Phía sau hào nhoáng của nghề tiếp viên hàng không

Thứ ba - 04/11/2014 18:31

Phía sau hào nhoáng của nghề tiếp viên hàng không

Người ta chỉ nhìn thấy ở nghề tiếp viên hàng không sự nhàn hạ, hào nhoáng với những cô gái xinh xắn được trang điểm kỹ, những chàng trai cao ráo lịch lãm như người mẫu, tươi cười sải những bước chân dài trong sân bay. Còn những người trong cuộc cho rằng tiếp viên hàng không là một nghề như bao nghề khác. Họ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhọc nhằn và cả sự hi sinh thầm lặng.
5 giờ 30. Chúng tôi có mặt tại trụ sở của Vietjet Air để cùng tham dự một cuộc briefing (họp an toàn bay trước chuyến bay) với tổ tiếp viên hàng không (TVHK)
Đi làm trước bình minh

mot ngay voi to bay hinh anh 1
Tổ tiếp viên trao đổi trước mỗi chuyến bay - Ảnh minh họa
Trong khi tất cả những căn phòng khác ở tòa nhà cao tầng này còn chìm trong bóng tối thì riêng căn phòng dành cho tổ bay điện sáng trưng. Rồi tiếng những bước chân vội vã, tiếng vali kéo trượt trên mặt sàn vang lên từ khu vực thang máy. Những TVHK trong trang phục trẻ trung của Vietlet Air dần xuất hiện. Gương mặt ai cũng được trang điểm với son môi màu đỏ nổi bật, rạng rỡ.

Chúng tôi sẽ đi cùng chuyến bay với tổ tiếp viên 4 người do Ngọc Thủy (28 tuổi) làm tiếp viên trưởng. NữTVHK Bình An (23 tuổi) cho biết cô phải dậy từ lúc 4g sáng vì nhà ở tận huyện Bình Chánh! Còn Song Ngân (25 tuổi), nhà ở tận bến xe miền Tây nên suốt ba năm nay kể từ khi vào nghề, ngày nào Ngân cũng thức dậy từ lúc 3g30.

 
Đúng 5g10. Sau khi kiểm tra các bằng cấp chứng chỉ của từng tiếp viên, tiếp viên trưởng Ngọc Thủy bắt đầu triển khai thông tin chuyến bay (đều bằng tiếng Anh): "Hôm nay mình sẽ bay với nhau 4 chặng. Mình bay tàu 666. Hiện tàu đang đậu ở bãi 37. Số khách tôi nhận được là 160,175,180 và 182. Cơ trưởng là Josue Mequias. Cơ phó là Miguel Angel. Chúng ta sẽ bay Sài Gòn - Huế, Huế - Sài Gòn sau đó bay Sài Gòn - Hà Nội và Hà Nội - Sài Gòn. Giờ cất cánh là 6g45, hạ cánh chuyến cuối lúc 22g50.
 
Phân công nhiệm vụ hôm nay: Thu Thủy B4, Bình An B3, Ngân B2. Hôm nay chuyến bay của mình sẽ có 14 pre-book meal, là phái đoàn phóng viên của Thái. Có cái có nuớc dừa. Đặc biệt có một nguời ăn chay. Chuyến đầu tiên đi Sài Gòn - Huế sẽ có phóng viên đi theo. Sài Gòn - Huế không bán phở, hủ tiếu, mì gói. Sài Gòn - Hà Nội bán bình thường theo quy trình".
 
Phần "căng thẳng” nhất trong cuộc họp trước mỗi chuyến bay là khi ôn lại an toàn bay. Nếu tiếp viên nào không trả lời được trôi chảy tình huống tiếp viên truởng đưa ra trong phần kiểm tra kiến thức an toàn bay, người đó sẽ phải ở lại mặt đất!
 
5g20. Kết thúc phần kiểm tra kiến thức an toàn bay, cả tổ bay làm việc với cơ trưởng và cơ phó. Tất cả chỉ diễn ra trong 15 phút. 5g25. Kết thúc cuộc họp briefing, tổ bay chào các đồng nghiệp rồi nhanh chóng ra xe di chuyển đến sân bay. Tổ bay phải ra máy bay trước giờ cất cánh 30 phút đề kiểm tra các trang thiết bị (hệ thống chữa cháy, hộp cứu thuơng...), kiểm tra đèn và ghế (nếu bị hư hỏng phải liên hệ bộ phận kỹ thuật đến sửa ngay lập tức), chuẩn bị suất ăn, nuớc, khăn...

Việc thường ngày trên trời
 
mot ngay voi to bay hinh anh 2
 Tiếp viên hàng không bán đồ ăn và lưu niệm cho hành khách - Ảnh minh họa
6g. Tất cả các khâu vừa hoàn tất cũng là lúc người khách đầu tiên buớc lên máy bay. Cảnh nhốn nháo, lộn xộn ở trong máy bay khi hàng trăm khách chen chúc tìm chỗ cất hành lý là hình ảnh quá quen thuộc với các TVHK. Những cô gái mảnh mai nhanh chóng giúp khách đẩy hành lý lên cabin trong không gian chật hẹp của máy bay. Rồi lại đi kiểm tra từng dãy ghế, từng hành khách xem đã cài dây an toàn chưa, nhắc nhở khách tắt điện thoại, dựng thẳng lưng ghế...

6g15. Sau khi đã ổn định xong, tiếp viên trưởng Ngọc Thủy khẩn trương đọc bài welcome (chào mừng khách). Từ lúc máy bay lăn bánh đến lúc cất cánh chỉ có 10-15 phút, tùy theo đường lăn ra dài hay ngắn. Nếu đuờng băng ngắn, tiếp viên trưởng phải làm nhanh phần đón chào khách và biểu diễn demo (an toàn bay). Trung bình trong bốn phút tổ tiếp viên phải hoàn thành phần biểu diễn demo trước khi cất cánh. Khi máy bay di chuyển hết đuờng lăn, ra tới đoạn cất cánh, tổ tiếp viên phải xong hết mọi thứ để tiếp viên truởng báo cáo cơ trưởng xin lệnh cất cánh từ kiểm soát viên không lưu.

 
6g45. Máy bay cất cánh. Bán đồ ăn lần thứ nhất xong, tổ tiếp viên tiếp tục bán hàng lưu niệm. Kết thúc hai lần bán hàng, tiếp viên dọn dẹp nhà bếp, đếm lại số hàng hóa đã bán. Rồi cứ 15 phút, họ lại đi kiểm tra khách có tuân thủ các quy định về an toàn bay hay không và cũng là để kịp thời phát hiện hành khách có vấn đề về sức khỏe.
 

7g45. Khi chúng tôi vào khu vục bếp (thật ra là một khoảng không nhỏ hẹp đựng các hộc chứa đồ ăn), tiếp viên Thu Thủy đang tranh thủ ăn sáng. Thủy cho biết cô đang nhờ đồng nghiệp trực trong cabin giúp nên phải tranh thủ ăn nhanh. Hoàn tất bữa sáng trong vòng mấy phút, Thu Thủy cẩn thận kiểm tra lại son môi và giặm thêm một lần son.Tiếp viên không đuợc phép để màu son môi nhạt.

 
8g10. Máy bay hạ cánh xuống sân bay Phú Bài (Huế). Sau khi vị khách cuối cùng rời khỏi máy bay, vì sẽ bay tiếp về TP.HCM (8g40) nên tổ tiếp viên ở lại máy bay. Không có thời gian nghỉ ngơi, họ chỉ có 30 phút để dọn dẹp vệ sinh toàn bộ khoang máy bay; kiểm tra lại đèn, ghế, các trang thiết bị khác rồi nhận và kiểm tra số luợng suất ăn cho chuyến bay sau. Tất cả nhịp nhàng và cứ răm rắp theo một quy trình đã tính sẵn bằng phút.

"Anh muốn xuống máy bay bây giờ, có được không?"

 
Chuyến bay VJ 8689 dự kiến khởi hành lúc 18g10 ngày 5-9-2014 từ sân bay Nội Bài và sẽ đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc 20g15. Nhưng do sáng nay máy bay từ Phú Quốc về trễ nên tất cả chuyến bay sau đều bị delay. VJ 8689 không ngoại lệ. Mãi đến 19g45 hành khách mới lên máy bay. Lần này là tổ bay khác do Bảo Trúc làm tiếp viên trưởng.
 
Vì sân bay Nội Bài đang có công trình xây dựng nên máy bay VJ 8689 lại tiếp tục đợi hơn 15 phút mới cất cánh. Nguyên nhân do một đường băng đang sửa, chỉ có một đường vừa cất cánh vừa hạ cánh. Các tiếp viên lại tươi cười, đọc loa phát thanh xin lỗi và mong khách thông cảm. Có lẽ ít ai biết đây là chuyến bay thứ ba trong ngày cùa tổ tiếp viên, và khi máy bay bị delay họ cũng rất mệt mỏi. Nhưng tất cả vẫn ráng tươi cười, niềm nở phục vụ khách.
 
Bảo Trúc kể mới chuyến bay trước đó một ngày, từ Đà Nẵng đi Hà Nội, sau khi đóng cửa an toàn, đang đi kiểm tra, một hành khách nam bỗng hỏi Trúc: "Bây giờ anh xuống máy bay được không? Đợi lâu quá anh không muốn đi nữa". Trúc thoáng bất ngờ rồi nhỏ nhẹ thuyết phục: "Nếu như anh lấy lý do này và vẫn muốn xuống máy bay thì em sẽ xin lệnh cơ truởng nhưng tất cả chi phí anh phải bồi thường lại cho Vietjet. Và nếu anh đưa ra lý do này, em nghĩ tất cả khách ở đây không ai đồng ý. Không thể chỉ vì một mình anh mà mọi nguời phải trễ thêm 1-2 giờ nữa. Vì khi khách xuống máy bay một lần nữa tụi em phải nhờ lực luợng an ninh kiểm tra lại an ninh trên toàn bộ hành lý và toàn bộ máy bay.
Theo quy định của các hãng hàng không: khi hành khách đã lên máy bay mà có hành lý, buộc phải kiểm tra lại hành lý và đưa hành lý xuống cùng với hành khách, Anh hiểu giùm tụi em". Nghe tiếp viên trưởng nhỏ nhẹ giải thích, vị hành khách mới thay đổi ý định.
 

22g. Máy bay tiếp đất nhưng phải đến 15 phút mới vào đến khu vực bãi đỗ do lượng máy bay cất hạ cánh nhiều. Sau khi dọn dẹp vệ sinh máy bay (trong bảy phút), cả tổ bay lên xe về công ty.

22g45. Họ lại họp để báo cáo về đoàn tiếp viên.
 

Đột nhập bên trong lò đào tạo tiếp viên hàng không

06:59 04-11-2014
Chúng tôi có mặt taị trung tâm huấn luyện bay – nơi cho ra lò những tiếp viên hàng không (TVHK) tương lai – trong một ngày cuối tháng 10-2014. Trung tâm tọa lạc trên một khuôn viên rộng lớn ở đường Hồng Hà (Q.Tân Bình, TP.HCM).

Học cách… cười

“Trung tâm có rất nhiều phòng học. Mỗi phòng là một môn khác nhau: phòng học chuyên dụng phục vụ A330Y, phòng học chuyên dụng phục vụ B777, phòng học trang điểm – trang phục, phòng học an toàn bay… Điều rất thú vị là hầu như các phòng học ở đây đều mô phỏng không gian bên trong khoang máy bay.

Trung tâm huấn luyện bay còn có hẳn một khu vực rộng lớn, nơi chứa các mô hình như thật của máy bay Boeing 777, ATR 72, Airbus 320, F70… Đó chính là nơi để học viên thực hành chữa cháy, sơ cấp cứu, trượt cầu phao trong tình huống khẩn cấp phải rời máy bay…
Học viên đến đây sẽ được dạy về Luật Hàng không, cách vận hành máy bay, cách phục vụ khách hàng, trang điểm – ăn mặc, an toàn bay, an ninh hàng không, dịch vụ khách hàng, hàng hóa nguy hiểm, kỹ năng bơi, nhảy cầu phao và cả y tế hàng không. Mỗi dòng máy bay lại phải học cách sử dụng các trang thiết bi trên máy bay đó. Toàn bộ tài liệu học hoàn toàn bằng tiếng Anh…

Chúng tôi được tham dự một buổi học tại phòng học trang điểm – trang phục của trung tâm huấn luyện bay. Phòng học sáng loáng với đèn, những tấm gương khổng lồ được ốp cả bốn bức tường. Lớp học gồm có 23 thành viên. Tất cả đều khoác trên mình bộ trang phục TVHK của Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines: Nữ áo dài đỏ booc-đô duyên dáng, sang trọng. Nam áo sơ-mi trắng, cà vạt đỏ, quần tây đen, và giày tây đen rất gọn gàng, lịch lãm.

Hôm nay, học viên được ba giáo viên xinh đẹp Thu Hằng, Phạm Thùy  Dương, Nguyễn Phương Hiếu – cũng là các tiếp viên trưởng, tiếp viên phó của Vietnam Airlines – dạy bài “Xây dựng hình ảnh”. Học viên được học rất kỹ, tỉ mỉ về tác phong, phong thái của một TVHK, từ cách cười, cách cúi chào khách, cách để hai tay như thế nào, biểu cảm của gương mặt, cử chỉ của mắt, cách đưa bàn tay ra hướng dẫn khách, cách di chuyển trên máy bay, tư thế nhặt đồ rơi, tư thế ngồi xuống giao tiếp với khách, khoảng cách giữa tiếp viên với khách….
Ảnh: Để trở thành TVHK các học viên thực sự phải khổ luyện
Thú vị nhất có lẽ là phần học cách cười của TVHK: Giáo viên Thu Hằng giới thiệu ba kiểu cười: Cười mỉm, cười tươi, cười với ánh mắt. Chị cho biết: “Cười tươi là cười hở từ 8-16 chiếc răng. Còn cười với ánh mắt là nụ cười tươi kết hợp với ánh mắt tươi, ánh mắt có hồn và không được hở lợi”.
Sau phần lý thuyết rất ngắn gọn, các học viên được thực hành ngay. Họ quay về phía tường, nhìn mình trong gương rồi được yêu cầu… nhắm mắt lại. Khi nghe thấy tiếng vỗ tay của giáo viên, 23 học viên liền thực hành lần lượt ba kiểu cười trong sự kiểm tra, giám sát của ba giáo viên.

Sau đó, các học viên được giới thiệu ba kiểu chào ứng với ba kiểu cười: chào gập người một góc 15 độ, 30 độ và 45 độ.

“Trước đó, tôi không nghĩ làm TVHK lại phải học nhiều như vậy. Cứ nghĩ chỉ cần mặc đẹp, trang điểm đẹp, cười nói phục vụ khách là được” – Hồng Hạnh, TVHK của Hãng Jetstar, nói. Cô nhớ lại: “Lần đầu tiên tiếp xúc với các khái niệm hàng không, tôi căng thẳng lắm vì… rất khó hiểu. Mà yêu cầu là phải vượt qua tất cả các môn mới được cấp chứng chỉ đi bay. Hồi đó chúng tôi được đào tạo trong ba tháng, kể cả học, thực tập. Học cuốn chiếu. Học xong là thi. Mỗi môn có chứng chỉ riêng. Chỉ cần rớt một môn là bị loại nên căng thẳng lắm. Ai cũng sợ rớt. Học từ sáng đến trưa về nghỉ được một tiếng, đúng 1h chiều vô học lại, đến 5h mới xong. Tối về ôn bài, mai thi”.

Nhiều TVHK cho biết môn “đáng sợ” nhất là an toàn bay. Đây là môn học rất quan trọng với nhiều nội dung như: học vị trí các thiết bị trên máy bay và cách sử dụng; cách giao tiếp với cơ trưởng, cơ phó khi có tình huống khẩn cấp; cách nhận biết khi cơ trưởng, cơ phó đọc khẩu lệnh, phải biết khẩu lệnh đó là tình huống gì, phải xử lý như thế nào; cách thoát hiểm lúc khẩn cấp; các tình huống xảy ra khi đang bay, cách sơ cứu các bệnh thông thường hay gặp, cách hỗ trợ các bác sĩ dưới mặt đất cấp cứu khi máy bay vừa hạ cánh…
Tiếp viên trưởng của Vietjet Air Nguyễn Trần Anh Thư cho biết: “Chúng tôi phải học rất nhiều, các thiết bị lại rất nhỏ và nhiều cái na ná nhau nên dễ nhầm lẫn lắm. Tài liệu dày gần 10cm, học trong vòng 15 ngày. Cứ hôm nay học, hôm sau kiểm tra nên rất căng thẳng và áp lực. Ăn cơm chiều xong ai cũng ôm sách học. Hồi ấy học TVHK thấy còn căng thẳng hơn cả thi đại học”.
 Ảnh: TVHK hãng hàng không VIetNam Airlines

Trần Ngọc Thiên An (23 tuổi, TP.HCM) cho biết: “Thật sự đây là môn thử thách học viên. Tất cả các trang thiết bị có trên máy bay đều phải học cách nhận dạng, cách vận hành. Học lý thuyết xong là thi ngay dù chưa lên máy bay cũng phải hình dung. Thầy hỏi cái nào phải biết cái đó. Môn này khó vì học về rất nhiều trang thiết bị chuyên ngành. Tôi phải đọc thêm sách. Thứ bảy, chủ nhật được nghỉ nhưng chẳng ai dám nghỉ, cứ cắm mặt vào sách. Đứa nào cũng học ngày học đêm. Học tới sáng. Học đến sụt cả cân”. Đến cuối khóa học, học viên mới được lên máy bay thực hành. Mà thực hành vào buổi tối, lúc 20g vì lúc này mới có máy bay “nghỉ”.

Chị Hoàng Thu Nga (đoàn phó đoàn tiếp viên Vietjet Air) cho biết: “Học viên sẽ được đào tạo dưới mặt đất trong hai tháng rồi lên máy bay huấn luyện trên không (thực tập) khoảng một tháng sẽ được bay chính thức. Môn an toàn bay khó nhất và là môn học rất quan trọng. Giáo viên dạy rất kỹ môn này. Nhiều học viên sợ môn an toàn bay vì kiến thức chuyên môn phức tạp, khó hiểu, từ ngữ chuyên ngành nhiều mà lại giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Tuy khó khăn như vậy nhưng học viên chỉ được thi lại một lần. Nếu thi lần hai mà không qua sẽ phải dừng khóa học.

Sau khi thực hành trượt cầu phao ba lần, học viên sẽ kết thúc khóa huấn luyện. Học viên qua hết tất cả các môn mới được báo số (dạng như mã số nhân viên). Họ sẽ đi bay thực tập 20 chuyến rồi được bay chính thức.

Kỳ tới : Phía sau nụ cười….

 

Khóc vì học

Đó là câu chuyện của những người được đào tạo tại VN. Với những TVHK làm cho các hãng hàng không quốc tế, quá trình học có rất nhiều nỗi cơ cực không thể sẻ chia.

Phương Thanh (TVHK một hãng Quốc tế) cho biết: “Ba tháng huấn luyện thực sự vô cùng vất vả đối với chúng tôi, không chỉ là những bài kiểm tra kỹ thuật và thao tác an toàn gay gắt đến nỗi 9 điểm cũng bị đánh rớt, mà còn là áp lực về mặt tinh thần. Có lần khi đang tập gắp thức ăn, tôi vô tình làm rơi một lát chanh, ngay lập tức tiếp viên huấn luyện mỉa mai: Tôi biết mà, người VN nào cũng ẩu tả như vậy phải không? Mình vừa buồn vừa ức mà tối về chỉ biết trùm mền nằm khóc, vì nếu tự ý bỏ về sẽ phải đền tiền 5.000 USD”. Cuối cùng, kết thúc được khóa huấn luyện của Thanh, chỉ có 50% học viên trụ được để trở thành TVHK chính thức.

Trước khi là tiếp viên trưởng của Vietjet Air, Bảo Trúc từng làm việc cho hãng hàng không Eva Air (Đài Loan) từ tháng 9-2004. Cô được đào tạo trong 8 tuần ở Đài Loan. Đó là 8 tuần không thể nào quên với Trúc bởi như cô nói “học quá kinh khủng”. Trúc bảo: “Chỉ học thôi mà rất cực. Ai cũng khóc. Trong 8 tuần chúng tôi phải thuộc hết mô hình máy bay Boeing 747. Đây là một loại máy bay rất lớn. Mà Boeing có 2 loại: một loại chỉ chuyên chở khách và một loại có thêm kho chứa hàng. Thi ba lần rớt là hôm sau về nước. Chưa tới mình về nhưng thấy người ta về tôi cũng khóc. Khóa của tôi 25 người VN. Học xong chỉ còn 16 người”.

 
 

Tác giả bài viết: Theo My Lăng – Minh Phượng

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập94
  • Hôm nay13,251
  • Tháng hiện tại283,220
  • Tổng lượt truy cập35,549,501
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây