Nếu các bạn ở nước Mỹ, có dịp đi ra ngoài, trong thời gian này, sẽ thấy gần như khắp mọi nhà đã trang trí cho ngày lễ Halloween
Hàng năm cứ vào ngày cuối cùng của tháng 10, khắp nơi trên toàn đất nước Hoa Kỳ vui ngày hội Halloween. Những gia đình có các con tuổi ấu thơ, thiếu niên trước đó đã chuẩn bị cho các con mọi thứ kiểu áo quần, vật liệu để buổi tối hóa trang thành ma quỷ, hoặc thiên thần, hoặc công chúa, hoàng tử, v.v… Và các em muốn rồi tụ họp nhau đi đến từng nhà gõ cửa xin kẹo bánh. Nhà nào cũng mua sẵn sàng để ngay trước cửa đón tiếp. Họ trang hoàng những trái bí vàng, những bộ xương người, những ngôi mộ… như những nghĩa trang bé nhỏ trên bãi cỏ trước thềm nhà.
Thật tình khi mới định cư tại đất nước này, tôi không thích ngày lễ này. Nhưng có lẽ vì “nhập gia tùy tục” nên tôi đã dần quen, nhất là khi tìm hiểu về “thế giới bên kia”, cảm nhận ý nghĩa về những ngày lễ hàng năm ở Hoa kỳ, tôi thấy lòng mình cùng hòa niềm vui chung của ngày lễ Haloween nơi quê hương thứ hai này.
“Thế giới bên kia” hay là “Bên kia cửa tử”, đề tài này báo chí cũng tốn khá nhiều giấy mực và các nhà nghiên cứu về khoa tâm linh cũng đã tốn nhiều công sức, thời gian để mong tìm ra được cõi bên kia. Khi sử dụng từ “cõi này”, “cõi khác” làm như nó ở xa lắm. Thật ra nó vẫn ở gần, rất gần với cõi trần của chúng ta mà thôi, không ở đâu xa. Nếu có khác chăng chỉ khác ở một chiều không gian.
Mỗi người trong chúng ta sinh ra trên đời đều có một đại gia đình, trong đó có rất nhiều người đã cho chúng ta cả một quãng thời gian đầm ấm, nhưng bỗng dưng ra đi trước chúng ta, để lại trong ta bao thương tiếc. Có khi là ông bà, cha mẹ kính yêu mà chúng ta mang ơn sinh thành dưỡng dục, có khi là người bạn trăm năm của ta, chẳng may nửa đường đứt đoạn. Có khi là đứa con yêu quý, là anh chị em ruột thịt, là người bạn thân thiết, là người đồng nghiệp sát cánh làm việc… Rồi chẳng may đã sớm lìa chúng ta đi về cõi bên kia thế giới, để lại cho người ở lại bao nhớ tiếc không bao giờ nguôi…
Nữ bác sĩ tâm bệnh học Mỹ, Elizabeth Kubler Ross -- người gốc Thụy Sĩ, một con người khoa học hiện đại -- sau nhiều năm bỏ nhiều công sức nghiên cứu về cuộc sống sau cái chết, bà đã đưa ra những nhận định gây chấn động giới khoa học nhưng lại rất gần với thuyết luân hồi của đạo Phật. Bà kết luận rằng: “Chết không phải là hết mà chỉ là sự bắt đầu của một cuộc sống khác trong một thế giới khác”. Trong Thánh kinh cũng ghi rõ: “Linh hồn con người nằm trong tay Thượng đế. Nơi đây không có sự đau khổ nào có thể chạm đến họ được”. Vậy thì đừng lo sợ, đừng bối rối khi sắp chết. Và những người còn sống cũng đừng buồn rầu, bi lụy, đau đớn quá khi mất người thân yêu. Hãy coi như một cuộc chia ly tạm thời mà thôi…
* * *
Có một thế giới bên kia cửa tử, một thế giới vô hình -- nếu có thật và vẫn có người muốn tìm hiểu. Nhất là đối với những ai bỗng có một ngày tử thần lấy đi một người thân yêu nhất. Nỗi nhớ thương, day dứt, đau khổ theo đuổi trong đời sống hàng ngày. Người ta yêu thương đã đi xa rồi, đi mất rồi, cuộc đời buồn tẻ, cô đơn. Đối với người đầy nghị lực thì có thể vượt qua sự khủng hoảng về tinh thần một cách nhanh chóng. Nhưng với những người tinh thần yếu đuối, họ trở thành suy nhược, bàng hoàng, hoảng hốt. Đời sống đối với họ bỗng trở nên một gánh nặng không thể vác nổi một mình được nữa.
Để giảm bớt sự thương nhớ đau buồn ấy, và cũng để chuẩn bị được tinh thần bình tĩnh khi có người thân đau ốm chờ đợi cái chết. Nhất là để an ủi những người đang đau khổ vì cảnh tử biệt sinh ly, trên thế giới đã có nhiều người bỏ công ra nghiên cứu và viết thành sách về đời sống bên kia cửa tử. Chẳng hạn như bộ sách Tử Thư của Tây Tạng ( Book of the Death), cuốn To Those Who Mourn của một vị giám mục đồng thời cũng là một nhà thần học, hoặc cuốn Hành Trình Về Phương Đông, nguyên tác là Journey To The East do Nguyên Phong dịch. Tôi còn nhớ cách đây gần 20 năm, làm việc trong ngành phát thanh, trong giờ Tâm Tình Với Nhau, khi cùng Quỳnh Lưu, Mai Phương thực hiện những chương trình trên làn sóng phát thanh của các Đài mà chúng tôi cộng tác, nhân dịp lễ Haloween hàng năm, chúng tôi vẫn soạn theo những cuốn sách này.
Bác sĩ Raymont Moody J.R, tác giả cuốn Life After Life, nói về những sự kiện khi gần kề cái chết. Cuốn sách đã bán trên 3 triệu cuốn và được dịch sang 25 thứ tiếng khác nhau. Bác sĩ Moody tốt nghiệp tại trường Đại học Virginia với bằng tiến sĩ triết học. Sau khi dạy môn Triết tại trường Đại Học ở miền Đông của tiểu bang North Corolina, ông đã trở thành bác sĩ Tâm Lý Học và dạy về Phylosophy Of Medicine. Trong lúc học và thực tập, BS Moody có dịp gặp những trường hợp gọi là “Nearth death experience”, ông cảm thấy thích thú và bắt đầu bỏ thời gian ra để nghiên cứu, thu thập dữ kiện của 150 trường hợp của những người đã:
- bị bác sĩ điều trị trong bịnh viện kết luận là người ấy đã chết.
- bị tai nạn hoặc đau ốm nặng và đã thật gần với sự chết.
- đang hấp hối và kể cho thân nhân nghe những gì họ cảm thấy trước khi chết.
Mục đích của BS Moody khi viết cuốn sách này là không phải để chứng minh là có một đời sống nữa “bên kia cửa tử” mà chỉ muốn ghi nhận lại những dữ kiện, in thành sách, để độc giả đọc và suy ngẫm.
Theo BS Moody, khi một người đang hấp hối, vào lúc thật đau đớn hay thật mệt mỏi, lúc người ấy bị bác sĩ tuyên bố là đã chết thì họ bỗng cảm thấy thật nhẹ nhàng thoải mái, dễ chịu với một cảm giác bình yên, thanh thản. Sau đó họ bắt đầu nghe những âm thanh thật khó chịu, to và rung như tiếng chuông. Cùng lúc ấy, họ thấy họ di chuyển rất nhanh qua một đường hầm sâu hun hút và tối đen như mực. Sau đó như làm quen được với không gian ấy, họ chợt thấy họ… đang đứng bên ngoài, nhìn lại thân xác của họ như một người… ngoại cuộc đứng xem bác sĩ và những người khác đang cố gắng cứu họ, như xem một cuốn phim vậy. Lúc ấy họ thấy mình bay bổng lên trên trần nhà và nhìn xuống, và cảm thấy thật nhẹ, như một tờ giấy mỏng bị gió thổi bay lên cao.
Thường thì những người này kể lại là họ không có một cảm giác gì như luyến tiếc cho chính thân xác họ. Họ cảm thấy dửng dưng. Có người còn cố nói với người bác sĩ hay người thân đứng bên giường bịnh, nhưng không ai nhìn thấy họ hay nghe họ nói. Những người này mô tả lúc ấy họ như một làn hơi, một luồng khí và yếu tố thời gian không còn nghĩa lý gì nữa. Họ cảm thấy thời gian như ngưng lại. Có vài trường hợp có người cảm thấy ấm áp. Không ai ghi nhận được mùi vị.
Những người này cũng kể rằng họ có thể nhìn được thật xa, ở khắp nơi và có thể đến bất cứ nơi nào mà họ muốn, chỉ trong khoảnh khắc. Họ không còn nghe được như chúng ta nghe, nhưng ngược lại, họ có thể cảm nhận được tư tưởng của chúng ta trước khi ta nói lên lời. Họ cố nói với chúng ta (những người đang sống trên dương thế ) nhưng chúng ta không nhìn thấy và không nghe được.
Thế cho nên trong những giây phút ấy, họ cảm thấy họ trơ trọi quá, cô đơn quá. Sau đó, họ bắt đầu gặp những linh hồn khác. Những linh hồn này có khi là những người thân hay bạn bè đã khuất đến để an ủi. Có hai trường hợp: một là để giải thích cho họ, giúp họ hiểu và chấp nhận sự chết; hai là nói cho họ biết là chưa đến lúc họ được bước vào cửa tử, hãy quay trở lại trần gian.
Trong trường hợp khác, thì có người kể lại rằng họ nhìn thấy được một luồng ánh sáng, lúc đầu thì mờ, sau rõ dần, rõ dần… và khi đến gần, rất rực rỡ. Họ cảm thấy bị chói mắt hay khó chịu vì luồng ánh sáng này. Tùy theo tôn giáo của mỗi người, có người nghĩ luồng ánh sáng đó là Chris, hoặc Thiên Thần, hoặc Đức Phật v…v…Sau đó, họ được luồng ánh sáng, xin tạm gọi ở đây là Thượng Đế, hỏi họ đã sẵn sàng để chết chưa? Đã làm, đã đạt được những gì trong kiếp sống vừa qua?... Những người này đều kể lại là khi bị hỏi, họ không cảm thấy như đang bị soi mói, bị chỉ trích, kiểm thảo, hỏi cung… Ngược lại họ cảm thấy một cảm giác được thương yêu, bao dung vô bờ bến.
Sau đó thì họ thấy cả cuộc đời họ như một cuốn phim chiếu lại thật rõ ràng không thiếu một chi tiết. Những người sống lại đều kể là họ được cho chọn lựa. Có người quyết định quay trở lại vì có con còn nhỏ dại, có người muốn tiếp tục làm những việc họ đang làm dang dở, v.v… Nhưng ai ai cũng nuối tiếc nơi cõi chết ấy. Họ tiếc vì cảm giác an bình và được ân cần, thương yêu ở nơi đó.
Sau khi quay trở lại, những người trải qua những kinh nghiệm vừa kể trên đều đi đến những kết luận tương tự như nhau:
1/ Họ không còn sợ chết nữa, dĩ nhiên đây không kể lúc đau đớn trước khi chết.
2/ Họ cảm thấy ý nghĩa họ sống trên đời, vì những mục đích nào đó và cố gắng đạt được mục đích này.
3/ Họ thấy đời sống có ý nghĩa hơn và họ cảm thấy những giá trị về tinh thần mới thực là quan trọng. Vì khi chết đi, hành trang duy nhất mà họ có là linh hồn của họ.
4/ Nhiều người nhìn về sự chết như quay trở về mái nhà xưa, nơi họ gặp lại những người thương yêu đã khuất, đã xa từ lâu lắm. Họ ví khi sống, linh hồn họ giống như bị giam cầm trong chính thân thể họ, khi chết thì linh hồn họ được… giải phóng.
Những người có những kết luận trên đều công nhận là tình thương và kiến thức là hai điều duy nhất còn tồn tại sau khi thân thể chết đi. Và đây là thứ duy nhất ta có thể mang theo vào miền vĩnh cửu.
* * *
Bác sĩ Moody cũng ghi nhận lại là những điều kể trên cũng được Plato, nhà triết gia Hy Lạp nổi tiếng ghi lại trong Phaedo, Gorgias & The Republic.
Trong cuốn Book Of The Death của người Tây Tạng viết vào thế kỷ 18, nhằm giúp người Tây Tạng khi hấp hối nhận cái chết một cách an bình cũng đã mô tả sự chết như những gì mà BS Moody thâu thập được qua 150 trường hợp mà ông đã nghiên cứu.
Theo bài viết về khoa học huyền bí “Bên Kia Thế Giới” của tác giả Trần Đức Quỳnh, thì các nhà nghiên cứu tâm linh ngày nay đều đồng một quan điểm: Con người chết không phải là hết. Chết chỉ là tạm từ giã cõi trần gian để tiếp nối một đời sống vĩnh cửu thần tiên ở bên kia thế giới. Ngay chính trong đời sống của chúng ta, vô tình chung cũng công nhận điều đó. Trên các báo vẫn đăng, các đài phát thanh đã từng đọc chia buồn hay cáo phó đều ghi là “Về cõi Vĩnh Hằng, cõi Niết Bàn, về Nước Chúa, lên Thiên Đàng… ”. Như vậy những nơi ấy đều chẳng là thế giới bên kia đó sao?
Nhưng vẫn có những người không tin điều ấy, cho rằng chết là hết, làm gì có thế giới bên kia, làm gì có cõi vô hình của người quá vãng. Theo tôi, tin hay không tin là tùy ở mỗi người. Chúng ta cứ tôn trọng ý kiến riêng tư. Với tôi, đời sống tâm linh hướng dẫn con người trần gian hướng thiện. Những mái chùa, miếu đền, những ngôi nhà thờ… mà ngàn xưa để lại cho ngàn sau là những di sản văn hóa tinh thần quan trọng nhất mà Tổ Tiên để lại cho chúng ta. Đó là nét văn hóa đạo đức của một dân tộc. Tôn giáo còn, dân tộc còn. Đừng lẫn lộn đức tin và mê tín.
Âm dương có lẽ muôn đời cách biệt và cái thế giới bên kia vẫn còn là một cái gì đó rất mơ hồ, tuy nhiên trong cuộc sống tinh thần của Đông cũng như Tây phương, người ta vẫn tin vào đời sống tâm linh. Để làm gì? - Để chúng ta nương theo đó mà vui sống, giúp chúng ta bớt khổ đau về sự mất mát một người thân, để tâm hồn chúng ta luôn hướng thiện và cuộc sống thế gian này một ngày một thêm tốt đẹp.
Với tôi, rất cám ơn những lời khuyên của các nhà tâm linh, những tác giả đã ghi từng trang sách, giúp cho tôi hiểu được ý nghĩa của cuộc sống hiện tại, yêu thương người, yêu thương đời hơn.
- Luôn luôn hướng thượng và hướng thiện.
Thương yêu chia sẻ với tất cả mọi người.
Không tham lam, dối trá, từ bỏ ý nghĩ "cần phải có"
Cố gắng tập quên mình, quên “cái tôi” đáng ghét.
- Hãy vui sống vì đời người quá phù du.
Hãy làm nhiều điều lành, từ bỏ những việc ác.
Khi làm bất cứ điều gì, hãy suy ngẫm xem hậu quả của việc đó như thế nào? Liệu nó có gây đau khổ hay làm tổn thương cho ai hay không?
- Tham vọng địa vị, tài sản, vật chất chỉ là những thứ có tính cách bèo bọt, tạm bợ, đến hay đi như mây trôi, như gió thổi. Trước có sau không. Chỉ có Tình Thương và Kiến Thức là tồn tại, là vĩnh cửu, là hành trang duy nhất mà chúng ta có thể mang sang cõi bên kia một cách nhẹ nhàng, thoải mái mà không sợ hư hao, mất mát…
Bà Betty Eadie, tác giả cuốn Embraced By The Light xuất bản đầu năm 1993, trở thành một “best seller” với số bán kỷ lục, dẫn đầu những cuốn sách bán chạy nhất Hoa Kỳ. Rồi chỉ một năm sau, nó trở nên cuốn sách bán chạy nhất thế giới với 18 ấn bản bằng các thứ tiếng khác nhau -- (Đã được dịch giả Nguyên Phong dịch thuật Việt ngữ). Bà cho biết lý do bà cầm bút viết về cõi bên kia: “Các kinh nghiệm mà tôi ghi nhận lại chỉ có ý nghĩa khi nó có thể giúp con người trong thái độ của họ đối với cuộc sống, hiểu rằng mục đích của đời sống chính là để yêu thương. Những việc khác chỉ là phụ thuộc” - “Chúng ta hãy yêu thương nhau”.
Và trong tất cả các cuốn sách viết về thế giới bên kia của Đông phương, Tây phương với nhiều tác giả, cũng chỉ có một ý nổi bật, rất giống nhau. Đó là:
Tất cả mọi thứ như tiền bạc, địa vị, danh vọng, quyền lực đều trở nên vô giá trị. Chỉ có tình thương và sự hiểu biết là còn giá trị vĩnh cửu mà thôi!”.