CẦU NGUYỆN ĐÚNG CÁCH

Thứ bảy - 26/07/2025 10:44
tải xuống (5)
tải xuống (5)

Cầu nguyện giữ một vai trò thiết yếu trong đời sống đức tin của Ki-tô hữu. Đó không chỉ là hành động thưa chuyện với Thiên Chúa, mà còn là sự gắn bó mật thiết, là nhịp sống tâm linh giúp con người lắng nghe, mở lòng và tín thác vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Trong một thế giới hiện đại và đầy vội vã, bùng nổ công nghệ, đặc biệt là trí khôn nhân tạo (AI), con người đang đứng trước một nghịch lý: càng tiến bộ về kỹ thuật, lại càng có nguy cơ đánh mất chính mình. Khi hiệu suất, tốc độ và dữ liệu trở thành thước đo của giá trị, thì đời sống tinh thần, chiều sâu nội tâm, nhất là tình người, lòng bác ái và các mối tương quan người với người, người với Thiên Chúa dễ bị bỏ quên.

Cầu nguyện trở nên khó khăn, thậm chí bị xem là lạc hậu. Tuy nhiên, nhìn vào Chúa Giê-su, bậc thầy của cầu nguyện. Kinh Lạy Cha, khuôn mẫu của lời cầu, Áp-ra-ham, con người của cầu nguyện, chứng tỏ cầu nguyện thật cần thiết biết bao trong đời sống Ki-tô hữu.

Kinh Lạy Cha, lời cầu Chúa Giê-su dạy

Thấy Chúa Giê-su cầu nguyện, các môn đệ thưa : “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện.“(Lc 11,1). Chúa đã không chỉ dạy một lời kinh, nhưng mở ra một con đường sống: Kinh Lạy Cha, bài học cho người môn đệ và là lời cầu nguyện khuôn mẫu của các Ki-tô hữu.

Khi Chúa Giê-su dạy các môn đệ gọi Thiên Chúa là “Cha“, Người mạc khải cho các ông biết Thiên Chúa là một người Cha gần gũi, yêu thương.

Dạy các môn đệ cầu xin cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện” (Lc 11,2), Chúa Giê-su muốn các ông đặt ưu tiên cho Thiên Chúa trước hết, rồi mới đến nhu cầu cá nhân. Thánh Cy-pri-a-nô viết: “Chúng ta không thể gọi Thiên Chúa là Cha, nếu sống ích kỷ, không yêu thương anh em.” Ngài nhấn mạnh, cầu nguyện không tách rời đời sống. Cầu nguyện đúng là cầu nguyện bằng con người thật của mình, và để lời cầu ấy biến đổi chính mình.

Sau Kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su kể dụ ngôn người bạn đi xin bánh lúc nửa đêm. Người ấy không xin cho mình, mà cho người bạn lỡ đường. Người chủ nhà tuy đã đóng cửa, nhưng vì lòng kiên trì nài nỉ, ông đã dậy và cho người kia điều cần. Dụ ngôn mạc khải hai điều nền tảng của đời sống cầu nguyện: Cầu nguyện cần kiên trì, không nản chí khi chưa thấy kết quả.

Cầu nguyện là hành vi liên đới, là lo cho người khác, không phải chỉ lo cho bản thân. Thánh Tê-rê-sa A-vi-la nói rất sâu sắc: “Cầu nguyện không phải là nói nhiều, nhưng là ở lại trong tình thân mật với Đấng biết rõ lòng ta.”

Điều Thiên Chúa muốn ban không phải là những của cải chóng qua, mà là chính Thánh Thần của Ngài (x. Lc 11,13). Đó là điều quý nhất mà người cầu nguyện sẽ nhận được: Chính Thiên Chúa chứ không phải điều gì khác ngoài Chúa.

Gương của Abraham

Từ cây sồi ở Mam-brê, Thiên Chúa tỏ ý định của Ngài cho Áp-ra-ham (x. St 18,1). Nhận ra lòng thương xót Chúa, Áp-ra-ham đã thưa cùng Chúa: “Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành, họ cũng chết chung hay sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục người công chính đang ở trong đó sao?” (St 18, 24-25). Ông đã can đảm “mặc cả” với Thiên Chúa để xin tha cho thành Sô-đô-ma, nếu tìm được người công chính.

Ông đi từ nỗi sợ hãi đến lòng tin tưởng; từ một người cầu xin vụ lợi đến một người trung gian cho người khác. Đây là khuôn mẫu của cầu nguyện đích thực: không qui về mình, mà dấn thân cho sự sống của tha nhân. Câu chuyện không chỉ cho thấy lòng nhân từ của Thiên Chúa, mà còn dạy ta sự can đảm và kiên trì trong lời cầu nguyện. Không phải Thiên Chúa thay đổi, nhưng Áp-ra-ham thay đổi.

Vốn thương người, Áp-ra-ham đã cầu nguyện. Ông kêu van Chúa đã nhận lời. Đúng như Thánh Gio-an Kim Khẩu viết :“Cầu nguyện là vũ khí mạnh mẽ hơn cả gươm giáo. Áp-ra-ham không dùng vũ lực, nhưng chỉ dùng lời khẩn cầu, và ông đã được Chúa nghe.”

Chúng ta được mời gọi bước vào lời cầu nguyện của Áp-ra-ham, không phải để đòi hỏi điều mình muốn, mà để chia sẻ tâm tình của Thiên Chúa, Đấng muốn cứu độ chứ không tiêu diệt.

Sống cầu nguyện trong thời đại hôm nay

Trong bối cảnh hôm nay, với những thành tựu trí tuệ và công nghệ vượt bậc, việc cầu nguyện có vẻ lỗi thời, thậm chí phi lý. Tại sao lại nói chuyện với một Đấng vô hình? Có gì bảo đảm rằng lời cầu của tôi được lắng nghe?

Chính trong bối cảnh ấy, lời cầu nguyện trở nên một hành vi tri thức trưởng thành nhất, bởi nó thừa nhận giới hạn của lý trí và mở lòng trước một thực tại siêu việt. Công đồng Vatican II, trong Hiến chế Gaudium et Spes, viết: “Chính khi quên Thiên Chúa, con người cũng không còn hiểu chính mình.” (GS 36)

Cầu nguyện là cách để con người trở về với bản thể sâu xa nhất của mình, hình ảnh của Thiên Chúa. “Con người không thể sống trọn vẹn nếu không mở lòng đón nhận Thiên Chúa… chính trong thâm sâu của lòng mình, con người gặp gỡ Đấng Tuyệt Đối.” (GS 19)

Cầu nguyện không chỉ là một phần của đời sống Ki-tô hữu, nhưng là trung tâm. Cầu nguyện giúp ta: Biết điều mình cầu xin. Tin tưởng vào Chúa hơn vào sức riêng. Mở lòng ra với anh chị em.

Vậy, hãy cầu nguyện cho người khác như Áp-ra-ham, nhất là những người lầm lạc, tội lỗi, hoặc không có ai cầu thay cho họ. Cầu nguyện như Chúa Giê-su đã dạy, bằng một trái tim con thảo, sống điều mình cầu xin, “tha nợ cho người khác”, “làm theo ý Cha”.

Ước gì, mỗi lời “Lạy Cha” chúng ta thốt lên đều là một bước tiến trong hành trình nên thánh, và là một lời đáp lại tiếng gọi yêu thương của Đấng luôn lắng nghe. 

 

Nguồn tin: Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập47
  • Hôm nay11,454
  • Tháng hiện tại365,910
  • Tổng lượt truy cập39,458,401
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây