Đôi dòng về những lần cải tiến chữ quốc ngữ Việt

Thứ tư - 25/07/2018 22:15

Đôi dòng về những lần cải tiến chữ quốc ngữ Việt

Chữ quốc ngữ (QN) là thứ chữ ghi âm và theo nguyên tắc chính tả ngữ âm học (phiên âm âm tố; phát âm thế nào thì viết thế ấy), căn cứ trên mẫu tự Latin (abc) có thêm các dấu phụ. Cho đến nay, chữ viết ghi âm vẫn được coi là đơn giản, tiện lợi, dễ học dễ nhớ nhất. Trước đó, ở Việt Nam phổ biến là chữ Hán và chữ Nôm.

Chữ QN ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, gắn liền với lịch sử mở đạo, với vai trò của các giáo sĩ Dòng Tên ở Đàng Trong, từ năm 1615. Giai đoạn sơ khởi của chữ này là khoảng 1617 - 1626. Các giáo sĩ được xem như tham gia công việc này chủ yếu truyền đạo ở vùng biển: Cửa Hàn (Đà Nẵng); Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam) và Nước Mặn (Quy Nhơn, Bình Định). Ba vị được ghi nhận với công việc này, trong các tài liệu hiện có là Francisco de Pina, Cristoforo Bori và Alexandre de Rhodes. “Nhưng sự thật ai làm ra chữ QN vẫn còn là một câu hỏi…” (theo Hoàng Tuệ, 1993).

Chữ QN là một thứ chữ nhiều ưu điểm, nhưng cũng có không ít nhược điểm hoặc những vấn đề gây tranh cãi. Cụ thể là:
Chữ QN không căn cứ trên một tiếng địa phương cụ thể nào.
Chữ QN có nhiều cách ghép chữ cái không theo hệ thống, có trường hợp thừa; nhiều dấu phụ rườm rà.
Chữ QN có một số cách viết chưa thống nhất, viết thế nào cũng được.
Chữ QN thiếu một số ký tự phiên chuyển các từ ngữ nước ngoài…

 

Trong lịch sử, chữ QN đã nhiều lần cải cách, cải tiến:

Thứ nhất, những cải cách cải tiến trong giai đoạn sơ khởi và đến khi tương đối hoàn tất (khoảng thời gian gần hai thế kỷ, từ năm 1620 đến 1830), với nhiều tác giả khác nhau. Nếu so sánh chữ qua các chặng đường, có thể thấy hệ thống chữ này dần dần có nhiều đổi khác, thậm chí rất khác:

Thời kỳ sơ khởi (1620 - 1631): Các tài liệu viết tay của Joao Roiz (1621), Gaspar Luis (1621), Francisco de Pina (1623), Alexandre de Rhodes (1625), Francisco Buzomi (1626), Christoforo Borri (1631)…

Thời kỳ hình thành (1631 - 1648): Thư từ và tài liệu của Alexandre de Rhodes (1631, 1636, 1644, 1647), Gaspar de Amaral (1632, 1637), Onofre Borges (1645 - 1648)… Điều đáng chú ý là các tác phẩm Từ điển Việt – Bồ - La và Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes được biên soạn trong thời gian này (1630 - 1640).

Thời kỳ phát triển (hay “trưởng thành”) và hoàn tất (1651 - 1838): Từ các tài liệu của Igesico Văn Tín, Bento Thiện (1659) đến Từ điển Việt – La của Pigneau de Béhaine (1772), Từ điển Việt - La của Taberd (1772). Đặc biệt, đó là chữ trong khoảng 4.000 trang tài liệu viết tay của Philiphé Bỉnh (1796 - 1830). Chữ QN hiện nay chủ yếu căn cứ theo Từ điển Việt – La của Taberd.

Hai là, sau đó, từ nửa cuối thế kỷ 19 đến nay, chữ QN đã nhiều lần được đề xuất cải cách cải tiến điểm này điểm khác. Chẳng hạn, từ năm 1868 Le Grand de la Lyraye đề nghị dùng dz thay cho d, d thay cho đ. Aymonier (1886) đề nghị dùng k thay cho c và q, dùng c thay cho ch; bỏ h trong gh; thay s bằng sh, thay x bằng xh; dùng aa thay cho a, a thay cho ă, ee thay cho e, e thay cho ê, oo thay cho o, o thay cho ô… Năm 1902, có những ý kiến của “Tiểu ban chữ viết ghi âm” sau Hội nghị quốc tế khảo cứu về Viễn Đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội. Vấn đề chữ QN được nêu ra vào năm 1906 trong Hội đồng Cải lương học chính của chính phủ Pháp ở Đông Dương. Năm 1910, Dubois trong cuốn Tiếng Việt và tiếng Pháp lại đề cập đến vấn đề cải cách chữ QN. Năm 1928, Trần Trọng Kim trong bài Sự sửa đổi chữ quốc ngữ phàn nàn “chữ QN ngày nay dễ quá”. Năm 1928, trên tờ Trung - Bắc tân văn, Nguyễn Văn Vĩnh hô hào “sửa đổi chữ QN”. Năm 1939, trên tạp chí Tao Đàn, tác giả Nguyễn Triệu Luật cho rằng cần cải cách chữ QN trên cơ sở phân tích ngữ âm tiếng Việt...

Sau Cách mạng Tháng tám, trên tạp chí Tiên – phong và trong cuốn Chữ của dân tộc, tác giả Ngô Quang Châu lại nêu vấn đề này. Năm 1950, trong cuốn Cữ và vần Việd khwa họk, tác giả Nguyễn Bạt Tụy nêu ra nhiều ý kiến cải cách. Tác giả Hồng Giao nêu vấn đề trên tạp chí Văn - Sử - Địa (1957). Trần Lực có ý kiến trên báo Nhân Dân năm 1960. Năm 1961, tác giả Hoàng Phê viết chuyên khảo Vấn đề chữ quốc ngữ và sau đó đến năm 1998 đã đăng hàng loạt bài xung quanh vấn đề chữ QN… Cũng không thể không nhắc đến những cố gắng xóa bỏ bất hợp lý trong chữ QN bằng cách viết "Đường kách mệnh”, “ngiên kứu”, “zữ vững”, “fục tùng”… (1925) của cụ Hồ Chí Minh. Gần đây nhất, có những thảo luận xung quanh vấn đề viết nguyên dạng hay phiên chuyển thế nào đối với các từ ngữ nước ngoài (bằng chữ QN) và vấn đề “i ngắn (i)” – “i dài (y)”…

Kết quả của những “cải cách cải tiến” đó là gì? Có một số thay đổi không cơ bản trong các quy định chính tả hiện nay so với trước kia. Tuy nhiên, về cơ bản thì chữ QN hiện nay vẫn chủ yếu căn cứ theo Từ điển Việt - La của Taberd (1772).

Trong lịch sử, chữ QN đã qua con đường khá dài trong truyền bá và sử dụng:

Trước hết phải nhớ rằng chữ QN thoạt kỳ thủy ra đời là nhằm mục đích để giúp các giáo sĩ ghi chép tiếng nói để truyền đạo. Sở dĩ nó cần, bởi vì như Alexandre de Rhodes thời ấy đã nhận xét: “Riêng tôi thú nhận rằng khi mới đến Đàng Trong nghe những người bản xứ nói chuyện với nhau, nhất là nữ giới, tôi có cảm tưởng như mình nghe chim hót líu lo và tôi đâm mất hết hy vọng vì nghĩ rằng không bao giờ có thể học được thứ tiếng đó”.

Sau khi xâm lược nước ta, chính quyền Pháp đã nhận thấy chữ QN dễ học hơn chữ Hán và chữ Nôm Việt (các hệ chữ có trước khi có chữ QN ở Việt Nam) rất nhiều, có thể giúp các quan cai trị và dân bản xứ dễ giao tiếp với nhau hơn, nên khuyến khích dạy và học chữ này. Năm 1878, có một nghị định về việc chuẩn bị điều kiện để dùng chữ này làm chữ viết chính thức ghi tiếng Việt. Năm 1910, có thông tri của thống sứ Bắc Kỳ về việc dùng chữ QN trong các công văn, giấy tờ hành chính và sổ sinh tử giá thú. Cần biết thêm rằng thoạt đầu các nhà nho Việt Nam rất phản đối thứ chữ của “bọn mắt xanh mũi lõ” này, nhưng rồi sau chính họ nhận thức được vai trò của chữ QN trong nâng cao dân trí và canh tân đất nước, bắt đầu hô hào học và phổ biến chữ QN trong phong trào Đông kinh nghĩa thục.

Sau Cách mạng tháng Tám, chữ QN đã trở thành chữ viết chính thức duy nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Tạ Văn Thông


 

 

 

Thẳng ruột ngựa, có thật là thẳng không?


 

Khi nói về tính tình của một con người bộc trực, thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy, không lắt léo, không giấu diếm giữ kín những điều suy nghĩ, những tâm tư riêng của mình, dân gian ta hay dùng thành ngữ "thẳng ruột ngựa" hoặc "thẳng như ruột ngựa" để diễn tả.

 

 

Nhưng sao lại nói "thẳng như ruột ngựa" mà không nói "thẳng như ruột bò", "thẳng như ruột trâu" hay "thẳng như ruột lợn"... ? Ruột ngựa mà thẳng thì chúng ăn uống, tiêu hóa thế nào?

 

 

 

 

Thành ngữ “thẳng (như) ruột ngựa” được hình thành nhờ vào sự quan sát con vật nuôi quen thuộc, dùng để kéo xe thồ, chở, dùng làm phương tiện chiến đấu cho các hiệp sĩ, các đội quân (đội kỵ binh) ngày xưa. Ngựa là con vật ăn cỏ như trâu bò, nhưng bộ máy tiêu hóa của ngựa lại khác rất xa với trâu bò. Dạ dày ngựa thuộc loại dạ dày đơn, không tiêu hóa được nhiều chất xơ cứng. Ruột ngựa rất dài, đặc biệt đoạn nối ruột non với dạ dày, gọi là manh tràng, cũng dài và rất lớn. Đoạn này là một ống dài tới một mét, thẳng và to với đường kính 15-25cm. Quá trình tiêu hóa chủ yếu diễn ra ở đây chứ không phải ở dạ dày. Có lẽ dựa vào cơ sở giải phẫu nội tạng của ngựa và căn cứ vào những điều thu nhận được bằng quan sát trực quan mà trong nhận thức của người Việt, ruột ngựa được xem là một đối chứng về tính chất thẳng, trái với cong queo, ngoằn ngoèo vốn là đặc điểm của ruột các con vật nói chung. Thoạt đầu phép so sánh “thẳng (như) ruột ngựa” chắc là chỉ miêu tả tính chất hình thể, vật thể mà con người có thể thấy được, quan sát được. Tuy nhiên, trong tiếng Việt, ruột hay bụng, lòng, dạ, đều có ý nghĩa biểu trưng cho tình cảm, tâm tư, suy nghĩ, nhận thức của con người. Ta thấy còn có các câu, như: ruột đau như cắt, bầm gan tím ruột, nóng gan nóng ruột, (đau) đứt từng khúc ruột, ruột để ngoài da…

Chính nhờ vào tính biểu trưng của ruột theo quan niệm của người Việt mà thành ngữ “thẳng (như) ruột ngựa” được “cấp” thêm một nét nghĩa mới. Thành ngữ này được chuyển từ ý nghĩa miêu tả đặc điểm, tính chất cụ thể bề ngoài trực quan đến ý nghĩa biểu thị tính tình con người hoặc tính chất hình tượng thuộc phạm vi tinh thần. Trong sử dụng ngôn ngữ, thành ngữ “thẳng như (ruột) ngựa” thường được dùng để chỉ sự bộc trực ngay thẳng, thật thà của tính cách con người. Trong cách đối xử, người có tính thẳng ruột ngựa được xem là người hiền lành, không có ác tâm, không lắt léo, không tính toán vòng vo, không so đo hơn thiệt. Ví dụ:

“Anh Phan có tính thật thà, thẳng như ruột ngựa, cứ nghĩ gì nói nấy. Nhiều lúc làm bà con cười nôn ruột” (Tổng tập văn học Việt Nam).

“Triều đình và các quan ta có lẽ không biết cái thâm ý ấy, cứ thẳng ruột ngựa mà đối xử” (Chu Thiên, Bóng nước hồ Gươm).

Trong nhiều trường hợp, thành ngữ thẳng ruột ngựa được dùng để chỉ tính chất mộc mạc, dung dị và chân phương. Thí dụ:

“Nếu thơ Thái và thơ Mường bay bướm thì thơ Mèo thẳng ruột ngựa, không bóng gió” (Báo Văn Nghệ)

Vậy là, theo đánh giá của người đời, đặc tính thẳng ruột ngựa được xem là tốt, tích cực, đáng yêu, dễ cảm thông. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là những gì trái với tính chất thẳng ruột ngựa đều xấu, đều tiêu cực. Thực ra, người Việt trong nhiều cảnh huống, nhiều trường hợp chỉ dùng thành ngữ “thẳng ruột ngựa” để xác định tính của của con người, tính chất sự vật đối lập với sự kín đáo, tế nhị, bóng bẩy, hoa lá và những tính chất đa dạng khác trong cuộc sống.

Đôi khi người ta dùng thành ngữ thẳng (như) ruột ngựa đồng nghĩa với thành ngữ “ruột để ngoài da” với dụng ý chê trách sự phơi bày dễ dãi, sự bộc bạch tất cả mọi điều nghĩ suy, cũng như mọi tâm tư nguyện vọng sâu kín của mình cho người khác biết một cách không cần thiết. Thí dụ: “Bà cứ cái lối nói thẳng ruột ngựa như thế thì con cháu có ngày vạ lây đó”, "Đến nhà cô ấy, cậu nhớ cẩn thận khi nói năng. Chứ vẫn cái tính thẳng ruột ngựa như mọi lần là không ổn đâu"... Dẫu vậy, những con người có tính tình thẳng ruột ngựa vẫn được coi là người chân thật, mộc mạc, ngay thẳng và hành vi bộc bạch, giãi bày ý nghĩ tình cảm theo lối thẳng ruột ngựa có thể gây ra những điều phiền toái nào đó, nhưng cũng có thể thông cảm và thể tất được. Chính những người nói năng "thẳng ruột ngựa", nghĩ gì nói nấy lại dễ gây được thiện cảm (bởi sự bộc trực đáng yêu), còn hơn là ai đó thích "con cà con kê", thích diễn giải dài dòng, "vòng vo tam quốc".

PGS-TS Phạm Văn Tình

 
  •  

Trái và quả, đồng nghĩa nhưng khác cách dùng

Từ "quả" và từ "trái", thoạt nghe thì có vẻ đồng nghĩa, chả có gì khác, dùng từ nào chẳng được, nhưng hóa ra lại có những "hoàn cảnh" rất riêng tư.

 

 

Trong tiếng Việt có hai từ "trái" và "quả" đồng nghĩa. Các nhà ngôn ngữ học xác định rằng quả là từ Hán - Việt, còn trái mới là từ bản địa. Tuy nhiên, khi đã vào tiếng Việt, từ quả đã hoạt động tích cực và lấn át trái, đẩy trái vào phạm vi hoạt động hẹp ở tiếng địa phương miền Nam và một vài cách dùng trong ngôn ngữ toàn dân.

 

 

Một trong những cách dùng như vậy là trái trong tư cách "loại từ", dùng để gọi một bộ phận được xem như rất quan trọng, là biểu tượng của tình cảm con người, đó là trái tim. Có thể vì quả khiến người ta hình dung rất rõ nét về dạng của sự vật, nên khi nói quả tim thì người Việt thấy "tim" nặng về hướng vật chất thể xác, còn khi nói trái tim thì người ta lại hình dung thấy đó là một sự vật trừu tượng và thanh tao, nơi ẩn giấu đồng thời là khởi nguồn của những tình cảm chân thành và cao thượng của con người.

Người ta cũng thường thắc mắc vì sao có thể nói được là quả tim, quả thận (và cả quả đấm, hoặc đôi khi cả quả mông nữa), mà lại không nói quả đầu. Chẳng phải "đầu" cũng có hình như một quả cây, và nếu xét về kích thước thì chẳng phải là có biết bao sự vật khác to hơn "đầu" nhiều lần mà vẫn được gọi là quả (quả núi, quả đất...) đó sao?

Câu hỏi này có thể làm lúng túng nhiều nhà ngôn ngữ học, trong số đó có cả người đang kể câu chuyện này. Và, câu trả lời có vẻ vô trách nhiệm nhất là bảo rằng vì người Việt vẫn nói như thế (cũng như bảo rằng Vì ông trời đã sinh ra thế).

Nhưng quả thật người Việt đã trả lời rằng "tim" và "thận" dễ khiến người ta liên tưởng đến "quả" hơn (so với "đầu"). Vâng, từ quả vốn dùng để chỉ sự vật trên cây - do bầu nhụy hoa phát triển mà thành, bên trong chứa hạt, và từ ấn tượng về dạng hình cầu thường gặp ở sự vật này mà người Việt đã dùng tên nó (quả) để gọi nhiều sự vật khác được coi là có hình dạng tương tự như nó. Tuy nhiên giữa một số bộ phận cơ thể người và "quả" của cây có sự liên tưởng hơi khác (chứ không hoàn toàn như "núi" và "đất" trong sự liên tưởng tới "quả" của cây). Có thể là khi gọi "tim" và "thận" là quả, người ta còn chú ý rằng các bộ phận cơ thể này và "quả" cây có điểm chung (có thể được xem như quan yếu, và “đầu” thì không có) là treo trên cuống và chúc (hoặc có vẻ như chúc) xuống dưới.

Với “đầu”, có thể mặc dù nó cũng đại khái là hình cầu, nhưng người Việt đã rất bị phân tâm và không dám gọi nó là “quả”. Nói là "không dám" bởi trên thực tế vẫn có những thanh niên nghịch ngợm, ăn nói phá cách kiểu "hôm nay phải đi làm quả đầu cho nó mát" (tức là cắt tóc), v.v.. Chắc vì thấy còn nhiều sự vật khác rất gây chú ý đi kèm ở “cái vỏ” tức là ở bề mặt của nó. Và rất khó đoán xem bên trong nó có “hạt” hay có những cái gì hoặc đang xảy ra những cái gì...

Tạ Văn Thông


 

 

Sự chuyển nghĩa lý thú của từ Hán Việt theo thời gian


 

Trong vốn từ tiếng Việt hiện nay hàng loạt từ ngữ đã không còn được dùng theo nghĩa gốc/nghĩa cơ sở ban đầu/ “nghĩa xưa”, mà được dùng với nghĩa chuyển/nghĩa mới/nghĩa phái sinh/“nghĩa nay”, mà hai phương diện nghĩa này khác xa nhau, thậm chí có trường hợp còn trái ngược nhau.

 

 

Trong thời gian gần đây, “khuất tất” là một trong những từ có tần suất xuất hiện trên báo chí khá cao, với nghĩa là “không đường hoàng, không rõ ràng, bị che giấu; ám muội, bất minh, đen tối, mờ ám”, trái nghĩa với “minh bạch”.

 

 

 

Thế nhưng qua tra cứu một số từ điển, chúng tôi nhận thấy “khuất tất” là một từ Hán Việt mang nét nghĩa cơ bản: Quỵ lụy, luồn cúi; Ví dụ: Không bao giờ chịu khuất tất.

Nghĩa nay trội hơn nghĩa xưa

Rõ ràng, hiện nay nghĩa gốc Hán của từ “khuất tất” hoàn toàn bị tiêu biến, mất đi, không còn được ai hiểu nữa, mà người dùng đã hiểu theo một nghĩa Việt thông dụng hoàn toàn mới.

 

Tương tự, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trong vốn từ tiếng Việt hiện nay hàng loạt từ ngữ đã không còn được dùng theo nghĩa gốc/nghĩa cơ sở ban đầu/ “nghĩa xưa”, mà được dùng với nghĩa chuyển/nghĩa mới/nghĩa phái sinh/“nghĩa nay”, mà hai phương diện nghĩa này khác xa nhau, thậm chí có trường hợp còn trái ngược nhau. Nhiều trường hợp nghĩa xưa đã bị tiêu biến đi, người Việt hiện nay không hề đả động gì đến cái nghĩa xưa ấy nữa, mà tất cả mọi trường hợp nhất loạt đều sử dụng theo nghĩa nay.

Thêm một trường hợp tiêu biểu cho sự mất nghĩa của từ vừa đề cập ở trên là từ “vấn nạn”. Nghĩa nay của “vấn nạn” là “vấn đề khó khăn lớn có tính chất xã hội, đang phải đương đầu đối phó một cách cấp thiết”, được sử dụng trong các trường hợp như: “vấn nạn tham nhũng”, “vấn nạn cờ bạc”, v.v..

Nhưng nghĩa xưa của từ “vấn nạn” trong khá nhiều từ điển khác xa nghĩa nay, nó có nghĩa là: Hỏi để làm khó nhau; ví dụ: Sứ ta qua Tàu thường bị các quan Tàu vấn nạn. Trong khoảng thời gian vài mươi năm trở lại đây, nếu chúng tôi không nhầm thì hình như người Việt tuyệt nhiên không dùng từ “vấn nạn” với nghĩa “hỏi vặn, làm khó” này.

Hoặc như từ “trụy lạc”, nghĩa hiện nay là “Sa ngã vào lối sống ăn chơi thấp hèn, xấu xa. Sống trụy lạc. Đi vào con đường trụy lạc”.

Vậy mà lui lại vài mươi năm trước, chỉ mới ở nửa đầu thế kỷ 20, nhà văn Khái Hưng đã có một truyện ngắn nhan đề Hai cảnh trụy lạc với nghĩa là “nghèo khổ cùng cực”; truyện miêu tả tình cảnh hai nhân vật vốn con nhà gia thế, danh giá, vì thời cuộc mà gia cảnh dần sa sút đến nghèo khổ, đáng thương.

Ngày nay, nếu nhằm tỏ lòng thương cảm ai đó nghèo khổ, sa sút mà ta trót nhỡ cảm thán thốt lên “cuộc đời anh thật là trụy lạc!” thì dễ hình dung điều gì “đáng thương” gì sẽ xảy ra cho chính người nói.

Từ “khốn nạn” cũng vậy. Nghĩa nay của “khốn nạn” là “Hèn mạt, không còn chút nhân cách, đáng khinh bỉ, nguyền rủa”, ví dụ: “Đồ khốn nạn”; nhưng nghĩa xưa của nó lại là: Khốn khổ.

Mặc dầu từ điển hiện nay cũng ghi nhận nghĩa này: “Khốn khổ đến mức thảm hại, đáng thương” nhưng chắc chắn hiện nay không còn ai dùng từ “khốn nạn” với nghĩa đó nữa.

Tác phẩm Les Misérables của đại văn hào Pháp Victor Hugo ra đời năm 1862. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng vào hạng bậc nhất của nền văn học thế giới thế kỷ 19 này trước khi định hình tên tiếng Việt Những người khốn khổ như hiện nay đã từng được Nguyễn Văn Vĩnh dịch và xuất bản năm 1926 với nhan đề Những kẻ khốn nạn.

Từ “đểu cáng”, hiện nay có nghĩa là “Xỏ xiên, lừa đảo đến mức bất kể đạo đức (thường dùng làm tiếng mắng), ví dụ: Bộ mặt đểu cáng.

Nhưng nghĩa xưa của nó là chỉ những người thuộc giới lao động vận tải, kiểu như xe thồ, xe ôm, xích lô, ba gác hiện nay (gần đây có thêm Uber, Grab): “Phu khiêng cáng, phu gánh”. Có ý kiến cho rằng vì giới này thuở ấy khiêng người, gánh hàng hóa thường thiếu thật thà, hay biển lận tiền bạc, tài sản mà khách bỏ quên hoặc đánh rơi trên cáng, trên võng, nên lâu dần từ “đểu cáng” mất hẳn đi nghĩa gốc ban đầu, chỉ còn dùng duy nhất với nghĩa như hiện nay.

Một số trường hợp tương tự

Dưới đây là một số từ Hán Việt hầu hết được dùng theo nghĩa mới, thoát ly nghĩa cũ. Ở đây chúng tôi chỉ xin cung cấp nghĩa cũ của chúng để bạn đọc tiện đối chiếu, so sánh với nghĩa hiện nay.

Chẳng hạn những từ: “Quyết liệt” - Hủy hoại, phá hoại; “trụ sở” - người đứng ra gánh vác việc lớn của quốc gia; “phản động” - hành động trái lại với việc khác; “thủ đoạn” - phương pháp làm việc; “lợi dụng” - vật tiện lợi để dùng; “dã tâm” - lòng thích nhàn hạ, ghét chốn phồn hoa; v.v..

Chúng tôi nhận thấy hiện tượng nghĩa của từ được sử dụng hiện nay không đồng nhất với nghĩa gốc của từ trong quá khứ; thậm chí có nhiều trường hợp hai nghĩa này đối lập, trái ngược nhau; trong đó thiên về xu hướng sử dụng từ với nghĩa mới chiếm ngự hoàn toàn, còn nghĩa gốc của từ đã bị tiêu biến hẳn đi.

 


Tác giả bài viết: Đỗ Thành Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập102
  • Hôm nay9,632
  • Tháng hiện tại439,965
  • Tổng lượt truy cập32,423,688
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây