PM2.5 được coi là hệ thống tốt nhất được dùng để đánh giá tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe và xác định nồng độ bụi ô nhiễm có đường kính từ 2,5 micromet trở xuống.
Những hạt bụi ô nhiễm này có thể là khói, bụi bẩn, nấm mốc hoặc phấn hoa, được tổng hợp từ những kim loại nặng và các hợp chất hữu cơ độc hại. Đây được coi là những mối nguy hiểm lớn cho cơ thể con người nếu bị “tích lũy” trong hệ thống hô hấp.
Theo WHO, chỉ số PM2.5 được coi tạm an toàn là 25 microgram/m3. Sau đây là những nước ô nhiễm nhất dựa theo chỉ số PM2.5 mà Tổ chức Y tế thế giới WHO công bố.
1. Pakistan
Chỉ số PM2.5 trung bình: 100 microgram/m3
Một báo cáo của WHO năm 2014 cho thấy ô nhiễm không khí ở các khu đô thị của Pakistan khiến hàng ngàn người chết mỗi năm. Cụ thể, 80.000 ca nhập viện mỗi năm ở nước này vì các bệnh liên quan đến đường hô hấp, trong đó có tới 8.000 trường hợp viêm phế quản mãn tính và gần 5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh đường hô hấp.
Lý do mà các chuyên gia đưa ra đó là nhiều nhà máy cùng ngành công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản đã khiến môi trường ở đất nước này càng thêm trầm trọng. Chỉ tính riêng năm 2005, đã có hơn 22.600 người trưởng thành là nạn nhân của ô nhiễm không khí.
2. Qatar
Chỉ số PM2.5 trung bình: 92 microgram/m3
Qatar sở hữu một trong những nền công nghiệp hàng không bận rộn nhất thế giới.
Sở hữu số dân hơn 2 triệu người và ngày càng tăng nhanh, Qatar cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề gây ra bởi số lượng ngày càng tăng của các công trình xây dựng và hệ thống hàng không bận rộn.
3. Afghanistan
Chỉ số PM2.5 trung bình: 84 microgram/m3
Chính phủ Afghanistan ước tính rằng, ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến cho 3.000 ca tử vong mỗi năm chỉ riêng tại thủ đô Kabul.
Ô nhiễm không khí ở thủ đô Kabul.
Với dân số gần 30 triệu người, Afghanistan thường xuyên gặp nhiều vấn đề liên quan đến tắc nghẽn giao thông, bụi... gây nên ô nhiễm không khí nặng nề.
Kích thước “khiêm tốn” của những thành phố miền núi đã dẫn đến tệ nạn xây dựng nhà bất hợp pháp, đi kèm với việc sử dụng máy phát điện diesel hoặc tệ hại hơn là nạn đốt lốp xe hoặc túi nilong để làm nhiên liệu. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng không khí của đất nước này.
4. Bangladesh
Chỉ số PM2.5 trung bình: 79 microgram/m3
Là ngôi nhà cư trú của gần 155 triệu người, nhưng theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), chất lượng không khí của Bangladesh đã giảm gần 60% trong vòng 10 năm trở lại đây. Trên thực tế, có đến ba thành phố lớn của Bangladesh nằm trong danh sách 25 thành phố với chất lượng không khí kém nhất trên thế giới.
Một khu thuộc da ô nhiễm nghiêm trọng ở thành phố Dhaka, Bangladesh.
Theo báo cáo của WB, ô nhiễm không khí giết chết trung bình 15.000 người Bangladesh hàng năm. Nguyên nhân của sự ô nhiễm này là do gần 90% trong số 270 nhà máy thuộc da ở Bangladesh luôn "nhả khói" ra không khí, kèm với đó là ngàn lít chất thải độc hại. Một số liệu khác cho thấy, gần bảy triệu người ở Bangladesh bị hen suyễn; hơn một nửa trong số đó là trẻ em.
5. Iran
Chỉ số PM2.5 trung bình: 76 microgram/m3
Ít ai ngờ, có đến 4 thành phố của Iran nằm trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Đây là kết quả của những chính sách chính trị thất bại, việc sử dụng xăng kém chất lượng và hiện tượng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng mà đất nước này vẫn đang phải đối mặt.
Ô nhiễm dày đặc ở thành phố Tehran, Iran.
Hậu quả của những hiện tượng trên là cư dân Iran phải thường xuyên hít thở hỗn hợp khí chết người của bụi cao su, amiang, sufur dioxide, nitrogen oxide và carbon monoxide.
6. Ai Cập
Chỉ số PM2.5 trung bình: 74 microgram/m3
Theo nghiên cứu của WHO, một người dân thường sống ở Cairo hít thở không khí ô nhiễm gấp 20 lần lượng cho phép mỗi ngày.
Ô nhiễm tại Ai Cập được xác định là từ hệ thống giao thông quá tải.
Sự gia tăng số lượng xe cộ, công xưởng và nhà máy nhiệt điện cùng với việc sử dụng các phương pháp sưởi ấm cũ như đốt than hay gỗ được coi là những tác nhân nhân tạo chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ở đây.
7. Mông Cổ
Chỉ số PM2.5 trung bình: 64 microgram/m3
Dù chỉ sở hữu số dân vỏn vẹn 2,7 triệu người nhưng Mông Cổ vẫn nằm trong số những nước có nền không khí ô nhiễm nhất.
Nhiệt độ dưới mức đóng băng trong thời gian dài ở Mông Cổ. Mùa đông lạnh và kéo dài, với nhiệt độ có lúc xuống tới -40°C khiến cho người dân Mông Cổ thường xuyên phải đốt than để nấu nướng và sưởi ấm. Chính điều này là nguyên nhân hàng đầu khiến không khí ở đất nước trở nên ô nhiễm trầm trọng với mức đo PM2.5 là 64ug/m3.
Ô nhiễm ở Ulaanbaatar.
Thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Dựa vào bảng đánh giá chất lượng không khí theo thời gian thực (AQI) thì không khí hiện giờ ở đây ô nhiễm ở vào mức độ cao nhất - nghĩa là đang ở mức báo động và tất cả mọi người đều có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
8. Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất
Chỉ số PM2.5 trung bình: 61 microgram/m3
Dù cho quốc gia này là một trong những khu vực giàu có nhất trên thế giới nhưng cũng là một trung tâm ô nhiễm. Ả Rập Saudi làm giàu từ ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt mà từ lâu đã nổi tiếng là gây hại cho môi trường.
Sự giàu có không ngăn cản được ô nhiễm tại đây.
Với dân số hơn 9 triệu người, Dubai đã phải đưa ra chính sách “ngày không xe ô tô” vào năm 2010 nhằm phần nào giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm nặng nề ở thành phố giàu nhất thế giới này.
9. Ấn Độ
Chỉ số PM2.5 trung bình: 59 microgram/m3
Theo báo cáo của Trung tâm khoa học và môi trường Ấn Độ (CSE), vào mùa đông năm 2013, mức độ ô nhiễm không khí ở New Delhi cao hơn gấp 60 lần mức an toàn.
Đây cũng là thành phố có tỉ lệ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới theo WHO. Với chỉ số AQI trên 300, người dân của thành phố này được khuyến cáo hạn chế ra đường bởi nguy cơ gây hại lớn cho sức khỏe.
Ô nhiễm gây ra bởi những công trình xây dựng, chất thải công nghiệp. Các đám cháy lớn, khí thải xe cộ và lượng dân số đáng kinh ngạc 1,2 tỷ dân đã đưa Ấn Độ vào vị trí thứ 9 trong danh sách này.
10. Bahrain
Chỉ số PM2.5 trung bình: 57 microgram/m3
Có một sự thật là ô nhiễm không khí không chỉ xảy ra ở các nước đang phát triển. Tại một đất nước phát triển như Bahran, với dân số chỉ vỏn vẹn 1,3 triệu người, ô nhiễm vẫn là một vấn nạn lớn của quốc gia.
Ô nhiễm ở đây chủ yếu là do hoạt động sản xuất năng lượng, bụi, khói và khí thải công nghiệp.