Cần phân biệt X-RAYS, CT SCAN, MRI, PET SCAN , ULTRA SOUND

Thứ ba - 19/12/2017 22:40

Cần phân biệt  X-RAYS, CT SCAN, MRI, PET SCAN , ULTRA SOUND

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà:www.bacsihongocminh.com

     Các phương pháp chụp hình để chẩn bệnh 
 
1. X-rays (X-quang ) là gì?
 
Để hiểu X-quang là gì, trước hết hãy tìm hiểu khái niệm về “sóng điện từ trường” (electromagnetic wave, electromagnetic radiation).
Chung quanh chúng ta luôn luôn hiện hữu một không gian năng lượng dưới dạng điện từ trường, trong đó ánh sánh mặt trời, hay ánh sáng mà chúng ta thấy được cũng chỉ là một dạng sóng điện từ trường. Có nhiều loại sóng từ trường, từ yếu đến mạnh theo thứ tự, gồm có: sóng radio, sóng microwaves, sóng hồng ngoại (infared, IR, dùng trong các remote controls), ánh sáng thường, tia cực tím còn gọi là tia tử ngoại (ultraviolet light, UV), tia X-quang, và cuối cùng là gamma-rays. Như thế chỉ có 3 loại sóng mạnh hơn là ánh sáng thường. Sóng càng mạnh, độ “xuyên thủng” qua tế bào càng nhiều. Ba tia X-rays, UV, và Gamma đều được sử dụng trong y học để truy tầm hay chữa bệnhTrong khi đó, ánh sáng thường trở xuống, khi đụng vật cản đa phần sẽ bị phản chiếu và ít ảnh hưởng đến cấu trúc hay làm hư hại vật thể bên trong. Mở ngoặc một tí cho vui, tôi nói “đa phần” ở đây vì sóng có thể tồn tại dưới dạng sóng (wave), năng lượng (energy), và vật chất (matter), vì thế năng lượng có khi một phần bị hấp thụ mà không phản chiếu ra. Có thể hiểu, cơ thể chúng ta, có lúc hiện hữu chỉ là một khối lượng sóng và năng lượng trong không gian điện từ trường!.
 
X-rays được khám phá năm 1895 bởi một giáo sư vật lý người Đức, Wilhelm Conrad Röentgen. Một công dụng thường dùng của X-rays là để “chụp hình quang tuyến”, tuy nhiên X-rays còn dùng để trị ung thư và để dò tìm các thiên thể trong ngành thiên văn (cosmos). X-rays còn được dùng để dò tìm hàng lậu, súng ống ...
 
2. CT scan là gì?
 
CT scan còn gọi là CAT scan, viết tắt của hai chữ “computed tomography”, được phát minh năm 1967 bởi một kỹ sư người Anh tên là Godfrey Hounsfield. CT cho ta thấy hình chụp của cơ thể theo dạng mặt cắt, một khối 3 chiều, thể hiện trên những mặt phẳng hai chiều. Mỗi một hình ảnh là tập hợp bởi nhiều tia X-rays, bắn đi từ nhiều hướng khác nhau vòng quanh cơ thể. Khi chụp hình bằng X-ray thường, tia sáng bắn đi một chiều nên hình ảnh chồng lên nhau. Thí dụ chụp hình phổi, ta thấy cả tim phổi xương sườn chồng lên nhau làm cho khó thấy rõ chỗ bị bệnh. CT scan dùng computer để tổng hợp hình X-rays từ nhiều góc độ khác nhau, để có thể để tạo ra hình chụp rõ ràng, giống như cơ thể được cắt ngang từng lát mỏng như những lát chanh trong dĩa bò tái chanh!
 
3. MRI là gì?
 
Một hạn chế của X-rays là nó xuyên qua cơ thể và mang theo phóng xạ (radiation) vì thế ngày nay MRI có nhiều lợi thế hơn. MRI viết tắt của ba chữ, Magnetic Resonance Imaging. MRI được sáng chế bởi Paul C. Lauterbur vào năm 1971, nhưng kỹ thuật không được hoàn thiện mãi cho đến những năm 1990’s. Nguyên tắc của MRI là tạo ra một từ trường chung quanh phần cơ thể muốn chụp hình. Vì trong cơ thể chúng ta hầu hết là... nước, mà phân tử nước có chứa nguyên tử Hygrogen mang điện cực dương, còn gọi là proton. Khi bị kích động bởi từ trường, những hạt proton như bị “sắp hàng lại” và rung lên, phát ra sóng radio. Máy computer sẽ ghi nhận sóng radio nầy thành hình ảnh.
Như vậy, chung chung, MRI an toàn, và kỹ thuật càng ngày càng tiến bộ, độ chính xác nhiều hơn là CT.
 
4. PET scan là gì?
 
PET scan là chữ viết tắt của Positron Emission Tomography. PET scan là một thử nghiệm dùng chất phóng xạ để truy tầm những dấu hiệu bất bình thường trong cơ thểhầu hết là truy tầm bệnh ung thư hay ung thư di căn. Tuỳ theo trường hợp, bệnh nhân sẽ được tiêm, uống, hay hít thở hơi có chất phóng xạ, gọi là radiotracer. Nguyên tắc là, các tế bào bất thường, như ung thư chẳng hạn, thường tụ tập thành khối u, và sử dụng nhiều máu, nhiều oxigen, ăn nhiều đường, tiêu hoá và sanh sản nhanh hơn tế bào thường. Như thể nhờ vào chất phóng xạ, những chỗ bất thường nầy sẽ hiện lên hình bất thường ở những tụ điểm. PET scan thường kết hợp với CT hay MRI, vì hai thử nghiệm trên chỉ phát hiện hình ảnh, thí dụ khối u chẳng hạn, trong khi đó PET sẽ cho biết khối u đó là ung thư hay không.
 
5. Siêu âm, ultrasound là gì?
 
Ultrasound, còn gọi là sonogram, là thử nghiệm dùng sóng âm thanh, siêu âm để tạo ra hình ảnh. Tương tự như sóng radar mà các loài dơi dùng để định hướng, hay ứng dụng dò tìm tàu ngầm, tìm máy bay cho trạm không lưu, hay tìm... cá cho dân đi câu! Thiết bị phát âm thanh sẽ bắn ra sóng âm thanh, khi đụng vật thể muốn dò tìm sẽ dội lại tạo ra hình ảnh. Trong nghề cấy thai nhân tạo của tôi, máy siêu âm là con mắt thứ ba của tôi mỗi ngày. Nhiều bệnh nhân hỏi tôi có an toàn không. Xin trả lời là rất an toàn, vì nó chỉ là sóng âm thanh, không có phóng xạ gì cả. Chỉ là âm thanh mà chỉ có loài dơi hay những chú chó có thể nghe được mà thôi.
 
6. Mức độ an toàn của các thử nghiệm?
 
Như thế, MRI và sonogram có lẽ an toàn nhất vì chẳng dính dáng gì tới phóng xạ, radiation cả. Millisievert (mSv) là đơn vị để đo độ phóng xạ. Mỗi năm, trung bình mỗi người chúng ta chịu độ phóng xa là 3 mSv từ môi trường xung quanh. Trong một chuyến bay 5 tiếng từ Los Angeles qua New York, mỗi hành khách sẽ bị nhiễm phóng xa khoảng 0.03 mSv. Trung bình chụp hình X-rays, tuỳ theo bộ phận của cơ thể, độ nhiễm phóng xạ từ 0.001 mSv cho đến 1.5 mSv, thí dụ chụp hình ngực mammogram là 0.4 mSv và chụp hình phổi là 0.1 mSv, độ nhiễm ít hơn là một ngày phơi nắng ngoài biển! Trong khi đó, CT scan, độ nhiễm phóng xạ từ 2 dến 20 mSv. Còn, mỗi PET scan, sẽ gây ra phóng xạ khoảng 25 mSv.
 
So ra thì độ nhiễm phóng xạ của các phương pháp chụp hình cũng không đến nỗi nào, vì lâu lâu mới chụp một lần, và nếu cần là chuyện phải làm mà thôi. Nhờ vào những phát minh này mà y khoa có thể dò tìm và chữa trị bệnh mau chóng.
Rủi Ro Nhiễm Phóng Xạ Khi Làm CT Scan
 
Chúng ta nên thận trọng khi quyết định đi làm CT scan vì rủi ro bị nhiễm phóng xạ hết sức nguy hiểm. 
 
BỆNH NHÂN BỊ TIA PHÓNG XẠ GÂY HẠI trong một số khám nghiệm y khoa là điều rõ ràng. Tuy nhiên, để bệnh nhân tiếp xúc với tia phóng xạ bao nhiêu thì mới gọi là nguy hiểm?
 
Các cuộc nghiên cứu mới đây đưa ra lời báo động cho rằng thủ tục làm CT scan được dùng ngày càng nhiều lúc gần đây, đưa đến nhiều nguy hiểm cho bệnh nhânCT scan là viết tắt của chữ “computed tomography” nghĩa là kỹ thuật chụp hình các bộ phận bên trong cơ thể con người. Đôi khi còn gọi là “imaging” hay nội soi. Bác sĩ thường dùng phương pháp này để chẩn đoán bệnh. CT scan được sử dụng để tìm đủ mọi loại bệnh từ nơi nào nhiễm trùng, té ngã vỡ sọ, hay tìm bệnh ung thư.
 
Bác sĩ Rebecca Smith-Bindman, ở bệnh viện UC San Francisco, và ê kíp chuyên viên của bà vừa mới đưa ra một phúc trình nghiên cứu cho biết họ tỏ ý lo ngại vì phương pháp CT scan được dùng khá nhiều lúc gần đây, tăng gấp ba lần kể từ năm 1996 cho đến  nay. Bản phúc trình nghiên cứu nói rằng kỹ thuật CT scan phóng ra nhiều chất phóng xạ (radiation) hơn là phương pháp chụp bằng quang tuyến X thông thường. Đặc biệt đối với trẻ em, rủi ro nhiễm phóng xạ còn cao hơn gấp bội phần. Một nhóm nghiên cứu quốc tế công bố bản báo cáo cho thấy trẻ em đang mạnh khoẻ, lỡ bị té ngã, đem các em đi làm CT scan, các em có nhiều rủi ro sẽ bị ung thư so với trẻ em từ chối không làm CT scan. Cuộc nghiên cứu này kéo dài 23 năm theo dõi. Những em làm CT scan có nhiều rủi ro bị ung thư não gấp ba lần, và ung thư máu gấp bốn lần.
 
Các  chuyên gia không đồng ý với nhau trong việc giải thích kết quả của cuộc nghiên cứu khiến cho nhiều bệnh nhân đang lo âu. Tổ chức Radiology Society of North America vẫn cả quyết rằng rủi ro gây ra bệnh ung thư vì làm CT scan rất nhỏ so với những ích lợi mà kỹ thuật này giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh.  Ông Mark Pearce, một trong những tác giả nghiên cứu về rủi ro xảy ra cho trẻ em, thuộc trường đại học Newcastle University nói rằng; “Mặc dầu rủi ro có thể là gấp ba lần, nhưng đó là gấp ba lần của một con số rất nhỏ.”. Nhiều chuyên viên về quang tuyến, trong đó có cả bác sĩ Smith-Bindman, biện minh cho lập trường của mình, và họ nói rằng việc dùng kỹ thuật CT scan đã bị lạm dụng vì dễ sử dụng. Thậm chí, bệnh nhân  đòi yêu cầu phải cho đi làm CT scan, và bác sĩ không ngần ngại cho đi làm CT scan chỉ vì sợ rằng mình có thể đã bỏ sót, chưa làm đầy đủ mọi chẩn đoán.
 
Dầu sao đi nữa, kết quả nghiên cứu cũng khiến cho các bác sĩ phải suy nghĩ lại trước khi quyết định gửi người bệnh đi làm CT scan. Bác sĩ Smith-Bindman đề nghị: “Chúng ta nên suy nghĩ lại và quyết định xem chúng ta có nên làm việc nội soi cho bệnh nhân hay không, và việc nội soi đó có được chứng minh là cần thiết cho bệnh nhân hay không.”
 
Lượng Phóng Xạ cho mỗi lần làm CT scan phần ngực gây nguy hại tương đương với:
 
 a.) 1,400 lần chụp hình răng bằng quang tuyến X, 
 
 b.) 240 lần đi máy bay kéo dài 5 tiếng đồng hồ, 
 
 c.) 70,000 đi qua máy dò xét ở phi trường, 
 
 d.) 19 năm hút thuốc lá, mỗi ngày hút một gói 20 điếu.
  
Lấy đơn vị đo phóng xạ mSv làm chuẩn: Mỗi lần chụp quang tuyến X phần ngực chỉ bị 0.1 mSv. Dùng CT scan sẽ bị 7 mSv phóng xạ
 
Bài tường trình của Alice Park trên báo TIME
 
Nguyễn Minh Tâm dịch 
 
Sự Khác Biệt Giữa Vi trùng (Viruses) Và Vi Khuẩn (Bacteria)      
Sự Lây Lan Và Cách Phòng Ngừa ?
Virus và vi khuẩn đều là những nguyên nhân gây bệnh chủ yếu khi hệ miễn dịch của con người bị suy yếu.
Chúng ta nên biết rõ sự khác nhau giữa virus và vi khuẩn để có cách phòng và điều trị bệnh hợp lý khi bị bệnh do vi khuẩn hoặc virus gây ra.
 
1. Vi khuẩn là gì ?
Vi khuẩn thuộc loại đơn bào, có ở khắp mọi nơi, chỉ một giọt sữa chua là có thể chứa 100 triệu vi khuẩn. Hầu hết các vi khuẩn sinh sản bằng cách phân bào (một tế bào tách làm đôi).
Vi khuẩn giữ vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa của người và vật, giúp hóa mùn cây cối và súc vật chết, giúp cho tiến trình lên men hiệu quả.
Vi khuẩn có vai trò quan trọng trong tái chế chất dinh dưỡng như cố định nitơ từ khí quyển và gây thối rữa sinh vật khác.
 
2. Virus (Vi rút) là gì ?                                             
Vi rút lớn lên và phát triển chỉ khi chúng sống trong tế bào sống. Sống ngoài tế bào sống, vi rút sẽ tự hủy diệt, không thể phát triển, trừ khi chúng sống trong tế bào động vật, thực vật hay vi khuẩn.
Vi rút gây bệnh cho người và vật, do thở hay nuốt vào, đột nhập vào lỗ hổng trên da.
Virus bao gồm vật liệu di truyền (DNA hoặc RNA) bao quanh bởi một lớp phủ bảo vệ của protein. Có khả năng bám vào các tế bào và nhận được bên trong chúng.
Virus có thể xâm nhiễm vào tất cả các dạng sinh vật, từ động vật, thực vật cho tới vi khuẩn và vi khuẩn cổ.
 
3. Sự khác nhau giữa vi khuẩn và virus ?
(Chú thích: dấu + là Có, dấu – là Không)
 
* Vi khuẩn (Bacteria) - Gây viêm nhiễm nhưng diệt được
Vi khuẩn còn được gọi là vi trùng, chúng hiện diện khắp nơi trong đất, nước và ở dạng cộng sinh với các sinh vật khác. Một số là tác nhân gây bệnh và gây ra bệnh uốn ván, thương hàn, giang mai, tả, bệnh lây qua thực phẩm và lao.
Một số nhiễm khuẩn có thể lan rộng ra khắp cơ thể và trở thành bệnh toàn thân.
Bệnh do vi khuẩn lây nhiễm qua tiếp xúc, không khí, thực phẩm, nước và côn trùng.
Vi khuẩn gây viêm nhiễm nhưng diệt được mầm bệnh, bệnh do bị nhiễm khuẩn có thể trị bằng thuốc kháng sinh, được chia làm hai nhóm là diệt khuẩn (bacteriocide) và kìm khuẩn (bacteriostasis), với liều lượng mà khi phân tán vào dịch cơ thể có thể tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn.
 
* Virus - Thuốc kháng sinh vô tác dụng với virus
Vi rút chỉ có thể sống và phát triển được khi xâm nhập vào bên trong tế bào của sinh vật khác (người, động vật và cây cỏ) và khi ra khỏi ký chủ, vào môi trường ngoài (nước, không khí…) chúng sẽ không sống được lâu.
Ngày nay, khoa học đã phát hiện có khoảng 2.000 loài vi rút khác nhau, trong đó có khoảng 300 loài có khả năng gây bệnh cho người như AIDS, viêm gan B và C, sốt xuất huyết, bại liệt, bệnh dại, đậu mùa, cúm…
Khác với vi khuẩn, vi rút đánh vào hệ miễn dịch của cơ thể nên điều trị bằng kháng sinh không có tác dụng mà chỉ có thể chống lại bằng cách tiêm vaccin.
Riêng các loại vi rút gây cúm, vì chúng biến chủng rất nhanh nên vaccin chế từ virus năm này lại không hữu hiệu với cùng virus ấy cho năm tới. Vì thế các loại vaccin hiện có không ngừa được virus cúm A (H1N1).
Khi thời tiết chuyển mùa hay trở lạnh sẽ là điều kiện thuận lợi để vi rút gây bệnh.
 
4. Tại sao thuốc kháng sinh (antibiotic) không điều trị được bệnh do virus gây ra ?
Năm 1928, tại Bệnh viện Saint Mary (London), Alexander Plemming phát hiện ra chất kháng sinh (antibiotic) diệt khuẩn và đặt tên là penicillin.
Loại kháng sinh này được tìm ra từ nấm Penicillium notatum. Sau đó có rất nhiều nhà nghiên cứu về kháng sinh penicillin và đến năm 1943, dự án sản xuất penicillin được Chính phủ Mỹ chấp nhận và từ đây kháng sinh penicillin chính thức ra đời, cứu sống được vô vàn người mắc bệnh nhiễm khuẩn.
Từ penicillin, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm tòi ra vô vàn các loại kháng sinh khác nhau và đã xếp chúng thành nhiều nhóm dựa vào cấu tạo và cơ chế tác dụng đối với vi khuẩn.
Kháng sinh (Antibiotic) đối với virut thì như thế nào?
 
Do cấu tạo virut hoàn toàn khác biệt với tế bào vi khuẩn và nó không phải là một tế bào hoàn chỉnh bởi cấu tạo đơn giản hơn rất nhiều so với tế bào vi khuẩn chỉ là bộ gen (hoặc DNA hoặc RNA) bao quanh là lớp vỏ protein chứa nhiều kháng nguyên, vì vậy được gọi là “phi tế bào”.
 
Do cấu tạo đặc biệt đó nên bắt buộc virut phải sống ký sinh bên trong tế bào túc chủ mà nó xâm nhiễm, bởi vì virut không có hệ thống enzym hoàn chỉnh nên không thể tự tạo ra năng lượng cho mình hoặc tự sinh sôi nảy nở được.
Do đó, để tồn tại và phát triển thì virut phải xâm nhập vào trong các tế bào khác (tế bào túc chủ) và “gửi” các vật liệu di truyền của mình.
 
Khi vào cơ thể, áo protein bị loại bỏ, chỉ hoạt động bởi ARN hoặc ADN của nó, không có cách gì để nhận biết. Hơn nữa, kháng sinh diệt được vi khuẩn vì vi khuẩn ký sinh ngoài tế bào nên kháng sinh có thể diệt nguyên vi khuẩn, còn virut nằm trong vật chất di truyền của tế bào túc chủ cho nên nếu kháng sinh diệt virut thì đồng nghĩa với diệt cả tế bào của túc chủ (người hoặc động vật).
Vì vậy, nếu thuốc kháng sinh muốn tấn công virut sẽ phải biết chọn lọc không tấn công vào các bộ phận “tầm gửi” này (tức là không tấn công vào tế bào túc chủ) và đây thực sự là cản trở cực lớn.
Hơn thế nữa, virut còn có khả năng nằm ẩn mình vài năm trong tế bào trước khi phát bệnh.
Để thay vì dùng kháng sinh không có tác dụng đối với virut, các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công một số thuốc diệt virut dựa trên cơ sở sự hiểu biết về cấu trúc và cơ chế xâm nhiễm, nhân lên trong tế bào túc chủ của virut.
Tuy vậy, virut luôn thay đổi hình dạng và do đó luôn có khả năng kháng lại thuốc, đó là những điều bất lợi cho việc dùng thuốc tiêu diệt chúng.
 
5. Virus và vi khuẩn lây lan như thế nào ?                                                   
– Một người bị lạnh có thể lây nhiễm vi khuẩn hoặc virus bằng cách ho hoặc hắt hơi.
– Vi khuẩn hoặc virus có thể được lây lan bằng cách chạm hoặc bắt tay với người khác.
– Chạm vào thức ăn với bàn tay bẩn cũng sẽ cho phép virus hoặc vi khuẩn từ ngoài lây lan tới ruột.
– Lây qua dịch cơ thể:  như máu, nước bọt và tinh dịch, có thể chứa các vi sinh vật, ví dụ bằng cách tiêm hoặc quan hệ tình dục (đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng do virus như viêm gan hoặc AIDS).–
 
Virus lây lan theo nhiều cách; virus thực vật thường được truyền từ cây này sang cây khác qua những loài côn trùng hút nhựa cây như rệp vừng; trong khi virus động vật lại có thể được truyền đi nhờ những côn trùng hút máu. Những sinh vật mang mầm bệnh như vậy được gọi là những vector.
 
Virus cúm lan truyền thông qua ho và hắt hơi. Norovirus và rotavirus, nguyên nhân chính của bệnh viêm dạ dày-ruột siêu vi, lây lan qua đường phân-miệng và truyền từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc, cũng như xâm nhập vào cơ thể qua thức ăn hay nước uống.
 
HIV là một trong vài loại virus lây nhiễm thông qua quan hệ tình dục và tiếp xúc với máu bị nhiễm bệnh. Mỗi virus chỉ có thể xâm nhiễm vào một số dạng tế bào vật chủ nhất định, gọi là “biên độ vật chủ” (host range); biên độ này có thể rất hẹp hoặc rất rộng, tùy vào số lượng những sinh vật khác nhau mà virus có khả năng lây nhiễm.                               
 
Sự xâm nhập của virus trong động vật đã kích hoạt một phản ứng miễn dịch nhằm loại bỏ virus xâm nhiễm. Những phản ứng miễn dịch cũng có thể được tạo ra bởi vaccin, giúp tạo ra miễn dịch thu được nhân tạo đối với một virus xâm nhiễm nhất định.
Tuy nhiên, một số virus, bao gồm những loại gây ra AIDS và viêm gan siêu vi, lại có thể trốn tránh những phản ứng trên và gây ra sự nhiễm bệnh mãn tính. Đa phần các chất kháng sinh không có hiệu quả đối với virus, dù vậy cũng đã có những loại thuốc kháng virus được phát triển.
 
6. Làm thế nào để tránh nhiễm trùng ? 
-  Rửa tay thật kỹ (thường là một trong những cách tốt nhất để tránh bị cảm cúm).
– Bắt tay với người bị cảm lạnh là nguy hiểm, do đó, tránh dụi mắt hoặc mũi của bạn sau đó.
– Thức ăn phải được nấu chín hoặc làm lạnh càng nhanh càng tốt.
– Rau và thịt phải được lưu giữ riêng và chuẩn bị trên thớt riêng biệt.
– Khi bị cảm cúm, hoặc hắt hơi, sổ mũi cần chuẩn bị khăn giấy, khăn cá nhân để ngăn chặn đưa virus, vi khuẩn ra ngoài môi trường. Cần luyện thói quen ho vào cánh tay áo (nếu không có khăn giấy) và khạc nhổ vào giấy vệ sinh rồi gói lại cho vào thùng rác.                                                            
 
– Một số sinh vật bị giết khi thức ăn được nấu chín, nhưng chúng vẫn có thể để lại các chất độc hại có thể gây ra tiêu chảy và nôn mửa. Hạn chế ăn các thức ăn để qua đêm, vì dù đun sôi, vi khuẩn có thể chết, nhưng độc tố gây bệnh do vi khuẩn tạo ra trong thực phẩm vẫn còn.
– Việc sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục làm giảm khả năng lây lan bệnh qua đường tình dục.
– Giữ phong cách sống và tinh thần tốt để có hệ miễn dịch khỏe mạnh.
 
7. Một số bệnh do vi rút gây ra và cách phòng bệnh
Tiêu chảy do vi rút: Bệnh tiêu chảy mùa đông do Rota vi rút gây ra và thường chỉ kéo dài trong 3 – 7 ngày. Khi bị bệnh thường có biểu hiện sốt nhẹ, hơi mệt, nôn, tiêu chảy, ở trẻ em có quấy khóc… Người bệnh đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, màu vàng chanh hoặc trắng lẫn dịch nhầy, có khi như màu hoa cà, hoa cải. Là một bệnh thông thường, nhưng nếu bị tiêu  chảy kéo dài dẫn đến mất nước, mất điện giải trầm trọng có thể dẫn tới tử vong nếu không được bù nước, bù điện giải kịp thời.
Sốt do vi rút: Các triệu chứng sốt vi rút điển hình là ban đầu sốt nhẹ khoảng 38 – 38,5 độ C, sau đó bùng lên sốt cao đến 39 độ C hoặc cao hơn. Nhiều người đau họng, ho hắng nhẹ, đau nhức mình mẩy, vã mồ hôi, mệt mỏi. Thường sau 5 – 6 ngày, bệnh sẽ tự khỏi.
Về điều trị, chỉ cần dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao, hoặc dùng các loại thuốc cảm để chữa triệu chứng đau nhức, sổ mũi, ho… Ngoài ra nên súc miệng nước muối và nhỏ mũi thường xuyên. Không nên dùng kháng sinh.
Sốt vi rút là bệnh dễ lây, nhất là trong gia đình và công sở, nơi dùng điều hòa không khí. Do đó, người bị sốt vi rút nên hạn chế tiếp xúc với người khác, nhất là trẻ em. Nếu mệt nặng, nên nghỉ làm. Những người xung quanh nên phòng bệnh bằng cách nhỏ nước muối, ăn nhiều hoa quả giàu vitamin C và bảo vệ sức khỏe. Để cơ thể có sức đề kháng tốt cần ăn uống phong phú, đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn dễ tiêu như cháo, súp… ngoài ra nên uống nhiều nước, nước lọc, nước hoa quả…
 
8. Cách phòng ngừa các bệnh do vi khuẩn và virus gây ra
Bạn cần có một phong cách sống lành mạnh, tinh thần tích cực để giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Vì khi hệ miễn dịch yếu thì vi khuẩn hoặc virus nào cũng có thể tấn công bạn.
Bạn cần thực hiện 8 điều tốt sau đây nhé:                       
– Ăn tốt: đủ dinh dưỡng, cân bằng, hợp lý, tươi, sạch, an toàn,
– Uống đủ nước và đúng cách.
– Ngủ tốt: ngủ đúng giờ, phòng thoáng khí, đông ấm, hè mát, ngủ sâu giấc.
– Tập tốt: Tập thể dục và vận động hàng ngày, để thúc đẩy quá trình trao đổi chất và đào thải độc tố.
– Nghĩ tốt: suy nghĩ tích cực, lạc quan, để có sức khỏe tinh thần tốt.
– Môi trường sống tốt: xanh, sạch, đẹp.
– Học tốthọc các kiến thức chăm sóc, bảo vệ và phòng bệnh mỗi ngày.
– Làm tốt: Làm tốt công việc của bạn để có tài chính tốt đảm bảo cho bản thân và gia đình.

Tác giả bài viết: BS. Hồ Ngọc Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập35
  • Hôm nay15,885
  • Tháng hiện tại310,113
  • Tổng lượt truy cập35,956,458
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây