Người trẻ gốc Việt tại Mỹ về nước làm giàu

Thứ tư - 28/09/2016 10:14

Người trẻ gốc Việt tại Mỹ về nước làm giàu

Cha mẹ họ rời quê hương cách đây hàng chục năm, song theo ghi nhận của Nikkei, những người trẻ lại quay về Việt Nam để tận dụng cơ hội kinh doanh tại đây.

"Chúng ta đã đánh đổi mọi thứ để cả gia đình sang Mỹ, thế mà giờ con lại muốn quay về à?", mẹ của Esther Nguyen không hài lòng khi biết con gái có ý định về Việt Nam mở cửa hàng. Nguyen là con cái của thế hệ người Việt đầu tiên sang Mỹ định cư cách đây vài chục năm. Giờ đây, họ lại coi quê hương của cha mẹ mình là miền đất hứa.

Nguyen hiện là nhà sáng lập kiêm CEO Pops Worldwide - công ty phân phối và quản lý nội dung số tại TP HCM. Văn phòng của họ có không gian khá sáng sủa, hiện đại với các nhân viên trẻ, mặc trang phục thoải mái.

"Tháng 11 này, tôi sẽ sinh con tại Việt Nam. Tôi không thể đi xa quá lâu được. Nếu quay về Mỹ, tôi sẽ phải ở đó 2 tháng trước khi sinh, rồi 3-4 tháng sau sinh. Công ty đang tăng trưởng rất nhanh, tôi không thể vắng mặt 6 tháng như thế được. Lâu quá", cô cho biết.

nguoi-tre-goc-viet-tai-my-ve-nuoc-lam-giau

Esther Nguyen tại công ty ở Việt Nam. Ảnh: Nikkei

Nguyen sinh ra tại Michigan và lớn lên ở San Francisco. Cha mẹ cô từ Sài Gòn sang Mỹ định cư hồi thập niên 70. Khi đến nơi ở mới, họ mở một trạm xăng và cửa hàng tự chọn nhỏ. "Đây là câu chuyện thành công kiểu Mỹ điển hình", cô cho biết.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Nam California năm 1998, cô bắt đầu bán mỹ phẩm online, rồi tham gia lĩnh vực công nghệ xanh. Nhưng cả hai đều thất bại. Rồi cô theo học ngành luật tại Đại học Golden Gate.

Kể cả như vậy, Nguyen cũng chưa bao giờ từ bỏ ước mơ kinh doanh. Năm 2007, cô rời Mỹ về Việt Nam. Khi làm việc cho một công ty IT, cô thường xuyên phải tới một trung tâm lập trình ở Hà Nội và đã nhận ra cơ hội lớn tại đây.

Lấy cảm hứng từ dịch vụ nghe nhạc trực tuyến, Nguyen quyết định sử dụng kiến thức luật của mình và kinh nghiệm khi làm việc tại Silicon Valley để lập một công ty bảo vệ bản quyền nội dung số. Ban đầu, chẳng mấy người coi trọng công ty của cô. Nhưng sự bùng nổ smartphone đã khiến nhu cầu nội dung số tăng cao. Nắm bắt được cơ hội sớm, Pops Worldwide hiện sở hữu gần 90% nội dung âm nhạc tại Việt Nam với tổng lượt xem mỗi tháng 1,2 tỷ.

Dĩ nhiên, Nguyen cũng phải đối mặt với sự khác biệt về văn hóa giữa hai nước. "Tôi đến từ Thung lũng Silicon - nơi mọi thứ chuyển động rất nhanh. Việt Nam thì không như vậy. Cái gì cũng cần thời gian - rất từ từ", cô nói.

Eddie Thai là đối tác tại Việt Nam của quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups. Anh tốt nghiệp Đại học Harvard, rồi làm việc cho một công ty tư vấn của Mỹ. Dù có mức lương cao tại công ty quyền lực, anh vẫn cảm thấy thiếu một thứ gì đó.

nguoi-tre-goc-viet-tai-my-ve-nuoc-lam-giau-1

Eddie Thai là đối tác tại Việt Nam của 500 Startups. Ảnh: Nikkei

Nhớ lại chuyến du lịch đến Việt Nam năm 2001, khi còn là một thiếu niên, Thai cho biết: "Nó cực kỳ ấn tượng". Nhưng anh cảm thấy Việt Nam "còn phải đi chặng đường dài nữa mới tăng cường được các cơ hội kinh tế và nâng cao mức sống".

Khi đó, anh đã tưởng tượng sẽ về đây nghỉ hưu khi cha mẹ qua đời. Nhưng sau này, sự chán nản vì công việc, cộng thêm mong muốn giúp mọi người cải thiện cuộc sống đã khiến anh đồng ý ngay với cơ hội tại Việt Nam.

Thai hiện quản lý một quỹ đầu tư 10 triệu USD. "Tôi đang cân nhắc đầu tư vào hơn 100 công ty, chủ yếu thuộc fintech (công nghệ kết hợp tài chính), thương mại điện tử hoặc giáo dục trong vài năm tới, vì Việt Nam có rất nhiều kỹ sư tài năng", anh nói.

Một trong những thế mạnh của người Mỹ gốc Việt là khả năng kết nối với cộng động doanh nghiệp Mỹ. "Sự kết hợp giữa văn hóa doanh nghiệp phương Tây và trường đại học uy tín đã giúp tôi dễ dàng xây dựng niềm tin với các đối tác quốc tế tiềm năng", anh cho biết.

Rất nhiều người trong số họ được coi là cầu nối giúp doanh nghiệp Mỹ mở rộng việc kinh doanh tại Việt Nam. Năm 2014, McDonald’s đã chọn Henry Nguyen - người đứng đầu IDG Ventures Việt Nam làm đối tác nhượng quyền tại đây.

Henry cho biết: "Tôi nghĩ Việt kiều có thể làm cầu nối giữa các công ty Việt và công ty nước ngoài. So với người bản địa, họ có kiến thức và kinh nghiệm khác. Tôi tin rằng họ đang có ảnh hưởng đáng kể lên nền kinh tế Việt Nam". Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ - Barack Obama cũng nói với các doanh nhân rằng: "Chúng tôi nhận thấy nhiều người Mỹ gốc Việt đang tới đây để kinh doanh. Và việc này cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước".

Với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ có thể sẽ còn thắt chặt hơn nữa. Rất nhiều người trẻ cũng dường như không chịu ảnh hưởng từ lịch sử. "Tôi không mang vết thương tâm lý từ thời chiến tranh", Phan Kim Don – người điều hành website buôn bán đồ trẻ em online - TaEmBe.com cho biết.

Nhưng với thế hệ lớn tuổi hơn, tâm lý này vẫn còn khá nặng nề. Trung Dung (49 tuổi) - CEO iCare Benefits vẫn còn nhớ cuộc sống trong thời chiến tại Việt Nam, rồi đến những ngày trong các trại tị nạn ở Indonesia và thời gian đầu tới Mỹ năm 1985.

"Công việc đầu tiên của tôi là cọ toilet trong bệnh viện", ông nhớ lại. Dù gặp rất nhiều khó khăn, ông vẫn lấy được bằng Toán học và Khoa học Máy tính tại Đại học Boston. Cuối cùng, ông có việc làm tại một công ty IT.

Năm 1996, Dung thành lập OnDisplay và niêm yết công ty trên sàn Nasdaq một năm sau đó. Năm 2000, công ty đã đạt doanh thu 1,8 tỷ USD.

"Dù ban đầu, tôi không có ý định quay về Việt Nam vì những ký ức từ thời chiến, tôi vẫn cảm thấy nên làm gì đó cho quê hương mình", ông cho biết. Năm 2007, ông thành lập iCare Benefits, bắt đầu cung cấp "chương trình phúc lợi nhân viên" cho các khách hàng doanh nghiệp. Theo đó, kể cả các công nhân thu nhập thấp trong nhà máy cũng được dùng smartphone và các thiết bị điện qua chương trình trả góp lãi suất 0%.

Gần 900 công ty Việt Nam đã tham gia chương trình này. Và iCare Benefits đang lên kế hoạch mở rộng ra nhiều nước Đông Nam Á và Ấn Độ.

Làn sóng người gốc Việt về nước cho thấy Chính phủ Việt Nam đang rất muốn tận dụng kiến thức và kinh nghiệm của họ để làm công cụ tăng trưởng kinh tế. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối của Việt Nam năm ngoái đã đạt 13,2 tỷ USD - tăng gấp 4 trong 10 năm qua.

Phải mất một thời gian nữa, tác động dài hạn từ làn sóng này lên kinh tế Việt Nam mới có thể đong đếm. Tuy nhiên, với những người như Esther Nguyen hay Eddie Thai, mảnh đất này vẫn đang mang đến những cơ hội khổng lồ.

Hà Thu(theo Nikkei)

Tác giả bài viết: Hà Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập45
  • Hôm nay7,631
  • Tháng hiện tại24,468
  • Tổng lượt truy cập35,290,749
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây