Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 14/11/2021 09:13
Hóa ra các siêu thị thường có những mánh khóe rất kín, mà bạn có thể mắc phải khi nào không hay. Đã bao lần bạn hứa quyết tâm chỉ vào siêu thị hoặc trung tâm thương mại để mua chút đồ cần thiết, nhưng lúc ra về thì đi kèm với vài túi đầy ự chưa? Dù bụng bảo dạ thế nào, nhưng lần sau bạn vẫn sẽ ra về với 1 đống đồ đôi khi không dùng đến mà thôi. Lý do là vì siêu thị và các nhãn hàng luôn trang bị những mánh khóe hết sức tinh vi, đủ để khiến bạn và vô số người tiêu dùng khác rút ví trong vô thức. Bạn không tin ư? Mới đây, có một bài viết do Pavel - nhân viên marketing cho nhiều công ty bán lẻ nhiều năm qua đã tiết lộ sự thật về câu chuyện này. Pavel cho biết bản thân đã tạo ra rất nhiều mánh khóe để khiến khách hàng mua nhiều hơn những gì họ cần. Và hãy đọc thử xem, liệu bạn có từng mắc phải chúng không nhé.
1. Bẫy "ăn thử".
Trong siêu thị, thi thoảng bạn vẫn thấy các quầy hàng cho phép khách đi qua được ăn thử sản phẩm của họ - như xúc xích, bánh bao chẳng hạn. Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ rằng đây là cách để giúp khách hàng được trải nghiệm trước sản phẩm, cảm thấy thích nó và rút tiền ra mua. Nhưng không, mánh khóe cả đấy! Trên thực tế, việc cho phép khách hàng ăn thử sản phẩm là một cái bẫy tâm lý, nhằm khiến họ có cảm giác "mang ơn". Lấy ví dụ: khi được bạn bè tặng quà, chúng ta thường đưa ra quyết định phải tặng lại họ cái gì đó sau này. Trong trường hợp này cũng vậy, sau khi ăn thử, khách hàng thường sẽ có cảm giác "nên" bỏ tiền ra mua, và họ thường làm đúng như thế.
2. Nghệ thuật đặt giá.
Có bao giờ bạn thắc mắc vì sao các nhãn hàng để sản phẩm của họ khá là lẻ không. Chẳng hạn như "99,99 đô" thay vì "100 đô", "1,499 triệu" thay vì "1,5 triệu"? Đây cũng là một mánh khóe tâm lý. Các thống kê chỉ ra rằng việc đặt giá như vậy sẽ khiến người tiêu dùng có cảm giác sản phẩm rẻ hơn (dù thực ra nếu nghĩ thêm 1s thì ai cũng nhận ra sự thật đằng sau). Nhưng không chỉ vậy, các số không được làm tròn còn khiến khách hàng cảm thấy thu hút hơn và dễ bỏ tiền ra hơn.
3. Những tấm gương trong siêu thị.
Một số siêu thị có đặt gương phía trên các quầy hàng. Bạn nghĩ chúng để làm gì? Tăng không gian, hay để giúp bạn... soi gương? Thực ra, những tấm gương ấy là dành cho mục đích lớn lao hơn, đó là khiến bạn... đi chậm lại. Phàm là người, chúng ta đều có tâm lý muốn nhìn thấy bản thân khi đi qua gương, thế nên tốc độ di chuyển của bạn sẽ chậm đi đáng kể. Mà khi đã chậm lại rồi, nhiều khả năng bạn cũng để ý đến các sản phẩm có trên quầy, và biết đâu lại hứng thú bỏ tiền ra mua thì sao?
4. Tạo ra một "kẻ thù chung".
"Kẻ thù của kẻ thù là bạn" - câu nói này tưởng chỉ áp dụng cho thời chiến, mà không ngờ các nhãn hàng cũng áp dụng chúng rất thuần thục. Điều cơ bản ở đây là như sau: các nhân viên marketing sẽ tìm ra một "kẻ thù chung" giữa họ và người tiêu dùng, để rồi khách hàng sẽ chọn sản phẩm của họ vì "nó tốt hơn". Ví dụ điển hình là các sản phẩm được gán mác "ít năng lượng" - low calories. Chúng thực chất vẫn có đường, thậm chí là nhiều đường, nhưng như nào lại ít hơn sản phẩm khác (có khi do chính hãng ấy sản xuất). Nhưng khách hàng thì chẳng biết điều đó. Khi các thực phẩm tốt cho sức khỏe đang trở thành xu hướng, họ sẽ bỏ tiền ra để mua thôi.
5. Các từ ngữ kích thích mua sắm.
Đó là từ "chỉ" - trong tiếng Anh là "only". Nó đóng vai trò là từ kích
thích tâm lý mua sắm, làm giảm đi cảm giác "tốn tiền" của người
tiêu dùng, và làm tăng tỉ lệ trả tiền lên cao hơn.
6. Mua nhiều hơn chưa chắc đã rẻ.
Đó là trường hợp dành cho những sản phẩm bán theo gói. Ví dụ như bánh kẹo, mua 5 thanh tặng 1 chẳng hạn.
Nhưng hãy nhớ, trên đời không có gì là miễn phí. Đa số trường hợp, sản phẩm được ghi là "tặng" đều đã bao gồm trong giá bán. Và đặc biệt, các siêu thị thường không đặt chúng cùng chỗ, khiến bạn không thể so sánh và nhận ra mình đã mua "hớ".
7. Bao bì là yếu tố quan trọng.
Thương trường là chiến trường, các nhãn hiệu luôn phải cạnh tranh với nhau. Không chỉ về giá bán, số lượng, mà họ còn đấu đá cả về bao bì nữa. Chẳng hạn với 2 chai nước có cùng hương vị, thì chai nào đẹp hơn sẽ giành chiến thắng. Nếu sử dụng thiết kế sao cho thu hút cả trẻ em, cơ hội bán hàng sẽ còn cao hơn nữa. Dĩ nhiên, việc thay đổi thiết kế chai sẽ làm tăng chi phí, nhưng đây là sự đánh đổi hợp lý để có doanh thu cao hơn.
8. Đầu tư nơi đặt sản phẩm.
Có rất nhiều nhà sản xuất mạnh tay chi tiền quảng cáo để sản phẩm của họ đặt ở nơi dễ thấy nhất trong siêu thị. Đây có thể xem là một sự đầu tư khá xứng đáng, vì tâm lý của khách hàng khi nào cũng cho rằng khu vực ấy toàn những sản phẩm giảm giá.
9. Bán theo cặp.
Một mánh khoé phổ biến trong các siêu thị là xếp sản phẩm theo cặp. Ví dụ, kem đánh răng được xếp cạnh bàn chải, trà và cafe đặt ngay gần quầy bán đồ ngọt, hay xúc xích thì cạnh quầy bán tương ớt... Đây là cách để họ gợi ý cho khách hàng về những gì cần mua tiếp sau một món hàng nào đó. Và dĩ nhiên, tỉ lệ thành công cũng rất cao.
10. Nghệ thuật đặt camera.
Bạn nghĩ hệ thống camera an ninh trong siêu thị dùng để làm gì? Chống trộm ư? Đó chỉ là một phần của câu chuyện thôi. Trên thực tế, giá bán của các sản phẩm đã bao gồm chi phí rủi ro bị mất trộm, dập nát... Còn mục đích thật của những chiếc camera là để quan sát hành vi mua sắm của khách hàng. Ở nhiều siêu thị lớn trên thế giới, họ có cả thiết bị theo dõi thân nhiệt, giúp quan sát và ghi lại cảm xúc của khách hàng đối với một số sản phẩm nhất định. Nhờ những dữ liệu này, các siêu thị sẽ có cách thay đổi sự sắp xếp, đồng thời tìm ra địa điểm đẹp nhất trong siêu thị của họ.