gì xảy ra trên bầu trời với những gì diễn ra trong thế giới con người. Như thế, trong việc nghiên cứu các hiện tượng thiên văn của mình, họ vẫn đau đáu một mối bận tâm về chuyện của thế giới và lịch sử nhân loại, tức là về số phận của nhân loại. Bỏ qua yếu tố mê tín dị đoan, ta có thể thấy các nhà chiêm tinh ở đây có một tâm trạng ưu thời mẫn thế. Rõ ràng, họ tìm gặp Đức Giêsu bắt đầu từ một tâm thế đặc biệt ưu tư về lịch sử, về hướng đi của lịch sử, về số phận của nhân loại… Trong lãnh vực chuyên môn của mình, các nhà chiêm tinh đã nhận ra được một thông tin cho biết Đấng Mêsia của người Do Thái đã được sinh ra, và họ được thúc đẩy lên đường tìm kiếm Người. Như thế, nhờ ưu thời mẫn thế và chuyên tâm nghiên cứu, các nhà chiêm tinh đã nhận được một sự thúc đẩy từ bên trong. Và chắc chắn đó phải là sự thúc đẩy rất mạnh mẽ: những gì diễn ra sau này cho chúng ta thấy rõ như thế. Và họ đã lên đường. Trong một nỗ lực tìm kiếm mơ hồ và mò mẫm.
 
b. Một chỉ dẫn rõ ràng nhờ Kinh Thánh
Sau một cuộc hành trình dài, các nhà chiêm tinh đến Giêrusalem, và ở đó họ nhận được một chỉ dẫn rõ ràng, nhờ lời Kinh Thánh do các chuyên viên Kinh Thánh nói cho họ nghe. Thiên Chúa đã có thể đưa các nhà chiêm tinh đi thẳng đến Bêlem, nhưng Người lại đã dẫn các ông đến Giêrusalem. Tại sao? Có lẽ vì Người muốn tỏ ra trung thành với lời Người đã hứa (rằng ơn cứu độ được ban cho tất cả mọi người, nhưng là qua trung gian người Do Thái, x. Rm 9,10.11), và có lẽ vì Người muốn chúng ta gặp được mạc khải của Người trong Kinh Thánh, tức là trong Lời Chúa. Học hỏi và suy niệm Lời Chúa, do vậy, là bước vô cùng quan trọng để tìm gặp Đức Giêsu.
c. Một ánh sáng mới do Thiên Chúa ban
Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (c.2). “Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại” (c.9b). Ngôi sao ấy biểu trưng cho ánh sáng, ân sủng và tác động của Thiên Chúa trong tâm trí con người và hướng dẫn họ tìm đến Đức Kitô. Chúng ta có thể thấy ngôi sao dẫn đường trong giáo lý và trong các bí tích của Hội Thánh, trong các dấu chỉ thời đại, trong các lời khuyên dạy tốt lành… Nói cách khác, trong cuộc đời của chúng ta, có những ân sủng Thiên Chúa ban để hướng chúng ta tìm gặp Đức Giêsu. Vấn đề là chúng ta có để cho ân sủng đó dẫn mình đến nơi hay không.  
 
d. Một lòng tin mạnh mẽ, đơn sơ và thuần khiết
Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (c.11). Sau một hành trình dài và vất vả, điều mà các nhà chiêm tinh được nhìn thấy lại hết sức đơn giản: một trẻ sơ sinh không có chút gì là huy hoàng hay quyền lực. Hài Nhi ấy không cất lời nói với họ điều gì, cũng chẳng có gì để ban thưởng cho họ sau tất cả những gì họ đã trải qua. Họ không thấy Người huy hoàng oai phong, cũng chẳng được trải nghiệm quyền uy của Người. Họ chỉ nhận biết Người bằng lòng tin mà thôi. Vì thế, đó hẳn nhiên phải là một lòng tin hết sức mạnh mẽ, hết sức đơn sơ và rất mực thuần khiết. Thực ra, lòng tin ấy chính là yếu tố không thể thiếu được để người ta dần dần đi đến chỗ hoàn toàn nhận biết Đức Giêsu và quyền năng của Người. Tuy không thấy uy quyền hay vinh quang của Hài Nhi Giêsu, nhưng các nhà chiêm tinh đã sấp mình bái lạy Người, tức là nhìn nhận Người là Chúa Tể, là Đức Vua và là Mục Tử của muôn dân. Lòng tin đã đưa họ đến một sự hiểu biết khác hẳn về thực tại đơn sơ mà họ đang thấy trước mắt. “Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”. Truyền thống Giáo Phụ giải thích: dâng vàng là có ý tuyên xưng Hài Nhi Giêsu là Vua, dâng nhũ hương là có ý tế nhận Người là Thiên Chúa và dâng mộc dược là có ý diễn tả nhân tính để chịu đau khổ của Người.
 
Tóm lại, con đường tìm gặp Đấng Mêsia của các nhà chiêm tinh được bắt đầu từ một sự thúc đẩy từ chính thực tế, được chỉ dẫn bởi Kinh Thánh, được soi sáng bởi ánh sáng của chính Thiên Chúa và đòi hỏi một lòng tin mạnh mẽ, đơn sơ và thuần khiết. Con đường ấy cũng chính là con đường tìm đến với Đấng Kitô của nhân loại hôm nay, tức là của chính chúng ta vậy.
 
Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, CSsR
 

Tác giả bài viết: Ngoc Nga

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập639
  • Hôm nay10,772
  • Tháng hiện tại280,669
  • Tổng lượt truy cập36,335,224
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây