Đánh cắp xấu hổ

Thứ ba - 13/01/2015 19:27

Đánh cắp xấu hổ

(GDVN) - Con người ta có được sự xấu hổ mới có được bản lĩnh, một người, một gia đình, một dòng họ hay một dân tộc, khi sự xấu hổ bị đánh cắp thì không còn gì để mất.

 

 

Kể từ năm 1226 khi Hoàng thúc Lý Long Tường cùng sáu ngàn gia thuộc rời cửa Thần Phù, Thanh Hóa trên các chiến thuyền nhằm tránh sự truy sát của nhà Trần, đến nay đã gần 800 năm. Trên đường đi mặc dù đã ghé vào Đài Loan xong Ngài vẫn quyết định đi tiếp sang Cao Ly và định cư ở vùng Hoàng Hải, gần giới tuyến quân sự Bàn Môn Điếm ngày nay. Sao ngài không tìm đường sang Nam dương hay Bắc quốc? Phải chăng có một điều gì đó như tâm linh mách bảo trong quyết định của ngài?

Triều Tiên, dẫu vẫn còn chia cách làm hai miền, nhưng nói đến đất nước này người ta không thể không nói đến một Bắc Triều Tiên đã tự chế tạo được tàu ngầm, tên lửa và có thể là cả vũ khí hạt nhân; một Nam Hàn đủ tầm sánh vai với các cường quốc năm châu về khoa học, công nghệ.

Chọn cho con cháu nơi sống, cách sống  để có thể duy trì dòng tộc trong nỗi đau tha hương tột cùng, hàng ngày lên đỉnh núi ngồi trông về phương Nam mà khóc (nơi ấy ngày nay được gọi là Vọng quốc đàn) chỉ có thể là quyết định của những bậc anh minh. 

Để lại tiếng thơm của một người con Đại Việt, trở thành Hoa Sơn tướng quân nơi đất khách quê người chỉ có thể là khí phách của một dũng tướng.

Ngày nay, trên mảnh đất mà Hoàng thúc Lý Long Tường lựa chọn cho hậu duệ dòng họ Lý, con gái của Tổng giám đốc hãng hàng không Korean Air (KAL) Cho Hyun Ah đang đối mặt với một lệnh bắt giữ từ phía cơ quan công tố Hàn Quốc vì sự hợm hĩnh, kênh kiệu của mình. Người phụ nữ 40 tuổi ấy đã khiến cho cả bố mình phải cúi đầu xin lỗi người dân, không những thế, KAL còn đối mặt với nguy cơ bị phạt tới 2 triệu USD, tương đương hơn 40 tỷ đồng tiền Việt.

Có lỗi phải nhận lỗi, phải bị trừng phạt vì những lỗi gây ra cho đất nước và người dân, khi nhận lỗi không ai dám ngẩng cao đầu, thế mới biết ở xứ Hàn sự xấu hổ chưa bị đánh mất, nó vẫn còn là một nét văn hóa mà bất kỳ quan chức hay người dân nào cũng phải tôn trọng.

Con người ta có được sự xấu hổ mới có được bản lĩnh để sửa lỗi, mới biết đâu là giới hạn không được phép vượt qua. Một người, một gia đình, một dòng họ hay một dân tộc, khi sự xấu hổ bị đánh cắp thì không còn gì để mất.

Tổ tiên chúng ta, Đức Quốc công Tiết chế, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn từng dạy binh sĩ: “Nay các ngươi thấy chủ bị nhục mà không biết lo, nhìn quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng một nước, phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc thái thường để thết tiệc sứ mà không biết căm”… “cựa gà không thể đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh;… tiền của tuy nhiều không thể mua được đầu giặc; chó săn khỏe, không đuổi được quân thù; chén rượu ngon không thể làm cho giặc say chết; tiếng hát hay, không thể làm cho giặc điếc tai”…

Những binh lính dưới trướng Hưng Đạo Vương nhận thức được lầm lỗi mà răn mình, thấy sự sỉ nhục của ngoại bang mà thích lên tay hai chữa “sát thát”, chính nhờ đó mà con dân nước Việt đã làm nên chiến công hiển hách khiến các dân tộc khác phải ngưỡng vọng.

Lời răn của Đức Thánh Trần có thể có người không biết, nhưng không thiếu kẻ biết mà bỏ ngoài tai. Thói hợm hĩnh khoe tiền, khoe của đã khiến một số người không hiểu thế nào là chùa, thế nào là đền, có kẻ bỏ tiền tu bổ chùa rồi mang ảnh cả nhà vào trưng nơi chính diện, hành động ngu dốt vô văn hóa ấy có giúp biến họ thành phật? Còn những người có trách nhiệm về phật giáo ở địa phương cũng nhắm mắt làm ngơ, cả kẻ cung tiến và người giữ chùa đều đã đánh mất sự xấu hổ.

Lại có người về quê xây nhà thờ họ lộng lẫy chẳng kém gì cung điện ngày xưa. Nhà thờ mà không thiếu chậu hoa cây cảnh, non bộ róc rách nước chảy, cá bơi. Nếu đó là những đồng tiền chắt chiu bằng mồ hôi và sức lao động thì thật đáng quý, chỉ tiếc rằng không ít ngôi nhà thờ được xây dựng không phải bằng những đồng tiền sạch. Những người như thế đã đánh mất sự xấu hổ, còn tổ tiên của họ, những người Việt chất phác, dung dị liệu có hãnh diện khi trở về ngôi nhà thờ được xây nên bởi những đồng tiền bẩn hay là các cụ đành theo gió, theo mây?

Nếu ai đó nghĩ rằng những đồng tiền bất minh mà họ kiếm được đem cúng dường nhà Phật, đem xây nhà thờ dòng tộc riêng mình có thể mua lại sự xấu hổ thì họ thật sai lầm. Sự xấu hổ vốn hàm chứa ý nghĩa nhân văn cao quý, vốn không phải thứ có thể mua bằng tiền.

Đánh mất sự xấu hổ là đánh mất phần “người” chỉ lại phần “con”. Còn những kẻ đánh cắp sự xấu hổ thì mất cả “con” lẫn “người”, sự tồn tại của họ chỉ làm “bẩn” thêm xã hội.

“Đánh cắp xấu hổ” có thể là một cụm từ lạ, đọc lên nghe có gì đó ngang ngang, không thuận tai như người ta thường nói “đánh cắp tuổi thơ” hay “đánh cắp niềm tin”…

“Đánh cắp xấu hổ” của một người (hay một tộc người) là đưa người đó (hay tộc người đó) đến bến bờ của sự nghèo đói, nô lệ bởi lẽ trong xã hội văn minh, loài người khác động vật ở chỗ biết xấu hổ.

“Đánh mất xấu hổ” có thể rơi vào cả ba loại người: không học, ít học hay “nhiều học”, trong khi “đánh cắp xấu hổ” chỉ có thể là loại người “được học”. Sở dĩ nói “được học” chứ không phải là “có học” vì trong tiếng Việt “có học” đồng nghĩa với sự tử tế, còn “được học” bao hàm rất nhiều ý nghĩa, cả tích cực lẫn tiêu cực.

Những người do điều kiện khách quan, không được học hoặc học không đến nơi, đến chốn nếu có “ít xấu hổ” thì hoàn toàn có thể thông cảm. Đáng nói là những người “nhiều học” lại còn kèm thêm “thông minh đột xuất”, cứ  mỗi dịp bình xét thi đua hay bầu cử các chức danh là thấy tuôn trào đầy rẫy lời vàng ý ngọc, quyết tâm, quyết quyết… Nếu chưa hạ cánh thì thật khó mà biết họ chẳng còn tí xấu hổ nào mang về quê làm quà cho con, cho cháu.

Những kẻ “đánh cắp xấu hổ” không phải là những kẻ đần độn, nhưng chắc chắn đó là những kẻ không biết xấu hổ. Minh chứng cho điều này có thể thấy trên một bài viết mà BBC tiếng Việt đăng tải ngày 24/12/2014.

 

Bài báo cho thấy sự "nhầm" nhưng không được khắc phục hậu quả. Ảnh chụp màn hình

Bài viết có tựa đề “Báo Trung Quốc lấy ảnh Việt Nam minh họa cho Trung Quốc”. Bài báo có đoạn: “Những cuộc triển lãm ảnh và phim tư liệu do các nhiếp ảnh gia Pháp thực hiện cách đây một thế kỷ nhân 40 năm giao lưu Việt - Pháp đã để lại những ấn tượng tốt đẹp... Mọi chuyện sẽ tốt đẹp nếu không có sự cố. Chỉ vài ngày trước triển lãm ảnh của Leon Busy tại Hà Nội - Ấn bản tiếng Pháp của tờ Nhân dân nhật báo đã cho đăng 10 bức ảnh, trong đó có các bức ảnh Leon Busy chụp ở Hà Nội với hàng tựa "Nước Pháp tô điểm Trung Hoa ".

Dù nhận được nhiều ý kiến góp ý song tờ báo trên vẫn không đính chính hay gỡ bỏ, phải chăng tác giả bài viết, tuy là người “được học” nhưng không còn xấu hổ ấy không biết tiếng Pháp? Hay họ cho rằng Hà Nội là một phần của Trung Quốc cũng như Biển Đông là ao nhà của họ?

Phải chăng tổ tiên chúng ta đã hiểu những kẻ “không biết xấu hổ” từ quá lâu rồi, đã nhận thức được tận cùng cội nguồn lịch sử nên tám trăm năm trước, Hoàng thúc Lý Long Tường mới quyết định đưa cháu con lên tận mảnh đất Cao Ly lánh nạn?

Còn một số người vẫn giữ được xấu hổ, vẫn có lòng tự trọng nhưng lại giữ sự xấu hổ cho riêng mình, cho gia đình mình. Với họ thanh danh lưu truyền cho hậu thế quan trọng hơn vận mệnh quốc gia, những người như thế tuy không đáng ghét nhưng thật đáng trách. Càng đáng trách hơn nếu họ cầm lái con tàu giữa muôn trùng sóng dữ.

Người Việt tử tế ngày nay không hề ít, nhưng người biết xấu hổ thì chưa chắc đã nhiều. Dấn thân vào chốn quan trường, bao nhiêu người mang theo hành trang là sự xấu hổ? Có ai khi học các quy luật phát triển xã hội lại luôn tự hỏi “vì sao một đất nước rừng vàng, biển bạc nhưng cho đến nay vẫn là một nước nghèo?”. 

Để không phụ công sức của tiền nhân, để giữ gìn non sông gấm vóc, để đưa dân tộc Việt, đất nước Việt Nam cất cánh, việc trước mắt không phải là tìm người tài, người tài không thiếu, không phải là tìm người tử tế, người tử tế không thiếu.

Việc cần nhất hôm nay là tìm những người biết xấu hổ.

Tác giả bài viết: XUÂN DƯƠNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập833
  • Hôm nay11,461
  • Tháng hiện tại281,358
  • Tổng lượt truy cập36,335,913
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây