Ngày và đêm nơi cổ thành Varanasi

Thứ năm - 06/11/2014 18:13

Ngày và đêm nơi cổ thành Varanasi

Đi qua các địa danh du lịch xứ Ấn, cổ thành Varanasi là nơi hội tụ những tinh hoa của lịch sử, văn hóa, tôn giáo, lối sống… cả những rộn ràng, bon chen, đến tĩnh tại, huyền bí hòa quyện vào nhau, hình thành nên một bức tranh đa sắc, thực thực – hư hư giữa nhịp đời sôi động.
Đăng Bởi  - 09:05 06-11-2014
Ngày và đêm nơi cổ thành Varanasi
 
Với người Hindu giáo Ấn Độ, dòng sông Hằng chảy qua thành cổ Varanasi mang một sức hấp dẫn mãnh liệt, cuộn chảy những huyền thoại, được người Hindu giáo gọi đó là sông mẹ với ao ước ít nhất một lần trong đời người phải được đắm cả tâm hồn và thân xác trong làn nước dịu mát ấy. Hòa trong nhịp bước của hơn 60.000 du khách đến Varanasi mỗi ngày, tôi cũng tìm được cho mình những giây phút trải nghiệm thú vị cùng đời sống đậm sắc màu văn hóa cùng người dân bản địa.
 

Bình minh trên sông Hằng

Varanasi là thành cổ từng được văn hào Mark Twain ví von cổ xưa hơn cả lịch sử, bởi ngày đêm in đậm các nghi thức tôn giáo, cúng tế từ hơn 3.000 năm qua vẫn không hề thay đổi. Từ lúc bình minh còn là một ửng đỏ phía trời đông, đồng hồ chỉ chưa đến 5 giờ sáng, tiếng bước chân đã rầm rập khắp mọi ngả ở thành cổ Varanasi của đủ mọi giới, mọi tầng lớp trong xã hội, chen lẫn trong đó là cả những lữ khách phương xa cùng hướng về một đích đến duy nhất, đó là sông Hằng.Sống nơi thành cổ, tôi cũng quen dần với việc dậy sớm, tham gia cùng tín đồ Hindu giáo vào những hoạt động thường nhật của họ, với mong muốn khám phá thêm những huyền thoại gắn với dòng sông Hằng linh thiêng. Con đường chính dẫn tôi xuống Dasahwamedh Ghat, một bến sông lớn nhất trong tất cả các Ghat của sông Hằng đoạn chảy qua thành cổ Varanasi, nơi nhiều phụ nữ bán vật phẩm cúng tế phục vụ cho nghi thức đón chào thần mặt trời lên ở bờ Đông sông Hằng. Lúc ấy, ở bến sông đã thấy những vị đạo sĩ đang tĩnh tâm thiền định, những tín đồ của Hindu giáo cạo râu tóc, vội vã chuẩn bị phần nghi thức quan trọng đón chào ngày mới.

 

Tôi chọn thuê một chiếc thuyền xuôi về hướng Bắc, để có một cái nhìn toàn cảnh hơn về sông Hằng lúc bình minh lên, đang nhộn nhịp với các tín đồ Hindu giáo đắm mình trong làn nước sớm mai. Hoạt động này là mối gắn kết gần như không thể tách rời giữa những tín đồ Hindu giáo và dòng sông mẹ, giữa thực tại đời thường và niềm tin tôn giáo mãnh liệt.

Anh bạn Sumit, một người Hindu giáo sinh ra và lớn lên ở thành cổ Varanasi, chia sẻ với tôi rằng: “Thời thơ ấu, chúng tôi có rất nhiều kỉ niệm với dòng sông Hằng. Chúng tôi thường gọi đó là những ngày vàng của tuổi thơ, mỗi sáng sớm, chúng tôi thức dậy, tìm đến nhà bạn bè, cùng rủ nhau ra bờ sông. Thật sự khi còn nhỏ, chẳng ai muốn dậy sớm vào buổi sáng, nhưng chúng tôi rất thích được trầm mình dưới dòng sông Hằng, nên ai cũng hăm hở dậy từ 4 giờ sáng đi thẳng ra bến sông, thoải mái tắm gội hàng giờ đồng hồ và bơi cả sang bờ bên kia. Khi trưởng thành, chúng tôi được giáo dục và hiểu được sự linh thiêng của dòng sông. Là người Hindu giáo, chúng tôi tin rằng, dòng nước sông Hằng mang nhiều giá trị tinh thần và có thể chữa được các bệnh tật. Vì thế chúng tôi luôn bày tỏ lòng tôn thờ với dòng sông linh thiêng”.

Mặt trời ló dạng, hàng nghìn con người lập tức hướng về phía Đông cầu nguyện, nghi lễ chào mặt trời rộn ràng cùng tiếng chuông ngân vang đang diễn ra trước những tòa lâu đài cổ đưa Varanasi vào một ngày mới.

Tôi bất chợt gặp những Phật tử đến từ Việt Nam trên con thuyền ngược hướng, với điểm dễ nhận trên trang phục là chiếc khăn mỏ quạ từ các cụ già, cùng với sắc vàng của tăng y. Phút hạnh ngộ thoáng qua ấy gợi nhớ đến câu chuyện tháp Xá Lợi ở thánh tích Vườn Lộc Uyển mà tôi đã đi qua trước khi đến Varanasi. Lịch sử ghi lại rằng: Tháp Xá Lợi ở Vườn Lộc Uyển chính là nơi chứa 1/8 Xá Lợi Phật sau khi làm lễ trà tì được đem về an trí. Nhưng đến năm 1794, do thiếu vật liệu khi xây thành Jagatguni, người ta đã phá tòa tháp này để lấy gạch đá, và tìm thấy một hộp đá đựng tro cốt đức Phật, sau đó theo nghi thức Hindu giáo, số tro cốt này được rải xuống sông Hằng, và từ đó dòng sông Hằng linh thiêng cũng mang trong mình xá lợi của Phật. Vì vậy, dòng sông Hằng nơi thành cổ Varanasi cũng được những Phật tử khắp nơi tìm về chiêm bái.

Lang thang phố cổ

Lịch sử của thành cổ Varanasi được ghi nhận khoảng 1200 năm trước CN nhưng rõ ràng nhất là từ thế kỉ thứ 8 sau CN với tên gọi Varanasi hay Kasha hoặc Benares, do Shakarac-harya - một tín đồ Hindu giáo xây dựng nên thành phố để tỏ lòng kính trọng thần Shiva, vị thần thiêng liêng trong tôn giáo Ấn Độ.

Khi lang thang vào khu phố cổ Varanasi, ấn tượng đầu tiên chính là khu chợ rất đặc biệt, chỉ chuyên bán sữa. Chẳng ai biết được chợ này đã hình thành từ bao lâu, chỉ biết những người đàn ông trong gia đình nhiều đời này tập trung ở đây mỗi khi sữa được vắt đầy những chiếc thùng nhôm của họ. Trước khi có kim loại, người ta dùng bình gốm để chuyển sữa ra chợ. Chỉ có cánh đàn ông tham gia bán sữa, cách kiểm tra sữa của họ cũng hết sức kỳ lạ, sữa được đổ vào vốc tay, sau đó được nếm để thẩm mùi – vị, và nếu sữa đạt chất lượng, việc ngã giá mua bán diễn ra ngay sau đó.

 

Ở các ngả đường, không biết bao lần tôi nhìn thấy những chú bò lang thang và được người qua đường kính cẩn nhường lối. Đây là một nét văn hóa quen thuộc trong đời sống cư dân thành cổ Varanasi, bởi với người Hindu giáo, bò thần Nandin là vật cưỡi của thần Shiva cao cả, nên họ không chỉ tôn trọng bò mà còn thường xuyên cung cấp thức ăn cho chúng.

 

Ngoài sông Hằng tấp nập bao nhiêu thì những con hẻm nhỏ lại thường vắng vẻ, đem lại một nét đặc trưng của Varanasi, nơi những căn nhà cổ có tuổi đời không dưới 3 thế kỉ vẫn tồn tại. Đi trong cổ thành, cứ như đang đọc cuốn sách lịch sử được kể bằng kiến trúc và điêu khắc trên những mái nhà, những tầng tháp kiêu hãnh vươn thẳng lên trời cao – một lối trang trí phổ biến của thế kỉ 17,18 ở Varanasi.

Len lỏi trong phố cổ, khi mỏi gối, sẽ thật thú vị để khám phá phong vị ẩm thực đặc trưng kiểu Ấn ở những quán ăn ven đường. Những người bán hàng sẽ nhanh nhẹn giới thiệu món ăn, và món tôi khoái khẩu nhất chính là pudi chapatti - một loại bánh tiêu dùng chung với nước sốt nấu từ đậu hà lan, khoai tây, cùng các các loại hương liệu đặc trưng của Ấn như quế, hồi, thảo quả...

 

Thêm một cách cảm nhận Varanasi gần gũi hơn là chọn những chiếc xe đạp 3 bánh được người bản địa gọi là Richshaw để chầm chậm thả mình vào dòng người bận rộn của thành cổ khi chiều về. Ở Varanasi, bên cạnh xe môtô 3 bánh thì số lượng Richshaw phải tính đến hàng triệu.

Lễ cúng dòng sông mẹ

Trong thời gian ở Varanasi, những người bản địa cho biết, 7 giờ tối hàng ngày sẽ có một lễ cúng quan trọng gọi là ganga aarti, có nghĩa là lễ cúng mẹ sông Hằng, diễn ra ngay tại bến sông chính ở Dashawamedh Ghat.

Tôi chen chân theo cư dân thành cổ Varanasi đổ về bến sông, những du khách cũng thuê thuyền khi hoàng hôn xuống để kịp đến trước Dashawamedh Ghat chứng kiến buổi lễ. Với những người Hindu giáo, đây là giờ phút thiêng liêng sau một ngày làm việc với biết bao lo toan bộn bề của cuộc sống, họ sẽ lại được đắm mình trong không khí mang nhiều màu sắc thần linh, với những bài thánh ca và đạo giáo của chính họ.

 

Trên lễ đài, 5 vị đạo sĩ trẻ được chọn từ tổ chức đạo sĩ của thành cổ Varanasi rúc những tiếng tù và bằng vỏ ốc để bắt đầu buổi lễ, như một phương cách đưa những tín đồ Hindu vào trạng thái nhập thần, dành trọn tâm hồn của họ với đấng tối cao.

Những nén nhang thơm được đốt lên và các đạo sĩ làm những động tác thủ ấn, múa những động tác uyển chuyển mà người ta gọi đó là Puja, với ý niệm mang đến không khí trong sạch trước khi mặt trời đi ngủ. Nghi lễ càng trở nên linh thiêng, huyền bí với lửa, khói, quyện mùi thảo dược dâng lên mẹ sông Hằng và các đấng thần linh.

 

Những ngọn lửa được đốt từ bơ sữa trâu không chỉ mang đến màu sắc ấn tượng mà hơi ấm của nó còn lan tỏa khắp lễ đài. Buổi lễ cúng mẹ sông Hằng không thể thiếu đi hình ảnh ngọn lửa, là hiện thân của thần Agni. Khi thực hành vũ điệu hỏa tịnh cùng lửa, các vị đạo sĩ đều phải cử lễ theo 4 hướng để tỏ lòng kính trọng thần lửa, ngọn lửa hướng về phía đông - hướng mặt trời mọc dành để tế lễ cho các vị thần, hướng Nam dành cho linh hồn của những người đã mất, hướng Tây để nấu nướng…

Nghi kễ kết thúc cũng là lúc các đạo sĩ dành phần thời gian còn lại để chia cho người tham dự những bông hoa, những hương liệu thơm để cầu chúc may mắn. Bên bờ sông Hằng, mọi người rửa mặt bằng dòng nước thiêng trước khi ra về và thả những ngọn nến cầu bình an. Bến sông thiêng dần lui vào đêm tối, khép lại một ngày dài với thật nhiều những cảm xúc thú vị khi sống cùng cư dân cổ thành Varanasi.
 

Tác giả bài viết: Lam Phong/ TST Tourist

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập137
  • Hôm nay18,676
  • Tháng hiện tại240,150
  • Tổng lượt truy cập35,506,431
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây