Việt Nam làm đảo nhân tạo lớn bằng 11 sân banh ở Trường Sa

Chủ nhật - 02/11/2014 21:37

Việt Nam làm đảo nhân tạo lớn bằng 11 sân banh ở Trường Sa

ĐÀI BẮC (NV) .- Không ảnh do vệ tinh của Đài Loan chụp được cho thấy Việt Nam đang hút cát đá làm đảo nhân tạo còn dữ dội hơn cả Trung Quốc, theo bản tin của báo Christian Science Monitor. Bãi đá ngầm Gạc Ma (Trung Quốc cướp của Việt Nam năm 1988) đang hiện thành đảo nhân tạo. (Hình: PhilStar)
 
Thursday, October 30, 2014 5:38:47 PM
 
image.jpeg
 

 
Bản tin của báo này ngày 23/10/2014 được báo Đài Loan Want China Times rút ngắn lại, thuật lời ông Wang Cheng-gi  một viên chức của Sở Điền Địa thuộc Bộ Nội Vụ Đài Loan, nói với nhà báo như thế trong sự sốt ruột về các diễn biến tranh chấp biển đảo trên Biển Đông.
 
“Các không ảnh vệ tinh sẽ giúp cho các bộ ngành của chính phủ (Đài Loan) biết những diễn tiến mới nhất để hiểu nước nào đang làm gì.” Ông Wang Cheng-gi nói. “Chúng tôi có thể thấy nhiều thứ mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây”.
Trên máy điện toán của ông có lưu trữ một số không ảnh có phẩm chất cao. Năm nhân viên thuộc sở của ông có bổn phận theo dõi dự án này.
Theo tờ báo trên kể lại, ông Wang Cheng-gi ngạc nhiên về các hoạt động của phía Việt Nam hiện cũng đang phát triển các bãi đá ngầm và các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa. Hà Nội cũng lấp đầy các bãi đá ngầm nông cạn và xây nhà tại một số đảo nhỏ, theo các không ảnh của Đài Loan.
“Nó rõ lắm.” Wang Cheng-gi nói như thế và ông ta cho biết một dự án san lấp của Việt Nam rộng bằng 11 sân đá banh. Tuy nhiên, không thấy ông ta hay tờ báo trên chỉ rõ nơi có đảo nhân tạo mà Việt Nam đang làm lớn bằng "11 sân đá banh" nằm ở chỗ nào, tên hiện nay của nó là gì.
“Tất cả mọi người đang nói về hoạt động của Trung Hoa lục địa, nhưng Việt Nam đang có những nỗ lực rất lớn. Năm nay họ làm (đảo nhân tạo) chỗ này nhưng năm tới có thể họ làm ở chỗ kia”. Ông nói.
Từ tháng 5-2014 đến nay, người ta thấy các nguồn thông tin quốc tế chú ý tới các hoạt động của Trung Quốc  hút cát đá lòng biển, biến 5 tới 6 bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa cướp của Việt Nam hồi năm 1988 thành đảo nhân tạo. Chính phủ Philippines cũng trưng ra một số không ảnh tố cáo Trung Quốc có các hành động không chấp nhận được ở đây.
Ngày 20/10/2014, bên lề một cuộc họp Quốc hội ở Hà nội, tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng CSVN trả lời một câu hỏi của báo chí trong nước, xác nhận rằng cả Việt Nam cũng có “xây dựng” chứ không riêng gì Trung Quốc hay nước nào khác cùng đang có tranh chấp.
“...Còn hiện nay trên biển, nói thật là các bên đều có xây dựng. Đài Loan cũng xây dựng, Philippines cũng tiến hành xây dựng đường băng, Malaysia có xây dựng. Việt Nam cũng có hoạt động xây dựng, đó là tôn tạo, nâng cấp, mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho các lực lượng đóng quân trên đảo để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, đảm bảo điều kiện sinh hoạt trên đảo. Tuy nhiên nguồn lực của ta còn có hạn nên việc xây dựng quy mô chưa lớn như Trung Quốc.”, theo báo Thanh Niên đăng tải lại lời ông Phùng Quang Thanh. (TN)
 
Trích Ba Sảm  ngày 01-11-2014
 
 
--------------------
 
 
 
VAY NỢ ĐỂ TRẢ NỢ :  BÓC NGẮN CẮN DÀI !

Việt Nam Vay Nợ Để... Trả Nợ: Bóc Ngắn Cắn Dài!
Trích TNCG ngày 31-10-2014
 
 
Bích Ngọc: (Tài chính) - Hiện Việt Nam đang phải huy động vốn để vừa phục vụ phát triển mới, vừa phục vụ cho vay đảo nợ.
 
Nhiều ý kiến lo ngại gánh nặng nợ ngày càng nặng thêm trong khi dòng tiền vay thêm lại không quay vòng vào sản xuất. Ông Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: "Vay nợ để trả nợ là biện pháp tạm thời trước mắt".
 
"Hiện nay việc vay nước ngoài khoảng 50% số nợ dài hạn còn 50% vay ở trong nước. Trong nước vay ngắn hạn nên tình trạng đảo nợ rất cần thiết", ông Bùi Đặng Dũng nói.
 
Trước lo ngại này, dù Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: việc vay đảo nợ không làm phát sinh thêm nghĩa vụ trả nợ song ông Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: rất khó để nói đến bao giờ chấm dứt việc đi vay về trả nợ.
 
Ông Bùi Đặng Dũng ví von: Cứ hình dung mỗi ngày ngủ dậy Ngân sách nhà nước thu vào khoảng gần 3.000 tỉ đồng, tuy nhiên con số chi cũng tương tự như vậy. Hiện nay tình hình ngân sách rất khó khăn mà Việt Nam đang trong quá trình phát triển nên cần rất nhiều tiền để xây dựng phát triển kinh tế xã hội.
 
Đặc biệt trước tình hình Biển Đông hiện nay Ủy ban tài chính ngân sách đã tham mưu trình ra Quốc hội chi 16.000 tỉ đồng cho việc kiểm ngư, cảnh sát biển...
 
 
Đi vay để trả nợ, nợ công càng nặng
 
Câu chuyện vay nợ không phải là bất thường đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhưng vấn đề đang được đặt ra ở đây là nợ công của Việt Nam vượt con số 80 tỉ USD, với tổng dư nợ cả năm chiếm 53,4% GDP.
 
Bà Lê Thị Công, đại biểu QH đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu lo ngại: theo kế hoạch năm 2014, số chi nợ công chiếm gần 21% tổng chi NSNN trong khi số chi thường xuyên xấp xỉ 90% tổng thu ngân sách dự toán, làm sao đủ trả nợ chưa kể chi đầu tư phát triển? Như vậy, với tình trạng vay để trả nợ thì nợ công có thực sự an toàn hay không?
 
Theo Bộ Tài chính, trong cơ cấu nợ công hiện nay, có 50% là nợ nước ngoài, vay ODA lãi suất thấp với thời hạn trả nợ còn lại là 14 -15 năm. 50% khoản còn lại là trái phiếu Chính phủ và các khoản vay khác với thời hạn ngắn (chỉ 2, 3 và 5 năm). Tính bình quân, 30% vốn huy động trong nước đang ở thời gian trả nợ từ 1- 3 năm.
 
"Đây thực sự là vấn đề hệ trọng cần phải có giải pháp cơ cấu lại. Cuối năm 2013, đầu năm 2014 Bộ Tài chính đã báo cáo Chính Phủ thực hiện các giải pháp cơ cấu này. Theo đó, Chính phủ đã thực hiện tăng dần tỷ trọng của số trái phiếu Chính phủ có thời hạn 5 năm, 10 năm và có thêm một số đợt phát hành thời hạn 15 năm. Cũng trong 5 tháng đầu năm nay, Chính phủ đã huy động được trên 150.000 tỷ nhưng thời hạn vay ngắn (1, 3, 5, 10 năm) và nghĩa vụ trả nợ sẽ “dồn cục” vào năm 2016, 2017", Bộ trưởng Bộ Tài chính diễn giải.
 
Bộ Tài chính cũng đưa ra con số nợ vay về cho vay lại của Việt Nam hiện là 6,9% GDP. Năm 2014, rút vốn của Chính phủ là 96.000 tỷ đồng và cho vay lại khoảng 60.000 tỷ. Năm 2013, dư nợ nước ngoài của Chính phủ là 760.000 tỷ, số dư cho vay lại là 266.000 tỷ.
 
Theo ông Bùi Đặng Dũng: "Trước tình hình ngân sách khó khăn như hiện nay, Ủy ban phải tăng cường giám sát các nguồn vốn đi vay. Luật ngân sách đã quy định rõ ràng là vay về chỉ dùng cho đầu tư và phát triển chứ chi cho thường xuyên hay trả lương là không được phép".
 
Tuy nhiên ông Dũng cũng hiểu một thực tế, trong hoàn cảnh "tiền vào nhà khó" thì cũng khó mà lường trước được hết khi nợ thì nhiều và dòng tiền không được quay vòng vào sản xuất sẽ rơi vào tình trạng gánh nặng nợ sẽ nặng thêm.
 
"Do vậy dù đã cảnh báo nhưng Ủy ban vẫn tăng cường giám sát để đồng vốn được sử dụng hiệu quả", ông Bùi Đặng Dũng nhấn mạnh.
 
Bích Ngọc - Nguồn: Đất Việt
______________
 
Tin bài liên quan đến NỢ CÔNG:
 
- Thủ tướng trấn an dân: Thủ tướng: 98% nợ công dành chi đầu tư phát triển (VNN). Chứ không phải Việt Nam vay nợ để… trả nợ: Bóc ngắn cắn dài! (ĐV). Mời xem lại: Việt Nam muốn vay 1 tỷ đôla để đảo nợ? (BBC). – Việt Nam phải đảo nợ, nền kinh tế nguy ngập đến mức nào? (FB NKYN). – Khi chính phủ không còn tiền để đầu tư (RFA). – Nợ công cao, lo nguồn trả (VNN). – Chính quyền CSVN nợ dân chúng sự minh bạch về nợ (NV).
 
- “Nợ công của Việt Nam đã vượt trần” (VnEconomy). – “Nợ công của Việt Nam trong giới hạn cho phép” (VTV). –
 
Ông Trương Văn Phước: “Chúng ta không vỡ nợ đâu” (StockBiz). –“Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung và dứt khoát kiểm soát nợ công” (CafeF). – Kiên quyết kiểm soát nợ công, tích cực xử lý nợ xấu (ND). – “Không mua nợ xấu bằng nợ công”(VnEconomy). – Quyết liệt xử lý nợ xấu nhưng không dùng ngân sách Nhà nước (DĐDN). –Chính phủ ưu tiên giải quyết vấn đề nợ xấu của các ngân hàng (TTXVN). – “Cần có con số chính xác về nợ xấu” (HQ).
 
- Nợ công tăng vọt: Cần một chiến lược cụ thể để trả nợ (TQ). “… các chuyên gia kinh tế cho rằng: Nợ công đã ở mức báo động và đang ‘phi nước đại’. Cần phải nhìn thẳng vào vấn đề và cần phải có một chiến lược cụ thể để trả nợ“. –
 
Việt Nam đã phải thừa nhận “nợ chính quyền địa phương” (VNTB/ TBKTSG). – VẤN ĐỀ NỢ CÔNG ĐÃ ĐƯỢC CẢNH BÁO TRƯỚC QUỐC HỘI TỪ 2010 (Tễu).
 
- Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 3: Khi tự do bị chối bỏ (TN). “Nhìn biểu đồ trên tờ The Economist, có thể thấy quy mô của Nhà nước Mỹ theo mức độ chi tiêu của chính phủ liên bang: suốt thế kỷ 19 kéo dài đến trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, trừ thời gian diễn ra nội chiến, chi tiêu của chính phủ liên bang tính trên GDP hàng năm không vượt quá mức đỉnh 3,86% của năm 1813“. Mời xem lại: Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 1: Lời cảnh báo của Thomas Jefferson — Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 2: Thành quả diệu kỳ của bản Hiến pháp tự do
 
 
-------------------------
 
 
 
Bắc Kinh 'Mắng' Hà Nội Chơi Trò Đu Dây
 
BẮC KINH (NV) .- Cùng một lúc tiếp đại diện của Bắc Kinh để cải thiện bang giao, Hà Nội lại chìa tay bám lấy Ấn Độ vì “những lợi ích ngắn hạn” như muốn “chọc tức” Trung Quốc.
Tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan tuyên truyền chính thức của Đảng Cộng Sản đả kích đảng và nhà nước CSVN như thế trong một bài bình luận hôm Thứ Sáu 31/10/2014.
 
Khi Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc đặc trách đối ngoại Dương Khiết Trì và bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh gặp nhau ngày 26/10 vừa qua tại Hà Nội, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bay sang thủ đô New Delhi của Ấn Độ ký nhiều hiệp ước từ hợp tác khai thác dầu khí Biển Đông đến an ninh quốc phòng. Trong đó, thủ tướng Ấn cam kết giải ngân nhanh khoản tín dụng $100 triệu giúp Việt Nam mua 4 tàu tuần duyên do một công ty Ấn đóng.
 
Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng CSVN Phạm Bình Minh (phải) bắt tay Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Hà Nội hôm 27/10/2014 trước ống kính với nụ cười gượng. 
 
(Hình: AP Photo/Tran Van Minh)
 
Nếu chỉ là các hiệp định thương mại song phương không đụng chạm tới Trung quốc là một chuyện khác. Hiệp định hợp tác khai thác dầu khí trong đó phía Việt Nam trao thêm cho Ấn dò tìm và khai thác một số lô mà hai lô có cái “Lưỡi Bò” vắt chéo qua ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam.
 
Việt Nam xác định các vùng biển đó hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS). Tuy vậy, Trung Quốc ngang ngược công bố bản đồ 9 đoạn kéo dài thành hình giống như “Lưỡi Bò” chiếm gần hết Biển Đông nói là biển của mình, bất chấp sự phản đối của các nước khác.
 
Các tàu tuần duyên nếu được Ấn cung cấp thì cũng là giúp Việt Nam tăng cường khả năng bảo vệ vùng biển đảo của mình hiện vẫn đang có những tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Từ khi xảy ra sự căng thẳng giữa hai nước khi Bắc Kinh kéo giàn khoan Hải Dương HD981 tới khoan tìm dầu khí ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi”, Việt Nam và Trung Quốc đã có rất nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao nhằm kéo lại mối quan hệ bị sứt mẻ trầm trọng.
 
Bài bình luận của tờ Nhân Dân Nhật Báo nói trên kể lại công lao lặn lội của phái đoàn Dương Khiết Trì đến Hà Nội đồng chủ tọa “Hội nghị lần thứ 7 của Ủy ban hợp tác Hoa Việt” với phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh.
 
Kết quả của cuộc họp là “Hai nước lập lại rằng họ vẫn duy trì mối quan hệ láng giềng hữu nghị, bằng hữu, và hợp tác cùng có lợi”, tờ Nhân Dân của Bắc Kinh viết. Cả hai đều nhấn mạnh phải thực hiện những điều cam kết của lãnh đạo hai đảng về hợp tác toàn diện từ ngoại giao, quân sự, thực thi pháp luật, văn hóa, tài chính và hạ tầng.
 
Bên trên đó, tờ Nhân Dân của Bắc Kinh nói “Việt Nam và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận cách thế nào để giải quyết tranh chấp”. Và “Họ cũng đồng ý tránh có các hành động có thể làm phức tạp thêm và trầm trọng thêm các tranh chấp” nhờ vậy mà “bảo đảm được mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam cũng như hòa bình và ổn định trên Biển Đông”.
 
“Trung Quốc và Việt Nam đã ký thỏa hiệp dựa trên các nguyên tắc căn bản hướng dẫn giải quyết các vấn đề trên biển đã có (được hai bên ký kết) từ năm 2011. Thỏa hiệp này được coi như tiến bộ tích cực trong tiến trình đàm phán giữa Trung Quốc và Việt Nam”. Tờ Nhân Dân nói trên viết.
 
Tuy nhiên báo này viết một cách khó chịu rằng “Chỉ một ngày sau khi ký thỏa thuận (với Trung Quốc ở Hà nội), công ty dầu khí quốc doanh Việt Nam lại ký một thỏa hiệp hợp tác 3 năm với Ấn Độ để dò tìm dầu khí trên Biển Đông, tảng lờ bất cứ sự chống đối của Trung Quốc. Các lô liên quan trong thỏa thuận giữa Việt Nam và Ấn Độ nằm ở khu vực tranh chấp” (với Trung Quốc).
 
Từ cái nhìn như vậy, tờ Nhân Dân Bắc Kinh đả kích rằng “Cách hành xử như thế chứng tỏ nhà cầm quyền Hà Nội đã hiểu lầm mối quan hệ với Trung Quốc và các tranh chấp Biển Đông”.
“Một mặt, Việt Nam biết rằng Trung Quốc là láng giềng trụ cột và có thể cung cấp (cho họ) những cơ hội vượt trội. Việt Nam sẽ thấy khó mà chịu nổi các hậu quả từ các xung đột xảy ra trong mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam. Cho nên, họ cần phải dựa vào Trung Quốc”.
 
Tờ Nhân Dân Bắc Kinh đe nẹt như thế và viết tiếp rằng “Mặt khác, Việt Nam lại không muốn từ bỏ các lợi ích ngắn hạn. Việt Nam là nước đầu tiên dò tìm 'trái phép' dầu khí Biển Đông và đã hưởng nhiều lợi tức từ việc khai thác.”
 
Báo này đả kích là “Việt Nam giỏi các trò dùng các nước khác để chọc tức Trung Quốc”. Từ đó đe dọa rằng “Sử dụng mánh mung là không phải cách đúng để giải quyết tranh chấp trên biển. Việt Nam nên chứng tỏ thành tín trong mối quan hệ với Trung Quốc”. Tờ Nhân Dân kết luận.
Cả Hà Nội và Bắc Kinh đều diễn giải các thỏa hiệp giữa hai bên theo cách suy nghĩ tính toán chủ quan của mình. Cho nên, cái cảnh “ông nói gà, bà nói thóc lép” là điều thường thấy trong các bài bình luận cũng như các lời tuyên bố.
 
Hà Nội muốn hóa giải phần nào áp lực quá lớn của Bắc Kinh trên Biển Đông bằng cách mở rộng mối quan hệ anh ninh quốc phòng đa phương với Mỹ, với Ấn Độ và Nhật Bản. Bởi vậy, mỗi khi có các tin tức như thế xuất hiện, báo chí Bắc Kinh đều lên tiếng đe nẹt.
Lần này, khi ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang New Delhi cầu cạnh trong khi ông phó thủ tướng ở nhà tiếp Dương Khiết Trì, Bắc Kinh không thể không lộ ra cho mọi người biết họ bực tức cái trò đu dây. (TN)
 
 

Tác giả bài viết: Thanh Thanh

Nguồn tin: Nguồn: Người Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập92
  • Hôm nay17,025
  • Tháng hiện tại330,976
  • Tổng lượt truy cập36,385,531
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây