8 cách dạy con đã lỗi thời, cha mẹ nên thay đổi ngay

Thứ sáu - 27/07/2018 06:01

8 cách dạy con đã lỗi thời, cha mẹ nên thay đổi ngay

Theo số liệu điều tra của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Hoa Kỳ), hầu hết các bậc phụ huynh đều khá chắc chắn về phương pháp giáo dục con trẻ mà họ áp dụng. Họ cho rằng mình sở hữu những kỹ năng nuôi dạy trẻ tiến bộ.

Tuy nhiên, điều đó không phải luôn đúng! Người làm cha, làm mẹ thường nhiều lần phạm phải cùng một sai lầm, khiến trẻ có tâm lý sợ hãi và thái độ không tốt.

Trên cơ sở những lỗi sai phổ biến mà các bậc phụ huynh thường phạm phải, Bright Side đã tổng hợp một vài lời khuyên từ các nhà tâm lý học khắp thế giới nhằm giúp các cha mẹ tránh các kiểu nuôi dạy con đã không còn phù hợp.

1. “Mách lẻo” là hành vi xấu

Cha mẹ thường hay cảnh cáo trẻ “Con bỏ cái thói mách lẻo đấy đi” và trẻ sẽ thực sự cho rằng bản thân cần tuân theo quy tắc đó.

Tuy nhiên, các nhà tâm lý học khá quan ngại về vấn đề trẻ không được phép chia sẻ với cha mẹ về những vấn đề trẻ gặp phải ở trường.

Các nhà tâm lý học cho rằng hầu hết trẻ nhỏ không tiết lộ việc bản thân bị bêu xấu ở trường vì sợ bị “gắn mác” là đứa trẻ “mách lẻo”.

Thay vào đó, cha mẹ nên dạy trẻ cách chia sẻ về các tình huống bất thường và ủng hộ nếu trẻ muốn tìm đến cha mẹ và thầy cô để giải quyết vấn đề.

2. Không cho trẻ biểu lộ cảm xúc tiêu cực

Không ít cha mẹ cảm thấy bực bội mỗi khi trẻ khóc lóc, cáu giận hay ném đồ chơi lung tung. Đó là lý do vì sao họ thường hét lên với trẻ “Im lặng!”, "Nín ngay!" thay vì tìm ra nguồn gốc vấn đề.

Cách phản ứng với cảm xúc tiêu cực này của trẻ là tồi tệ nhất bởi trẻ cần được giải tỏa cảm xúc để tránh gây áp lực quá lớn tới hệ thần kinh còn non nớt của mình.

Trên thực tế, khả năng biểu lộ cảm xúc tiêu cực là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sức khỏe tâm lý của người lớn. Đó cũng là điều trẻ cần khi trưởng thành, vì vậy trẻ cần bắt đầu phát triển khả năng đó ngay khi còn nhỏ.

3. Trẻ phải được thầy cô, bạn bè và hàng xóm yêu mến

Làm cha mẹ, ai cũng mong con sẽ chung sống hòa thuận với tất cả mọi người. Họ không muốn trẻ nghe được bất kỳ lời lẽ xúc phạm hay mâu thuẫn với bạn bè. Để đạt được điều này, trẻ đôi lúc phải chọn cách ứng xử “tử tế với tất cả mọi người”.

Tất nhiên, việc sống chan hòa với mọi người rất quan trọng. Nhưng đừng bắt trẻ làm hài lòng tất cả mọi người, bởi để được người khác yêu thích, đôi khi trẻ sẽ phải hy sinh lợi ích và mục tiêu của bản thân.

4. Đứa trẻ học kém không thể tìm được công việc tốt

Trong thời đại ngày nay, vẫn nhiều phụ huynh cho rằng thành tích học tập ở trường của trẻ tỷ lệ thuận với thành công trong sự nghiệp khi trẻ trưởng thành.

Vai trò của giáo dục là không thể phủ nhận, nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến thành công.

Trên thực tế, Giáo sư chuyên ngành giáo dục Howard Hardner thuộc trường Đại học Harvard đã chỉ ra 7 dạng thức thông minh khác nhau , bao gồm: trí thông minh thị giác - không gian, trí thông minh vận động, trí thông minh âm nhạc, trí thông minh giao tiếp, trí thông minh nội tâm, trí thông minh ngôn ngữ và trí thông minh logic - toán học.

Ông cũng cho rằng hầu hết các bài kiểm tra IQ chỉ đánh giá được khả năng suy luận nhất định mà bỏ qua các dạng thức thông minh khác.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được vai trò của trí thông minh cảm xúc đối với thành công của trẻ khi trưởng thành.

5. Trẻ nên sở hữu những món đồ chơi và thiết bị đắt tiền, tân tiến nhất

Các nhà xã hội học chỉ ra rằng cha mẹ ngày càng tiêu nhiều tiền trong việc nuôi dạy trẻ. Điều này khiến nhiều gia đình không muốn sinh con trong vài năm đầu hôn nhân.

Chuyên gia tài chính Ashley Eneriz tin rằng các bậc phụ huynh tiêu nhiều tiền hơn cần thiết cho trẻ.

Cô đưa ra lời khuyên cha mẹ nên cân nhắc liệu món đồ mua cho trẻ có thực sự cần thiết. Có thể cha mẹ đang cố gắng dành cho trẻ những thứ bản thân họ không có khi còn nhỏ, hoặc họ đang cố an ủi bản thân vì những sai lầm mà họ mắc phải.

Tiết kiệm tiền nuôi dạy trẻ không “biến” họ thành người cha, người mẹ tồi tệ. Ngược lại, cha mẹ có lối sống tiết kiệm có thể trở thành một tấm gương tốt cho trẻ noi theo và dạy trẻ cách kiềm chế tiêu tiền cho những món đồ vô tác dụng.

6. Phạt con bằng cách tước đoạt món đồ yêu thích của trẻ

Các nhà tâm lý học khẳng định hình thức phạt trẻ bằng cách tước đoạt thứ gì đó của trẻ không đem lại hiệu quả như nhiều phụ huynh mong đợi.

Đây là một trong những đặc điểm nguy hiểm nhất của cha mẹ “đầu độc” – cư xử như thánh mẫu, phạt trẻ và sau đó mới tha thứ cho trẻ. Và quy tắc của trò chơi này thường khiến trẻ “bối rối” bởi hình phạt phụ thuộc vào tâm trạng của cha mẹ.

 

Lấy của trẻ đồ vật trẻ yêu thích hay tước đi thời gian chơi với bạn bè không hề giúp trẻ nhận ra lỗi sai. Ngược lại, trẻ sẽ tin rằng người có quyền lực có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn.

7. Tìm cách mua vui cho trẻ ở mọi thời điểm

Một số cha mẹ gửi con tới hết lớp ngoại khóa này đến lớp ngoại khóa khác hay liên tục mua cho con những đồ chơi giáo dục mới nhưng chỉ với lý do: “Tôi không muốn con tôi buồn chán". Họ muốn đảm bảo rằng con trẻ không bị buồn chán ở mọi thời điểm.

Tuy nhiên, các nhà tâm lý học khẳng định rằng trẻ sẽ không bao giờ học được cách tự làm hài lòng bản thân nếu cha mẹ không cho trẻ cơ hội rảnh rỗi hay tự chơi.

8. Phải chia sẻ đồ chơi mới tốt

Một trong những quan niệm dạy con phổ biến đó là trẻ nhỏ cần học cách chia sẻ với người khác. Điều này chưa hẳn là đúng.

Trên thực tế, ép một đứa trẻ chia sẻ đồ chơi khi chúng không muốn càng khiến trẻ ích kỷ hơn bởi trẻ sẽ không bao giờ biết được khi nào cha mẹ muốn chúng thể hiện sự hào phóng của bản thân.

Các nhà tâm lý học khuyên cha mẹ hãy đặt bản thân họ vào tình huống đó. Họ có muốn chia sẻ đồ cá nhân với một người chẳng mấy quen biết không?

Hay họ có sẵn sàng cởi chiếc áo yêu thích chỉ vì người hàng xóm thích chiếc áo đó? Hẳn là không đâu!

Nguồn: Brightside

 
 

2 đặc điểm của trẻ thông minh

 

Để xác định con trẻ có thông minh hay không, nhiều gia đình sẽ nghĩ ngay tới việc cho các bé kiểm tra trắc nghiệm IQ.

Vì vậy, có không ít các bậc phụ huynh hết sức coi trọng điểm test IQ của con em mình, thậm chí còn lấy số liệu đó để đánh giá xem các bé thông minh đến đâu.

Trên thực tế, kết quả kiểm tra IQ của trẻ em chỉ nên được coi là số liệu tham khảo. Bởi trí thông minh của các bé đang trong thời kỳ phát triển và hoàn thiện nhanh chóng nên không thể lấy kết quả kiểm tra của 1 lần test IQ để đoán định năng lực và tài năng.

Thay vì ép con học ngày học đêm, hãy rèn luyện và bồi dưỡng "trí thông minh đa nguyên"

Trí thông minh của trẻ em không chỉ thể hiện qua kết quả học tập hoặc các bài test IQ. (Ảnh minh họa).

Sự thông minh của con trẻ chủ yếu bộc lộ ra ngoài thông qua hai kiểu.

Kiểu thứ nhất là các bé có thành tích học tập tốt, điểm số cao. Nhóm trẻ em thông minh theo dạng này thường dễ dàng được cha mẹ cùng thầy cô giáo phát hiện và coi trọng.

Kiểu thông minh thứ hai thể hiện thông qua việc các em làm cán bộ lớp hoặc đóng vai trò "thủ lĩnh" trong nhóm bạn bè. Điều này thể hiện sự thích ứng xã hội mạnh mẽ của con trẻ, bao gồm cả năng lực cạnh tranh, sức sáng tạo, kỹ năng giao tiếp, ứng biến, hợp tác, điều phối…

Kiểu thông minh dạng này gọi là "trí thông minh đa nguyên", nhưng lại không dễ được người lớn phát hiện và bồi dưỡng.

Năng động và nhạy bén trong các mối quan hệ xã hội cũng là một kiểu thông minh nên được bồi dưỡng. (Ảnh minh họa).

Mới đây, các nhà tâm lý học Hoa Kỳ đã khẳng định: Nếu chỉ lấy sự cao thấp của thành tích học tập để tuyển chọn trẻ em ưu tú, thì sẽ có tới 70% những đứa trẻ sở hữu năng lực sáng tạo độc đáo không được lựa chọn".

 

Trong khi đó, hầu hết các bậc phụ huynh tại nhiều nước châu Á đều có yêu cầu ất thành tích học tập mà không coi trọng việc bồi dưỡng, phát triển những năng lực khác của con cái.

Quan niệm có phần thiên lệch này chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra những bất lợi của các em khi bước vào xã hội sau này. Vì thế, chúng ta càng nên đề xướng và nhấn mạnh việc đào tạo "trí thông minh đa nguyên".

Các bậc phụ huynh nên hiểu rõ hơn ai hết một sự thật, đó là con trẻ ngày hôm nay học tập cũng vì ngày mai có thể thích ứng tốt với cộng đồng và cống hiến cho xã hội.

Bởi vậy, cha mẹ nên chú ý đào tạo nhiều năng lực cho con em mình ngay từ nhỏ để giúp các bé học được bản lĩnh sinh tồn.

Chớ nên quá đặt nặng vào kết quả của những bài kiểm tra hay chỉ số IQ, bởi trong quá trình nuôi dạy và săn sóc con cái, chúng ta mới là người hiểu rõ năng lực của con em mình hơn ai hết.

Hai yếu tố nòng cốt đánh giá mức độ thông minh của con trẻ

Có rất nhiều yếu tố để đánh giá sự thông minh của con trẻ, trong đó có năng lực suy nghĩ, tư duy. (Ảnh minh họa).

Như vậy, trẻ em sở hữu năng lực như thế nào thì được đánh giá là thông minh?

Những lý luận tâm lý học cho rằng, năng lực suy nghĩ là nòng cốt của trí thông minh. Để đánh giá sự thông minh của một đứa trẻ, chúng ta nên nhìn vào hai đặc điểm dưới đây:

Thứ nhất, suy nghĩ có sự linh hoạt

Sự linh hoạt của suy nghĩ chủ yếu bộc lộ khi phải đối mặt và giải quyết vấn đề.

Ví dụ, có một cậu bé 4 tuổi không may đem quả bóng đá vào hốc cây. Nhưng hốc cây ấy khá sâu, cậu không thể nào với được quả bóng.

Rất nhanh sau đó, cậu bé ấy nghĩ ra cách đổ nước vào hốc cây khiến quả bóng từ từ nổi lên và nhanh chóng lấy được nó.

 

Thông qua ví dụ này, có thể thấy suy nghĩ của cậu bé 4 tuổi ấy hết súc linh hoạt, bởi chỉ trong một thời gian ngắn mà có thể nghĩ ra biện pháp giải quyết vấn đề hết sức hữu hiệu.

Suy nghĩ linh hoạt có thể được phát triển thông qua nhiều hình thức đào tạo, mà mấu chốt là phải khiến cho các bé hình thành lối suy nghĩ tích cực và thói quen thích suy luận, tìm tòi.

Thói quen thích suy nghĩ và ham muốn tìm tòi sẽ nâng cao khả năng linh hoạt về suy nghĩ và tư duy ở các bé. (Ảnh minh họa).

Thứ hai, tư duy có tính phân kỳ

Tư duy phân kỳ có thể hiểu là dùng những suy nghĩ bất đồng để đưa ra nhiều cách giải quyết khác nhau cho một vấn đề.

Dạy học sinh giải một đề bằng nhiều cách khác nhau cũng được xem là một hình thức rèn luyện lối tư duy này hết sức hiệu quả.

Để hiểu hơn về vai trò của tư duy này đối với trí thông minh, ta có thể nhìn vào ví dụ sau:

Một đứa trẻ 5 tuổi có thể kể ra hơn 30 công dụng của vải và 50 công dụng của nước trong một thời gian được coi là có tư duy phân kỳ rất tốt.

Hình thức tư duy này là một trong những biểu hiện của trí tưởng tượng phong phú. Bởi tưởng tượng là cả một quá trình, trong đó có sự liên tưởng giữa những điểm tương đồng và bất đồng của sự việc.


Tác giả bài viết: Van Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập955
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm953
  • Hôm nay14,632
  • Tháng hiện tại284,529
  • Tổng lượt truy cập36,339,084
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây