Nếu cá cần nước để sống, thì người Kitô hữu chúng ta cũng cần cầu nguyện như thế mới có thể sống trong đời sống đức tin. Trọng tâm của phụng vụ Lời Chúa hôm nay chính là mầu nhiệm cầu nguyện.
Tôi không có ý định trình bày về định nghĩa cầu nguyện, bởi tất cả chúng ta đều biết cầu nguyện là gì. Nhưng trong bài giảng hôm nay, tôi xin chia sẻ hai ý nghĩa quan trọng của đời sống cầu nguyện. Khi sống và thực hành hai ý nghĩa này, chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời cho những thắc mắc thường gặp trong đời sống đức tin.
I. CẦU NGUYỆN LÀ TƯƠNG QUAN GIỮA CHA VÀ CON
Chúng ta thường tự hỏi: Tại sao có những lúc mình cầu xin mà Chúa dường như im lặng? Liệu cầu nguyện có phải chỉ là xin – rồi Chúa sẽ ban – như một điều kiện giao dịch?
Ý nghĩa thứ nhất của cầu nguyện, đó là: đi vào một mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, như tương quan giữa người Cha và người con.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca thuật lại việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện qua Kinh Lạy Cha. Tin Mừng theo thánh Mátthêu còn làm nổi bật hơn mối tương quan đó: chúng ta được phép gọi Thiên Chúa là “Cha”.
Đối với người Do Thái, kể cả là bậc thánh nhân, việc gọi Thiên Chúa là Cha là điều vô cùng táo bạo – thậm chí không dám nghĩ tới. Nhưng chính Chúa Giêsu, là Trưởng Tử trong đoàn em đông đúc, đã dạy các môn đệ gọi Thiên Chúa là “Cha chúng con”.
“Lạy Cha chúng con ở trên trời” – lời mở đầu ấy là một lời tuyên xưng đức tin: Thiên Chúa là Cha, và là Cha của tất cả nhân loại, chứ không của riêng ai. Không phải là “Cha của con”, nhưng là “Cha chúng con”, để diễn tả tình yêu liên kết, một tương quan cá vị nhưng không tách biệt khỏi cộng đoàn.
Đó là mối tương quan sống động – nơi con cái có thể giãi bày, nài xin, và hiểu thấu lòng cha mình.
Mối tương quan ấy được thể hiện rõ ràng qua bài đọc I, trích sách Sáng Thế: tổ phụ Ápraham đối thoại với Đức Chúa về số phận của hai thành Xơđôm và Gômôra. Khi nghe Chúa định phạt hai thành vì tội lỗi, ông Ápraham đã mạnh dạn “mặc cả” với Thiên Chúa:
“Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt cả người lành với kẻ dữ sao? Nếu có năm mươi người công chính thì sao? Ngài là Đấng công minh mà lại huỷ diệt tất cả sao?”
Tổ phụ đã liên tục thưa với Chúa: nếu có 40, 30, 20… rồi đến mức cuối cùng: “Lạy Chúa, xin đừng giận, cho con nói thêm một lần nữa: nếu chỉ có 10 người thì sao?” Và Đức Chúa trả lời: “Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ.”
Ở đây, Kinh Thánh nhấn mạnh: “Nếu Ta tìm được mười người”, chứ không phải Ápraham tìm được. Chính Thiên Chúa là Đấng tìm kiếm con người công chính, để có lý do tha thứ và cứu vớt.
Hình ảnh này tiên trưng cho chính Đức Giêsu Kitô, như thánh Phaolô trong bài đọc II đã nói: Người đã “xoá nợ bất lợi cho chúng ta” bằng cách đóng đinh nó vào thập giá (x. Cl 2,14).
Nếu thời Ápraham, chỉ cần mười người công chính, thì nay chỉ cần một mình Đức Giêsu, người công chính duy nhất, đã cứu độ toàn thể nhân loại.
Thánh Phaolô trong thư Rôma cũng viết: “Vì một người công chính đã chết thay cho mọi người, nên mọi người được ơn tha thứ” (x. Rm 5,18).
Đó là tương quan của tình yêu, của sự liên đới. Và cầu nguyện, trong ý nghĩa đầu tiên, chính là đi vào tương quan sống động với Thiên Chúa là Cha, để giãi bày, xin tha thứ, và đón nhận lòng thương xót.
II. CẦU NGUYỆN LÀ TÌM KIẾM VÀ VÂNG PHỤC THÁNH Ý CHÚAChúng ta thường cầu xin những điều mình nghĩ là tốt. Nhưng không phải điều gì chúng ta cho là tốt thì trong ý định của Chúa cũng là tốt. Vì Thiên Chúa thấy rõ tương lai, thấy cả chiều sâu và hậu quả của những điều xảy đến.
Chúng ta là những con người giới hạn, thiển cận, còn Thiên Chúa là Đấng toàn tri. Do đó, cầu nguyện đúng đắn không chỉ là xin điều mình muốn, mà là tìm kiếm và vâng phục thánh ý Chúa. Điều này được thể hiện rõ trong lời Kinh Lạy Cha – lời cầu nguyện quan trọng nhất, đúng nhất và hiệu quả nhất:
Quan trọng, vì chính Chúa Giêsu dạy chúng ta;
Đúng nhất, vì lời cầu ấy đặt danh Chúa, nước Chúa, ý Chúa lên hàng đầu;
Hiệu quả nhất, vì trong lời cầu ấy, chúng ta không chỉ xin cho mình, mà xin cho cả cộng đoàn nhân loại – như tổ phụ Ápraham đã cầu xin cho toàn dân.
Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta xin:
“Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”: không chỉ là bánh vật chất, mà còn là bánh thiêng liêng – Lời Chúa và Thánh Thể.
“Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha”: một lời mời gọi sống tha thứ.
“Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”: xin sức mạnh trong thử thách.
Tất cả những điều ấy chỉ có thể thực hiện được nếu ta sống trong tương quan vâng phục thánh ý Thiên Chúa.
III. MỜI GỌI CẦU NGUYỆN HẰNG NGÀY – BỔN PHẬN CỦA NGƯỜI KITÔ HỮUKính thưa cộng đoàn,
Hai ý nghĩa lớn lao của cầu nguyện:
Là sống tương quan với Thiên Chúa là Cha – Đấng yêu thương, thấu hiểu, và sẵn sàng tha thứ;
Là tìm hiểu, vâng phục và sống theo thánh ý Chúa – vì đó là điều tốt lành nhất cho cuộc đời chúng ta.
Xin cho mỗi lần chúng ta đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta không chỉ đọc bằng miệng, nhưng bằng trái tim và bằng cả đời sống. Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta thốt lên từ nội tâm: “Áp-ba! Lạy Cha!”, và sống theo điều đẹp lòng Cha.
Hãy nhớ lời thánh nữ Jeanne d’Arc: “Thiên Chúa phải được phục vụ trước tiên” – nghĩa là, cầu nguyện phải là ưu tiên số một trong đời sống người Kitô hữu.
Kitô hữu mà không biết cầu nguyện thì chẳng khác gì cá không có nước – và rồi sẽ chết.
Vì thế, xin cho tất cả chúng ta biết dành thời gian cho Chúa mỗi ngày, trong từng giây phút, để:
Sống trong tương quan với Người;
Tìm kiếm thánh ý Người;
Và nhờ đó, có thể xây dựng một tương quan tốt đẹp với tha nhân. Amen.
Nguồn tin: Lm. Phêrô Lâm Phước Hùng, O.P.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn