CHUYẾN TÔNG DU ĐẦY KHÓ KHĂN TẠI SRI LANKA VÀ TẠI PHILIPPIN

Thứ ba - 13/01/2015 17:55

CHUYẾN TÔNG DU ĐẦY KHÓ KHĂN TẠI SRI LANKA VÀ TẠI PHILIPPIN

Ngày mai, Thứ Hai, Đức GH Phanxicô sẽ rời Rôma lên đường tông du Sri Lanka và Phi Luật Tân. Đây là chuyến tông du ngoại quốc lần thứ bẩy, và tông du Á Châu lần thứ hai sau khi viếng Nam Hàn tháng Tám năm ngoái.


Giống việc cử nhiệm 15 vị tân Hồng Y có quyền bỏ phiếu gần đây, trong đó hết 10 vị không xuất thân từ Tây Phương, chuyến tông du này càng củng cố hơn nữa hình ảnh “Giáo Hoàng của Làng Hoàn Cầu” nơi ngài.

Để hiểu phần nào tính chất phức tạp của chuyến đi, ta nên chú ý tới 5 thứ giáo hoàng xa sẽ được sử dụng: 2 tại Sri Lanka và 3 tại Phi Luật Tân trong đó có chiếc xe jeep biến cải, một hình thức xe tải dành cho người nghèo Phi Luật Tân. 

Tại Sri Lanka, chủ điểm của Đức Phanxicô chắc chắn là sự hoà hợp giữa các tôn giáo, trong đó, có cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Đây là một chủ điểm nên có trong một quốc gia hiện đang có chia rẽ giữa người Phật Giáo, Ấn Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo và là nơi ký ức cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 30 năm, mới chỉ chấm dứt vào năm 2009, hiện vẫn còn đậm nét trong tâm thức người dân. 

Các liên hệ liên tôn luôn là vấn đề có nhiều đột biến trong một xã hội vốn được cuộc thăm dò năm 2008 của Viện Gallup xếp hạng ba trên thế giới về tôn giáo, nghĩa là các dị biệt về tôn giáo rất dễ bị lạm dụng. 

Đức Phanxicô tới đó sau các cuộc bầu cử đầy gay cấn giữa ông Maithripala Sirisena và TT đương nhiệm Mahinda Rajapaksa. Kết quả: TT đương nhiệm đã mất ghế. 

Dù được nhóm sắc tộc đa số Sinhalese, phần đông theo Phật Giáo, tán thành, ông Sirisena chủ yếu dựa vào nhóm thiểu số Tamil theo Ấn Giáo và các căng thẳng của chiến dịch bầu cử khiến nhiều người Sri Lanka lo ngại. 

Người Công Giáo chỉ chiếm từ 7 tới 8 phần trăm dân số, nhưng nhiều người tin rằng họ có sứ mệnh hòa giải, vì đây là tín ngưỡng duy nhất được cả người Sinhalese lẫn người Tamil tin theo. 

Về phương diện chính trị, rất có thể Đức Phanxicô sẽ đề cập tới chủ đề gai góc là “hội nhập văn hóa” nghĩa là phải làm sao để thích ứng biểu tượng và việc thờ phượng của Kitô Giáo vào nền văn hóa Sri Lanka. 

Vấn đề trên từng gây ra nhiều căng thẳng rất gay gắt giữa mẫn cảm tôn giáo và chủ nghĩa tương đối tôn giáo. Trong hai thập niên 1990 và 2000, nhiều thần học gia cấp tiến Công Giáo, trong đó có Tissa Balasuriya của Sri Lanka, từng bị Vatican ra kỷ luật vì đã đi quá xa trong việc pha trộn các thực hành và quan niệm Đông Phương vào Đạo Công Giáo. 

Nói chung, Đức Phanxicô hiện được coi là khá mềm dẻo trong địa hạt này, dù Thứ Sáu vừa qua, ngài có cảnh cáo nên tự chế. Trong một thánh lễ buổi sáng tại Vatican gần đây, ngài cho rằng: “một buổi yoga không thể dạy tâm hồn ta cảm nhận được tình phụ tử của Thiên Chúa, và một lớp linh đạo Thiền không thể làm ta tự do hơn để yêu thương”. 

Trong khi ấy, theo tờ Sunday Times tại Sri Lanka, Đức Phanxicô sẽ được tân tổng thống vừa đắc cử là Maithripala Sirisena tiếp đón khi ngài đặt chân xuống Phi Trường Quốc Tế Bandaranaike. Thủ Tướng Ranil Wickremesinghe cho cựu TT Mahinda Rajapaksa hay: ông ta cũng được mời có mặt tại Phi Trường để tiếp đón Đức GH vì chính ông là người đã mời ngài qua viếng thăm.

Tình huống trên không phải là lần đầu tiên xẩy ra. Tờ Sunday Times cho hay: nó đã xẩy ra nhiều lần trước đây. Năm 1995, khi Đức Gioan Phaolô II viếng thăm Sri Lanka để phong chân phúc cho Cha Joseph Vaz, ngài vốn được chính phủ UNP tiền nhiệm mời, và được tân TT Chandrika Bandaranaike Kumaratunga tiếp đón. 

Đức Phaolô VI cũng vậy, được chính phủ UNP mời viếng thăm Sri Lanka, nhưng đã được tân Thủ Tướng Sirima Bandaranaike của Đảng SLFP tiếp đón. 

Phi Luật Tân

Tại Phi Luật Tân, trong các ngày từ 16 tới 19 tháng Giêng, Đức Phanxicô sẽ viếng thăm các cộng đồng Phi Luật Tân lớn nhất và năng động nhất trên thế giới. 

Có thể nói người Phi Luật Tân ngày nay là những người Ái Nhĩ Lan mới, tạo xương sống cho Giáo Hội Công Giáo tại nhiều nơi trên thế giới, nơi đức tin Công Giáo đang đi xuống. Giống các di dân và các nhà truyền giáo Ái Nhĩ Lan trước đây trong thế kỷ 19. 

Người ta ước lượng hiện có 10 triệu người Phi Luật Tân sống tại ngoại quốc và họ có khuynh hướng đem đức tin tới bất cứ nơi nào họ tới. Dù sao, Phi cũng là một quốc gia mà ngay tại các khu mua bán lớn (shopping malls) vẫn có các nhà nguyện, và là nơi nhan nhản có những bảng hướng dẫn ở đường phố với những hàng chữ “Xin lưu ý: Các Thánh Lễ và Các Buổi Cầu Nguyện luôn luôn đang diễn tiến”

Tuy nhiên, không vì thế mà Giáo Hội không gặp nhiều thách đố cam go, ít nhất từ hai chiến tuyến:

1. Một là sự chuyển tiếp sang một xã hội nhiều tính thế tục hơn. Năm 2012, dự luật y tế gây nhiều tranh cãi về sinh đẻ cho phép mọi người ngừa thai dù bị Giáo Hội Công Giáo cực lực chống đối đã được thông qua và được Tối Cao Pháp Viện chấp nhận năm 2014.

2. Hai là sự hiện diện mỗi ngày một thấy rõ hơn của Tin Lành và Ngũ Tuần, mà vang vọng nhất là cuộc trở lại của Manny Pacquiao, một lực sĩ quyền Anh Công Giáo hết sức nổi tiếng. Một linh mục Phi Luật Tân gọi con số thống kê nói rằng 85 phần trăm dân Phi là người Công Giáo là “ảo giác”vì đa số có tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật đâu. 

Nước này cũng vẫn đang còn bàng hoàng về cơn bão Hải Yến, tháng Mười Một năm 2013, một trong những cơn bão mạnh nhất xưa nay, từng giết hơn 6,000 người và phá hủy hơn 1 triệu 1 trăm ngàn ngôi nhà khiến cho 4 triệu 1 trăm ngàn người màn trời chiếu đất. 

Vào Thứ Bẩy này, Đức Phanxicô sẽ tới thăm vùng bị bão tàn hại hơn cả để an ủi những người rời cư và làm phép một trung tâm dành cho người nghèo. Ngài sẽ dùng bữa trưa với khoảng 30 nạn nhân sống sót. 

Người ta cho rằng con số người tuốn tới gặp gỡ Đức Phanxicô sẽ hết sức lớn. Một trong các cuộc thăm dò mới đây cho thấy số người “hết sức nôn nóng” trước cuộc viếng thăm của ngài lên tới 88 phần trăm người Phi, 6 phần trăm cho biết “nôn nóng” và phần còn lại cho biết “vui mừng”. 

Năm 1995, khi Đức Gioan Phaolô II tới Manila, ngài lôi cuốn 4 tới 5 triệu người tới tham dự Thánh Lễ do ngài cử hành, một con số chưa từng xẩy ra bao giờ cho một cuộc viếng thăm của các vị giáo hoàng. Nhiều người Phi nôn nóng muốn con số ấy được vượt qua, dù cảnh sát không mấy khuyến khích vì lý do an ninh và vì địa điểm Thánh Lễ dự trù chỉ chứa được chừng 1 triệu người. 

Việc Đức Phanxicô tới thăm Phi Luật Tân cũng làm sáng hơn ngôi sao sáng vốn đã sáng rực của Phi Luật Tân: Đức HY Antonio Tagle, TGM Manila, một trong các vị giáo phẩm nhiều đặc sủng và nổi tiếng trên thế giới. 

Vị giáo phẩm này vốn được người ta gán cho danh hiệu “Phanxicô của Á Châu”, vì cũng biểu lộ cùng một đức khiêm nhường tương tự, và cũng như Đức Giáo Hoàng, cùng thuộc cánh ôn hòa về chính trị. Nhiều người coi ngài là một papabile (tương lai làm giáo hoàng). 

Cũng như tại Nam Hàn trước đây, Đức Phanxicô sẽ đọc diễn văn bằng tiếng Anh, biến cuộc viếng thăm này thành một tuần lễ thử nghiệm ngữ học, chuẩn bị cho cuộc viếng thăm đang được nhiều người nhắc tới tại Hoa Kỳ vào tháng Chín này. 

Năm điều nên biết về cuộc viếng thăm Sri Lanka

Nicole Winfield của AP liệt kê năm điều nên biết về chuyến tông du Á Châu của Đức Phanxicô:

Tới vùng Tamil

Điều đáng lưu ý đầu tiên là Đức Phanxicô sẽ tới vùng người Tamil (Bắc Sri Lanka) để cầu nguyện tại một đền thờ Công Giáo và gặp gỡ tín hữu người Tamil. Đền thờ Đức Mẹ Madhu được cả người CG Tamil và Sinhalese sùng kính, quả là bức phông thích hợp để Đức GH cổ vũ hoà giải… 

Linh mục Bernado Cervellera, chủ nhiệm AsiaNews, cho hay: “đây là một cử chỉ rất mạnh. Ngài sẽ tới một vùng mà Đức Gioan Phaolô II đã không tới được vì chiến tranh”.

Giáo Hội Công Giáo tự coi mình là một lực lượng hợp nhất tại Sri Lanka vì như trên đã nói, nó có cả tín hữu người Tamil lẫn người Sinhalese. Họ cùng thờ phượng với nhau, với các buổi phụng vụ lần lượt bằng hai thứ tiếng. Linh mục Prasad Harshan, một sinh viên tiến sĩ tại Đại Học Thánh Giá ở Rôma, nhận định rằng “đây là dấu chỉ tuyệt diệu của tình liên đới”. 

Việc Đức Phanxicô vừa phong hiển thánh cho chân phúc Giuseppe Vaz là một dấu hiệu hợp nhất khác: các vị thừa sai thế kỷ 17 có công làm sống lại đức tin Công Giáo tại một xứ sở đang bị bách hại bởi chủ nghĩa thực dân Hòa Lan, bằng cách chăm sóc cả người Tamil lẫn người Sinhalese. 

Chủ nghĩa cực đoan Phật Giáo

Khi Đức Gioan Phaolô II thăm Sri Lanka năm 1995, ngài cố gắng đem tới một sứ điệp khoan dung, nhưng bị các nhà lãnh đạo Phật Giáo tẩy chay. Phật Giáo chiếm tới 70% dân số, trong khi Ấn Giáo chiếm 13%, Hồi Giáo chiếm 10 % và Công Giáo chiếm khoảng 7 %. 

Người ta mong các đại diện Phật Giáo tới tham dự buổi gặp gỡ liên tôn do Đức Gioan Phaolô II tổ chức, nhưng không một đại diện nào xuất hiện, để phản đối lời phê phán của Đức GH nói về học thuyết cứu rỗi của Phận Giáo.

Chủ nghĩa cực đoan Phật Giáo chỉ mới lớn mạnh từ 20 năm nay, với những người Phật Tử quá khích phát động các chiến dịch bạo động chống người Hồi Giáo. 

Nhưng hai đại diện ôn hòa của Phật Giáo đã đự định sẽ yết kiến đức Phanxicô nhân cuộc gặp gỡ liên tôn vào ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm. Cha Federico Lombardi nhận định “tôi không biết liệu có những giọng nói khó nghe của người quá khích hay không. Ta hãy chờ xem”. 

Đức Phanxicô từng tố cáo sự xuất hiện của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo tại Sri Lanka và của những người quá khích chuyên cổ vũ “một cảm thức sai lạc về thống nhất quốc gia dựa trên một bản sắc tôn giáo duy nhất”. 

Trong cuộc gặp gỡ các giám mục Sri Lanka tháng Năm năm ngoái, Đức Phanxicô cho rằng Giáo Hội điạ phương phải tiếp tục tìm kiếm “những người cùng chia sẻ hoà bình và cùng đối thoại với nhau” bất chấp bạo lực và đe dọa từ phiá những người quá khích về tôn giáo. 

Quan tâm về an ninh

An ninh sẽ chặt chẽ nhân chuyến viếng thăm Sri Lanka và Phi Luật Tân, nhất là tại Phi Luật Tân vì các căng thẳng hiện nay giữa chính phủ và người Hồi Giáo, hơn nữa còn vì các tiền lệ trong quá khứ nữa. 

Năm 1970, nhân chuyến viếng thăm Manila, Đức Phaolô VI đã bị một người giả dạng làm linh mục đâm vào cổ. Vết thương chỉ nhẹ thôi, nhưng máu cũng đã đổ và Đức GH phải vào nhà thương. 

Tháng Mười vừa qua, hai chiếc áo vests đẫm máu đã được trưng bày trong thánh lễ phong chân phúc cho ngài. Một tuần trước khi Đức Gioan Phaolô II thăm Phi Luật Tân năm 1995, các nhà cầm quyền Phi cho hay đã khám phá một âm mưu của người Hồi Giáo qúa khích nhằm giết Đức GH. Các nhà cầm quyền sau đó còn nhận diện được cả người chủ mưu vụ này là Ramzi Yousef, người từng bị kết án là chủ mưu vụ đánh bom Trung Tâm Thương Mãi Thế Giới năm 1993. 

Kiểm soát đám đông

Tuy nhiên, cuộc viếng thăm Manila của Đức Gioan Phaolô II đã tạo được một kỷ lục mà chưa vị giáo hoàng nào vượt qua được, đó là khoảng 5 triệu người đã tới tham dự Thánh Lễ kết thúc chuyến tông du của ngài, đứng chật ních Công Viên Rizal tại Manila và kéo dài hàng hải lý sang hai bên. Đường chật người đến độ Đức Gioan Phaolô II buộc phải tới bằng trực thăng sau đó 1 tiếng đồng hồ vì đoàn tùy tùng không tới được bàn thờ. 

Cha Gregory Gaston, viện trưởng Giáo Hoàng Học Viện Phi Luật Tân, tiên đoán rằng với sự nổi tiếng của Đức Phanxicô, số người tới mong được diện kiến với ngài chắc chắn sẽ đông hơn nữa, vì các nhà lãnh đạo địa phương đã cho phép nhân viên được nghỉ để tham dự các biến cố chính, trong đó có thánh lễ bế mạc cũng tại Công Viên Rizal. 

Ngài vừa cười vừa nói: “bây giờ mối lo không hẳn là quân khủng bố mà chính là dân chúng, vì họ thương Đức GH quá nên họ dám đè bẹp ngài lắm!”

Môi trường

Người ta tin Đức Phanxico sẽ tập chú vào các vấn đề liên quan tới gia đình: mỗi ngày ngài đều sẽ gặp các gia đình già trẻ, gồm cả các gia đình bị phân tán vì công ăn việc làm. Nhưng một vấn đề không kém quan trọng là môi trường.

Các vị giám mục Phi vốn coi vấn đề môi trường là ưu tiên hàng đầu và Đức Phanxicô chắc chắn sẽ viếng thăm các khu vực bị trận bão Hải Yến tàn phá, một trận bão vốn bị quy cho việc thay đổi khí hậu. 

Cha Lombardi cho hay Đức Phanxicô sẽ không có bài diễn văn nào dành riêng cho vấn đề môi trường, tuy nhiên, chắc chắn ngài sẽ nhắc tới nó. 

Từ ngày lên ngôi giáo hoàng với danh hiệu lấy theo Thánh Phanxicô thành Assidi, vị thánh của thiên nhiên, Đức Phanxicô luôn kêu gọi phải chú tâm tới việc chăm sóc công trình sáng tạo của Thiên Chúa. 

Người ta chưa biết Đức Phanxicô sẽ tiến bao xa trong lời kêu gọi trên qua thông điệp về môi trường sắp tới. Các nhà duy môi trường hy vọng văn kiện này sẽ đẩy mạnh chiến dịch môi trường của quốc tế hiện đang bị đình trệ. 

Nhưng những người bác bỏ tính khoa học của các tiên đoán về môi trường thì lên tiếng đả kích Đức GH vì sự can thiệp của ngài vào lãnh vực này. Maureen Mullarkey của First Things, một tờ báo Công Giáo Mỹ bảo thủ, gần đây cho rằng Đức Phanxicô thiếu khôn ngoan và làm ô danh chức vụ của mình bằng cách sử dụng các công thức mị dân để dụ dỗ công chúng bước vào các hành động môi trường không hề có bất cứ phẩm chất nào ngoài việc tuyên truyền về thần học.

Tác giả bài viết: Vũ Van An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập117
  • Hôm nay11,143
  • Tháng hiện tại274,305
  • Tổng lượt truy cập35,920,650
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây