Ý NGHĨA CỦA MỘT LẦN TRỪ QUỶ

Thứ năm - 29/01/2015 20:00

Ý NGHĨA CỦA MỘT LẦN TRỪ QUỶ

Tìm xem với những đoạn văn nào, các tác giả Tin Mừng đã bắt đầu phần tường thuật đời sống công khai của Đức Giêsu, là việc quan trọng. Mt bắt đầu với bài diễn từ thứ nhất và dài nhất trong năm bài diễn từ, đó là Bài Giảng trên núi (Mt 5,1–7,2). Mối quan tâm chính của tác giả TM I là diễn tả giáo huấn của Đức Giêsu.

Inline image 1(Máccô 1,21-28 – CN IV TN - B)
 
1.- Ngữ cảnh
 Lc thì nói tới việc Đức Giêsu xuất hiện tại hội đường Nadarét (Lc 4,16-30); tại đó, liên kết bản thân với Cựu Ước (Is 61,1t), Đức Giêsu trình bày uy quyền và mục tiêu của sứ mạng của Người như nằm trong một chương trình đã được thiết lập. Trong Mc, điều đầu tiên chúng ta thấy là sự xuất hiện của Đức Giêsu tại hội đường Caphácnaum.
Caphácnaum ở trên bờ phía tây bắc hồ Ghennêxarét, cách cửa sông Giođan vài cây số. Kết quả các cuộc khai quật khảo cổ cho ta gặp lại những di tích của thế kỷiv kỷ nguyên chúng ta, nhưng vẫn ở ngay tại nơi có hội đường vào thời Đức Giêsu. Điều lạ lùng là Mc không kể gì về giáo huấn của Đức Giêsu, mà chỉ nêu sự kiện là Người đã giảng dạy và ấn tượng mà các lời Người nói gây nên nơi dân chúng. Quả vậy, tác giả đặt ở hàng đầu không phải là giáo lý của Đức Giêsu, mà là con người của vị Tôn sư.     
Mc đã đặt câu truyện này ngay sau khi Đức Giêsu gọi bốn ngư phủ, mà coi như là hoạt động công khai đầu tiên Đức Giêsu hoàn tất với sự hiện diện của các môn đệ kể từ nay sẽ “ở với Người” (3,14). Thế mà Đức Giêsu đến để loan báo Tin Mừng, loan báo rằng Nước Thiên Chúa đã có đó, quyền năng cứu độ đã đi vào hoạt động, một thế giới mới đã được mạc khải. Trong Lời mang sức giải thoát mà Đức Giêsu nói ra, chính Thiên Chúa hành động; Đức Giêsu, vị ngôn sứ đầy quyền năng trong lời nói và việc làm, chính là Tin Mừng đang tiến hành.
Đoạn này thuộc về một toàn bộ gọi là “ngày ở Caphácnaum” (1,21-34). Trong một đơn vị thống nhất về thời gian và không gian như thế (một ngày sa-bát tại Caphácnaum), Mc đã quy tụ nhiều câu truyện: việc giảng dạy, trừ quỷ, chữa mẹ vợ Simôn, rồi, đến chiều, có một bức họa tổng quát. Các truyện này xảy ra tại một hội đường, tại nhà, tại cửa thành. Nhưng chuỗi hoạt động này lại thuộc về toàn bộ rộng lớn hơn (1,14-39), trong đó Đức Giêsu tỏ mình ra tại miền Galilê, đến bờ Biển Hồ, vào thành Caphácnaum, đi đến hội đường, ra khỏi đó, đến chiều thì ra cổng thành, sáng hôm sau thì rời thành để rảo khắp miền Galilê, và cứ thế, “rao giảng trong các hội đường và trừ quỷ” (1,39). Nói cách khác, Người làm khắp nơi những gì Người đã làm tại hội đường Caphácnaum: giảng dạy và trừ quỷ. Bản văn đang khảo sát là cốt lõi của một chuyển động vừa tập trung vừa lan toả, nên trở thành bản văn tiêu biểu, tóm tắt hoạt động của Đức Giêsu. Điều được biểu lộ ra (sự giải phóng do Đức Giêsu mang lại) tại địa điểm chính thức của Do Thái giáo, trong nhà Lề Luật, là để được phổ biến trong khắp miền Galilê. Và sau Phục Sinh, miền này sẽ trở thành địa điểm xuất phát của các môn đệ để các ông đi khắp thế giới mà thi hành sứ vụ. Vì thế, có kết luận: “Danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê” (c. 28). Tuy nhiên, không nên quên lệnh cấm nói: danh tiếng này chỉ có được nền tảng đích thực khi cuộc Khổ Nạn đã được hoàn tất.
 
2.- Bố cục
Bản văn này có thể chia thành ba phần:
1) Đức Giêsu giảng dạy (1,21-22):
a) nơi chốn và thời gian: Caphácnaum; ngày sa-bát,
b) dân chúng kinh ngạc về lời giảng và uy quyền;
2) Ca người bị quỷ ám (1,23-26):
a) phản ứng của quỷ,
b) lời nói uy quyền của Đức Giêsu,
c) kết quả;
3) Về việc giảng dạy của Đức Giêsu (1,27-28):
a) dân chúng kinh ngạc: giáo lý và uy quyền,
b) danh tiếng được đồn đi: mọi nơi, khắp vùng lân cận miền Galilê.
Câu truyện trừ quỷ này lại được đóng khung bằng câu nói về “lời giảng dạy có uy quyền”, khiến các nhà chú giải nghĩ đến nhiều đợt làm việc trên câu truyện này.
 
3.- Vài điểm chú giải
- sửng sốt (22): dịch sát là “bị đánh ngã”, “bị quẳng ra ngoài”.  
- Có một người bị thần ô uế nhập (c.23): Tác giả giới thiệu “ca” bệnh. Nhưng rồi, thay vì nói đến một sáng kiến, một thái độ của người bệnh hoặc của những người có mặt nhằm bày tỏ lòng tin, tác giả cho thấy không có ai can thiệp vào cả, Đức Giêsu cũng không làm gì cả; thế mà đã xảy ra như một cú “bùng nổ”.
- la lên rằng: “… chuyện chúng tôi can gì đến ông…” (23-24): Dường như chỉ nguyên việc đứng trước mặt Đức Giêsu đã khiến ma quỷ phải hét lên (x. một phản ứng tương tự: 9,20). Rõ ràng, khi gặp Người, ma quỷ bị một cú sốc, nó không thể thản nhiên như không được. Nó hét lên: “Giêsu Nadarét, chúng tôi với Ngài nào có việc gì?” (NTT). Trong Cựu Ước, câu nói này nhằm thiết lập một khoảng cách giữa hai người: hoặc một sự bất hoà giữa hai cá nhân trước đây hoà hợp (x. Tl 11,12; 2 Sb35,21; 2 Sm 16,10; 19,23; 1 V 17,18 với ý nghĩa: “tôi đã làm gì cho bạn, đã xảy ra chuyện gì khiến bạn làm như thế, bạn xử với tôi như thế ?”), hoặc là từ chối mọi quan hệ hoặc mọi thoả hiệp giữa hai bên thù nghịch (x. Gs 22,24; 2 V 3,13; Hs 14,9: “Giữa chúng ta còn có thể quan hệ gì nữa? Ông lo việc của ông đi!”). Bản văn Mc theo nghĩa thứ hai: đây là một lời tuyên chiến, hoặc đúng hơn, một lời tuyên bố tình trạng thù nghịch và một lời từ chối giao đấu vì bên liên hệ quá biết kết quả rồi (x. 5,7).
- Đấng Thánh của Thiên Chúa (x. 5,7 “Con Thiên Chúa Tối Cao”): Cho dù đa số các nhà chú giải coi đây là một danh hiệu của Đấng Mêsia, cha Lagrange lưu ý là trong nền văn chương Do Thái giáo, Đấng Mêsia không được gọi như thế. Hẳn là câu này muốn nói Đức Giêsu là một con người thuộc về thế giới của Thiên Chúa thánh thiện. Người ở trong quan hệ đặc biệt với Thiên Chúa, và do đó, câu này diễn tả tình trạng không thể hòa hợp giữa Đức Giêsu và tà thần (HL. pneuma akatharton: đối nghịch lại với linh thánh, với Thiên Chúa). Nhưng chắc chắn là trong Mc, công thức này đã có ý nghĩa Kitô giáo, nghĩa là được dành cho Đấng Mêsia.
Ma quỷ cảm nhận sự hiện diện của Đức Giêsu như một sự gây hấn, nên nó đã “bùng nổ”.
Đức Giêsu quát mắng (quát bảo, NTT) (25): Theo nghĩa chữ, động từ Hy Lạp epetimêsen (x. 3,12; 4,39; 8,30.32.33; 9,25; 10,13-48) này có nghĩa là “đặt một timê (giá cả, giá trị) trên”, và từ nguyên thuỷ, nó có nghĩa tích cực. Trong Mc, động từ này có nghĩa là “nói một cách nghiêm túc, lưu ý nhằm ngăn cản một hành vi hoặc để chấm dứt hành vi nào đó” (Arndt & Gringrich). Đây là một lệnh truyền hơn là một lời la mắng, một lệnh cấm. Đức Giêsu đã truyền hai lệnh “Câm đi” và “Xuất khỏi người này”.
Câm đi (phimôthêti): Nguyên nghĩa của động từ HL phimoô là “khoá mõm; muzzle”: Ma quỷ bị coi như là một con thú dữ cần phải chế ngự để làm cho nó ra vô hại. Tác giả dùng lại động từ này trong truyện Dẹp yên bão táp (x. 4,39).
- Xuất khỏi: Đứng trước quỷ, Đức Giêsu thường truyền lệnh này (x. 5,8; 9,25), và quỷ vâng theo tức khắc.
- Thần ô uế lay…, thét… (26): Những hiện tượng này cho thấy kết quả đã đạt được (như trong 9,26), nhưng không có giao tranh; như thế là khác với câu truyện Ghêrasa (5,1) và người động kinh (9,14), vì ở chỗ đó dường như Đức Giêsu có gặp một sự kháng cự nào đó. Còn ở đây, chiến thắng đạt được tức khắc. Đó là điều những người chứng kiến thấy là bất thường, và họ thán phục: các thần ô uế tuân theo lời nói của Đức Giêsu ngay. Tiếng hét ở c. 24 và tiếng hét ở c. 26 như tiếng hét của kẻ sắp chết, cho thấy rằng đây không phải là một việc trừ quỷ như dân chúng đã quen nghe biết, vì một quỷ bị đuổi đi hôm nay sẽ có thể trở lại vào một ngày khác. Cuộc trừ quỷ do Đức Giêsu thực hiện là một sự kiện “mới” trong lịch sử cứu độ. Một thời đại mới đã khởi sự, thế giới đã sang tay người chủ khác; quyền lực của tà thần đã chấm dứt: một “cá nhân” quỷ mới, nhưng nhận định cho số phận của “tập thể” quỷ (“chúng tôi”), (x. 5,10). Vậy Đức Giêsu Nadarét không phải là một người trừ quỷ bình thường, nhưng là Sứ giả của Thiên Chúa, Đấng Thánh. Với sự hiện diện và hoạt động của Người, Thiên Chúa thiết lập Triều Đại của Ngài (x. 3,22-30).
So sánh với 4,37-41: Nếu so sánh đoạn văn này với hai cảnh của ch. 5 và 9 (Ghêrasa và người động kinh), ta thấy hai truyện ấy thật là sống động, còn bản văn 1,23-27 quá đơn giản. Dường như truyện này là một bài mẫu tổng quát. Ta nhận thấy bài này được xây dựng theo cùng một kiểu như bài tường thuật về cơn bão bị dẹp yên (4,37-41), hoặc đúng hơn, “cơn bão bị dẹp yên” được nhìn như một cuộc trừ quỷ:
           
 

Trừ quỷ         

 
Bão yên (4,37-41)
23
Có một người bị thần ô uế nhập la lên rằng
37
Và một trận cuồng phong nổi lên,
sóng ập vào thuyền
 
 
38
các môn đệ đánh thức Người dậy và nói:
24
“Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi”
(= chúng tôi chết mất)
 
“Thầy chẳng lo gì sao
chúng ta chết đến nơi rồi
(= chúng ta/tôi chết mất)
25
Đức Giêsu quát mắng nó (đe doạ) nó:
39
Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển
 
“Câm đi và xuất khỏi người này!”    
 
“Im đi! Câm đi!”
26
Thần ô uế hét lên một tiếng và xuất
 
Gió liền tắt và biển lặng như tờ
 
 
40
Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”
27
Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau:  
41
Các ông hoảng sợ (kinh ngạc) và nói với nhau:
 
Thế nghĩa là gì?
 
“Vậy người này là ai?
 
Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền
 
 
 
Ông ấy ra lệnh cho tất cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!
 
mà cả đến gió và biển 
cũng phải tuân lệnh?
                                                                                                                       
            Bảng đối chiếu này cho thấy hai bài có một lược đồ chung:
1. Sự hiện diện của Đức Giêsu gây ra một cuộc bùng nổ các sức mạnh tà thần (quỷ hoặc biển); thế trận.
2. Đức Giêsu như bị khiêu khích, hoặc bởi ma quỷ là hãy rút lui đi, hoặc bởi các môn đệ là hãy hành động đi, cả hai bên đều dùng động từ “chết” (apollymi).
3. Chiến thắng toàn diện của Đức Giêsu được diễn tả bằng hai động từ “đe doạ” và “khoá mõm”,  “câm”.
4. Cuối cùng là sự kinh ngạc và câu hỏi về Đức Giêsu, Đấng đã buộc được tà thần phải tuân lệnh.
 
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Đức Giêsu giảng dạy (21-22)
Tác giả ghi nhận ấn tượng Đức Giêsu tạo ra nơi dân chúng: họ bị đánh động sâu xa, họ bị rúng động, họ hết sức kinh ngạc. Đức Giêsu không trình bày các ý kiến cũng không cống hiến những đóng góp vào cuộc tranh luận, nhưng giảng dạy với uy quyền, với lời nói có sức mạnh, có hiệu lực tuyệt đối; đàng sau những điều này, Người nói rằng Người có Thiên Chúa với uy quyền của Ngài. Dân chúng ghi nhận điều này và biết mình bị thách thức bởi giáo huấn của Người. Uy quyền của giáo huấn này được phản ánh, như trong một tấm gương, nơi hiệu quả gây ra trên dân chúng. Giáo huấn này không nhắm mở đường cho các cuộc tranh luận, nhưng muốn nắm lấy, lay chuyển, đưa đến một định hướng đời sống cụ thể mới mẻ (= hoán cải).   
Đức Giêsu đến để loan báo Thiên Chúa như là vị Chúa tể đích thực và về sự hiện diện chan hòa ân huệ của Ngài. Chính là với sứ điệp này mà Người đến hội đường Caphácnaum. Đây là nơi dân chúng một làng tụ họp lại để cầu nguyện và lắng nghe Lời ChúaĐức Giêsu không đến làm việc trong hoang địa như Gioan Tẩy Giả, nhưng đến hội đường. Người tháp hoạt động của Người vào trong nền phụng tự của Israel, như sứ giả của vị Thiên Chúa mà dân Israel thưa gửi với trong hội đường.
 
* Ca người bị quỷ ám (23-26)
Các cuộc trừ quỷ, và nói tổng quát, cuộc chiến đấu chống Satan, chiếm một vị trí quan trọng trong tác phẩm Mc, vừa về lượng vừa về phẩm: trong bốn bài tường thuật trong đó có hai bài với nhiều chi tiết của riêng Mc (1,21-28; 5,1-20; 8,4-30; 9,14-29), trong nhiều bản tóm tắt của riêng Mc về hoạt động của Đức Giêsu (1,34-39; 3,11-12) và cả trong đối tượng thuộc hoạt động truyền giáo của các môn đệ (3,15; 6,7.13).
So với McMt và Lc có những khác biệt đáng kể: Lc có giữ lại bài tường thuật ta đang khảo sát (Lc 4,31-37), và có một bản tóm tắt gần giống Mc (Lc 4,41 // Mc1,39); Mt không có câu chuyện trừ quỷ tại Caphácnaum. Nhưng cả hai vị, đặc biệt Mt, có khuynh hướng giảm thiểu hay loại bỏ “phương diện ma quỷ” của nhiều bài tường thuật (x. truyện Bà Canaan, Sứ mạng của Nhóm Mười Hai và nhất là truyện Chữa người động kinh). Thường truyện được chuyển từ tình trạng quỷ ám sang tình trạng đau ốm, từ việc trừ quỷ sang việc chữa bệnh. Dù sao, những con người bị hành hạ như thế vẫn liên tục xuất hiện trong phạm vi hoạt động của Đức Giêsu. Chúng ta thật khó mà hiểu được những sức mạnh khống chế con người và biến họ thành nô lệ. Các sức mạnh này được giới thiệu như là siêu nhân, phản ứng như thể chúng là con người, có một sự hiểu biết đặc biệt, ở thế đối lập với Thiên Chúa, thống trị và làm hại con người. Có những người nói rằng chúng ở trong biển; có những khác lại cho rằng chúng ở trên không trung, nhưng chẳng ai biết rõ chúng. Điều duy nhất chắc chắn, đó là người ta hoàn toàn bất lực khi đứng trước chúng.
Kẻ bị quỷ ám ở ngay trong hội đường là “nơi thánh”, mà vẫn yên hàn như sống trong nhà nó; và chỉ khi gặp “Đấng Thánh”, quỷ mới phải hét lên và đi ra. Nó ở đấy và dường như không gây vấn đề gì. Cũng không có ai gây phiền hà gì cho nó. Nhưng Đức Giêsu thấy người ấy đang ở trong quyền lực của tà thần. Đức Giêsu và tà thần giống như hai kẻ thù gặp nhau: hai bên rất ghét nhau, tìm cách lờ nhau đi, nhưng rồi lại không thể nào tránh khỏi gặp nhau.
Quỷ tỏ thái độ thù nghịch trước, vì nó cảm thấy nó yếu hơn. Nó thấy rằng “Đấng Thánh” (“Đấng mạnh / quyền thế hơn”: Mc 1,7; “người mạnh”: Mt 12,29) có khả năng tiêu diệt nó và vương quốc của nó: “Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?” (c. 24). Đức Giêsu không dùng phù chú ma thuật. Người chỉ ra lệnh: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” (c. 25). Thần ô uế vâng lời. Với lời nói hữu hiệu của Người, Người chứng tỏ quyền lực đích thực của Triều Đại Thiên Chúa mà Người loan báo; Người cho thấy rằng Thiên Chúa mới có tiếng nói cuối cùng và Thiên Chúa đang dùng quyền lực của Người để giải thoát loài người và trả lại cho họ khả năng xác định mình như là những con người tự do. Đức Giêsu đưa tự do và bình an đến không phải nhờ một thỏa hiệp với sự dữ, nhưng chỉ nhờ cách thắng vượt sự dữ. Qua cuộc chiến đấu và chiến thắng này, ta cũng thoáng thấy Đức Giêsu là ai.
 
* Về việc giảng dạy của Đức Giêsu (27-28)
Dân chúng sững sờ kinh ngạc. Họ nhận ra rằng có một vị ngôn sứ đang ở giữa họ với “giáo huấn mới, một cách có uy quyền” (c. 27 - NTT). Đó là vì lời nói củaĐức Giêsu thực hiện được điều Người diễn tả. Tác giả nhắc lại “lời giảng dạy – uy quyền” (c. 22 // c. 27) để “đóng khung” truyện trừ quỷ. Bằng cách đó, ngài vừa nói lên được hai nét chính trong sứ vụ của Đức Giêsu (giảng dạy – trừ quỷ) vừa minh họa được quyền lực giải phóng của lời Người nói. Ngoài ra, ngài cũng chuẩn bị cho sứ vụ của Đức Giêsu bằng cách ghi nhận rằng sự cố xảy ra tại Caphácnaum đã được đồn ra “khắp cả vùng lân cận miền Galilê”.
 
+ Kết luận
Vậy ít ra, đến đây, chúng ta phải nhìn nhận sử tính của những bài tường thuật về trừ quỷ: chắc chắn Đức Giêsu đã xua trừ ma quỷ. Những người đương thời đã coi Người là một vị Thầy chữa bệnh và trừ quỷ. Các câu truyện Ghêrasa và người động kinh cho thấy ấn tượng này rõ hơn. Và nhất là chính những luật sĩ đã kết án Đức Giêsu là “bắt tay” với quỷ vương… Nhưng, dường như Mc có một ý hướng sâu hơn khi trình câu truyện trừ quỷ ở đây.
 
5.- Gợi ý suy niệm
1. Trong “một ngày ở Caphácnaum” được coi như một ngày “mẫu”, Đức Giêsu giảng dạy và trừ quỷ: Thiên Chúa đang biểu lộ quyền năng để giải phóng con người. Các tông đồ cũng có mặt: những môn đệ tương lai sẽ nối tiếp Đức Giêsu giảng dạy và trừ quỷ.
2. Phong thái và các hành vi của chúng ta có cho thấy rằng chúng ta đang được hướng dẫn bên trong bởi uy quyền của Đức Giêsu chăng? Phải chăng chúng ta chỉ rút từ giáo huấn của Người ra những gì chúng ta thích, hay là quả thạt, chúng ta đang liên kết với Người bằng cách trung thành bước theo Người?
3. Chúng ta biết là có ma quỷ. Tuy nhiên, không nên nghĩ nó giống như một con quái vật. Đúng hơn nó là sức mạnh làm cho con người chúng ta hành động không đúng với nhân tính chúng ta nữa. Ta chỉ thắng được tà thần không phải bằng một thỏa hiệp và nhượng bộ, nhưng nhờ thẳng thắn chiến đấu chống lại nó nhân danh Triều ĐạiThiên Chúa: nó đã và sẽ phản ứng thô bạo, nó kháng cự, la hét. Chúng ta có tin tưởng mạnh mẽ và sống động vào Đức Giêsu chăng? Chúng ta có xác tín rằng Người vượt lên trên tất cả các sức mạnh đối kháng, và nếu kết hợp với Người, chúng ta có thể đánh bại sự dữ và các sức mạnh thù nghịch?
4. Cuộc chiến đấu được kể lại đây tượng trưng cho cuộc nổi loạn của các sức mạnh xấu xa trong chúng ta, vì chúng không muốn bị trục xuất; đây là biểu tượng của các khó khăn chúng ta gặp khi chúng ta muốn gỡ mình khỏi các tật xấu. Chúng không muốn bỏ đi. Chúng ta chịu thua hay là chúng ta biết tin tưởng vào lời của Đức Giêsu, lời vẫn vang lên mỗi ngày trong lòng các cộng đoàn của chúng ta?

Tác giả bài viết: Lm FX Vũ Phan Long, ofm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập114
  • Hôm nay17,835
  • Tháng hiện tại239,063
  • Tổng lượt truy cập35,505,344
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây