Kể từ lời nguyện ngợi khen Đức Giê-su dâng lên Chúa Cha (x. Lc 10,21-22), chương 11 đã minh họa, bằng nhiều cách khác nhau, thái độ người môn đệ phải có đối với Thiên Chúa. Việc Đức Giê-su cầu nguyện, thường được Luca nêu bật, ở đây dùng làm khởi điểm cho một lời cầu xin. Giáo huấn ban ra gồm 2 phần: lời kinh của Chúa và dụ ngôn về đức kiên trì (kèm theo áp dụng).
Lời Kinh Của Chúa
Để đối thoại với Đấng Toàn Tha, vấn đề không nằm ở việc cầu nguyện nhưng ở nội dung lời cầu nguyện cũng như ở cách cầu nguyện. Vì thế một môn đệ đã xin Đức Giê-su văn bản của một lời kinh để thêm vào các kinh nguyện chính thức của cuộc sống Do-thái, đồng thời đặc trưng cho nhóm của họ, bắt chước lời kinh – chúng ta không biết – mà vị Tẩy giả từng sử dụng với môn đệ của mình.
Phiên bản lời kinh của Chúa mà Lu-ca đã thừa hưởng ngắn hơn phiên bản của Mát-thêu (6,9-13); nó gồm một tiếng kêu, hai nguyện vọng và ba thỉnh cầu. Các môn đệ trước hết được mời gọi, được cho phép ngỏ với Thiên Chúa bằng cách lấy lại hạn từ mà Tôn sư vẫn sử dụng trong lời cầu nguyện của Người: “Lạy Cha” (Abba = Ba ơi! [dịch sát] x. 10,21); chiều sâu mối quan hệ của họ với Thiên Chúa đã chẳng được mạc khải cho họ sao (x. 10,22)? Bấy giờ mới trình bày hai nguyện vọng vốn có một song song trong bài kinh Do-thái Qaddish: Thánh danh Cha vinh hiển (Xin Đức Chúa can thiệp và tỏ mình như Thiên Chúa với khuôn mặt phô bày, cầu Người làm cho mình được nhận biết!) và Triều đại Cha mau đến (Xin Đức Chúa đích thân tới và bày tỏ sự hiện diện uy nghi lẫn công hiệu của Người!). Dưới hai hình thức khác nhau, cùng một lời cầu khẩn khoản được trình bày: “Lạy Cha, xin ngự đến!”; Thiên Chúa là “đối tượng” duy nhất của lời cầu nguyện ngỏ với Người (c. 2).
Chỉ trong nhịp thứ hai mà các môn đệ mới đặt ra ba thỉnh cầu cho bản thân, với tư cách họ làm thành một cộng đoàn (việc dùng chữ “chúng con” c.3-4). Thỉnh cầu đầu tiên nhắm đến bánh (lương thực) mà họ cần mỗi ngày để đủ sức tiếp tục con đường của mình. Thoạt tiên có một ám chỉ man-na, bánh từ trời từng hồi phục dân Thiên Chúa trong cuộc Xuất hành và, theo niềm mong đợi của dân Do-thái, sẽ lại được ban như lương thực cho cộng đoàn thời cánh chung. Nơi Lu-ca, các tín hữu được kêu gọi xin bánh nuôi sống này (bánh vật chất lẫn bánh thiêng liêng) cho từng ngày một. Thỉnh cầu thứ hai: xin Thiên Chúa tha tội cho chúng con! Điều đó tuyệt đối cần thiết để chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa đang đến, mà chẳng như thể bị quật ngã bởi sự thánh thiện sáng chói của Người. Sự tha thứ thần linh là một ơn ban không, ta chẳng bao giờ đáng được, nhưng vẫn phải có khả năng đón nhận nó. Thế mà từ chối thứ tha cho người khác, đó chẳng phải là liều mạng khép lòng mình trước ơn tha thứ của Thiên Chúa sao? Thỉnh cầu cuối cùng: xin cho chúng con khỏi sa chước cám dỗ, cám dỗ từ khước, loại trừ, bỏ rơi Đức Giê-su Ki-tô (x. 8,13; 22,40).
Đáng kinh ngạc nhất trong lời kinh của Chúa, đó là dù hết sức lo đặt Ngôi Cha vào trung tâm, nó chẳng nói một lời về Ngôi Con được Người sai tới. Sự vắng bóng Ki-tô học này là một trong những điều ý nghĩa nhất: thoát khỏi mọi bận tâm quy ngã, Đức Giê-su hướng đôi mắt về Cha mình. Cũng hãy nhận ra một sự im lặng khác. Đang lúc kinh nguyện mang tính phổ quát nhất của Do-thái, Qaddish, đề cập đến “nhà Ít-ra-en”, “thành Giê-ru-sa-lem”, “Đền thờ” và “Thánh địa”, thì ở đây chẳng có ghi chú địa lý nào. Các nơi thánh đã ngừng hiện hữu; lời kinh này có thể được thốt lên bởi mọi dân tộc.
Dụ Ngôn Về Đức Kiên Trì
Qua dụ ngôn đi tiếp và chỉ thuộc riêng mình, Lu-ca nêu bật một khía cạnh trong lời kinh của Chúa: đó là cầu nguyện xin ơn. Thế mà trong lãnh vực này, phải biết tỏ ra kiên trì trước Thiên Chúa; điều ấy quan trọng đối với Lu-ca đến độ ông sẽ lặp lại giáo huấn này, nơi 18,1-5, bằng một dụ ngôn khác (quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy).
Câu hỏi đầu tiên buộc thính giả phải lôi mình vào, đưa ra một phán đoán cá nhân, đang khi chính Đức Giê-su sắp cung cấp rõ ràng lời áp dụng (x. c.8). Chính toàn bộ câu chuyện soi sáng các tương quan của con người với Thiên Chúa trong việc cầu nguyện. Sẽ sai lầm nếu tách biệt mỗi một yếu tố của nó và tưởng tượng rằng, ví dụ vậy, lời cầu nguyện của con người đánh thức Thiên Chúa hay Thiên Chúa trả lời chỉ để thoát khỏi những kẻ quấy rầy. Dụ ngôn gồm ba nhân vật. Kẻ lì lợm có hai người bạn không quen biết nhau. Sở dĩ anh đến nửa đêm gõ cửa nhà một trong hai để vay bánh, đó là vì người kia ở xa vừa tới nhà anh bất ngờ và xin ở lại. Hãy lưu ý: anh bạn mà kẻ đang ngủ bị đánh thức muốn đuổi khéo chẳng xin chi cho mình; và chính cho anh mà việc khách đến bất chợt gây phiền nhiễu hơn cả! Anh nại đến tình bạn để có được ba cái bánh, nhưng người kia từ chối theo anh trong chuyện này. Kết luận của Đức Giê-su đi từ chính việc từ chối hành động vì tình bạn như thế; động lực khác sẽ khiến kẻ ngái ngủ phải cho cái mà anh bạn cần: tính lì lợm của việc yêu cầu đang đêm. Đức kiên trì cuối cùng toàn thắng. Trong việc chinh phục tình yêu, Việt Nam ta cũng có ngạn ngữ: “Nhất lì, nhì đẹp trai”, “Nhất đẹp trai, nhì chai mặt”!
Đức Giê-su tiếp tục lời dạy của mình kiểu long trọng (c. 9a) bằng cách nới rộng phạm vi câu chuyện được kể trong dụ ngôn. Giáo huấn ở đây đến từ “Nguồn của mọi lời”. Người mời môn đệ hãy cầu nguyện (c. 8) bằng cách đi từ một giả định của khôn ngoan trần thế (c. 9). “Tìm” là một chữ được Thánh Kinh dùng để gợi lên việc cầu nguyện (x. Tv 124,6; 27,8). Như một hiền nhân, Đức Giê-su kể ra 3 cách khẩn cầu: xin, tìm, gõ cửa, rồi kết quả của mỗi một việc ấy. Tuy nhiên sự nhấn mạnh không nằm trên tính kiên trì của con người mà trên ân huệ thần linh; ba động từ ở thể thụ động nhắm đến hoạt động của Thiên Chúa. Con người phải tin tưởng Đấng tặng ban và mở cửa.
Hai minh họa lúc ấy được đưa ra để biện minh cho một lòng tin tưởng như vậy. Như trong dụ ngôn, một câu hỏi đến chất vấn trực tiếp thính giả: Ai trong anh em là một người cha...? Từ liên hệ bạn bè được dụ ngôn minh họa, người ta chuyển sang liên hệ cha con. Lý luận “huống hồ”, dẫn từ thái độ phi lý sang thái độ hợp lý, dựa trên vẻ giống nhau giữa một con cá với một con rắn, giữa một quả trứng với một con bò cạp. Vậy mà không ông cha nào trên trần gian làm con mình thất vọng bằng cách sử dụng sự giống nhau đầy lừa lọc ấy. Đó chẳng phải là kinh nghiệm thường nhật của mỗi người sao?
Cần phải rút ra từ đó bài học (c. 13) bằng cách khai triển việc so sánh giữa Cha trên trời với cha dưới thế. Lòng nhân hậu của Thiên Chúa đâu đồng kích thước với lòng nhân hậu của phụ mẫu trần gian. Thành thử ta phải kết luận rằng các ân huệ của Người vô cùng tốt hơn của họ. Nơi mà Nguồn mọi lời, từ đó thánh sử kín múc cho các câu 9-13, từng quả quyết rằng “Thiên Chúa sẽ ban các của tốt cho những kẻ xin Người” (Mt 7,11), thì ân huệ tối cao Chúa Cha ban cho con cái mình được Lu-ca nói rõ: đó là Thánh Thần. Trên thực tế, trong sách Công vụ, Thánh Thần sẽ xuất hiện như ân huệ đặc trưng của Thiên Chúa vào thời cánh chung (Cv 2,33.38).
Kinh nghiệm về việc cầu nguyện kiên trì, một vĩ nhân từng có được qua câu chuyện dưới đây. Cậu bé nông dân 15 tuổi bang Kansas, Hoa Kỳ, bị té trầy đầu gối. Đến đêm, vết trầy bắt đầu đau và hai ngày sau thì làm cậu nhức chẳng chịu nổi. Bác sĩ cho biết: “Có lẽ không cứu được chân chú bé đâu! Nếu tệ hơn, chúng ta đến phải cưa chân cậu!” Chú bé ngày càng sốt. Bác sĩ tin chắc chỉ có phép mầu mới cứu cậu nổi. Thế là gia đình bắt đầu cầu nguyện. Bà mẹ, ông bố và 4 anh em trai quỳ bên giường cậu van xin Chúa hầu như suốt ngày đêm, chỉ dành chút giờ làm những việc cần thiết hơn cả. Gần một tuần sau, bác sĩ ngạc nhiên thấy vết thương bớt sưng và cậu bé đã ngủ ngon giấc. Ba tuần sau đó, Dwight David Eisenhower, thống tướng và tổng thống tương lai của Hoa Kỳ, đã đi lại được.
Viết theo Claude Tassin, Jacques Hervieux
Nguồn tin: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn