Sân bay Long Thành và câu chuyện ngón tay của Sa Hoàng

Thứ sáu - 31/10/2014 04:40

Sân bay Long Thành và câu chuyện ngón tay của Sa Hoàng

“Sân bay Long Thành” có lẽ là công trình trên giấy tốn... giấy in báo nhất năm 2014 này. Mặc dù nó chưa được thông qua, nhưng đã có hàng nghìn bài báo phải viết về cái sân bay vẫn còn trong tưởng tượng này.
 

1. Một luật sư làm việc cho một hãng luật lớn tại Anh (không tiện tiết lộ tên vì ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh) có văn phòng tại Bangkok, chuyên nghề đại diện mua máy bay cho các hãng hàng không châu Á, từng gõ nhầm số 4 và số 7 trong số tài khoản của khách. Hai số này khi viết tay khá giống nhau. Có thể anh ta đã gõ từ một bản viết tay nào đó.

Tuyến đường sắt nối giữa Moscow và St.Peterburg thời Sa Hoàng Nicolas I.

Bạn có thể tưởng tượng được rằng một lần chuyển khoản trong những hợp đồng mua bán máy bay thì có thể có bao nhiêu tiền. Phúc đức cho chàng luật sư là cái tài khoản mà sau đó tiền được chuyển đến, không có thật, và tiền được gửi ngược trở lại. Nếu đó là một tài khoản có thật, thì việc đòi lại vài trăm triệu USD không biết sẽ tốn công sức đến đâu và sự nghiệp của một luật sư quốc tế có thể đi đời.

Ở Nga, người ta có một truyền thuyết về “Ngón tay của Sa Hoàng”. Số là Sa Hoàng Nicolas I có ý định xây một đường sắt nối giữa Moscow và St.Peterburg – tuyến đường sắt sẽ trở thành huyết mạch của đất nước thời bấy giờ. Ông lấy bản đồ, đặt thước kẻ và vẽ một đường thẳng, rồi đưa cho quần thần thực thi. Không ai dám hỏi lại câu nào, vì lời của Sa Hoàng chính là luật lệ. Đến lúc xây xong, người ta mới ngỡ ngàng vì cả đoạn đường sắt thẳng tắp bỗng nhiên lại có một đoạn cong ở giữa. Họ rỉ tai nhau: Đấy là ngón tay cái của Sa Hoàng, thò ra lúc ông đặt thước kẻ, ông đi vòng bút qua và rốt cục nó trở thành... đường sắt.

Ngón tay của Sa Hoàng chỉ là một hình ảnh cho những nhầm lẫn nhỏ có thể gây tác hại không tưởng, nếu người đưa ra quyết định đang phụ trách một “dự án” vĩ mô. Người ta hay kể chuyện vui rằng nếu một nguyên thủ của một nước có vũ khí nguyên tử trong tay mà ra lệnh cho cấp dưới mang bữa trưa lên cho ông ta, nếu nói ngọng tiếng Anh, từ “lunch” (bữa trưa) có thể nhầm thành “launch” (phóng) và thế là... phóng.
Và người ta cũng có quyền đặt câu hỏi rằng ngay cả tên đối tác cũng nhớ không chính xác, thì những nhà đầu tư bằng ngân sách của Việt Nam có thể... nhầm những gì, và liệu câu chuyện về “Ngón tay của Sa Hoàng” có thực sự chỉ là một truyền thuyết?

2. Tối 22.10, bộ Giao thông vận tải phát đi thông cáo khẳng định họ không biết “APDi” là công ty nào, dù trước đó, chính lãnh đạo Bộ này khẳng định rằng có công ty APDi của Pháp đang cam kết tài trợ số vốn 2 tỷ USD cho sân bay Long Thành. Thậm chí, trong tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cái công ty “APDi” này cũng xuất hiện.

Rốt cục thì theo nguồn tin của báo Thanh Niên, công ty của Pháp tên là APDM, đã từng bày tỏ mong muốn tham gia vào dự án sây bay Long Thành, và cái gọi là “công ty APDi” thật ra là một... lỗi in ấn. 


Hóa ra là nhầm lẫn giữa chữ “i” và chữ “M”, chỉ là một lỗi in ấn nhỏ thôi mà. Đây là lần thứ hai trong vòng một tuần lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải nhầm lẫn về nhà đầu tư cam kết cung cấp tín dụng để xây sân bay Long Thành. Lần trước, thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu đã phải có thư xin lỗi ngài Fukada Hiroshi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản vì “nhầm”, nói Nhật đã cam kết cho Việt Nam vay 2 tỷ USD xây sân bay Long Thành.

Chàng luật sư Vương quốc Anh kể trên tâm sự với tác giả rằng anh đang... yêu. Anh yêu một cô gái ở Hà Nội và ngày đêm mong ngóng đến cuối tuần để bay từ Bangkok về gặp cô. Anh không thể tập trung làm việc được. Không biết tâm trạng của ông Thứ tưởng Bộ Giao thông - Vận tải là gì trong trường hợp này, để ông nhầm lẫn liên tục trong vòng một tuần. Mà nhầm với 2 tỷ USD.

3. Những “ngón tay của Sa Hoàng” thế kỷ 21 có thể sẽ không đến mức khiến người ta đổ công của ra để xây đường sắt theo hình... ngón tay. Thời mông muội ấy đã qua rồi. Nhưng nó khiến cho niềm tin bị lung lay.

Sân bay Long Thành

Dự án sây bay Long Thành từ khi còn nằm trên giấy đã tiêu tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí Việt Nam. Có những tờ báo, kiểm lại, đã có tới hơn 40 bài viết về “sân bay Long Thành” trong vòng hơn một năm qua. Hàng nghìn bài viết, phản đối có, ủng hộ có, nhưng tựu chung lại, sau những “lỗi in ấn”, “nói nhầm” như đã kể, thì bây giờ chỉ còn sự hoài nghi.

Rốt cục thì cứ tưởng tượng rằng Bộ Giao thông - Vận tải đang đóng vai một nhà thuyết khách, cố gắng thuyết phục Quốc hội và nhân dân chi ra hơn 18 tỷ USD để xây một cái sân bay. Nhưng vị thuyết khách lại lắp bắp, nói năng lung tung. Cho dù cái dự án ấy có thực sự cần thiết, cho dù các chuyên gia đầu ngành có khẳng định rằng không thể trông vào Tân Sơn Nhất được nữa mà phải xây sân bay mới thôi, thì dư luận cũng không thể nào tin được nữa.

Chàng luật sư chỉ bị lãnh đạo hãng luật khiển trách. Nhưng câu nói nhầm của Thứ trưởng thì đã khiến phía Nhật Bản không hài lòng, hay nói một cách khác là ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao: Không phật lòng sao được khi chỉ một câu nói ấy thôi, chỉ vài tiếng đồng hồ sau người ta thấy tin “Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam 2 tỷ USD xây sân bay” khắp các mặt báo lớn nhỏ trên khắp thế giới.

Và người ta cũng có quyền đặt câu hỏi rằng ngay cả tên đối tác cũng nhớ không chính xác, thì những nhà đầu tư bằng ngân sách của Việt Nam có thể... nhầm những gì, và liệu câu chuyện về “Ngón tay của Sa Hoàng” có thực sự chỉ là một truyền thuyết?

Tác giả bài viết: Thanh Nguyen

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập208
  • Hôm nay16,754
  • Tháng hiện tại286,651
  • Tổng lượt truy cập36,341,206
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây