Điều kỳ diệu của tạo hóa ở xóm mù nổi tiếng TP.HCM

Chủ nhật - 27/07/2014 10:51

Điều kỳ diệu của tạo hóa ở xóm mù nổi tiếng TP.HCM

Đi qua những con đường sình lầy, rẽ vào con hẻm nhỏ sẽ đến xóm mù "nổi tiếng".

Theo đường Tân Kỳ - Tân Quý, tới nghĩa trang Bình Hưng Hòa (P. Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM), bất kì người dân nào cũng biết và có thể chỉ dẫn tận tình cho khách về một xóm mù "nức tiếng". Dưới trời nắng gắt, đi qua những con đường sình lầy do cơn mưa đêm qua để lại, cua vào con hẻm nhỏ, chúng tôi cũng tìm được những gia đình mù sống thành xóm tại đây.

Những mảnh đời bất hạnh

Lúc chúng tôi đến, bà Nguyễn Thị Lài (63 tuổi) vẫn đang nằm ngủ trên bộ phản đơn sơ nhưng chiếm gần hết diện tích căn nhà nhỏ bé. Bà đang ngủ bù cho thời gian đi bán vé số dạo bắt đầu từ 5h chiều đến 10h đêm mỗi ngày. Nghe tiếng gọi, bà ngồi dậy tiếp khách. "Có khi người ta thương, mỗi ngày được 5 chục ngàn, còn ế thì về trả số. Tui định làm thêm ban ngày nhưng nóng quá không đi nổi", bà Lài tâm sự với khách viếng thăm bằng sự cương nghị, rắn rỏi của người đã đi qua nhiều nỗi đau trong đời.

"Lên 5 tuổi, tôi đau ban, lên nọc, sưng nên đi mổ. Đầu tiên chỉ đau một bên mắt rồi lây qua con kia khiến cả hai mắt mù hẳn. Đến năm 18 tuổi, tôi lập gia đình như bao cô thôn nữ khác, kinh tế khó khăn phải trôi nổi nhiều nơi trước khi về nơi này…", bà Lài chia sẻ với chúng tôi bằng một giọng trầm buồn. May mà trời thường, bà lần lượt sinh ra 3 cô con gái lành lặn, lớn lên lấy chồng sinh con đẻ cái bình thường, nhưng ở tận Tiền Giang, Mĩ Tho…

Năm 1987, bà về đây mua ngôi nhà của cậu con rể, cất lên bằng chính nỗ lực của mình, nhất là khi người chồng đã không còn nữa. Ngày ấy nhà tồi tàn lắm, rồi trong mùa mưa năm 2000 thì gần như hỏng hẳn. Sau đó, bà phải vay tiền lãi nặng, lãi nhẹ để nâng nền nếu muốn còn chỗ trú thân. Khi được hỏi về sự giúp đỡ của 3 cô con gái dành cho mẹ, bà thật thà bảo: "Con gái mà, lấy chồng thì phải đi xa thôi. Tụi nó có gia đình, tui không đòi hỏi gì cả đâu".

Cách đây 2 năm, một mình bà nuôi 3 đứa cháu ngoại. Sau này, vì nuôi không nổi nên bà đã trả lại 2 đứa cho mẹ chúng. Hiện chỉ còn mình cháu Tô Khánh Phong (9 tuổi) ở với bà. Buổi trưa, bà thường loay hoay nấu cơm rồi 2 bà cháu cùng ăn trong khoảng không gian chưa tới 15 mét vuông. Vì điều kiện kinh tế chẳng dư dả, bà chắt bóp tiết kiệm đủ đường. Nước sử dụng trong nhà thì bà "hợp tác" với láng giềng khoan giếng rồi bơm lên dùng. Điện "câu" nhờ nhà hàng xóm với giá 2.000đ/kwh. Bà kể, nhiều lần hàng xóm quên đóng tiền, điện bị cắt kéo theo mất nước vì không sử dụng được máy bơm. Cái nóng cứ hầm hập ụp xuống căn nhà nhỏ bé.

Dạo gần đây, nhà bà Lài đỡ cô quạnh hơn bởi sự xuất hiện của ông cháu một người bạn tên Thứ từ miền Trung vào ở nhờ. Ông Thứ cũng bị mù như bà và hai người quen nhau từ thời còn bán buôn ngày trước. Ông Thứ có tất thảy 4 người con đều lành lặn, hai đứa lớn đã đi làm. Vào Sài Gòn, ông dẫn theo cô cháu ngoại 15 tuổi tên Gái. Thế là ngày ngày, 2 ông cháu lại đi bán vé số như nhiều người khác trong xóm. Trừ lúc bươn chải cơm áo ngoài đường, thời gian còn lại ông Thứ chỉ ru rú trên phần gác gỗ của mình. Nói là gác gỗ cho oai, chứ thực ra là những mảnh gỗ vá víu lại một cách tạm bợ.

Rời nhà bà Lài, chúng tôi tìm đến nhà anh Đinh Cẩm Vân (42 tuổi) và chị Huỳnh Thị Thủy (29 tuổi). Đây là cặp vợ chồng "nổi tiếng" nhất nhì trong xóm mù bởi tình yêu thương mà anh chị dành cho nhau, và bởi tính hay lam hay làm của họ. Anh bị tai nạn nổ mìn năm 1978 trong lần làm phế liệu. Chị giống như nhiều người khác trong xóm này, ngay khi mới 3, 4 tuổi bị phát ban rồi mù hẳn đến bây giờ. Hai người cùng sinh hoạt trong Hội Người mù huyện Núi Thành (Quảng Nam). Cũng cần nói thêm, trong 350 thành viên của Hội, rất nhiều người chuyển vào Sài Gòn và ở rải rác nhiều nơi. Qua những lần sinh hoạt chung, mấy năm tìm hiểu nhau, cả hai quyết định lập gia đình vì được hai bên cha mẹ đồng ý. Những năm 90, anh chuyển vào xóm này trước và dẫn bà xã vào sau

Điều kỳ diệu của tạo hóa ở xóm mù nổi tiếng TP.HCM - 1

Anh Đinh Cẩm Vân và chị Huỳnh Thị Thủy. Ảnh T.G.

Gặp cặp vợ chồng đặc biệt đúng lúc họ đi bán vé số về, tôi có dịp chứng kiến niềm hạnh phúc giản đơn họ đang cùng nhau tạo dựng. 12h trưa, vừa vào nhà, anh vội phụ vợ nấu cơm còn chị lo đặt nồi nấu canh lên chiếc bếp ga mini. Vừa làm, họ vừa trò chuyện vui vẻ, ân cần. Tâm sự cùng tôi, anh Vân nhỏ nhẹ: "Bán vé số không nhất định giờ nào, mệt thì trả vé về. Vợ chồng tôi luôn cố gắng bán đến tờ cuối cùng để lo cho sắp nhỏ". Nhưng hay mất vé, bị người ta gạt từ vài tờ cho đến mấy chục vé là điều anh Vân quả quyết về những khó khăn, bất trắc mà người bán vé dạo mù như vợ chồng anh thường gặp phải. Đó cũng là một trong những khó khăn đã cản trở vợ chồng anh và nhiều hộ gia đình nơi đây có được cuộc sống dễ thở hơn từ nghề nghiệp chân chính này. Sau thời gian bán vé số, vợ chồng anh lại đi làm thêm xoa bóp ở tận Thuận kiều Plaza (Q.6) do tổ chức từ thiện Eden (Đài Loan) tổ chức cho người khuyết tật. Công việc không mang lại nhiều tiền nhưng cũng giúp vợ chồng anh có đồng ra đồng vào cho cuộc sống.

Xóm mù sẽ chỉ còn là  ký ức?

Như một điều kỳ diệu, một bù đắp công bằng của tạo hóa, con hay cháu của những người cha mẹ, ông bà chịu phận mù lòa nơi đây đều sáng mắt và có cuộc sống của một người bình thường. Gia đình ông Thứ có 2 con nhỏ đang ở tuổi đến trường và ước nguyện duy nhất của ông là chúng được học hành đàng hoàng. Vợ chồng ông Bảy Xứng, 60 tuổi, có duy nhất một người con cũng đang độ tuổi đến trường.

"Mong các cháu khỏe mạnh, đi học tấn tới, thành công dân hữu ích cho gia đình và xã hội", đó là mơ ước của anh Vân và chị Thủy. Sinh được 2 còn, anh chị đặt tên cho 2 cháu rất ý nghĩa. Đứa đầu là Đinh Huyền Ánh Trúc, bới ánh trúc theo anh là ánh sáng, ánh đuốc. Cháu còn lại tên Đinh Huyền Thiên Phúc với mong ước của gia đình là được lộc trời cứu giúp khỏi cảnh nghèo nàn, tối tăm như ba mẹ chúng. Hiện cả hai con anh đang học tại trường Vành Khuyên. Thương các con, dù vất vả, anh chị cũng hẹn bác xe ôm chở hai cháu đến trường và đón về vào 4h30 mỗi ngày, với giá 40.000đ/ngày. Anh chị cũng thường cắt cử nhau để luôn có một người ở nhà đón con đi học về, tắm rửa, ăn cơm như mọi tổ ấm khác. Chị Thủy nói thêm trong niềm vui: "Rồi chúng sẽ vào cấp 2, cấp 3, Đại học… Tôi mơ đến ngày ấy lắm."

Riêng bà Lài, bà ngoại của cậu bé Phong còn mang nhiều nỗi niềm riêng. Phong mất ba, mẹ lấy chồng khác nên đem gửi con cho bà ngoại mù lòa, Phong được gửi vào mái ấm Ánh Sáng (Q.10) học hết lớp 1 nhưng rồi cũng đứt đoạn vì cậu bé… trốn về nhà. Giờ đây, bà Lài cho biết, việc học của Phong ở một ngôi trường khác đang gặp khó khăn vì bà chưa có hộ khẩu ở đây. Bà Lài nghẹn ngào: "Tôi sắp chết rồi, chỉ lo cho cháu thôi. Không biết khi nào nó mới được đến trường?". Trước mặt tôi là hình ảnh hai bà cháu quấn lấy nhau. Phong đã 9 tuổi nhưng nhỏ thó, đen đúa như mới lên 4. Duy nụ cười là vẫn tươi xinh và thích đến trường như bạn bè khi tôi hỏi.

Trước khi về, bà Lài day dứt nói với chúng tôi: "Nó mới học lớp 1 mà đọc bài ro ro à. Không đi học, nó sẽ bị môi trường làm hư hỏng mất. Tội nghiệp nó!". Tiếng bà văng vẳng bên tai khi tiễn tôi ra cửa. Nhưng dù còn có nỗi niềm riêng, xóm mù ngày nào đã có những tiếng cười đùa trong trẻo, những khuôn mặt ngây thơ bừng sáng của thế hệ thứ hai, thứ ba. Con cháu họ đã hồi sinh mảnh đất nhọc nhằn, gian khó này. Người đã lập gia đình, người còn đi học song tất thảy sẽ là ánh sáng soi rõ vào xóm mù nhiều thập kỉ qua. Cơn mưa lúc này tại xóm rồi sẽ tạnh cũng như trẻ nhỏ sáng mắt sẽ nhiều hơn mai này. Và tôi tin xóm mù sẽ dẫn chỉ còn là ký ức đáng nhớ, đáng trân trọng…

 


Tác giả bài viết: martino06ster@gmail.com

 Tags: sình lầy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập175
  • Hôm nay8,521
  • Tháng hiện tại271,683
  • Tổng lượt truy cập35,918,028
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây