Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc rằng: “Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương về giáo dục, lại là cơ quan đứng ra tổ chức kỳ thi. Vì vậy, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Nhưng xác định mức độ trách nhiệm phải dựa trên việc đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về quy chế thi mà Bộ ban hành, đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm,...”.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ảnh: Ngọc Thắng)
Vụ việc tại Hà Giang là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, chưa từng có trong lịch sử
- Thưa ông, ông nhận định thế nào về vụ gian lận thi cử gây “sốc” dư luận vừa xảy ra tại Hà Giang?
+ Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, chưa từng có trong lịch sử thi cử ở nước ta. Trước đây, chúng ta đã thấy một số trường hợp gian lận trong thi cử, nhưng chỉ là vi phạm của một số thí sinh hoặc sự buông lỏng kỷ luật phòng thi ở 1,2 hội đồng thi nhất định. Còn đây là lần đầu tiên có vi phạm liên quan đến người được giao chức trách quan trọng ở Hội đồng thi cấp tỉnh. Sai phạm cũng ở quy mô rất lớn vì liên quan đến 330 bài thi của 114 thí sinh.
Thực sự, tôi không tin một mình ông phó phòng khảo thí Vũ Trọng Lương có thể làm được việc này mà có khả năng được nhiều người hỗ trợ, thậm chí không loại trừ khả năng vi phạm có tổ chức.
Vi phạm này nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính công bằng của kỳ thi, nêu tiền lệ xấu cho những kỳ thi sau này, đồng thời làm sai lạc thông tin về kết quả giáo dục. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng xấu đến nhân cách học sinh, kể cả học sinh trong cuộc và ngoài cuộc gian lận thi cử vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công an phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo điều tra làm rõ. Tôi tin rằng, các cơ quan nhà nước sẽ có kết luận chính xác về vụ việc này để xử lý nghiêm.
- Ngành Giáo dục liên tục thay đổi phương thức thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Việc dồn 2 kỳ thi làm một, lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ xét tuyển vào đại học như vừa qua đã cho thấy hậu quả của nó. Vậy theo ông, thay vì cứ loanh quanh mãi với việc thay đổi này thì ngành Giáo dục cần phải làm thế nào để có được những kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng thật hiệu quả?
+ Có nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi phương thức thi quá nhiều. Tôi cho rằng, điều này có phần trách nhiệm của xã hội nữa, chứ không riêng ngành Giáo dục. Và ngành Giáo dục có thay đổi phương thức thi thì cũng phải xin phép Chính phủ.
Trước đây thi tốt nghiệp PTTH và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng là 2 kỳ thi riêng. Mỗi trường đại học, cao đẳng cũng tổ chức thi riêng. Nhưng dư luận cho rằng tổ chức thi như vậy cồng kềnh và tốn kém, ảnh hưởng đến thí sinh, gây ùn tắc giao thông cho các đô thị lớn,... Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức thi theo phương thức “3 chung” (chung thời điểm thi, chung đề thi, chung điểm xét tuyển). Thi 3 chung được một vài năm, dư luận, trong đó có cả ý kiến của báo chí, đại biểu Quốc hội, lại cho rằng 2 kỳ thi gần nhau quá vẫn gây căng thẳng, tốn kém. Trước ý kiến này, Chính phủ lại chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhập 2 kỳ thi làm 1. Kết quả thi tốt nghiệp THPT được sử dụng làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng, cho nên gọi là kỳ thi “2 trong 1”.
Lúc đầu, việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1” giao cho các trường đại học chủ trì. Vì các trường đại học lo đảm bảo chất lượng đầu vào, đồng thời không chịu sức ép của địa phương (trừ một số trường đại học địa phương) cho nên không thể xảy ra tình trạng như ở Hà Giang vừa rồi. Nhưng dư luận lại phàn nàn nhiều thí sinh phải di chuyển xa, có khi phải di chuyển cả 100 km để thi. Để khắc phục khó khăn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại giao cho các địa phương chủ trì, các trường đại học đóng vai trò phối hợp.
Qua đây, có thể thấy rằng không có phương thức thi nào hoàn thiện cả. Mỗi phương thức thi đều có ưu điểm và hạn chế. Vấn đề là dù thi theo phương thức nào chúng ta cũng phải có giải pháp để hạn chế đến mức cao nhất những bất cập và gian lận trong kỳ thi.
- Vậy theo ông, tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải làm gì để hạn chế gian lận, tiêu cực trong thi cử, đặc biệt là thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng?
+ Theo chủ trương của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ nay đến năm 2020, tức là cho đến lúc chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới được triển khai đến THPT thì giữ ổn định phương thức thi. Tuy nhiên, trong lúc chờ đến khi CT GDPT mới triển khai đến THPT thì theo tôi nên quay lại phương án giao cho các trường đại học ở trung ương phụ trách thi để giảm thiểu khả năng gian lận. Không phải chúng ta không tin các địa phương, nhưng không phải địa phương nào cũng chấp hành nghiêm chỉnh. Nếu một vài địa phương mà gây ra chuyện như ở Hà Giang thì sẽ làm đổ vỡ niềm tin của dân chúng, sẽ không đảm bảo được yêu cầu khách quan, công bằng của kỳ thi. Khi giao các trường đại học phụ trách thi, cần cố gắng mở rộng các điểm thi trong khả năng cho phép để giảm bớt số thí sinh phải di chuyển xa.
Còn khi CT GDPT mới bắt đầu triển khai ở cấp THPT thi cần tách riêng 2 việc: thi (hoặc xét) tốt nghiệp THPT và thi (hoặc xét) tuyển sinh đại học, cao đẳng. Việc xét tốt nghiệp THPT nên giao cho các trường THPT. Còn phương án tuyển sinh đại học, cao đẳng (thi tuyển hay xét tuyển) giao các trường đại học, cao đẳng tự quyết định. Nói thực là phương án này đã được Ban soạn thảo CT GDPT mới đưa vào dự thảo chương trình nhưng cuối cùng phải tạm rút vì Luật Giáo dục và Nghị quyết số 88 của Quốc hội vẫn quy định về kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo phương án này, trường THPT sẽ căn cứ vào quá trình học tập 3 năm và kì thi cuối năm lớp 12 do trường tổ chức mà cấp bằng tốt nghiệp hoặc chứng nhận hoàn thành CT GDPT cho học sinh. Như vậy mới khắc phục được tận gốc tình trạng đối phó "thi gì học nấy", chuyển sang "học gì thi nấy". Kết quả đánh giá học sinh của trường THPT sẽ được kiểm chứng qua kết quả thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Cho nên, chúng ta không phải lo kết quả đánh giá học sinh của trường THPT bị ảnh hưởng của bệnh thành tích. Trường nào mắc bệnh thành tích sẽ sớm bộc lộ và phải tự điều chỉnh thôi.
Việc giao cho trường THPT cấp bằng hoặc chứng nhận tốt nghiệp THPT sẽ bình thường hóa câu chuyện thi cử, không làm cho cả Bộ Giáo dục và Đào tạo lẫn xã hội năm nào cũng căng thẳng vì chuyện thi. Ta nên nhớ là hiện nay hiệu trưởng trường tiểu học được quyền cấp chứng nhận hoàn thành CT tiểu học, hiệu trưởng trường THCS được cấp chứng nhận hoàn thành CT THCS, hiệu trưởng trường đại học được cấp từ bằng cử nhân, thạc sĩ đến tiến sĩ. Chỉ có riêng hiệu trưởng trường THPT không được cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh do chính mình đào tạo. Đó là một điều vô lí.
Để có thông tin đầy đủ về giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cho phép các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đạt tiêu chuẩn thực hiện kiểm tra định kì trên diện rộng. Các kết quả này cũng sẽ giúp cho việc đối chiếu và điều chỉnh cách đánh giá của các trường THPT.
- Nếu sự việc gian lận điểm thi tại Hà Giang không được phát hiện ra thì theo ông hậu quả sẽ như thế nào? Đó là chưa kể đến một số tỉnh khác còn đang điều tra và chưa có kết luận?
+ Kết quả thi bị làm sai lệch sẽ ảnh hưởng đến kết quả đầu vào của các trường đại học, cao đẳng, do đó cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Nghiêm trọng hơn, kết quả sẽ này sẽ tạo ra bất công, làm mất niềm tin của xã hội vào ngành Giáo dục, đồng thời ảnh hưởng đến phát triển nhân cách của học sinh. Tôi hiểu rằng, trong số học sinh bị sửa điểm ở Hà Giang sẽ có những học sinh vô tư không biết cha mẹ mình làm điều đó, nhưng cũng có một số học sinh biết rõ sự thật.
Như vậy, nếu để lan rộng những hiện tượng tiêu cực như ở Hà Giang vừa rồi, chúng ta sẽ đào tạo ra một thế hệ vừa kém về nhân cách vừa kém về năng lực; ngành nào phải tiếp nhận những nhân lực như vậy cũng không thể chấp nhận được.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những vấn đề của ngành
- Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 2/7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá kỳ thi THPT quốc gia 2018 được tổ chức nghiêm túc trên toàn quốc, đảm bảo mục tiêu đề ra là an toàn, khách quan, đáng tin cậy, nhẹ nhàng, được đông đảo nhân dân quan tâm, ủng hộ và cơ bản thành công,… Tuy nhiên, kết quả lại thành ra thế này. Theo ông, là người đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần phải chịu trách nhiệm như thế nào?
+ Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương về giáo dục, lại là cơ quan đứng ra tổ chức kỳ thi. Vì vậy, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu.
Nhưng xác định mức độ trách nhiệm phải dựa trên việc đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về quy chế thi mà Bộ ban hành, đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm,...
Về hình thức thi, hiện có ý kiến cho rằng, thi trắc nghiệm dễ bị đánh tráo kết quả như vụ việc ở Hà Giang. Nhưng nếu Ban chỉ đạo thi – Hội đồng thi của tỉnh Hà Giang thực hiện đúng quy chế thi, ở khâu nào cũng bố trí một tập thể cộng tác và giám sát lẫn nhau thì không thể xảy ra chuyện đánh tráo kết quả. Đằng này, mọi việc phó mặc ông phó phòng khảo thí tự tung tự tác thì khác gì người trong nhà mở cửa rước trộm vào; trách sao được người làm khóa?
Tôi mong rằng, Bộ Công an sẽ chỉ đạo cơ quan điều tra làm rõ các hành vi, đối tượng vi phạm trên tinh thần “không có vùng cấm”. Cần phải xử lý đến nơi đến chốn. Bất kể ai ở cấp nào vi phạm cũng cần phải được làm rõ và xử lý.
- Giáo dục là nền tảng của đất nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây có khá nhiều vấn đề xảy ra với ngành Giáo dục gây bức xúc dư luận. Cùng với vụ việc gian lận trắng trợn điểm thi đang diễn ra, thiết nghĩ người đứng đầu ngành - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phải chịu trách nhiệm cao hơn, thưa ông?
+ Như tôi đã nói, người đứng đầu thì luôn phải chịu trách nhiệm về những vấn đề của ngành. Tuy nhiên, đánh giá về giáo dục cần bình tĩnh, công bằng, khách quan.
Qua theo dõi kết quả các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế ở cả ba cấp học nhiều năm gần đây, kết quả khảo sát PISA các năm 2012, 2015, kết quả học tập của học sinh Việt Nam du học tại nước ngoài, kết quả so sánh giữa xếp hạng giáo dục với xếp hạng về trình độ phát triển kinh tế - xã hội và đánh giá của một số tổ chức quốc tế về giáo dục Việt Nam, tôi chia sẻ với ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp Quốc hội ngày 16/11/2016: “So với trình độ phát triển kinh tế - xã hội chung thì giáo dục của chúng ta hơn các nước có trình độ tương đương […] Chúng ta còn rất nhiều điều không hài lòng về giáo dục nhưng chúng ta cũng cần đánh giá những nỗ lực của ngành Giáo dục”.
Trước những hạn chế, khuyết điểm của mình, ngành Giáo dục cần đề ra và thực hiện được giải pháp khắc phục. Nhưng một mình ngành Giáo dục khó có thể khắc phục triệt để những hạn chế, khuyết điểm này, mà cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, cấp chính quyền từ trung ương đến cơ sở, sự đồng thuận và tham gia của cả xã hội với tinh thần “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
- Xin cảm ơn ông!
Hà Giang'Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, chưa từng có trong lịch sử thi cử ở nước ta... Tôi không tin một mình ông phó phòng khảo thí có thể làm được việc này mà có khả năng được nhiều người hỗ trợ, thậm chí không loại trừ khả năng vi phạm có tổ chức'.