Tuy là người gốc Quảng Đông (Trung Quốc) nhưng Sài Gòn lại là nơi chôn nhau cắt rốn của cha Dư, bởi dòng họ di cư sang đây đã từ rất lâu. Sinh ra và lớn lên ở khu Bà Chiểu (Bình Thạnh) trong một gia đình lương dân, sinh sống bằng nghề mộc, cha không theo nghề gia truyền mà rẽ sang một hướng khác. Những năm đầu tiên cắp sách đến trường, cha được học song song cả hai ngôn ngữ Hoa - Việt. Từ nhỏ, gia đình thường trao đổi với nhau bằng tiếng Quảng Đông nên việc tiếp thu tiếng Hoa với cha không quá khó khăn. Lên trung học, cha được gởi vào học ở trường Thánh Mẫu (nằm ở cuối đường Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thạnh), tiếp xúc nhiều với những người có đạo, cha dần cảm mến đạo Công giáo và tự động xin theo. Năm 1966, cha Tôma Đặng Toàn Chí, lúc đó còn là thầy giúp ở xứ Gia Định (Bình Thạnh) đã đỡ đầu, rửa tội cho cha Dư để trở thành một Kitô hữu.
Trong nhiều lần giúp lễ, say sưa nhìn vị chủ tế dâng lễ cho cộng đoàn, trong lòng cha ngày ấy đã âm thầm ấp ủ ước mơ được trở thành một linh mục. Khoảng năm 1976, cha Dư vào Chủng viện Sài Gòn tu học được hai năm thì chủng viện tạm ngưng hoạt động. Thời điểm đó, tất cả các chủng sinh phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống trong thời gian chờ đợi và cha cũng không ngoại lệ. Cha làm mành trúc, dạy kèm rồi cả đi đạp xích lô... Những ngày tháng ấy, vất vả, gian nan cứ xô vào nhau như sóng lớn nhưng vẫn không cuốn đi được ước mơ của người tu sĩ trẻ. Đến năm 1988, chủng viện mở cửa trở lại, cha tiếp tục theo học và năm 1995 được nhận lãnh tác vụ linh mục. Chứng kiến một hành trình dài tận tụy, hy sinh vì lý tưởng của cha, người thân trong gia đình sau đó cũng tiếp nối và gia nhập đạo.
Ngày lãnh nhận bí tích tác vụ linh mục
2.
Vừa thụ phong linh mục, cha nhận bài sai về coi sóc giáo xứ Đức Bà Hòa Bình (Q1). Ngôi nhà thờ này vốn trước đây là nhà thờ tổ tiên của một thương gia người Hoa tên là Nam Hee, được Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền mua lại vào năm 1957. Theo một vài người cao tuổi tại xứ thuật lại, bên trong nhà thờ lúc ấy hơi tối và cảm giác rất ngột ngạt do đặc trưng kiến trúc của người Hoa. Khi cha Dư về, ngài cho cạo sạch bức tường cũ, quét vôi lại để không gian được sáng hơn. Phía trên cung thánh, cha làm một bức nền lớn có hình Đức Mẹ Hòa Bình, là bổn mạng của giáo xứ. Cách thể hiện Mẹ trong tranh mang dáng dấp văn hóa dân tộc Hoa, góp thêm nét đẹp vào toàn bộ khung cảnh bên trong ngôi nhà thờ. Ở tầng trên nhà thờ, cha cũng trang trí lại để làm nơi dạy giáo lý và sinh hoạt cho thiếu nhi. Trong lúc tu bổ, cha vẫn rất chú ý giữ nguyên nét văn hóa Trung Hoa trên những vết xưa in hằn trong kiến trúc, cách tổ chức, bài trí không gian.
Bên cạnh chăm lo về mặt vật chất, cha còn hết sức quan tâm đến anh em người Hoa trong đời sống đạo cũng như những sinh hoạt đức tin. Chúa nhật hằng tuần, giáo xứ đều tổ chức thánh lễ lúc 8 giờ sáng dành cho các anh chị em người Hoa. Trong việc dạy và học giáo lý, cha Dư luôn là người đồng hành đầy nhiệt thành. Có bạn giáo lý viên nói với cha không biết làm sao để giảng bài cho dễ hiểu, thế là cha cặm cụi sửa lại bài giảng và truyền đạt thêm phương pháp giảng dạy. Cha không ngừng đốc thúc, động viên các em nhỏ siêng năng đi lễ, tham dự các lớp giáo lý. Dịp lễ đặc biệt như Giáng sinh, Tết, vị mục tử để ý tổ chức sao cho có màu sắc văn hóa của người Hoa nhưng vẫn hài hòa cùng truyền thống xưa nay trong đạo Công giáo. Ví dụ như các bài múa, hoạt cảnh Giáng sinh tuy vẫn là những nội dung truyền thống nhưng nhạc nền là những bài hát tiếng Hoa; sau thánh lễ mùng một Tết có chúc tuổi Chúa của từng người Việt, người Hoa và sau đó là màn múa lân sư rồng đặc sắc. Thông thường cứ ngoài hai mươi tháng chạp hằng năm, cha lại nhờ người đến nhà thờ Phanxicô Xaviê (Q5) để lấy lộc thánh bằng tiếng Hoa về phát cho bà con trong xứ, kèm theo đó, là những câu đối đỏ có nội dung Tin Mừng để bà con trang trí trong nhà.
Là người đồng hành thân thiết và được thiếu nhi vô cùng yêu mến
Trước đây, người Hoa di dân đến vùng xung quanh giáo xứ chủ yếu là người Hẹ, Phúc Kiến, Triều Châu. Họ mang theo nghề đặc trưng vùng quê mình như buôn bán vải, nhôm kiếng, sắt... lập nghiệp nơi đất khách. Ngày nay, các tiểu thương này đa số vẫn duy trì nghề với nhiều cơ sở phát triển, làm ăn khấm khá. Bên cạnh đó, một phần giáo dân là công nhân viên chức nên đời sống khá ổn định. Dù vậy, trong xứ cũng có không ít người nghèo túng, thường cư ngụ trong những chung cư cũ kỹ hoặc những con hẻm nhỏ, ẩm thấp. Cha Dư đã không ngại ngần viếng thăm từng nơi, miệt mài leo từng bậc cầu thang, lần tìm vào từng con hẻm để đến với con chiên khốn khó. Có người được cha giúp tiền đều đặn hằng tháng để bớt được phần nào gánh nặng cuộc sống. Mười mấy năm liền, cha còn là một hội viên tích cực của Hội Chữ thập đỏ phường Nguyễn Thái Bình.
3.
Không chỉ chu toàn mọi việc cho giáo xứ với cương vị của một linh mục, cha Dư còn là người bạn thân thương được các em thiếu nhi, giới trẻ vô cùng yêu mến. Ông cha có thân hình cao lớn, gương mặt thoạt nhìn cứ ngỡ là một người nghiêm khắc, lại được nhiều em hồn nhiên miêu tả lại bằng một từ duy nhất “dễ thương”. Trong nhiều dịp lễ tết tổ chức tại giáo xứ, cha đã âm thầm đến từng góc chợ, tiệm đồ chơi để sưu tầm mua cho các em những món đồ hiếm lạ làm quà. Nhiều lần bạn trẻ tụ họp sinh hoạt, vui chơi, cha cũng không ngần ngại chung vui cùng các em và là một “phó nháy” nhiệt tình giúp mọi người ghi lại khoảnh khắc đẹp. Bạn Trần Thị Hồng Uyên, một người trẻ giáo xứ Đức Bà Hòa Bình kể lại: “Có lần kia đi tắm biển Đại Nam, vì lo lăn xả chụp hình cho đám nhỏ tụi mình, cha làm rớt luôn cặp mắt kiếng xuống biển. Thiếu nhi ở xứ thích cha lắm, thường từ mùng 3 đến mùng 6 Tết, cha hay đi thăm giáo dân xung quanh nhà thờ, mấy đứa nhỏ lúc đó sẽ hớn hở gọi điện bảo nhau cha sắp tới nhà để lo chuẩn bị. Không khí ngày Tết vì vậy mà dường như vui hơn”.
Tháng 9.2016, cha nhận bài sai đến An Bình làm chánh xứ. Về đây mới khoảng 2 tháng, cha Dư đã tu sửa nhà chờ Phục Sinh và đang dự định tiếp tục sửa chữa hàng rào mặt tiền nhà thờ. Cha cũng đã lập nhóm giúp lễ nữ và chuẩn bị cho các em học đàn, học hát để nối tiếp thế hệ trước. Bên cạnh đó, ngài còn ấp ủ ý định làm bừng lên tinh thần Caritas, chăm lo cho người nghèo trong địa bàn giáo xứ, không phân biệt lương giáo.
Hai mươi mốt năm gắn bó với giáo xứ Đức Bà Hòa Bình, cha Dư đã hết lòng vun đắp để họ đạo người Hoa bé nhỏ này phát triển từng ngày. Nay về coi sóc giáo xứ An Bình, vị mục tử lại tiếp tục hành trình mục vụ không ngừng nghỉ để làm chứng cho Tin Mừng và nâng đỡ giáo dân người Hoa hiện quy tụ hiếm hoi ở một vài họ đạo trong giáo phận.
THIÊN LÝ
Tác giả bài viết: THIÊN LÝ
Nguồn tin: Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn