KIÊN TRÌ KÊU CẦU THIÊN CHÚA TÌNH THƯƠNG

Thứ bảy - 26/07/2025 10:42
tải xuống (4)
tải xuống (4)

Trong hành trình đức tin, cầu nguyện là việc rất cần thiết nhưng không phải là tìm cách thay đổi ý Chúa, nhưng là kiên trì, tin tưởng, và gõ mãi vào cánh cửa lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính nhờ sự tín thác ấy, ta được biến đổi từ bên trong và cảm nghiệm sự hiện diện sống động của Chúa giữa những thử thách đời thường.

1. Thiên Chúa xét xử công minh và đầy lòng thương xót

Trong trình thuật sách Sáng Thế hôm nay, chúng ta chứng kiến một cuộc đối thoại đầy cảm động giữa ông Abraham và Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa dự định hủy diệt thành Sôđôma vì tội lỗi quá nặng nề, Abraham đã nài xin Thiên Chúa tha thứ nếu tìm được một số người công chính. Từ năm mươi xuống mười, Thiên Chúa vẫn sẵn lòng tha thứ: “Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao?.. Chúa đáp: Nếu Ta tìm được trong thành Sôđôma năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó…Ông nói: Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao? Chúa đáp: Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Sôđôma” (St 18:20-32).

Điều này cho thấy Thiên Chúa không phải là Đấng xét xử lạnh lùng, mà là Cha nhân từ, sẵn sàng lắng nghe lời cầu xin của con cái mình. Ngôn sứ Êdêkiel tuyên phán lời của Thiên Chúa rằng: “Ta lấy mạng sống Ta mà thề - sấm ngôn của Chúa là Chúa Thượng - Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống. Hãy trở lại, hãy từ bỏ đường lối xấu xa của các ngươi mà trở lại. Sao các ngươi lại muốn chết, hỡi nhà Israel?” (Êdêkiel 33: 11).

Cuộc đối thoại giữa Abraham và Thiên Chúa cũng là một bài học về sự kiên trì trong cầu nguyện. Abraham không ngừng hạ thấp con số người công chính, từ năm mươi xuống mười, và Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn lắng nghe. Điều này mặc khải một Thiên Chúa không chỉ công minh mà còn đầy lòng nhân hậu.

2. Phép rửa đem lại sự sống mới trong Chúa Kitô

Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng qua phép rửa, chúng ta được mai táng với Chúa Kitô và cùng sống lại với Ngài. Tội lỗi bị đóng đinh vào thập giá, và chúng ta được tha thứ hoàn toàn: “Anh em đã cùng được mai táng với Chúa Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Ngài, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Ngài trỗi dậy từ cõi chết…Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta” (Cl 2:12-13)

Thánh Tôma Aquinô giải thích: “Phép rửa là bí tích của sự chết và sự sống lại. Bí tích đó xóa bỏ tội nguyên tổ và ban cho linh hồn sự sống mới trong ân sủng” (Tổng luận thần học, chương III, quyển 66)

Đức Phanxicô nói: “Bí tích Rửa tội làm cho chúng ta được tái sinh trong đời sống Kitô hữu. Đây là lý do tại sao tôi khuyên anh chị em nên dạy cho con cái mình về ngày Rửa tội, giống như ngày sinh nhật mới: để hàng năm chúng nhớ và cảm tạ Chúa vì hồng ân được trở thành Kitô hữu” (Bài giảng ngày 08/01/2023, Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa).

Qua phép rửa, chúng ta không còn là những kẻ chết trong tội lỗi, nhưng là những người sống trong ân sủng. Thiên Chúa đã “xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Ngài đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá” (Cl 2: 14). Đây là hành động yêu thương tuyệt đối, là sự giải thoát khỏi xiềng xích của tội lỗi và lề luật gò bó xưa cũ.

3. Cầu nguyện trong kiên trì và tín thác

Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, và kể dụ ngôn về người bạn quấy rầy. Ngài khẳng định: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11: 9).

Dụ ngôn người bạn quấy rầy không nói về việc làm phiền Thiên Chúa, mà là sự kiên trì trong đức tin. Thiên Chúa không phải là người bạn khó chịu, nhưng là Cha nhân lành, luôn sẵn sàng ban Thánh Thần cho những ai cầu xin.

Chính Chúa Kitô dạy cho các môn đệ của Ngài cầu nguyện qua lời Kinh Lạy Cha. Đó là lời cầu nguyện chứa đầy niềm tin, do chính “Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha, đó là Chúa Giêsu Kitô, Đấng Công Chính” (1 Ga 2: 1) của chúng ta kêu cầu lên Thiên Chúa Cha. Chúa Kitô biện hộ cho chúng ta, hãy để chính Ngài lên tiếng, như lời Thánh Vịnh: “Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại,lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên” (Tv 91: 15). Ngài là Đấng “cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2: 3) cho nhân loại tội lỗi.

Thánh Gioan Đamascênô từng nói: “Oratio est ascensus intellectus in Deum; oratio est petitio decentium a Deo - Cầu nguyện là nâng tâm trí lên Thiên Chúa và xin những điều phù hợp với Thiên Chúa.” (De Fide Orthodoxa - Đức tin Truyền thống, quyển III, chương 24). 

Đức Bênêđictô XVI viết: “Cầu nguyện không phải là ép buộc Thiên Chúa, nhưng là mở lòng mình ra để đón nhận điều Ngài muốn ban” (Chúa Giêsu thành Nadarét, Phần II).

Tại giáo họ Tân Hòa – một họ đạo nhỏ thuộc giáo phận Xuân Lộc, trong suốt hơn 10 năm, người dân nơi đây chỉ có một mái nhà lá đơn sơ để dâng lễ và cầu nguyện. Trời nắng thì nóng, trời mưa thì dột. Nhưng trong suốt từng ấy năm, cha xứ không ngừng cùng bà con giáo dân cầu nguyện. Không chỉ cầu xin có nhà thờ, mà cầu nguyện để vững tin giữa bao thiếu thốn. Có lúc tưởng chừng mọi cố gắng sẽ vô ích. Đơn xin đất bị từ chối nhiều lần. Kinh phí không có. Chính quyền e dè. Nhưng cha xứ và giáo dân không ngừng “xin, tìm và gõ” như lời Chúa dạy (Lc 11: 9).

Cha xứ tâm sự: “Tôi không dám cầu xin điều gì to lớn, chỉ cầu xin như một đứa con thưa với Cha mình: Lạy Cha, nếu Cha thấy điều này đẹp lòng Cha, xin cho nó xảy ra theo ý Cha.”

Sau gần một thập kỷ cầu nguyện, vào năm 2020, giấy phép xây dựng được cấp, và một ngôi nhà thờ mới khang trang đã mọc lên trên chính mảnh đất khô cằn ngày xưa. (Báo Công giáo và Dân tộc, số 2253, tháng 10/2020). 

Câu chuyện này chính là minh họa sống động cho dụ ngôn “người bạn quấy rầy” (Lc 11:5-13). Nhưng điều cha Giuse và bà con giáo dân làm không phải là “làm phiền” Thiên Chúa, mà là kiên trì trong tín thác. Cha xứ và bà con giáo dân không đòi Chúa làm theo ý mình, nhưng mở lòng đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa, như Đức Bênêđictô XVI viết: “Cầu nguyện không phải là ép buộc Thiên Chúa, nhưng là mở lòng mình ra để đón nhận điều Ngài muốn ban.” 

4. Lời mời gọi sống đức tin

Abraham cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho thành Sôđôma, và Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ nếu có người công chính. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện với lòng tin tưởng, vì Thiên Chúa là Cha nhân lành, không xa cách, nhưng gần gũi và lắng nghe, không chỉ là Đấng xét xử, mà còn là Đấng cứu độ, là Cha yêu thương. Qua phép rửa, chúng ta được sống lại trong Chúa Kitô, được tha thứ và trở nên công chính.

Chúng ta được mời gọi sống đức tin một cách sâu sắc hơn:

  • Hãy cầu nguyện với lòng kiên trì, như Abraham đã làm, như người bạn quấy rầy trong dụ ngôn. 

  • Hãy sống như người đã được tái sinh, không còn bị ràng buộc bởi tội lỗi, nhưng sống trong ân sủng. 

  • Hãy tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, ngay cả khi thế gian đầy bóng tối.

Năm 1995, Elaine bị một kẻ lạ mặt bắn khi cô đang ở trong xe hơi của mình. May mắn cô chỉ bị xây sát nhẹ, nhưng sau vụ việc, cô bị rơi vào chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (Post Traumatic Stress Disorder), luôn sợ hãi tột độ và run rẩy không kiểm soát. Trong lúc tuyệt vọng, Elaine đã kêu cầu Thiên Chúa. Cô kể lại rằng ngay lúc đó, cô cảm nhận được một sự bình an mạnh mẽ, như một luồng sóng, bao phủ lấy cô, làm dịu thần kinh và mang lại sự tĩnh lặng nội tâm. Cô tin chắc rằng đó là sự hiện diện của Chúa Kitô.

Elaine không chỉ được chữa lành về mặt tâm lý, mà còn cảm nhận được ơn tha thứ. Sau đó cô bắt đầu cầu nguyện xin Chúa ban cho cô sức mạnh nội tâm để có thể tha thứ cho kẻ đã tấn công mình, và liên tục cầu nguyện cho người đó, một người mà cô chưa từng biết tên. Cô chia sẻ: “Tôi cũng là một tội nhân, không khác gì người đã tấn công tôi. Nếu Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi, thì tôi cũng phải tha thứ cho anh ta.” Elaine còn nói rằng cô đã tìm thấy sức mạnh trong Lời Chúa, đặc biệt là 2 Timôthê 1: 7: “Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ.” (relevantradio.com/2019/09/one-womans-incredible-experience-of-gods-mercy). 

Để sống đức tin, cầu nguyện kiên trì và tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta hãy bắt đầu từ những công việc nhỏ, nhưng với tình yêu lớn lao, và rồi chúng ta có thể tạo nên những điều phi thường. Thánh Têrêsa Calcutta từng nói: “Không phải tất cả chúng ta có thể làm những việc lớn, nhưng chúng ta có thể làm những việc nhỏ với tình yêu lớn.” 

 

Nguồn tin: Phêrô Phạm Văn Trung ​​​​​​​

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập58
  • Hôm nay11,454
  • Tháng hiện tại366,273
  • Tổng lượt truy cập39,458,764
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây