Thánh Maria Mađalêna – Tông đồ của các Tông đồ và Nhân chứng Phục Sinh

Thứ bảy - 26/07/2025 10:51
Thánh Maria Mađalêna – Tông đồ của các Tông đồ và Nhân chứng Phục Sinh

[Dc 3,1-4a; Ga 20,1-2.11-18]

1. Maria Mađalêna – Một khuôn mặt độc đáo trong Tin Mừng

Kính thưa quý tu sĩ, quý ông bà và anh chị em rất thân mến,

Giáo Hội long trọng mừng kính thánh nữ Maria Mađalêna – hay còn gọi là Maria Magđala (22/7). Chữ “Magđala” là tên một ngôi làng, chứ không phải tên riêng của thánh nhân. Tên bà là “Maria”, một tên rất phổ biến trong văn hóa Do Thái. Mẹ của Chúa Giêsu cũng mang tên Maria, cô em gái của thánh nữ Matta – chị của anh Ladarô – cũng tên là Maria.

Để phân biệt, người ta thường gắn tên quê hương hoặc làng mạc vào tên gọi, như “Giêsu Nadarét”. Cũng vậy, thánh nữ mà chúng ta mừng kính hôm nay là “Maria ở làng Magđala” – tiếng Việt dịch là “Maria Mai Đệ Liên”. Thánh nữ này là một trong những khuôn mặt độc đáo nhất trong các sách Phúc Âm, bởi lẽ các dữ kiện về bà khá ít ỏi nhưng lại rất ấn tượng.

 

2. Ba lần xuất hiện – Một hành trình yêu mến và trung tín

Lần đầu tiên tên bà xuất hiện đầy đủ là trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm, mô tả: “Trong số những người phụ nữ đi theo Chúa Giêsu, có bà Maria quê ở Magđala, người đã được Người trừ khỏi bảy quỷ” (x. Lc 8,2). Chỉ một câu duy nhất. Lần thứ hai, bà xuất hiện dưới chân thập giá – theo Tin Mừng Gioan – trong số ít ỏi những người can đảm đứng bên Chúa trong cuộc Thương Khó. Bên cạnh Mẹ Maria và người môn đệ Chúa thương mến, còn có thánh nữ Maria Mađalêna.

Lần thứ ba, cũng là lần cuối cùng, bà xuất hiện như một nhân vật trung tâm trong trình thuật Phục Sinh của Tin Mừng Gioan mà chúng ta vừa nghe. Trong đoạn văn ấy, bà “chiếm sóng” hoàn toàn bên cạnh Đấng Phục Sinh.

3. Lòng thương xót của Thiên Chúa vượt quá lẽ thường nhân loại

Suốt hơn hai ngàn năm lịch sử, Giáo Hội vẫn không ngừng suy niệm tại sao một mầu nhiệm vĩ đại như mầu nhiệm Phục Sinh – một biến cố vượt quá trí hiểu loài người, làm chấn động địa cầu, có tầm vóc vĩnh hằng – lại được tỏ lộ đầu tiên cho một người phụ nữ nhỏ bé và dường như vô danh: thánh nữ Maria Magđala. Không phải Đức Mẹ, không phải các Tông Đồ, nhưng lại là người đã từng bị quỷ ám.

Điều đó cho thấy: cái nhìn của Thiên Chúa không giống cái nhìn thiển cận của con người. Chúng ta lấy lòng dạ hẹp hòi để đo lường lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa thì không bao giờ hiểu được. Chỉ khi đắm mình trong đại dương lòng thương xót ấy, chúng ta mới có thể cảm nếm và nhận ra: mỗi người chúng ta đều là tội nhân, đều cần được Chúa xót thương, tuyển chọn và cứu độ. Và lòng thương xót ấy là vô điều kiện.

4. “Apostola Apostolorum” – Tước hiệu cao quý của người phụ nữ từng tội lỗi

Chính vì tình yêu ấy, Chúa đã chọn bà Maria Mai Đệ Liên – người từng tội lỗi – để trở nên “người được sai đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh” cho chính các Tông Đồ. Bởi thế, các thánh Giáo Phụ đã tôn kính bà bằng một tước hiệu rất cao quý: “Apostola Apostolorum” – “Tông đồ của các Tông đồ”. Trong tiếng Hy Lạp, apostolos nghĩa là “người được sai đi”; các Tông Đồ là những người được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng. Nhưng chính thánh nữ Maria Mađalêna lại là người đầu tiên được sai đi để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các Tông Đồ. Một tước hiệu thật đặc biệt, được Giáo Hội chính thức công nhận.

Vào ngày 3 tháng 6 năm 2016 – Năm Thánh Lòng Thương Xót – Đức Phanxicô đã ký sắc lệnh nâng lễ thánh Maria Mađalêna từ bậc lễ nhớ lên bậc lễ kính, ngang hàng với các Tông Đồ. Đó là lý do hôm nay chúng ta hát kinh “Vinh danh” trong Thánh Lễ.

5. Tình yêu say đắm của một người môn đệ với Thầy Giêsu

Trong bài đọc trích sách Diễm Ca (x. Dc 3,1-4), Giáo Hội trình bày hình ảnh một thiếu nữ thao thức đi tìm người yêu giấu. Đó là một bài thơ tình nổi tiếng, được Giáo Hội tiếp nhận như một mặc khải Kinh Thánh vì được linh hứng bởi Thánh Thần. Tình yêu nam nữ trong sách Diễm Ca trở thành hình ảnh cho tình yêu giữa Đức Kitô – người Lang Quân – với Giáo Hội, hiền thê của Người.

Bà Maria Mađalêna trong Tin Mừng hôm nay hiện lên như một hiện thân sống động của thiếu nữ trong Diễm Ca. Khi trời còn tối, bà vội vã đến mồ, lòng đầy thao thức đi tìm Thầy Giêsu – người yêu giấu của linh hồn mình. Và rồi, chính lúc bà ở lại, chính lúc bà trung thành tìm kiếm, thì Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra, gọi tên bà, và tỏ mình ra cho bà.

6. Người Mục Tử gọi tên chiên của mình: “Maria!”

Khi Chúa gọi “Maria!”, bà nhận ra Ngài và sụp lạy: “Rabbuni!” (Ga 20,16). Vẫn là Chúa đó – trước vài giây bà không nhận ra, tưởng là người làm vườn; nhưng khi được gọi đúng tên, bà liền nhận ra ngay. Tại sao vậy?

Trong Gioan chương 10, Chúa Giêsu đã phán: “Tôi là Mục Tử nhân lành… Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi… Tôi gọi tên từng con và dẫn chúng ra khỏi đàn…” (x. Ga 10,1-16). Việc Chúa Giêsu gọi tên “Maria” chính là hành động của Mục Tử nhân lành – Người biết rõ từng người trong chúng ta, và gọi tên mỗi người trong cuộc sống.

Sau đó, Chúa truyền cho bà: “Hãy đi báo tin cho anh em Thầy rằng: Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17). Một mặc khải tuyệt vời! Nhờ Phục Sinh, chúng ta không còn xa cách với Thiên Chúa, nhưng được tháp nhập vào gia đình của Ngài – Thiên Chúa trở nên Cha của ta, và Chúa Giêsu trở nên Anh Trưởng, là Đấng Phục Sinh và là Thiên Chúa của ta.

8. Bị hiểu lầm suốt 2000 năm – Một người phụ nữ bị bao định kiến bao phủ

Gần 80 năm trước, vào thập niên 1950, nhà văn Hy Lạp Nikos Kazantzakis – một Kitô hữu – viết quyển tiểu thuyết Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa Giêsu (The Last Temptation of Christ). Trong đó, ông giả định Chúa Giêsu – trên Thập giá – đã bị cám dỗ: nếu không đi con đường Thập giá, Ngài có thể cưới Maria Mađalêna làm vợ, sống một đời bình thường. Tác phẩm này gây tranh cãi rất lớn.

Năm 2003, nhà văn Dan Brown lại gây chấn động với Mật mã Da Vinci (The Da Vinci Code), trong đó ông dựng chuyện Maria Mađalêna là vợ của Chúa Giêsu – căn cứ vào tranh “Bữa tiệc ly” của Leonardo da Vinci. Một lần nữa, Maria Mađalêna bị lợi dụng, xuyên tạc, và bịa đặt qua bao thế kỷ.

Suốt 2000 năm qua, thánh nữ Maria Mađalêna bị hiểu lầm rất nhiều. Có người đồng hóa bà với Maria làng Bêtania – em của Mácta, chị của Ladarô. Có người đồng hóa bà với người phụ nữ vô danh lấy dầu thơm xức chân Chúa rồi lấy tóc lau. Có người còn gán cho bà là người phụ nữ ngoại tình trong Tin Mừng Gioan. Và thế là, biết bao thế hệ nghĩ bà là một “gái làng chơi”, là “kẻ sa đọa” – thật oan uổng và đáng thương biết bao!

Tuy nhiên, các dữ kiện Kinh Thánh rất rõ ràng: bà là người đã được Chúa trừ khỏi bảy quỷ, là người đi theo Chúa suốt hành trình Thương Khó, và là nhân chứng đầu tiên của Tin Mừng Phục Sinh. Không gì hơn!

9. Maria Mađalêna – Mẫu gương của tình yêu can trường và đức tin trung tín

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì đã ban cho Giáo Hội một mẫu gương tuyệt vời – một người phụ nữ yêu mến Chúa Giêsu trên hết mọi sự, say mê Chúa đến mức quên cả bản thân, sẵn sàng chạy khắp nơi chỉ để tìm “người yêu dấu của lòng mình”.

Một người phụ nữ chân yếu tay mềm mà có thể thốt lên: “Người ta đã lấy xác Thầy tôi rồi. Ông có biết người ta để Thầy ở đâu không, để tôi đến đem về?” – tình yêu ấy lớn lao biết bao!

Ngược lại, tình yêu Chúa dành cho bà cũng vĩ đại không kém: Ngài chọn bà là người đầu tiên chứng kiến và loan báo Tin Mừng Phục Sinh!

Vậy thì, trong ngày lễ hôm nay, cùng với thánh nữ Maria Mađalêna, chúng ta hãy thân thưa với Chúa Giêsu bằng những lời thơ đầy cảm xúc từ Kinh Thánh:

Lạy Thầy chớ vội rời xa

Ôi thôi mắt lệ vỡ òa mừng vui

Trăm điều chưa nói Thầy ơi

Tương phùng quấn quýt chia phôi não nề.

 

Người từ cõi chết trở về

Giờ thôi qua hết mọi bề đắng cay

Lạy Thầy chớ vội đi ngay

Cho con níu giữ phúc này linh thiêng.

 

Cho con mãi ở kề bên

Tình chung một mảnh dành riêng trong lòng

Một lời giải tỏ vừa xong

Rằng Thầy chưa vội về cùng Chúa Cha.

 

Thôi đừng níu giữ thiết tha

Hãy đi loan báo gần xa Tin Mừng

Lệnh truyền hồ hởi xin vâng

Thật con diễm phúc ngàn trùng Thầy ơi!

 

Ngước nhìn trời dọi nắng tươi

Gót sen thoăn thoắt trào vui xác hồn

Tung tăng cỏ ngọn suối nguồn

Hôm nay gió cuốn mây vờn đẹp thay.

 

Chim kia cất tiếng mê say

Một Mùa Xuân mới chẳng hay đến rồi

Thấp tha thấp thoáng lưng trời

Bóng ai hăng hái yêu đời chạy nhanh.

 

Bớ em, hỡi chị, này anh

Trời ơi! Thầy đã Phục sinh thật rồi

Đang khi than khóc tơi bời

Bỗng Thầy hiện với tôi người đầu tiên.

 

Tên tôi, Thầy gọi diệu hiền

Kìa người đang đứng ngay bên chính Thầy

Châu thân tôi chạm tận tay

Mắt tôi mục kích chẳng sai, chẳng lầm.

 

Vui lên Thầy thắng tử thần

Tin Mừng hằng sống lan tràn nơi nơi

Lạy Thầy vinh hiển rạng ngời

Cùng là Thiên Chúa ngàn đời của con.

 

Lấy gì đền đáp công ơn?

Cơ mang từ ái trăm muôn nghĩa tình

Phận hèn chỉ biết trung trinh

Theo thầy xin chịu nhục vinh với Thầy.

 

Sống đời nhân chứng từ nay

Chờ ngày Thần Khí đổ đầy ơn thiêng

Gió đâu thổi khắp mọi miền.

Và cuối cùng, chúng ta hãy cùng nhau thưa với bà thánh Maria Mađalêna để cùng với bà tuyên xưng niềm tin vào mầu nhiệm Phục sinh.

Hỡi cô thôn nữ Mácđala

Mình hạt sương mai vóc ngọc ngà

Nhân chứng đầu tiên ngày sống lại

Thảo nào dung mạo đẹp hơn hoa.

 

Hỡi Tông Đồ của các Tông Đồ

Tôi xác tín lời bởi miệng cô

Thầy đã Phục sinh ra khỏi mộ

Ngàn đời vinh hiển Đấng Kitô. Amen.

 

Nguồn tin: Lm. Phêrô Đỗ Khắc Minh Khoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập59
  • Hôm nay11,454
  • Tháng hiện tại366,274
  • Tổng lượt truy cập39,458,765
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây