Hoa cải, lá cải và … củ cải

Chủ nhật - 18/01/2015 20:08

Hoa cải, lá cải và … củ cải

(GDVN) - Chỉ có nhờ rau răm mà món dưa cải bắp- rau cần mới dậy mùi, mới đúng hương vị. Và có lẽ vì thế nên chỉ có rau răm mới có thể làm cho củ cải mọc tai?
Trong muôn vàn cỏ cây hóa lá Việt Nam, chẳng có loại cây nào từ cuộc sống tầm thường bước lên diễn đàn văn học, truyền thông, chính trị một cách đường hoàng như cây rau cải. Dạo trong vườn hoa, người ta chỉ nhìn hoa, cùng lắm là nhìn lá chẳng mấy khi nhìn gốc, chính vì thế mà người viết đành phải hùa theo số đông, nghĩa là nhìn cây cải theo chiều từ ngọn xuống gốc.

Người Việt có một câu ca dao thật buồn:

Gió đưa hoa cải về giời

Rau răm ở lại chịu nhời đắng cay.

Nhiều người nói đọc câu ca dao chẳng hiểu sao cứ thấy nghèn nghẹn, nhưng không thể cắt nghĩa tại sao lại như vậy.

Một lần đọc cuốn tự truyện của Iuri Rykheu, nhà văn người Daghestan (Nga), tác giả kể về một buổi gặp gỡ suốt đời không thể quên, tóm tắt đoạn văn như sau:  “Về Moscva học, chàng trai người dân tộc Daghestan quen cô gái con vị giáo sư dạy ở trường đại học. Một lần bạn bè rủ ra ngoại ô chơi, chàng thấy một cánh đồng hoa vàng rực rỡ liền hái một bó đem về nhà bạn gái. Cả nhà nhìn bó hoa không nói một lời, riêng cô gái sau phút ngỡ ngàng liền tỏ ra vui vẻ và nói khẽ với chàng trai: “em sẽ tìm lọ hoa để cắm” rồi cầm bó hoa chạy biến vào trong phòng. Sau này chàng trai mới biết đó là hoa cải, loại cây người ta trồng lấy hạt để làm món tương hạt cải (mù tạc).

Chẳng ai đem hoa cải về cắm trong bình vì nó là loại hoa “tầm thường”, không giá trị, bán chẳng ai mua. Nhưng tại sao các cụ lại nói “hoa cải” được “về giời”, về nơi cao quý, sang trọng. Còn rau răm, loại rau có rất nhiều tác dụng trong ẩm thực như khi muối dưa bắp cải, khi nấu miến lòng gà, đặc biệt là món cháo trai, canh hến… tại sao nó lại chịu sự đắng cay? Bởi vì rau răm luôn bò lan sát mặt đất, nó có tác dụng diệt dục, làm cho con người tiêu tan cái bản ngã tự nhiên của mình, chính vì thế ngày xưa khi con gái về nhà chồng, mẹ đẻ thường dặn “cho chồng con ăn ít rau răm thôi”.

Không giống một số câu ca dao đọc lên phải hiểu ngược theo kiểu “Hùm nằm cho lợn liếm lông, một chục quả hồng nuốt lão tám mươi…”, câu thơ về hoa cải đọc lên phải ngẫm lâu mới hiểu những gì ẩn chứa đằng sau từng câu, từng chữ, mới thấy sự cay đắng về thân phận người nông dân thời phong kiến. 

Bằng câu ca dao mộc mạc, người xưa muốn truyền lại cho hậu thế câu hỏi: “vì sao hoa cải – loài hoa rất tầm thường ấy lại được ưu ái lên trời, còn rau răm dẫu có tác dụng thế nào thì cũng chỉ có thể bò lan dưới đất”?

Sau này, cũng chẳng biết từ lúc nào, người ta lại mượn hình ảnh hoa cải để nói về một thứ được phun ra từ nòng súng. Dẫu là “về giời” hay được “phun ra” thì các cụ cũng đã hướng dẫn con cháu phương pháp đề phòng, nếu mà thấy cải có khả năng ra quá nhiều hoa thì ngắt ngồng cải muối dưa, như lời một câu đồng dao:

Sáng ngày cơm cháo gì chưa?

Đánh bát cơm nguội với dưa cải ngồng.

Sáng ngày cơm cháo gì không?

Đánh bát cơm nguội với cải ngồng muối dưa.

Phía dưới hoa cải là lá cải, những ngày nóng gắt, thu khan mà có bát canh rau cải nấu cá rô đồng thì thật là ngon miệng. Đến các phố huyện vùng đồng bằng sông Hồng thể nào cũng tìm được quán bún cá rô, trong bát bún ấy chắc chắn phải có ít lá cải trần tái, đó là món ăn dân dã của người nhà quê. Có phải đây chính là nguyên nhân khiến người ta dùng cái tên “báo lá cải” cho những loại báo chí tầm thường.

Có dạo, một tờ báo giấy bị đồng nghiệp cho là “lá cải” vì gần hết các trang là chuyện cướp, hiếp, giết, mại dâm, ma túy. Mới chỉ bị rung nhẹ mấy cái mà các “lá cải” lập tức phản ứng, rằng số lượng phát hành của “lá cải chúng tôi”  là rất… rất nhiều, rằng đây là cách tốt nhất để giáo dục pháp luật cho quần chúng.

Thật ra khi thuật ngữ báo lá cải (tabloid journalism) ra đời ở Anh quốc năm 1901 thì từ tabloid  không có nghĩa là “lá cải” nó chỉ có nghĩa là nhỏ gọn, kích thước báo chừng 430×280 mm. Nhiều tờ báo uy tín hiện nay vẫn có ấn bản kích thước như vậy. Ở Việt Nam, không biết ai đã dùng từ “lá cải” để đặt tên cho loại hình báo chí giật gân câu khách này, phải công nhận rằng khó có thể thể tìm từ nào hay hơn. Tác giả Kỳ Duyên trong bài “Thời của báo lá cải” [1] đã viết: “Hãy cứ thử vào bất kỳ tờ báo điện tử chính thống nào mà xem. Cột được đọc nhiều nhất, chiếm ưu thế nhất, đương nhiên toàn cướp, giết, hiếp; toàn sốc- sex- sến”...

Có lẽ vì thế mà gần đây một tờ báo điện tử chính thống, có uy tín lâu năm, thuộc một bộ có nhiều duyên nợ với báo chí chẳng hiểu vì duyên cớ gì mà ngày 20/12/2014 ngay trang nhất, mục “Đọc nhiều nhất”  đưa liền hai tin: “Thời sự trong ngày: chồng nhẫn tâm giết vợ mới cưới” và “Hà Nội: chồng 9x nhẫn tâm đánh chết vợ”, rồi ngay bên dưới là tin “Hồng Quế khoe vòng 1 và chân dài miên man”! Là báo của Bộ chẳng lẽ báo điện tử này không được hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước, việc câu view chẳng lẽ là theo phong trào “lá cải”, nếu không hùa theo phong trào sẽ bị cho là “chậm tiến”?

Thật oan cho lá cải vì nó bị gắn với những xấu xa của truyền thông đương đại, nhưng lá cải dù có bị “ngược đãi” thì vẫn mãi là món ăn chung thủy, ngon miệng của người nghèo. Thậm chí khi trở thành Kim chi nó còn được Thủ đô Hà Nội đưa vào hội thảo như là một nét văn hóa đặc trưng của người Hàn Quốc.

Chuyện về củ cải thì nhiều vô kể, nhưng câu thành ngữ  “Nói phải củ cải cũng nghe” thì chắc là nổi tiếng nhất. Từ “củ cải” trong câu thành ngữ trên có thể là người nông dân sau lũy tre làng, có thể là lý trưởng, chánh tổng, tuần phủ, án sát, thậm chí có thể là thượng thư, tể tướng… Vấn đề là ai có thể “nói phải” cho các “củ cải” đó nghe?

Trong tự nhiên, gỗ có tai và người ta gọi tai gỗ là “mộc nhĩ”, nhưng các cụ không bảo “nói phải mộc nhĩ cũng nghe” mà lại là “nói phải củ cải cũng nghe”, ngoài cái chuyện nói theo vần thì cũng còn một duyên cớ rất sâu sắc không dễ nhận ra. 

Củ cải bán ở chợ thì trắng nõn, múp míp nhưng lại không có tai nên dẫu có muốn nói “rót vào tai” thì cũng đành chịu. Chờ  “củ cải” biết lắng nghe thì cũng giống như chờ hoa Ưu đàm, nghìn năm mới nở một lần, trừ trường hợp biết “nói phải”, biết làm cho “củ cải mọc tai”.

Vậy thì ai phải gánh trọng trách “nói phải” - người dân, quan tổng, quan phủ… hay tầng lớp sĩ phu, trí thức? Trên thế giới có vô số định nghĩa về trí thức, chẳng hạn: “Trí thức là người lao động trí óc”; “Trí thức là người có học”; “Trí thức là người dẫn dắt xã hội”; “Trí thức là người không để cho xã hội ngủ”…

Xét về khía cạnh “trí thức là người có học” thì có lẽ 100%  quan lại ngày xưa và người nhà nước ngày nay đều là trí thức. Báo Sài Gòn Giải phóng (SGGP) viết: "Ở nước ta, đào tạo ra Tiến sĩ giờ chủ yếu là để làm quản lý…hễ làm quản lý mà có Tiến sĩ thì càng… danh giá”,  “Trong đội ngũ cán bộ của ta hiện nay, tỷ lệ Tiến sĩ rất cao” và báo này đã sáng tạo nên một thuật ngữ mới “Tiến sĩ quan”. [2]

Có một thực tế là không ít “trí thức cắp ô” thường xuyên đi muộn, về sớm, ăn sáng trong giờ làm việc, ngủ gật trong phòng làm việc [3], với trí thức kiểu này liệu có biết “nói phải”? 

 

Hơn 10 giờ 30 sáng tại UBND xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An, trụ sở vắng tanh, cửa khóa then cài. Ảnh Xuân Hòa

Một nhóm trí thức khác, thuộc diện cao cấp nhất, đó là các GS, PGS, TS làm việc tại các trường đại học, học viện. Việc một số người “chép nhầm” công trình của người khác trong luận án tiến sĩ của mình thì báo chí đã nêu đích danh,  chuyện các vị GS, PGS chẳng bao giờ đứng trên bục giảng thì nhiều không cần phải dẫn chứng.

Nói “trí thức là người dẫn dắt xã hội” nhưng hãy xem họ dẫn dắt cái đơn vị nhỏ của mình thế nào.

“Đại học Quy Nhơn “lùm xùm” chuyện bán điểm, gạ tình”. [4]

“Kết luận nhiều 'lùm xùm' về ĐH Kinh tế quốc dân”. [5]

Vụ “lùm xùm” tại Trường ĐH Đông Á: “Đầu vào” Cao đẳng, “đầu ra” Trung cấp. [6]

Ngoài nhiệm vụ lãnh đạo, trí thức còn có nhiệm vụ quan trọng là tham mưu cho lãnh đạo về đường lối, chính sách. Nhà báo Hữu Thọ đã nhận định: “nhìn trong thực tế thấy rất lo lắng khi cán bộ, tham mưu hùng hậu về số lượng và cả về bằng cấp nhưng không dám can ngăn, thậm chí không dám phản ánh những điều không hợp lý, sai trái của một số chủ trương (mà) dư luận không đồng tình, thậm chí chê trách về đạo đức của một số người lãnh đạo”. [7]

Sẽ là không đúng, sẽ là cực đoan nếu cho rằng những điều nêu trên là hình ảnh của đội ngũ trí thức Việt Nam hiện đại, nhưng cũng phải thừa nhận một sự thật, rằng không ít trí thức Việt ngày nay không thuộc vào đội ngũ có vai trò “dẫn dắt xã hội”.

Quanh đi quẩn lại, có lẽ cuối cùng lại phải nhờ đến rau răm, chỉ có nhờ rau răm mà món dưa cải bắp- rau cần mới dậy mùi, mới đúng hương vị. Và có lẽ vì thế nên chỉ có rau răm mới có thể làm cho củ cải mọc tai? Hy vọng trong tương lai, món ăn của người Việt, bên cạnh “Mộc nhĩ” sẽ có thêm món “Cải nhĩ”.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/74754/thoi-cua-bao--la-cai--.html

[2] http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2010/1/217000/

[3] http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_ch%E1%BB%A9c

[4]http://laodong.com.vn/xa-hoi/dai-hoc-quy-nhon-lum-xum-chuyen-ban-diem-ga-tinh-238695.bld

[5]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/131614/ket-luan-nhieu--lum-xum--ve-dh-kinh-te-quoc-dan.html

[6] http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vu-lum-xum-tai-truong-dh-dong-a-dau-vao-cao-dang-dau-ra-trung-cap-20131113095235936.htm

 [7] http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Nha-bao-Huu-Tho-noi-ve-tham-nhung-quan-lieu-cua-mot-bo-phan-Dang-vien/276031.gd

Tác giả bài viết: XUÂN DƯƠNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập40
  • Hôm nay15,885
  • Tháng hiện tại309,694
  • Tổng lượt truy cập35,956,039
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây