HOA KỲ CHẦN CHỪ, ASEAN LẦN LỮA TRONG KHI BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG

Chủ nhật - 18/01/2015 20:21

HOA KỲ CHẦN CHỪ, ASEAN LẦN LỮA TRONG KHI BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG

Cốt lõi của vấn đề ở đây là: Trung Quốc sẽ thống trị biển Đông trừ khi có ai đó kiềm chế họ. Hoa Kỳ và các nước Đông Á, láng giềng của Trung Quốc có thể ngăn cản sự bành trướng chậm rãi của Trung Quốc, khi và chỉ khi họ nhất trí được cách thức chia sẻ các rủi ro cũng như chi phí trong việc thuyết phục Bắc Kinh thay đổi ý đồ.
 
                                                 Posted by admin on January 12th, 2015
                                                                       Asia Sentinel
                                                  Tác giả: David Brown & Bronson Percival
                                                                         Người dịch: THA
                                                                              06-01-2015
 
 
                                                     image.jpeg
                  Các nước ven biển Đông vẫn mãi ca bài “mời anh trước … Không, mời anh trước”
 
 
 
Trung Quốc muốn mở rộng lãnh hải của họ. Mục tiêu này nhận được sự ủng hộ rộng khắp của quần chúng nước này. Tuy nhiên, việc mở rộng như vậy sẽ thách thức quyết tâm duy trì hiện trạng ở rìa Tây Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Đồng thời, nó cũng sẽ thách thức nền độc lập của các nước Đông Á láng giềng của Trung Quốc, ngay cả khi Trung Quốc chỉ muốn các nước này nhượng bộ chứ không phải quy phục hoàn toàn về vấn đề tranh chấp lãnh hải. Hiện tại, Bắc Kinh có vẻ như đã dứt khoát với các bước tiến nhỏ tại nơi mang lại lợi thế chiến thuật: đó là vùng biển Đông trải dài từ đảo Hải Nam xuống phía nam cho tới Singapore.
 
Phương thức bành trướng của Trung Quốc đã trở nên rõ ràng. Hãy quên đi “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc – câu cửa miệng quen thuộc của các nhà ngoại giao nước này xuyên suốt những năm 2000. Kể từ năm 2009, khi Bắc Kinh tái khẳng định chủ quyền với khoảng hơn 80% diện tích biển Đông, vùng biển kín lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã chậm rãi bành trướng về phía nam. Các tàu tuần duyên và kiểm ngư Trung Quốc luôn xuất hiện ở tuyến đầu, tạo thành một vỏ bọc bán vũ trang che đậy cho quả đấm thép của lực lượng hải quân Trung Quốc.
 
Các nhà phân tích trước đây còn tranh cãi liệu Bắc Kinh đang đạo diễn thực hiện ý đồ bá quyền khu vực biển Đông hay chỉ đang cố gắng quản lý, chỉnh đốn các cơ quan chấp pháp trên biển dưới quyền mình. Giờ đây không còn gì phải tranh cãi nữa. Trong những năm gần đây, các chiến thuật của Trung Quốc được phối hợp rất nhịp nhàng – một sự kết hợp của dọa nạt, tuần tra hàng hải, phong tỏa cục bộ, triển khai giàn khoan dầu khí, đâm va các tàu đánh cá, và xây dựng cơ sở hạ tầng trên các bãi cạn và đảo nhỏ. Bắc Kinh đã thiết lập một bộ khung hành chính, dưới cái tên “Thành phố Tam Sa”, để tiếp quản khu vực bá quyền mới này. Từ năm 2012, đường chữ U bao trọn khu vực này đã được in chìm lên các hộ chiếu Trung Quốc.
 
Việc Trung Quốc theo đuổi bá quyền trên biển Đông đã làm rạo rực con tim của những người Trung Quốc yêu nước, những người đã thuộc nằm lòng một phiên bản kỳ bí về vai trò có tính lịch sử của Trung Quốc đối với các vùng biển của châu Á. Nếu ta bỏ thêm vào câu truyện kỳ bí này quyết tâm của Bắc Kinh muốn gột rửa nỗi sỉ nhục do các cường quốc châu Âu gây ra cho họ trước đây – vào giai đoạn lịch sử được gọi là “thế kỷ nhục nhã” – bằng cách trút những sỉ nhục tương tự lên các quốc gia láng giềng lân cận, ta sẽ thấy một siêu cường quốc bị huyễn hoặc bởi câu chuyện huyền sử do họ tự dựng nên và bởi thói tự mãn, tự cho mình là công chính. 
 
Trung Quốc dường như đã tự thuyết phục rằng họ đang không làm gì hơn ngoài thu hồi lại các lãnh hải đã để mất. Hậu quả là, tại Bắc Kinh, người ta thường quy kết sự phẫn nộ ngày một tăng của các quốc gia châu Á khác với Trung Quốc là do sự mưu đồ, giật dây của Hoa Kỳ nhằm kiềm tỏa Trung Quốc.
Các nhà chiến lược Hoa Kỳ chưa nhất trí được phương thức ứng phó với kế hoạch mở rộng lãnh hải của Trung Quốc. Các chính sách của Hoa Kỳ đã thành công trong việc giữ cho mối quan hệ Mỹ-Trung tương đối ổn định về tổng thể, nhưng đã thất bại trong việc kiềm chế sự lên gân của Trung Quốc trong các vấn đề về tranh chấp lãnh hải.
 
Từ vài thập kỷ nay, một số chuyên gia Hoa Kỳ đã hình dung rằng Washington có thể xây dựng một mối quan hệ có tính xây dựng, thậm chí là gần gũi, với siêu cường đang trỗi dậy của châu Á này, như một hình thức “lưỡng quyền”, trong đó Trung Quốc đóng vai trò đối tác chân phụ. Theo kịch bản đó, Hoa Kỳ vẫn sẽ là nhà bảo trợ cho an ninh của Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, và – theo đúng nghĩa đen – chính quyền Trung Quốc đối địch với Bắc Kinh, đó là Đài Loan. Bắc Kinh không thỏa mãn với viễn cảnh đó, và thậm chí còn có thể nhắm đến việc tái kiểm soát các nước trước đây từng là chư hầu của họ ở vùng Đông Bắc Á. Trước mắt, mục tiêu đó quá khó khăn. Đông Nam Á là một con mồi béo bở, dễ dàng hơn nhiều.
 
Các nhà chiến lược ở các nước Đông Nam Á đã nhanh chóng suy đoán rằng ngay khi Tập Cận Bình củng cố được quyền lực, Trung Quốc sẽ theo đuổi một chính sách ngoại giao tự tin, nhưng cũng đồng thời ít gây va chạm hơn. Nhưng suy đoán đó đã sai. Cho dù ASEAN liên tục hối thúc Trung Quốc chấp nhận Bộ Quy tắc Ứng xử trên biển Đông, một bộ quy tắc có thể giúp răn đe hay ít nhất là chỉ hướng tháo gỡ các xung đột trên biển Đông, Trung Quốc dưới quyền Tập Cận Bình không tỏ ra thực sự mặn mà với kế hoạch này của các nước ASEAN, nói gì đến việc đàm phán đa phương về các tuyên bố chủ quyền lãnh hải.
 
Cách đây vài năm, các nhà phân tích Trung Quốc dường như đã đi đến kết luận rằng các nước láng giềng quanh vùng phương nam đang xâm hại các lợi ích của Trung Quốc trong khi chỉ giả vờ đàm phán về các yêu sách chủ quyền. Kể từ 2009, Bắc Kinh đã không còn tha thiết với việc thỏa thuận các tuyên bố “cùng khai thác” với các đối tác láng giềng, trừ khi trong đó có điều khoản thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Các chiến lược của Trung Quốc đã giúp hình thành một cách tiếp cận nhất quán và cho đến nay hiệu quả trong việc độc chiếm các vùng biển lân cận. Cùng lúc đó, giới quân sự Trung Quốc thường cho rằng an ninh của nước này phụ thuộc vào việc kiểm soát các vùng biển nằm trong “chuỗi đảo thứ nhất” và cuối cùng là vào khả năng triển khai lực lượng ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
 
Những quan điểm này là nền tảng cho chiến lược của Bắc Kinh và đã dần đẩy Trung Quốc vào thế đối đầu với Hoa Kỳ. Kể từ Thế chiến 2, chính sách ngoại giao Hoa Kỳ hướng đến, theo nghĩa rộng nhất, một trật tự thế giới ràng buộc bởi các quy tắc, thuận theo công pháp quốc tế và bảo vệ cho quyền lợi của tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ. Bất chấp thực tế trớ trêu là dù chưa được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua, Công ước Quốc tế về Luật Biển của LHQ về cốt lõi vẫn là sản phẩm của viễn kiến về trật tự thế giới kể trên của Hoa Kỳ. Các điều khoản của Công ước về tự do hàng hải, bảo vệ cho một mạng lưới các tuyến giao thương hàng hải tối quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu, và mang lại một bộ khung cơ chế giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra đụng độ hàng hải ngoài biển khơi.
 
Các nhà chiến lược Hoa Kỳ đã chủ đích tập trung vào cái được cho là “bức tranh toàn cảnh”, đó là việc trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, việc tập trung vào Trung Quốc như vậy đã đẩy phần còn lại của châu Á ra ngoài tiêu điểm, và chỉ xem xét quyết tâm theo đuổi tham vọng mở rộng lãnh hải bằng mọi giá của Trung Quốc chủ yếu trong bối cảnh quan hệ song phương Mỹ-Trung. Một nhóm các chuyên gia về Trung Quốc lập luận rằng các tranh chấp trên biển Đông không đủ quan trọng để đánh cược đại cục quan hệ Mỹ-Trung.
 
Một nhóm chuyên gia khác nghĩ rằng, làm gia tăng các phí tổn cho Trung Quốc khi theo đuổi bá quyền sẽ thuyết phục được Bắc Kinh rằng các lợi ích tiềm tàng ở biển Đông không đáng để phá hỏng quan hệ của họ với Washington. Cả hai nhóm chuyên gia này đều có thể đã nhận xét đúng về Trung Quốc, nhưng chỉ khi Bắc Kinh cũng nhìn nhận mọi việc dưới lăng kính quan hệ Mỹ-Trung.
 
Nhiều lãnh đạo châu Á dường như tin rằng sự đối đầu Mỹ-Trung sẽ choán chỗ tất cả các tranh chấp tay đôi của họ với Trung Quốc, và rằng cuối cùng thì Washington sẽ nhận ra chỉ bằng cách đối đầu một cách trực diện, cứng rắn mới có thể ngăn chặn được sự thống trị của Trung Quốc, không chỉ đối với biển Đông, mà còn với tất cả các quốc gia tiếp giáp vùng biển này.
 
Đã có ý kiến rằng, thay vì đứng nhìn các quốc gia Đông và Đông Nam Á bị cuốn vào vòng ảnh hưởng về kinh tế cũng như chính trị không thể cưỡng lại của Trung Quốc, Washington cuối cùng cũng sẽ đảm nhận gánh nặng ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc, cho phép các quốc gia Thái Bình Dương láng giềng của Trung Quốc có thể theo đuổi các lợi ích của mình với phí tổn thấp nhất.
 
Vì vậy, một vài năm trước đây, dư luận ở nhiều nước châu Á đã rất phấn khích, tràn trề hy vọng khi những người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ “xoay trục” để quay lại Đông Á. Và thêm nữa, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã dùng ngôn từ mạnh bạo hơn, nhận định một cách xác đáng rằng các động thái của Trung Quốc là “khiêu khích” và bác bỏ đường chín đoạn của Bắc Kinh là “không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.”
 
Tuy nhiên, các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ vẫn bị trói chặt trong các sứ mệnh ở Trung Đông, bất chấp các cuộc rút quân khỏi Iraq và Afghanistan. Không ai biết liệu rằng có hay không, hay khi nào thì các vòng thương thảo Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) bất tận, một cấu phần quan trọng của kế hoạch xoay trục, mới kết thúc, hoặc liệu rằng Quốc hội Hoa Kỳ cuối cùng sẽ có phê chuẩn cho Hoa Kỳ gia nhập TPP hay không.
 
Những người cho rằng Hoa Kỳ không thể cưỡng lại việc đối đầu với Trung Quốc đã nhận định sai về nền chính trị Hoa Kỳ cũng như tâm thái của công chúng Mỹ. Vẫn còn ám ảnh với cuộc chiến với Việt Nam nửa thế kỷ trước và mệt mỏi với các cuộc xung đột tại Trung Đông, công chúng Mỹ sẽ không ủng hộ cho các phí tổn, cả về tài chính lẫn lực lượng quân sự, để bảo vệ các quốc gia châu Á không sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập của chính mình. Hơn nữa, lợi ích sát sườn của những thế lực đã đổ quân đội cũng như các nguồn lực của Hoa Kỳ để theo đuổi các mục đích thiếu minh bạch ở Trung Đông sẽ tiếp tục phân tán Hoa Kỳ khỏi châu Á.
 
Với ngoại lệ đã được thực tế kiểm nghiệm là Nhật Bản và Philippines, các nước Thái Bình Dương láng giềng của Trung Quốc ít tỏ ra quyết tâm, điều sẽ giúp họ và các nước láng giềng của họ đứng lên chống lại Trung Quốc. Ví dụ, không có liên minh Á-Mỹ nào để có thể quy tụ cùng, một số các tiếng nói có trọng lượng ở Hà Nội vẫn nhất mực cho rằng thỏa hiệp với Bắc Kinh là đối sách khả dĩ duy nhất. Có lẽ, họ lo lắng cho sự cầm quyền của Đảng Cộng sản hơn là chủ quyền của Việt Nam, nhưng có hề gì. Xa hơn nữa về phía nam, Malaysia và Indonesia được cho rằng đang cố gắng bấu víu, càng lâu càng tốt, vào hy vọng mỏng manh rằng Trung Quốc sẽ giới hạn tham vọng của mình ở mức buộc Philippines và Việt Nam vào vòng cương tỏa.
 
Cho đến khi các quốc gia chủ chốt của ASEAN và các đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Á sẵn sàng chia sẻ phí tổn và rủi ro của việc ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc, Tổng thống Obama và đội ngũ Hội đồng An ninh Quốc gia của ông sẽ tỏ ra rất cẩn trọng. Hoa Kỳ sẽ chia sẻ tin tức tình báo, đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực cảnh giới lãnh hải, và tương trợ an ninh một cách có giới hạn, nhưng sẽ không hy sinh đại cục quan hệ của mình với Trung Quốc bằng cách điều động Hạm đội 7, hoặc triển khai một lực lượng bán quân sự đáng kể trên biển Đông.
 
David Brown là một nhà báo về Đông Nam Á đương đại, còn Bronson Percival là một nhà phân tích ở Washington. Cả hai ông đều là các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã nghỉ hưu.
 

Tác giả bài viết: BA SÀM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập930
  • Hôm nay12,693
  • Tháng hiện tại282,590
  • Tổng lượt truy cập36,337,145
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây