Chúng ta đang sống ở nơi chuyện gì xảy ra cũng chẳng có gì lạ!

Thứ bảy - 17/01/2015 16:03

Chúng ta đang sống ở nơi chuyện gì xảy ra cũng chẳng có gì lạ!

Dư luận như “lên đồng” sau màn uống nhầm acid của một nhà ảo thuật. Tuy nhiên, thi tài ảo thuật uống acid chưa phải là sự lạ.
uong nham axit, nong dan do sua

Nông dân đổ bỏ sữa bò. Ảnh: Báo Thanh niên.

1.  
Rất lâu sau sự cố ầm ĩ của Quỳnh Anh- cô bé được giới thiệu là có khả năng hát 6 thứ tiếng vào năm 2012, chương trình Vietnam’s Got Talent (VGT) năm nay đã thực sự trở thành “điểm nóng” của dư luận bằng một việc không mấy vui vẻ: thí sinh thi ở vòng bán kết uống nhầm acid.

Khỏi phải nói phản ứng của khán giả thế nào, có người còn đề nghị đổi tên luôn chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt” thành “Tìm kiếm tai họa Việt”, bởi theo họ, màn ảo thuật của thí sinh Tấn Phát là một trò đùa cợt quá ngốc nghếch với chính tính mạng của mình.

Điều gì cũng có thể xảy ra với những chiếc cốc giống nhau, chứa một thứ dung dịch màu sắc giống nhau, chỉ khác một điều, uống nước thì không sao, uống nhầm acid thì coi như “đời xóa tên tụi mình”.

Như chúng ta đây, ăn sắt thép xi măng, ăn điện nước, ăn xe hơi nhà lầu, uống nhà công vụ, uống đất vàng, uống cả công trình vay vốn ODA mà hệ tiêu hóa chẳng hề hấn gì, chúng ta còn không thèm đi thi. Tiểu tử này thật là ngông cuồng quá mức”.
Thương thí sinh gặp rủi ro vì “tai nạn nghề nghiệp” thì ai cũng thương. Nhưng trách thì vẫn phải trách. Trách nhà tổ chức chương trình vì họ đã để cho những tiết mục quá ư rùng rợn kinh dị lên sóng truyền hình mà khán giả thì chắc chắn có cả trẻ nhỏ.

 

Trách Đài truyền hình quốc gia đã “vô tư” để chương trình VGT thi triển bao nhiêu màn biểu diễn rùng mình: câu móc sắt vào mắt để nâng xô nước, nuốt rắn và đóng đinh vào miệng, đóng đinh vào đầu, đập gạch, nối dây điện vào lỗ mũi để thắp sáng bóng đèn…

Xem xong chương trình thi bán kết VGT tối 11-1, khán giả la oai oái, bao nhiêu ông bố bà mẹ kêu than: “Con tôi bị ám ảnh”, “Con tôi sợ hãi, cứ hỏi xem chú ấy uống acid rồi có bị làm sao không”.

Thì đây, nhạc sĩ Huy Tuấn- thành viên Ban giám khảo đã trả lời trên báo: “Tôi nghĩ là ông bố bà mẹ nào cũng đều phải có những biện pháp phù hợp để bảo vệ con em của mình trước khi chúng có được ý thức tự vệ. Đó là trách nhiệm của người lớn”. Thật là chuẩn hết chỗ chỉnh mất rồi. Khán giả nào ráng xem thì ráng chịu.

Cuối ngày, thông tin từ Ban tổ chức đưa ra, Tấn Phát sẽ phải nằm viện 10 ngày, truyền nước qua tĩnh mạch để đề phòng nhiễm trùng đường tiêu hóa do lo ngại acid ăn mòn. Thật không cái dại nào giống cái dại nào. Đó là một tấm gương tày liếp cho những bạn trẻ muốn khẳng định “tài năng” bằng con đường mạo hiểm.

Chứng kiến một cuộc chơi như vậy, người thường chúng ta hẳn hết sức lo lắng. Nhưng tôi biết, có những bậc “dị nhân” tài năng đầy mình, tài gấp trăm ngàn lần cậu trai trẻ uống phải acid kia, chẳng đi thi thố bao giờ vì đang bận ẩn dật, sẽ cười ruồi một cái.

Các “dị nhân” này thầm nghĩ: “Uống nhầm acid đã là gì, mà có tài năng uống acid thì đã thấm vào đâu mà định đi thi thố với ai? Tiểu tử này thật không biết lượng sức mình.

Như chúng ta đây, ăn sắt thép xi măng, ăn điện nước, ăn xe hơi nhà lầu, uống nhà công vụ, uống đất vàng, uống cả công trình vay vốn ODA mà hệ tiêu hóa chẳng hề hấn gì, chúng ta còn không thèm đi thi. Tiểu tử này thật là ngông cuồng quá mức”.

Đọc đến đây thì quý bạn đọc có đồng ý với tôi, rằng các bậc “dị nhân” này mới xứng đáng là các bậc kỳ tài trong thiên hạ hay không? Đến bao giờ có một cuộc thi mở ra mà thu hút được các bậc “dị nhân” này đến ứng thí, cuộc thi đó mới thực sự là “hót hòn họt”.

Cứ tưởng tượng cô phụ diễn xinh đẹp bưng một chiếc khay trên để tiền, vàng, đô la, đất vàng, nhà công vụ, cầu cống, đường sá ra, chỉ trong nháy mắt, dị nhân đã nuốt cái vèo. Đó mới thực sự là “tài năng” thứ thiệt.

2.
Cũng lại hôm qua, tôi đọc một bản tin thế này, “Sáng 10.1, hàng chục nông dân xã Tu Tra và Đạ Ròn (Đơn Dương, Lâm Đồng) đã đổ sữa bò ngay trạm thu mua của Công ty CP sữa Đà Lạt (Dalat Milk) để phản đối vì cho rằng đơn vị này ép người chăn nuôi.

Ông Nguyễn Hoàng Nhật- Chủ nhiệm HTX bò sữa Cầu Sắt (xã Tu Tra), cho biết: “Dalat Milk ký hợp đồng thu mua sữa tươi cho 125 xã viên từ hơn 3 năm nay khá ổn định. Việc công ty bỗng nhiên khống chế lượng sữa thu mua chỉ 16 kg/con bò khiến các nông hộ dư dôi hơn 3 tấn sữa/ngày không biết tiêu thụ ở đâu”.

Nhìn nông dân đổ từng xô sữa trắng muốt ngon lành xuống đất vì uất ức do bị “xử ép”, trong khi bao nhiêu những đứa trẻ đói nghèo không biết vị sữa là gì, trong khi trẻ em Việt Nam còi cọc và suy dinh dưỡng, thấp lùn nhất khu vực mà tôi thấy lòng đau như cắt.

Ai đứng ra bảo vệ quyền lợi cho những người nông dân?
Chính những người nông dân ở Lâm Đồng này, vài tháng trước còn đổ bỏ cà chua chất đống ngoài đường vì không nơi tiêu thụ, trong khi con họ đối mặt với đứt bữa và thất học. Không người có trách nhiệm nào đứng ra làm gì cho họ cả.

Thế đấy, ở nơi mà nông dân phải đem từng xô sữa trắng muốt ngon lành, là tiền của công sức mồ hôi nước mắt của họ đem đổ tràn xuống đường đất bẩn, thì một thí sinh thi tài năng trên truyền hình, uống nhầm một cốc acid cũng có gì lạ đâu?

Trong khi đó, những quán quân tài năng của cuộc thi trí tuệ Đường lên đỉnh Olympia thì có 12/13 người học xong không trở về nước.

Chúng ta đang sống ở nơi chẳng có điều gì là lạ cả.  

 

Tác giả bài viết: Bình Luận

Nguồn tin: Theo Mi An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập652
  • Hôm nay10,816
  • Tháng hiện tại280,713
  • Tổng lượt truy cập36,335,268
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây